< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
![]() |
Tàu khu trục Lassen của Mỹ (trái), tàu frigate Supreme của hải quân Singapore (giữa) và tàu tác chiến ven biển Fort Worth hồi tháng 7 đi qua Biển Đông. Photo Courtesy: Hải quân Mỹ |
Tàu khu trục Lassen của Mỹ (trái), tàu frigate Supreme của hải quân Singapore (giữa) và tàu tác chiến ven biển Fort Worth hồi tháng 7 đi qua Biển Đông. Photo Courtesy: Hải quân Mỹ
Hải quân Mỹ đang chuẩn bị điều một tàu đi vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng phi pháp ở Biển Đông. Hành động này có thể diễn ra trong vài ngày tới và chỉ còn phê chuẩn chính thức của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Có ít nhất 3 quan chức quân sự cấp cao của Mỹ đã khẳng định thông tin này với trang Navy Times (Mỹ) ngày 7.10. Nếu việc này được chính quyền Tổng thống Obama chấp thuận thì đây sẽ lần đầu tiên kể từ năm 2012, Hải quân Mỹ trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đã có những báo cáo phát hiện về việc Trung Quốc âm thầm ráo riết tiến hành các dự án bồi đắp, đảo hóa phi pháp trên quy mô lớn các rạn san hô mà Bắc Kinh kiểm soát được ở khu vực quần đảo Trường Sa từ năm 2013. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, câu chuyện Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông mới trở thành trọng tâm căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng các đồng minh ở khu vực, trong đó có Phi Luật Tân.
Việc làm của Bắc Kinh được xem như là một hành động bành trướng bá quyền ở khu vực.
Bản thân Trung Quốc đã vài lần tuyên bố ngưng các hoạt động bồi đắp, trước sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế, nhưng các ảnh vệ tinh mới lại cho thấy nước này thực tế vẫn đang đẩy mạnh công cuộc lấn đất.
Ngoài đường băng ở bãi Đá Chữ Thập, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây đường băng ở các bãi Đá Su Bi và Vành Khăn.Thực tế, việc Mỹ điều tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, bồi đắp phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa đã được đồn đại từ nhiều tháng trước.
Chính các chỉ huy quân sự cao cấp của Mỹ cũng không ngần ngại nói về kế hoạch trên trong các buổi điều trần trước Thượng viện nước này và trả lời báo giới. Tuy nhiên, báo chí Mỹ trích một số nguồn tin nói, giữa lực lượng hải quân Mỹ và Nhà Trắng cũng có bất đồng về chuyện đưa tàu vào vùng 12 hải lý nói trên do lo ngại tình hình có thể leo thang trên Biển Đông.
Từ trước đến nay, các tàu Mỹ thường xuyên qua lại trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông, nhưng lại tránh đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Về việc này, vào tháng 9 vừa qua, David Shear – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng: Hải quân Hoa Kỳ đã không điều máy bay hoặc cho tàu đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa từ năm 2012, trước khi Trung Quốc tiến hành các dự án xây đảo nhân tạo một cách nghiêm túc.
Sau ngày hôm đó, Chủ tịch Tiểu ban Hải lực và triển khai lực lượng thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Randy Forbes đã trình lên một bức thư có chữ ký của 29 nghị sỹ lưỡng Đảng ở Hạ viện, gọi các dự án xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông là một mối đe dọa đối với tự do hàng hải, hòa bình và trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Bức thư của các nghị sỹ Mỹ kêu gọi: “Để ngăn chặn những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và ngăn chặn nguy cơ gây mất ổn định ở khu vực, Mỹ phải làm cho rõ ràng rằng Washington hoàn toàn cam kết duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông”.
Theo đó, việc Mỹ điều tàu, máy bay Hải quân vào trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là một hành động mang tính “biểu tượng cao” để khẳng định quan điểm của nước này rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Thông tin về việc Hải quân Mỹ sẽ cho tàu đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc lấn đất ở Biển Đông được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift có một phát biểu với những ngôn từ mạnh mẽ, được cho là nhằm vào Trung Quốc, tại một hội nghị hàng hải ở Australia khi chỉ trích “một số quốc gia” hành xử trái với luật pháp quốc tế.
Phát biểu của Đô đốc Scott Swift được các hãng thông tấn nước ngoài trích lại: “Tôi có cảm giác rằng một số quốc gia xem tự do hàng hải trên các vùng biển là một sự “thừa thãi”, là cái gì đó có thể bỏ qua và định nghĩa lại bằng luật lệ của họ hoặc phiên dịch lại luật pháp quốc tế…
Một số quốc gia tiếp tục áp đặt các cảnh báo vô nghĩa và hạn chế tự do trên biển trong các vùng đặc quyền kinh tế và các vùng lãnh hải mà họ đòi chủ quyền, (trong khi sự đòi hỏi này) là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Xu hướng này là đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng biển tranh chấp”.
Theo Petrotimes