< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
![]() |
Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc John Kerry và Vương Nghị |
Hãng thông tấn Đài Loan CNA dẫn phát biểu của bà Chu Mỹ Linh khi quyết định chuyển từ thành phố Cao Hùng ra đảo Ba Bình sinh sống và được chính quyền Đài Loan công nhận là công dân đầu tiên đăng ký “hộ khẩu thường trú” tại hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Và trong chuyến thăm hôm 28.1 tới đảo Ba Bình, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Mã Anh Cửu đã đến thăm và chúc mừng công dân đầu tiên tại đây. Tờ China Post cho biết, sau bà Chu Mỹ Linh sẽ có 2 người nữa cũng vừa được Đài Loan công nhận là công dân tại đảo Ba Bình. Chính quyền Đài Loan đã tạo thêm căng thẳng bằng việc đưa dân thường tới đảo Ba Bình sinh sống.
Trước đó hôm 29.1, tờ China Post cho rằng, chuyến thăm đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu nhằm “tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”. Do đó, báo chí Đài Loan đã đặt nhiều câu hỏi về việc ông Mã Anh Cửu đến đảo Ba Bình, nghi ngờ đây là sự hợp tác ngầm giữa Trung Quốc và Đài Loan trong việc đối phó với các nước hữu quan ở Biển Đông.
Ông Mã Anh Cửu cũng từng bị nhiều người Đài Loan phê phán là yếu về chính sách đối ngoại. Mặc dù không được thông báo trước về chuyến thăm của ông Mã Anh Cửu, nhưng Bắc Kinh tỏ ra hài lòng với chuyến đi của người đứng đầu chính quyền Đài Loan, thậm chí còn coi đó là sự xuất hiện “đại diện cho Trung Quốc” tới khu vực này.
Ngày 28.1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) tuyên bố “Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc, do đó người Trung Quốc ở 2 bờ eo biển đều có trách nhiệm giữ gìn tài sản của tổ tiên dân tộc Trung Hoa”.
Trong khi đó, dư luận trong và ngoài khu vực lại coi chuyến thăm đảo Ba Bình của lãnh đạo Đài Loan là hành động bất nhất – lời nói không đi đôi với việc làm. Và điều này rất giống với cách mà Bắc Kinh đã và đang làm hiện nay tại Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Washington thất vọng bởi chuyến đi của ông Mã Anh Cửu. “Thẳng thắn mà nói, chúng tôi coi động thái này là làm gia tăng căng thẳng, hơn là xuống thang”, ông Mark Toner nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cũng bày tỏ quan ngại về động thái này – chúng tôi nhắc nhở tất cả các bên liên quan phải có trách nhiệm, tránh những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson ở Washington Alan Romberg cho rằng, chuyến đi của ông Mã Anh Cửu mâu thuẫn với lời kêu gọi “gác tranh chấp chủ quyền sang một bên” và nếu lãnh đạo các nước khác cũng làm như vậy thì căng thẳng khu vực sẽ gia tăng một cách vô ích.
Còn theo ông Đinh Thụ Phạm, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Chính trị Đài Loan, sở dĩ Mỹ thất vọng và lo ngại trước việc ông Mã Anh Cửu “tự tiện” thị sát đảo Ba Bình bởi Washington lo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ học theo cách ông Mã Anh Cửu – bay ra bãi đá Chữ Thập!?
Theo nhận định của ông Lâm Trung Bân, cựu quan chức quốc phòng Đài Loan, chuyến thăm đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu là một phần trong chính sách thân Bắc Kinh của Quốc Dân đảng. Nhưng theo học giả Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân Dân Trung Quốc, Bắc Kinh tuy tán dương hành động của ông Mã Anh Cửu, nhưng lo lắng sau khi bà Thái Anh Văn chấp chính (tháng 5/2016), lập trường của Đài Bắc trong vấn đề Biển Đông có thể thay đổi. Bởi bà Thái Anh Văn từng bỏ ngỏ khả năng từ bỏ “đường lưỡi bò” vì nó không có căn cứ pháp lý nào.
“Đường lưỡi bò” do Trung Hoa Dân quốc tự vẽ ra năm 1947, không dựa trên bất cứ căn cứ pháp lý nào, do đó nếu Đài Loan từ bỏ yêu sách này thì Bắc Kinh “hết cửa” đòi hỏi chủ quyền vô lý và phi pháp tại Biển Đông. Điều đáng nói là Mỹ cũng đã từng hối thúc Đài Loan làm rõ yêu sách “đường lưỡi bò”. Và nếu cả 2 yêu cầu kể trên đều được làm rõ, cộng với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, Hà Lan (PCA), có thể nói Trung Quốc không thể dựa vào bất cứ lý do gì để đòi thực thi “đường lưỡi bò” tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, theo học giả Bonnie Glase đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, đây là vấn đề phức tạp và đưa ra các phán đoán về điều này bây giờ còn quá sớm. Chỉ biết rằng, chuyến thăm đảo Ba Bình hôm 28/1 của ông Mã Anh Cửu là “sản phẩm” của sau cuộc gặp lịch sử giữa ông Tập Cận Bình với ông Mã Anh Cửu hồi tháng 11/2015, bà Bonnie Glase nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Bonnie Glaser còn cho rằng, ông Mã Anh Cửu muốn coi việc thúc đẩy lợi ích hàng hải của Đài Loan là một phần di sản trong thời gian nắm quyền của mình. Đồng thời nhấn mạnh, chuyến đi của ông Mã Anh Cửu đến đảo Ba Bình khiến các bên tranh chấp khác tức giận và làm gia tăng căng thẳng.
Ngày 29/1, tờ Đa Chiều bình luận, chuyến thăm Bắc Kinh hôm 27/1 của ông John Kerry là lần thứ 7 Ngoại trưởng Mỹ tới Trung. Và tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng John Kerry, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, Đài Loan là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng tới quan hệ Trung – Mỹ. Bởi trong bất cứ tình hình nào, Trung Quốc luôn kiên trì “Nhận thức chung năm 1992”, phản đối Đài Loan độc lập và yêu cầu Mỹ phải tuân thủ cam kết kiên trì chính sách “một nước Trung Quốc”, “Thông cáo chung Trung – Mỹ”…
Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Vladimir Yevseyev, chuyến công du 3 nước châu Á (Lào, Campuchia và Trung Quốc) vừa qua của ông John Kerry đã thất bại. Tuy nhiên, giới quan sát lại coi chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ là thông điệp gửi tới Bắc Kinh xung quanh “vấn đề Biển Đông”. Và cho tới nay Mỹ – Trung vẫn bất đồng sâu sắc về chủ đề nhạy cảm này.
Bởi cách tiếp cận vấn đề Biển Đông lần này của ông John Kerry có những điểm mới khi Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi sự đồng thuận trong khối ASEAN về chủ đề này, đồng thời bày tỏ sự quan ngại trước các hoạt động đơn phương trên Biển Đông của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh ngừng hoạt động cải tạo và xây dựng bất hợp pháp tại các khu vực đang có tranh chấp.
Theo Petrotimes