Ngôi sao mới trong làng phim võ thuật Việt Nam

08 Tháng 9, 2015 | Người Việt đó đây

 

Nghi Thanh

 

Con gái Bình Định đi quyền? Maria Trần với đòn đá tạt ngang. Photo courtesy: starnow.com.au

 

Đầu năm 2012, đài truyền hình SBS gây xôn xao khi khởi chiếu cuốn phim có tên Once Upon A Time in Cabramatta. Xem hết phim này, trong phần danh sách diễn viên, khán giả thấy tên tuổi Maria Tran. Sau đó đến phần các nhà sản xuất cuốn phim, lại thấy danh tính Maria Tran.

 

Maria Trần là cô gái đa tài. Trong phim trường cô là diễn viên, đạo diễn và sản xuất phim. Tại trường học cô dạy toán, Anh văn và võ thuật. Khi có hội hè đình đám, cô cầm micro làm xướng ngôn viên nói lưu loát ba thứ tiếng Việt, Anh và Nhật. Hơn hết, tại văn phòng Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại tiểu bang NSW, Úc, cô Maria Trần đang giữ chức phó chủ tịch ngoại vụ trong ban chấp hành.

 

Trong loạt bài đánh dấu 40 năm người Việt Nam định cư tại Úc, hôm nay TVTS xin giới thiệu cô Maria Trần như là ngôi sao mới trong làng phim võ thuật Việt Nam tại Úc.

 

Maria Trần sinh năm 1985 tại Brisbane thủ phủ tiểu bang nắng ấm của Úc. Tên Việt Nam tuyệt đẹp do cha mẹ đặt cho là Trần Vũ Hồng Phương. Cô cho biết: sau năm 1975 cha cô từng xách gói “mang lương thực đủ một tháng để đi học” nhưng bị cầm tù cả chục năm. May mắn, sau khi ra tù, cha mẹ cô vượt biên và định cư tại Úc. Từ nhỏ Maria Trần thích xem người ta đóng phim. Cô là người có cá tính mạnh — hình như thừa kế từ người cha từng là người có nghề ở Việt Nam. Cô theo cha luyện võ công nhưng luôn luôn muốn là chính mình. Lớn lên, cô học xong chương trình cử nhân tâm lý học tại đại học Western Sydney.

 

 

Maria Trần  trong  phim Gaffa. (photo courtesy  http://asianmoviepulse.com/)

 

 

Đặc điểm phim của Maria Trần

 

Maria Trần chuyên về phim võ thuật. Không phải thuần túy đấm đá nhưng võ thuật chỉ là nền cho cô gởi tiếng cười đến khán giả.

 

Năm 2008, cô vừa diễn xuất vừa sản xuất bộ phim võ thuật nhiều tập mang tên Downtown Rumble cho hai đài truyền hình JTV-ABC TV. Sau đó, đại hội điện ảnh Colourfest Film Festival năm 2011 đã chính thức chọn phim Hot Bread Shop của Maria Trần. Lúc đó, cô bận rộn với cuốn phim Quest for Jackie Chan! Bà con người Việt Nam đi chợ Tết năm con cọp 2010 tại Fairfield Showground đã được chính cô và nhiều diễn viên giới thiệu cuốn phim này. Phim Quest for Jackie Chan đã hoàn tất trong năm 2011 và được Metro Screen trao giải hạng ba khi tiến cử đi đại hội điện ảnh Cannes.

 

Hit Girls là một phim khác do Maria Trần thủ diễn và sản xuất. Hit Girls chiếu những cảnh đánh đấm của hai cô gái Pixie Ho (Juju Chan) và Charlie Vu (Maria Tran) nhắm vào đại ca Michael Huang (Thien Nguyen). Không may cho hai cô! Khi đấm đá với đại ca Michael Huang thì đụng phải viên cảnh sát trưởng Macquade (Adrian Castro). Phim chỉ dài 16 phút mà đầy những pha Kung-Fu đẹp mắt lẫn với nhiều cù léc cười sặc sụa. Nếu không đọc tên diễn viên và người sản xuất chúng ta cứ tưởng đây là phim hài đấm đá đặc thù Hong Kong.

 

Hit Girls được chọn trình chiếu tại Action On Film International Festival năm 2013 tại Monrovia, California, Hoa Kỳ. Khi hay tin đứa con Hit Girls được chiếu tại đại hội phim ảnh quốc tế, cô Maria Trần nói “Nhiều lần và nhiều đại hội phim ảnh tại Úc từ chối chiếu phim của tôi, nay thì Hit Girls được ngoại quốc chọn. Tôi muốn làm những phim có tầm vóc quốc tế và tôi nghĩ phim hành động sẽ đạt được tầm vóc ấy”.

 

Gaffa là phim ngắn khác của Maria Trần kể chuyện hai người làm trong hãng tồi tàn uýnh nhau khi tranh giành một trái táo. Rủi ro chuyện nhỏ lọt vào mắt ông chủ. Chủ lấy băng keo dán vào mặt một người thợ. Khi hắn lột băng keo thì rụng theo phân nửa bộ râu. Thiệt là tức cười. Phim Gaffa được chọn trình chiếu tại 2013 Tropfest, được giải Hoyts Peoples Choice Awards tại 2013 Joyhouse Film Festival và được chọn chiếu tại 2013 Colourfest Film Festival.

 

Nhìn chung phim của Maria Trần mang hơi hướng Jackie Chan: đấm đá rất dữ dằn nhưng đầy nhưng pha phì cười sảng khoái. Được biết: võ thuật là thể loại phim cực nóng trong những năm 1970 và 1980. Lúc đó, thế giới phim võ thuật là sân đấu giữa hai công ty sản xuất gạo cội Shaw Brothers và Golden Harvest. Nổi bật trên màn bạc phim võ thuật là hai tài tử Lý Tiểu Long (Bruce Lee) và Thành Long (Jackie Chan). Một ngôi sao đã tắt và ngôi sao thứ nhì đang về già. Thế giới đang chờ vụt sáng lên ngôi sao võ thuật mới. Maria Trần có thể là ngôi sao đó.

 

Maria Trần  trong bích chương quảng cáo phim Tiger Cop 3.

 

 

Ba trở ngại khi vào ngành điện ảnh

 

Như các ngành khác, không phải dễ mà mở được cánh cửa bước vào điện ảnh. Ở mọi nơi trên thế giới, cửa bước vào điện ảnh rất hẹp và điện ảnh dành cho người da vàng mũi tẹt lại càng hẹp hơn.

 

Tại Úc khi nói tới điện ảnh nhiều người nhắc tới Đỗ Khoa. Đỗ Khoa đạo diễn phim Mother Fish được nhiều giải thưởng. Chính Đỗ Khoa còn là Người Trẻ Úc Xuất Sắc năm 2005 (2005 Young Australian of the Year). Bên cạnh con chim đầu đàn Đỗ Khoa, còn nhiều danh tính Việt Nam đã mở tung cánh cửa điện ảnh Úc. Đó là những Thiện Nguyễn (2014 Cleo Bachelor Top 30), Joshua Tiêu (diễn viên Maximum Choppage), Joe Lê (diễn viên Once Upon A Time In Cabramatta) và nhiều bạn trẻ khác.

 

Maria Trần nói “Tôi thích phim ảnh vì tôi thấy […] phim ảnh, radio, truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác giúp chúng ta bẻ gãy những hàng rào cố thủ, xóa tan các khác biệt và giúp mình sống hòa hợp”.

 

Trở ngại đầu tiên cho người trẻ Úc bước vào điện ảnh là… cha mẹ. Cô Maria Trần cho biết: như gần hết cha mẹ Á châu, cha mẹ cô nhíu mày khi cô không chọn môn học để thành bác sỹ, luật sư mà dấn thân vào nghệ thuật. Kế tiếp, khi gõ cửa điện ảnh Úc, tuổi trẻ là một trở ngại khác. Không phải điện ảnh mà gần hết các ngành hoạt động tại Úc, người ta thích người từng trải, có bề dày lăn lóc trong nghề hơn là… tay mơ.

 

Riêng với Maria Trần, cô còn gặp trở ngại thứ ba vì thuộc về phái đẹp. Nhất là khi Maria Trần không những muốn diễn xuất mà còn trở thành đạo diễn và nhà sản xuất phim. Hai vai trò này đòi hỏi khả năng lãnh đạo mà người Úc nói chung chưa nhìn nhận phụ nữ cũng có tài ấy. Huống chi là người Việt Nam…

 

Vì thế mặc dầu lăn lóc trong nghề đạo diễn và sản xuất phim, khi cô Maria Trần nói mình làm đạo diễn và sản xuất phim, người ta thường hỏi chắc là làm chơi cho vui… chứ nghề ngỗng gì. Ấy thế mà tên tuổi của cô Maria Trần đã xuất hiện phía sau nhiều cuốn phim như Shout Outs, Chunking All Stations, Bullies. Đặc biệt trong phim Maximum Choppage: Round 2, Maria Trần vừa sản xuất vừa diễn xuất đồng thời còn huấn luyện các diễn viên biễu diễn các pha võ thuật. Được biết, trong đời thường Maria Trần còn là thầy dạy võ. Cô dạy võ (và toán) tại võ đường Đồng Thanh, Chipping Norton, phía Tây Nam thành phố Sydney.

 

Nguyên thủy Maximum Choppage là cuốn phim ngắn của Timothy Lý. Timothy Lý được người mình gọi là võ sư Trung Lý. Ông sáng lập và điều hành võ đường Đồng Thanh (trước đây gọi là Đồng Tâm). Trong Maximum Choppage, Maria Trần lần đầu tiên thủ vai “sát nữ”. Phim này ra lò năm 2008. Sau đó công ty sản xuất phim Matchbox Pictures mua lại và mở rộng thành sáu tập. Sáu tập này mang tên Maximum Choppage: Round 2. Nhân dịp tết Ất Mùi 2015, đài truyền hình ABC 2 đã khởi chiếu phim tập Maximum Choppage: Round 2.

 

Sau cùng, cho đến nay cảm tưởng chung của xã hội thường cho rằng người châu Á, đặc biệt phụ nữ châu Á sống khép kín và ít năng động. Thế mà Maria Trần rất vui nhộn và chọn đề tài võ thuật cho phim ảnh của mình. Lại là khó khăn vượt bực khác– cô phải vượt qua.

 

 

Maria Trần trong phim Maximum Choppage: Round 2.

 

 

Cô gái đa tài

 

Ngoài đóng phim / làm phim, cô Maria Trần dầy dạn kinh nghiệm trong nghề điều khiển chương trình trước công chúng. Nhiều lễ ra mắt sách, CD, hay hội hè được cô hướng dẫn chương trình. Nhờ kinh nghiệm này, cô Maria Trần còn làm thêm nghề tay trái — nếu làm phim là nghề tay mặt. Đó là xướng ngôn viên đám cưới. Nhờ thông thạo tiếng Anh và tiếng Việt – còn thêm tiếng Nhật – cô Maria Trần dễ dàng tạo ra bầu không khí thoải mái và vui tươi để nối kết thế hệ thứ nhất và thứ nhì trong đại gia đình Việt Nam tại Úc. Thật vậy, muốn trở thành gạch nối giữa nhiều lớp người là một trong nhiều ước mơ của cô Maria Trần. Cô đã làm thế trong các lễ lạc và ngay ở đời thường.

 

Bên cạnh điện ảnh, cô Maria Trần còn để ý đến tiếp tay khơi dậy trong lòng người trẻ, phụ nữ và di dân Việt Nam thêm vui sống. Cô giúp đồng hương bằng cách xuống phố rủ từ em nhỏ đến thím Ba, cô Bảy hay bác Hai cùng đóng phim cho vui. Với diễn viên “cây nhà lá vườn” này, đạo diễn Maria Trần đã làm nên cuốn phim “Change of Our Lives, Thay đổi cuộc sống” nhằm cảnh tỉnh người Việt Nam về bệnh viêm gan B.

 

Maria Trần với một đòn đá bay. Photo courtesy: Action Fight Reel

 

Một trong những truyện hay của văn hào Aleksandr Solzhenitsyn là truyện tả một ngày trong đời người tù Ivan Denisovich. Giả Solzhenitsyn sống lại chắc là không tả được hết công việc trong ngày của cô gái Việt Nam Maria Trần. Cô làm một lúc ba gióp: toàn thời trong phim trường, bán thời dạy học và tùy thời cho Cộng Đồng Tự Do tại NSW. Ấy là chưa kể quay phim, đóng phim và… hẹn hò với bạn trai.

 

Nghi Thanh

 

(TiVi Tuần-san số 1522 phát hành ngày 27.5.2015)