Thụy Văn
![]() |
Những bức tường như đang di động và bề ngoài trông như trò chơi Jenga: Apartment số 681 Victoria Street, Abbotford (đối diện khu mua sắm Victoria Garden) là một phức hợp 567 căn hộ được xây làm 3 giai đoạn có tên Eden, Haven, Sanctuary vừa được giải thưởng hàng năm về kiểu cách độc đáo và sử dụng không gian một cách thông minh của Urban Development Institute Victoria Awards for Excellence. Hình: TVTS |
Ông bà mình có câu “an cư lạc nghiệp”. Người Việt có mặt ở Úc này sau 40 năm quả thật đã sống yên ổn và làm ăn vui vẻ…. Hội đoàn, báo chí đua nhau tổ chức kỷ niệm. Hết chính phủ liên bang tổ chức đến chính phủ tiểu bang. Thứ Tư tuần qua, Chính phủ Tiểu bang Victoria đã tổ chức tại Queens Hall của trụ sở Quốc hội một buổi tiệc chiêu đãi cộng đồng để thừa nhận việc “Kỷ niệm lần Thứ 40 người Việt Nam Định cư ở Úc”.
Người Việt định cư sống một cách yên ổn và làm ăn vui vẻ, thành công, đóng góp vào sự thịnh vượng của nước Úc đã được những tờ báo lớn đề cập trong những bài xã luận (editorial) của họ hồi gần đây khi so sánh cộng đồng Việt Nam với cộng đồng người Hồi giáo.
* * *
40 năm nhìn lại, Thụy Văn tôi muốn nhìn lại cuộc sống của mình, của đồng hương khi đến xứ này, những người đến đây bằng hai bàn tay trắng, như bản thân tôi tới xứ phúc địa này với đôi dép Nhật và một bộ áo quần mỏng trong cái lạnh mùa đông. Không thể nào quên được, dù đã gần 35 năm.
Nhìn lại 40 năm trong loạt bài viết này, Thụy Văn tôi muốn nói đến chuyện cái nhà của ta theo nghĩa đen chứ không phải “cái nhà là nhà của ta” một bài hát do linh mục giỏi Hán học Nguyễn Văn Thích làm. Nầy nhé! Một cái nhà của ta hay của ai đó ở vùng Richmond (TB Victoria) thời đó chỉ khoảng $35,000 mà nay đã trên dưới $1 triệu.
Thụy Văn tôi không phải là người bán địa ốc hay trung gian mua bán nhà đất nên sẽ không bị “xung đột quyền lợi” khi đề cập đến một bất động sản hay một vùng nào đó. Qua việc quan sát và bản thân cũng có chút kinh nghiệm về đầu tư địa ốc, hy vọng sẽ mua vui vài trống canh hay mang lại đôi điều bổ ích cho bạn đọc muốn đầu tư.
* * *
Trong tháng qua, truyền thông Úc gồm báo chí và truyền hình đã nói khá nhiều về tình hình địa ốc ở Melbourne. Khi thì cho rằng địa ốc sẽ tiếp tục tăng lên nữa. Lúc nói giá cả đã đụng trần nhà. Thậm chí một ký giả của một đài truyền hình nọ còn hù là bong bóng địa ốc sắp nổ.
Gần bốn thập kỷ qua, một số bạn đọc và Thụy Văn tôi đã nghe những lời bình của các thầy dùi địa ốc mệt nghỉ. Có thầy mở lớp huấn luyện đầu tư nhà đất nữa chứ và đã có học viên tan gia bại sản vì những chỉ giáo của các thầy đó.
Nhà cửa lên giá, khựng, xuống giá, rồi lên giá là chuyện bình thường. Nhưng như Thụy Văn tôi đã nói trước đây, địa ốc sẽ mãi mãi tăng bởi cầu nhiều, cung ít. Trái đất chỉ chừng đó, không phồng to hơn như bong bóng, không sản xuất thêm đất đai trong khi con người sinh sôi nảy nở một cách đáng ngại, nên nhà đất sẽ cứ tăng.
Nhưng giữa đầu tư nhà (house) với chung cư (apartment) ta nên bỏ tiền vào chỗ nào? Apartment cũng OK, nhưng nhà cửa với miếng đất thì lúc nào cũng an toàn và có lợi về lâu về dài. Bởi như đã nói, đất chỉ chừng đó nhưng người thì sinh sôi cấp số nhân, nên miếng đất của bạn biết đâu có ngày được người ta mua để xây apartment, cao ốc? Nghe và thấy những căn nhà xập xệ có miếng đất lớn hay căn nhà tầm thường ở mấy ngã tư được bán hai ba triệu hay năm sáu triệu mà phát thèm, phải không bạn?
* * *
Theo dõi báo chí hay truyền thanh truyền hình hoặc mạng lưới hàng ngày bạn sẽ thường xuyên nghe chuyện kinh tế trì trệ hay khủng hoảng tài chánh ở nước mình (Úc) hay trên thế giới.
Đầu thập niên 1980, mới tới Úc không xu dính túi, nghe chuyện trì trệ kinh tế (recession) ở Mỹ, Nhật và Châu mỹ La tinh thì Thụy Văn tôi cũng như nhiều bạn đọc cho rằng đó là chuyện thiên hạ.
Đến năm 1987, xảy ra vụ Thứ Hai Đen (Black Monday) hay Thứ Ba Đen (tùy múi giờ) do thị trường chứng khoán ở Hồng Kông bị sập, lan rộng sang Âu châu, ảnh hưởng tới Mỹ và cả thế giới. Trong vòng hơn tuần sau, thêm một vụ sập chứng khoán khác gọi là Thứ Năm Đen. Nhưng nước Úc của chúng ta gần như không hề hấn gì phần nào nhờ tài lãnh đạo của Tổng trưởng Ngân khố Paul Keating dưới thời Thủ tướng Bob Hawke.
Không hề hấn nhưng nhà cửa đã khựng hay xuống giá. Với tình hình như vậy nhiều người trong đó có người Việt tị nạn đã chụp cơ hội để ca bài “cái nhà là nhà của ta” để lùng mua những căn nhà với giá trung bình khoảng $130,000 mặc dầu lãi suất lúc đó lên tới 17%.
Năm 1990 nước Úc đi vào giai đoạn kinh tế trì trệ với câu nói để đời của ông Keating “đây là một cuộc trì trệ mà nước Úc phải có”. Lãi suất cao, thất nghiệp lên tới gần 11%, một số định chế tài chánh sập tiệm như Ngân hàng State Bank, Pyramid Buidling Society.
Trong thời kỳ này tôi được nghe chuyện vài người Việt Nam (chủ hãng may có tiền đầu tư nhiều nhà đất) đã phải bán bất động sản đi vì chịu không nổi lãi suất ngân hàng trong khi kinh tế trì trệ, năng suất giảm.
Người nào cầm cự qua được giai đoạn này kéo dài trong một thập niên, sẽ thấy bất động sản của họ tăng không ngờ. Một căn nhà trung bình ở Richmomd lúc này phải lên tới $400,000 và đến giữa thập niên 1990 khoảng $600,000. Có cái lý thuyết cho rằng bất động sản tăng gấp đôi mỗi mười năm.
Sau kinh tế trì trệ, chứng khoán suy sụp thì đến Khủng hoảng Tài chánh Toàn cầu (Global Financial Crisis – GFC) năm 2008. Trong thời kỳ này, cộng đồng Việt Nam ở Mỹ khốn đốn, nhà cửa mất giá kinh khủng, nhưng có người ở Úc nghĩ đến việc đầu tư nhà ở Mỹ bởi mua nhà lúc giá nhà xuống thấp nhất là bài bản của người đầu tư địa ốc. Chính trong thời gian này chính phủ Kevin Rudd đã được “khen ngợi” vì đã chi bạc tỉ cho dân tiêu sắm, xây phòng ốc trường học và gắn cách nhiệt trần nhà, hệ thống solar trên mái nhà để nước Úc không bị trì trệ như ở một số quốc gia khác bao gồm Mỹ.
Nay chúng ta đang ở cuối năm 2015, là lúc lãi suất chính thức thấp kỷ lục với lãi suất chính thức chỉ 2%, nên đã có khối người đua nhau mua nhà trong đó có yếu tố người Hoa lục lắm tiền nhiều bạc đã đẩy giá nhà lên tới mức mà các thầy dùi thày bàn địa ốc cho rằng bong bóng địa ốc sắp nổ. Một căn
nhà trung bình ở Richmond bây giờ khoảng $1 triệu.
* * *
Thụy Văn tôi chọn Richmond làm cái mốc để nói về địa ốc vì ngoại ô này nguyên được coi là khu lao động của di dân Hy Lạp và là nơi những người Việt tị nạn đầu tiên chọn đến lập nghiệp với con đường buôn bán nổi tiếng Victoria Street có cổng chào mang tên Victoria Street Gateway mà Thụy Văn tôi đặt cho cái tên tiếng Việt là Cổng chào Lạc Việt hay gọn hơn nữa, Cổng Lạc Việt.
Sau 40 năm định cư ở thành phố Melbourne đáng sống nhất thế giới này, người Việt đã tản mác tứ phía đông tây nam bắc, ở vùng ngoại ô gần hay ngoại ô xa, ở trong khu trung tâm thành phố (CBD) hay ở Docklands chị em kế cạnh. Tất cả ra vẻ đã “thành công, giàu có” như ông bạn trẻ Andrew Hồ viết trong số báo tuần trước.
Tình hình địa ốc Melbourne tuần qua
Theo tài liệu trang Domain của báo The Age thì trong cuộc đấu giá ngày Thứ Bảy 5.12.2015, những căn nhà không dính vách với nhà khác (freestanding) và những lô đất có giấy phép sẵn sàng cho việc xây cất bán chạy nhất và được giá nhất.
Thời gian trước Giáng sinh cũng là thời gian mà người đang tìm nhà phải giải quyết cho xong công việc trước kỳ nghỉ hè nên cũng là thời gian tốt nhất cho những người bán nhà.
![]() |
Cảnh đấu giá căn nhà trên đường Molesworth Street vùng Kew cuối tuần qua. Hình: TVTS |
Các đại lý địa ốc đã phải làm việc nhiều hơn trước ngày đấu giá bởi nhiều người muốn thương lượng giá cả với chủ nhà trước ngày đấu giá. Lý do: khi ra đấu giá, có thể gặp những đối phương cũng thích căn nhà đó và sẽ làm cho giá nhà cao bất ngờ và đôi khi phi lý.
Cũng theo Domain, tổng số nhà đưa ra bán đấu giá vào cuối tuần qua là 1,436 căn trong số đó có 1094 căn được báo cáo, có 65% đấu giá thành công. Tuy nhiên có 342 căn không báo cáo kết quả. Khoảng 1/5 những chủ nhà trong ngày Thứ Bảy đã chấp nhận đề nghị của người mua nhà trước giờ đấu giá.
Một phát ngôn viên của viện địa ốc REIV nói những căn nhà gia đình ở vùng nội thành và ngoại thành Melbourne trong lúc này bán khá chạy, nhưng khác với năm ngoái những căn unit một phòng ngủ khó bán.
Theo báo cáo giá cả mà Domain biết được thì căn nhà bán đắt đỏ nhất Melbourne là căn nhà số 4 Abeckett Street ở Kew gần đường Princess Street. Căn nhà gạch xây khoảng thập niên 1920 chỉ có 4 phòng ngủ nhưng nằm trên miếng đất 1,700 mét vuông. Giá bán được là $4,650,000 đô la.
Căn nhà giá thấp nhất Melbourne ở số 7/204 Ballarat Rood, Footscray với giá $300,000.
Riêng căn nhà ở số 49 Molesworth Street Kew mà độc giả Andrew Hồ đề cập trong số báo tuần qua cũng đã bán được giá quá sự mong đợi của chủ nhà.
Andrew Hồ dựa vào tài liệu của On The House để nói rằng dữ liệu đó ước tính căn nhà này trị giá khoảng $2,650,000 đô la. Nhưng Thụy Văn tôi cho rằng On The House đã ước tính quá cao vì căn nhà cũ này chỉ có 4 phòng ngủ tương đối nhỏ và nằm trên miếng đất 724 mét vuông là cũng tương đối nhỏ so với những căn nhà ở khu vực Kew Studley Park, nhưng được lợi thế sẽ có cái view tuyệt vời nếu căn nhà trệt này được xây thêm một tầng. Thụy Văn tôi nghĩ rằng căn nhà đó giá $2 triệu là tối đa. Nhưng khi đến ngày giờ auction thì lại là chuyện khác. Mua hớ hay được hời đôi khi là cái số!
Có khoảng 30 người tham dự cuộc đấu giá này. Đại lý đấu giá sau khi mở đầu cuộc đấu giá bằng cách ca ngợi căn nhà và vị trí của nó, hỏi các người tham dự trả cho một cái giá. Thấy mọi ngườ im lặng, ông cho cái giá mà chủ nhà muốn bắt đầu là $1.7 triệu.
Khởi đầu có 2 người trả giá, một gia đình người Úc trẻ và một gia đình người Hoa trẻ thay nhau trả giá, từ $50,000 rồi trả thêm $10,000 rồi $5000, $2500, thậm chí trả $1000.
Khi giá đấu lên khoảng $2 triệu, có một người Úc trung niên nhảy vào trả giá một hai lần nhưng sau đó chỉ còn 2 gia đình người Úc và Hoa tiếp tục trả giá.
Gia đình người Hoa lúc này được nhân viên địa ốc phụ tá cuộc đấu giá cầm bảng ghi giá để chỉ cho người phụ nữ thấy giá cả được hai bên đưa ra bởi vì nhân viên đấu giá nói quá nhanh và ra vẻ người phụ nữ và thân nhân không nghe kịp tiếng Anh trong khi người đàn ông Hoa trực điện thoại cầm tay để nói chuyện, ra vẻ đang hội ý với ai đó về giá cả.
Khi căn nhà được trả tới giá khoảng $2,070,000 thì gia đình người Úc ra vẻ không còn hứng thú để tranh mua, thì nhân viên phụ tá giúp mọi người tham dự nghe gia đình người Hoa đưa một cái giá $2,100,000.
Không còn nghe ai đưa thêm giá qua một cú trả giá lớn như vậy. Nhân viên đấu giá (auctionner) đếm thêm ba lần cuối để xem có ai đưa giá khác không. Một sự im lặng hoàn toàn. Auctioner tuyến bố: “Sold”.
Một cuộc đấu giá mà nhân viên địa ốc không phải ngưng để vào trong nhà hội ý với chủ nhà rồi ra tiếp tục cuộc đấu giá, chứng tỏ chủ nhà đã được cái giá cao ngoài sự mong đợi của họ.
Đấy là lý do tại sao lúc này có đến 1/5 căn nhà đưa ra thị trường đấu giá được người mua kẻ bán thương lượng trước ngày đấu giá.
Thụy Văn
(Trích báo in TVTS số 1550 phát hành ngày 9.12.2015)