![]() |
Thuyền chở người di cư Rohingya và Bangladesh ngoài khơi vùng biển Nam Dương. Photo Courtesy: Reuters |
Nhằm chung tay góp sức trước tình hình người tị nạn tràn vào từ Đông Nam Á, Washington tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Rohingya.
Vào hôm 21.5 phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf cho hay nước này sẵn sàng giúp đỡ các nước Đông Nam Á trước làn sóng người di cư bằng đường biển như hiện nay.
Qua đó Mỹ sẽ giúp đỡ Liên Hiệp Quốc thiết lập các trung tâm bảo trợ và sẽ cân nhắc yêu cầu về chỗ ở cho một bộ phận người tị nạn. Trong đó Mỹ đã thực hiện tái định cư cho hơn 1,000 người Rohingya từ tháng 10 năm ngoài thì nay Mỹ đang xem xét để tiếp nhận thêm.
Tuy nhiên, bà Harf lưu ý rằng để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế chứ không chỉ của riêng Mỹ.
Cùng lúc đó Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Anthony Blinken đang có mặt tại Đông Nam Á và sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo Miến Điện ngày 21.5 để thúc giục nước này làm việc với Bangladesh nhằm cứu hộ và giúp đỡ người di cư trên biển.
Cũng trong một diễn biến có liên quan khác, vào hôm 21.5 chính quyền Nam Dương và Mã Lai đã đạt được thỏa thuận về tiếp nhận, cứu trợ nhân đạo và đảm bảo an toàn cho những di dân.
Thỏa thuận này giúp cho hàng ngàn con người vất vưởng, đói khát và cận kề cái chết từ nhiều tháng nay trên biển được cập bờ. Tuy nhiên, điều của hai nước này đưa ra là cộng đồng quốc tế trong thời gian một năm tới có trách nhiệm đưa ra được kế hoạch định cư những di dân này hoặc đưa họ về nước xuất phát cũng như phải có hỗ trợ tài chính.
Điều đáng chú ý là hai nước tiếp nhận ngay người di cư trong khi chưa làm rõ hay chưa thể biết được rõ “cộng đồng quốc tế” nói trên bao gồm cụ thể những đối tác nào.
Hoan nghênh quyết định tiếp nhận tạm thời người di cư trên biển của Mã Lai và Nam Dương bà Harf cũng bày tỏ quan ngại về chính sách của chính phủ Miến Điện đối với tộc người thiểu số Rohingya, khiến những người này phải liều mạng vượt biển.
Trong ba năm gần đây, ít nhất 120,000 người Hồi giáo Rohingya đã trốn khỏi sự ngược đãi, phân biệt đối xử tại Miến Điện, nơi họ bị coi là những người Bangladesh nhập cư lậu và không được công nhận quyền công dân.
Một phái đoàn cấp cao của Mỹ sẽ tham dự hội nghị về cuộc khủng hoảng di cư tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 29.5.