![]() |
Thủ tướng Gillard trả lời trong chương trình Four Corners. Hình chụp từ màn ảnh của đài ABC |
Hôm Thứ Hai tuần trước, Thủ tướng Julia Gillard nhận lời mời của đài truyền hình ABC xuất hiện trong chương trình Four Corners để rồi bị ký giả của đài này vặn hỏi về một sự việc xảy ra cách đây gần hai năm, liên quan đến việc bà lật đổ ông xếp của mình.
Hỏi bà có đưa kết quả thăm dò dư luận cho các dân biểu nghị sĩ trước khi quyết định lật đổ ông Kevin Rudd không, Thủ tướng Gillard nói bà không làm chuyện đó.
Hỏi bà có cho người làm các cuộc thăm dò để so sánh mức độ ưa chuộng giữa bà và ông Rudd không, bà nói bà “không nhớ rõ” chuyện này mặc dầu bà có theo dõi các cuộc thăm dò Lao động trong một thời gian dài.
Từ trước đến nay, bà Gillard luôn nói bà chỉ có ý định tranh chức thủ lãnh ngay trong ngày bà đến gõ cửa văn phòng ông Rudd. Nhưng khi hỏi về chuyện một cố vấn của bà đã soạn thảo bài diễn văn chiến thắng 2 tuần lễ trước, bà Gillard nói bà không chỉ định cho họ làm, và nếu họ có viết sẵn thì đấy là công việc của họ.
Hỏi bà có biết việc đó không, bà Gillard nói “Tôi không có thể nói rõ ràng được… Khi tôi biết bài diễn văn đó thì có thể là vào đêm (đảo chánh) Thứ Tư, cũng có thể trước đó”.
Một lần nữa, bà Gillard nói nói với Four Corners: “Sự thật là tôi đã làm quyết định tranh chức thủ tướng trong ngày tôi vào văn phòng Kevin Rudd và yêu cầu ông tổ chức bỏ phiếu. Tôi đã không làm quyết định đó vào bất cứ lúc nào trước”.
Chương trình của đài ABC một lần nữa đặt vấn đề sự thành thật của bà Gillard, đã bị chỉ trích dữ dội trong thời gian qua, nhất là khi bà đưa ra dự luật khí thải.
Một đảng viên Lao động nói rằng vụ này (cuộc phỏng vấn của Four Corners) còn tệ hại cho Lao động hơn cả vụ lộn xộn trong ngày Lễ Quốc Khánh.
Để biện minh sự phán đoán sai lầm của mình, bà Gillard nói bà được mời tham dự cuộc phỏng vấn để nói về sự tiến triển của chính phủ Lao động từ năm 2007 nhưng phóng viên Andrew Fowler của chương trình Four Corners nói: “Chúng tôi đã thương lượng một cuộc phỏng vấn với Thủ tướng trong đó nói rõ sẽ bao gồm việc đặt vấn đề lãnh đạo”.
![]() |
Cựu Thủ tướng Rudd trong cuốn video được đưa lên YouTube |
Chuyện của bà Gillard xảy ra đầu tuần thì vào cuối tuần, lại có chuyện xảy ra cho ông Rudd.
Một cuốn video quay cảnh ông Rudd khi còn làm làm thủ tướng nghiến răng, la hét, đập bàn và văng tục nhiều lần được đưa lên YouTube. (< bấm để xem video)
Cuốn phim là tài liệu của Văn phòng Thủ tướng, nhưng chưa biết ai lấy và đưa lên mạng. Đoạn phim này được mô tả ông Rudd đang chuẩn bị đọc bài diễn văn bằng tiếng Tàu cho người ở Trung Quốc.
Ông Rudd chửi thề khi thông dịch viên tòa đại sứ Úc ở Bắc Kinh đã không viết cho ông những câu tiếng Tàu đơn giản và các nhân viên tòa đại sứ không làm cho ông thủ tướng hài lòng.
Người ta (và phe ông Rudd) cho rằng đây là màn trả đũa hay là cách hạ ông Rudd của phe bà Gillard để mọi người có thể thấy rằng ông Rudd không xứng đáng trở lại nắm quyền.
Bà Gillard nói bà không biết ai đã đưa cuốn video đó lên YouTube, nhưng bất cứ ai làm việc này đều đã hành động không thích hợp.
Ông Rudd cho rằng một hình ảnh bối rối như vậy xảy ra đã mấy năm lại đưa lên mạng trong lúc này có thể tạo sự nghi ngờ về chủ đích của việc làm. Ông Rudd cho rằng ông đã không chối bỏ thỉnh thoảng có chửi thề, tỏ ra nóng giận nhưng ông đã cố gắng để sửa đổi.
Sự đấu đá trong nội bộ Lao động lên cực điểm khi dân biểu tiểu bang Victoria, ông Darren Cheeseman công khai kêu gọi bà Gillard hãy từ chức vì nếu để tình trạng như thế này, đảng Lao động sẽ bị tiêu tùng trong cuộc bầu cử tới. Ông Cheeseman thắng cử đơn vị Corangamite với tỉ lệ 0.03% (hơn đối thủ chừng 400 lá phiếu).
Nhưng một đồng chí của ông Cheeseman ở TB Victoria, dân biểu Steve Gibbons đưa lên mạng lời phê bình phe ông Rudd, cho rằng chỉ có người tự cho mình là quan trọng và bị hoang tưởng mới tính chuyện trở lại sau khi bị đại đa số các đồng nghiệp bác bỏ một cách dứt khoát.
Trong khi cuộc tranh giành chức thủ lãnh đang tới hồi gay cấn, phe bà Gillard cho rằng ông Rudd chỉ được chừng 20 người trong số 103 vị dân cử Lao động ủng hộ. Nhưng phe ông Rudd nói ông Rudd đã kiếm được tới 40 người.
Sự xào xáo vẫn sẽ tiếp diễn cho đến lúc có sự thách thức. Vấn đề là ông Rudd hay bà Gillard, ai sẽ lên tiếng đòi tổ chức bỏ phiếu trước.
Các quan sát viên ở bên ngoài cho rằng hiện có khoảng 1/3 dân biểu nghị sĩ chưa quyết định sẽ ủng hộ ai.
Bà Gillard có hai sự chọn lựa: Cho họp trung ương đảng và tổ chức bỏ phiếu lại để chính phủ tạm yên ổn làm việc, đề ra các chính sách và thi hành. Nhưng bà không muốn là người đầu tiên kêu gọi, bởi làm như thế chứng tỏ bà không được đa số ủng hộ.
Bà có thể tuyên bố giải tán quốc hội và cho tổ chức tổng tuyển cử để coi nhân dân vẫn còn tính nhiệm bà hay ủng hộ ông Tony Abbott. Nhưng làm như thế, bà sẽ thất cử, và đảng Lao động sẽ trở lại thế đối lập.
Lao động còn đấu đá nhau, Thủ lãnh Đối lập Abbott hưởng lợi.