< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />
![]() |
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Photo Courtesy: Reuters |
Thượng viện Mỹ mới đây đã phê duyệt kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine với số tiền khoảng 300 triệu Mỹ kim, nhằm giúp nước này mua sắm vũ khí và hỗ trợ hậu cần.
Theo RIA Novosti, trong cuộc bỏ phiếu vào hôm 18.6, đã có 71 thượng nghị sĩ Mỹ ủng hộ dự thảo sửa đổi ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2016 và chỉ có 12 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống. Qua đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo ngân sách quốc phòng với số tiền 612 tỷ Mỹ kim, có phần sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Việc sửa đổi ngân sách quốc phòng được thông qua theo sáng kiến của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rob Portman. Đề nghị này cho phép cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm cả vũ khí bộ binh hạng nhẹ và súng phóng lựu.
Theo tài liệu dự thảo, Lầu Năm Góc phối hợp với Bộ Ngoại giao có quyền chi tiêu lên đến 300 triệu Mỹ kim cho đào tạo, cung cấp thiết bị và hỗ trợ hậu cần cho quân đội Ukraine.
Trước đó Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một dự thảo tương tự, nhưng có một số chi tiết khác với của Thượng viện. Tuy nhiên, dự thảo này có rất ít cơ hội để có hiệu lực về mặt pháp lý trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama từng đe dọa phủ quyết nó. Washington luôn phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ngoài ra, chính quyền Obama không hài lòng với dự thảo ngân sách quốc phòng, trong đó không cấp kinh phí cho các chương trình phát triển vũ khí dài hạn, và ngăn cấm việc đóng cửa các căn cứ quân sự không cần thiết và đưa máy bay ném bom A-10 Thunderbolt tới các căn cứ này.
Vào cuối tháng Ba, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cho một nghị quyết kêu gọi Tổng thống Obama cho phép bắt đầu cung cấp các loại vũ khí sát thương cho Ukraine.
Hiện tại nhiều thành viên của châu Âu phản đối việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trong số đó có Đức, Pháp, Đan Mạch, Estonia, Ý, Hungary và Ba Lan. Trong khi đó, Washington cũng vẫn đang giữ thái độ im lặng về vấn đề cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Tổng hợp