Lần đầu tiên đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng trong cuộc giải cứu 70 con tin khỏi tay IS

22 Tháng 10, 2015 | Tin thế giới

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Lính Mỹ huấn luyện lính Iraq tại căn cứ Taji (Iraq). Photo Courtesy: AFP

 

Lần đầu tiên Mỹ chịu tổn thất về người trong cuộc giải cứu 70 con tin trong tay từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.

 

Vào hôm 22.10, quan chức từ Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng xác nhận, một lính đặc nhiệm nước này đã bị bắn chết khi đang tham gia cuộc đột kích vào một nhà tù của IS ở phía Đông thị trấn Hawija, miền Bắc Iraq, để giải cứu 70 con tin sắp bị hành hình.

 

Tờ Foreign Policy đưa tin rằng đây là cuộc giao chiến ngoài kế hoạch giữa lính đặc nhiệm Mỹ và phiến quân IS. Đặc nhiệm Mỹ chỉ đưa ra quyết định giao chiến vào phút chót của cuộc đấu súng giữa dân quân người Kurd và phiến quân IS.

 

Theo đó, 30 lính đặc nhiệm Mỹ, được cho là thuộc lực lượng đặc nhiệm Delta của lục quân, đang thực hiện nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ cho dân quân người Kurd (Peshmerga) ở gần thị trấn Hawijah, phía nam tỉnh Kirkuk. Tuy nhiên một biến cố đã xảy ra buộc đặc nhiệm Mỹ phải trực tiếp lên kế hoạch tham chiến sau lời cầu cứu của dân quân người Kurd.

 

Sau gần 2 giờ đồng hồ, 70 con tin đã được giải cứu, trong đó bao gồm 20 lính Iraq, người dân địa phương và một số tay súng IS bị cáo buộc làm gián điệp. Các báo cáo ban đầu cho thấy không có thành viên người Kurd nào trong số các con tin.

 

Còn theo lời của phát ngôn nhân Lầu Năm Góc Peter Cook thì đặc nhiệm Mỹ đã lên kế hoạch tấn công vào nhà tù này từ trước và quyết định đột kích khi nhận được thông tin  con tin có nguy cơ bị hành quyết tập thể.

 

Ông Cook cũng cho biết 5 tay súng IS đã bị bắt giữ, một số khác bị tiêu diệt và quân đội Mỹ đã khai thác được một số thông tin quan trọng về nhóm phiến quân này.

 

Đây là nhiệm vụ lớn nhất mà đặc nhiệm Mỹ tiến hành chống lại IS kể từ khi họ đột kích vào nhà riêng của Abu Sayyaf, thành viên cốt cán của IS tại đông Syria hồi tháng 5 vừa qua. Đây cũng là lần đầu tiên lực lượng Mỹ chịu tổn thất về người khi thực hiện nhiệm vụ tại Iraq từ cuối năm 2011.

 

Tuy nhiên, việc lính Mỹ tham gia trực tiếp vào cuộc tấn công đường bộ đã gặp không ít lời chỉ trích, khi truyền thông Mỹ cho rằng đây là một sự phản bội lại các cam kết trước đó của chính quyền Mỹ. Mỹ đã tiến hành cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria hơn một năm qua, nhưng tất cả đều là không kích từ trên cao.

 

Tổng hợp