![]() |
Bà Gillard và ông phó Wayne Swan trong cuộc họp báo. Photo courtesy of AAP |
Sau 17 ngày bàn thảo, đòi hỏi và hạch sách Thủ tướng Julia Gillard và Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott, cuối cùng hai người trong “Ba Vua” đã quyết định ủng hộ đảng Lao động thành lập chính phủ thiểu số. Hai dân biểu độc lập đó là Tony Windsor và Rob Oakshott. Người ủng hộ Liên đảng là dân biểu độc lập Bob Katter.
Trong những ngày trước, Lao động đã được sự ủng hộ của dân biểu Đảng Xanh Adam Bandt và dân biểu độc lập gốc Đảng Xanh Andrew Wilkie, đã được 74 ghế.
Chiều hôm nay, khi hai trong bộ ba dân biểu độc lập còn lừng khừng xuất hiện trước báo chí tuyên bố ủng hộ Lao động, đảng này có đủ số ghế tối thiểu 76 để thành lập chính phủ thiểu số.
Liên đảng có 74 ghế gồm một ghế của đảng viên Quốc gia ở Tây Úc và dân biểu độc lập Katter.
Ông Abbott đã điện thoại chúc mừng và Gillard.
Phát biểu trước báo chí, ông Abbott nói ông không ngạc nhiên về kết quả này nhưng bực mình và thất vọng khi hai dân biểu độc lập gốc đảng Quốc gia lại đi ủng hộ đảng Lao động hiện đang liên minh với Đảng Xanh, là đảng đi ngược lại nguyện vọng của nông dân.
Bà Gillard cám ơn hai dân biểu độc lập đã giúp bà được trở lại cầm quyền, hứa sẽ lãnh đạo một chính phủ hữu hiệu và vững vàng.
Tuy nhiên, dân biểu độc lập Oakshott nói ủng hộ Lao động không có nghĩa là luôn luôn gật đầu, bởi nếu Lao động có những chính sách trái với đường lối của ông thì ông sẽ không còn ủng hộ nữa.
Chỉ cần 1 dân biểu độc lập rút lui là chính phủ sập. Nếu một dân biểu của Lao động về hưu hay rút khỏi chính trường, chính phủ Lao động thiểu số sẽ bấp bênh.
Đây là lần đầu tiên trong khoảng 70 năm qua, nước Úc có một chính phủ thiểu số.
Để được sự ủng hộ của hai dân biểu này hầu tiếp tục cầm quyền, bà Gillard hứa sẽ cấp phát $10 tỉ đô la để phát triển nông thôn.
Dân biểu độc lập Windsor nói đây là lần đầu tiên những vị dân cử độc lập đã có cơ hội dùng vai trò và quyền hành của mình để buộc các đảng lớn thỏa mãn đòi hỏi của họ. Ông Windsor cũng như Oakshott rất khoái chí về sự may mắn đã đem lại cho họ cái quyền nắm cán cân quyền lực.
Những cuộc thương lượng và các màn diễn xuất của các dân biểu độc lập trong 17 ngày qua đã bị báo chí gọi là gánh xiệc.
Tuy nước Úc cuối cùng đã có chính phủ, nhưng không biết có tồn tại lâu hay người dân lại phải đi bầu sớm.
Ở những nước thiếu dân chủ, có thể đã có những cuộc xuống đường hay đảo chánh nếu các chính trị gia kéo dài cuộc mặc cả để một khoảng trống trong chính trường lâu như vậy.
Hà Nội hãy nhìn vào những gì vừa xảy ra ở Canberra để thấy đó là bài học hay mà bắt chước. Chớ mãi học theo Bắc Kinh.