Jimmy Phạm AM: Chứng ngộ bên tô phở và lon Cô-ca Cô-la

31 Tháng 8, 2015 | Người Việt đó đây

 

Nghi Thanh

 

 

Jimmy Phạm và các em quán KOTO. Hình: google

  

Vào tháng Ba năm ngoái, TVTS tường trình đêm ra mắt “Quỹ học bổng Ươm mầm Tài năng Úc- Việt AVEPA”. Trong đó có đoạn:

 

Cũng hiện diện trong buổi tiệc có cô Đặng Thị Hương, một học sinh nghèo phải đi làm osin (người giúp việc) lúc 13 tuổi sau đó học các lớp bổ túc rồi được nhận vào làm việc cho KOTO năm 2006 và học những kỹ năng về dịch vụ nhà hàng của tổ chức này. Năm 2012 sang Melbourne học cao đẳng về Quản trị Kinh doanh tại Học viện Box Hill, cô Hương được giải thưởng của Thủ hiến Victoria năm 2013. Thành tựu này là ngoài ước mơ của một cô gái nhà nghèo, nuôi mẹ bệnh hoạn” (TiVi Tuần-san số 1460 phát hành ngày 19.3.2014)

 

KOTO là chữ viết tắt từ “Know One, Teach One”. Nghi Thanh xin dịch bậy thành “Biết gì, dạy nấy”. “Biết gì, dạy nấy”  là khẩu hiệu của của trường dạy nghề miễn phí tại Việt Nam do một người Úc sáng lập. Ông Jimmy Phạm AM.

 

 

Chứng ngộ bên tô phở và lon Coca Cola

 

Jimmy Phạm năm nay 43 tuổi, sinh tại Sài gòn có cha là kiến trúc sư Nam Hàn và mẹ Việt Nam. Khi lên hai và trước khi mất nước, Jimmy Phạm theo cha mẹ rời Việt Nam đi Singapore rồi Saudi Arabia. Cuối cùng, từ năm 1980 gia đình Jimmy Phạm định cư tại Ashfield, phía Tây thành phố Sydney, Úc.

 

Tại Úc Jimmy Phạm sống khá vất vả. Thủa trẻ, anh phải làm ca tối trong quán sandwich tại King Cross, Sydney. Lớn lên, anh học ngành du lịch và làm hướng dẫn viên du lịch. Phải nói Jimmy Phạm không biết gì về Việt Nam cho đến khi về lại chốn cũ khi anh lên 23 tuổi.

 

Anh nói “Năm 1996, Việt Nam vừa mới mở cửa. Đâu đâu cũng nghèo. Nghèo ngay cả trong quận Nhất, tức trung tâm của Sài gòn”. Đặc biệt, trên đường phố đầy dẫy trẻ em bụi đời. Chúng kéo nhau hàng lũ kèo nài du khách mua từ nước dừa, postcard, bàn chải chà răng, áo thun cho đến đủ thứ hầm bà lằng. Quá mủi lòng, Jimmy Phạm gặp em nào cũng mua bàn chải chà răng. Thế là, chúng kéo đến hàng đàn hàng lũ. Thật ngượng.

 

Ngượng hơn nữa: vào những năm đó, du khách ngồi vào bàn ăn là bị hàng chục trẻ em bu quanh ngước đôi mắt thèm thuồng xin chút cơm thừa canh cặn.  Jimmy Phạm đã là một trong những thực khách ấy. Anh ngồi bên tô phở và lon coca-cola. Chung quanh anh có hàng chục trẻ em van xin chút nước xúp thừa hay cặn bã dính vào đáy lon nước. Có lẽ hàng chục ngàn người du lịch đã chịu cảnh ngộ này. Người thì ngượng. Người thì bỏ đi. Riêng chàng thanh niên 23 tuổi từ Úc đến: trong tích tắt, đã ngộ. Anh nói “Bên tô phở và lon Coca-Cola, tôi đã quyết định một điều quan trọng. Đó là sẽ trở lại và thay đổi.”

 

 

Tổng thống Mỹ gây họa cho KOTO

 

Quyết định là làm. Năm 1999, Jimmy Phạm lại về Việt Nam. Lần này, anh xin công ty du lịch mình đang làm tại Úc bảo trợ và mượn thêm khá bộn tiền của mẹ để mở một quán bánh mỳ nho nhỏ tên là KOTO bên Văn Miếu, Hà Nội. Quán này chiêu mộ trẻ em bụi đời vào ăn ở và học nghề. Có 9 em chịu vào KOTO. Thấy người nước ngoài thu hút đông trẻ bụi đời, Cộng Sản sợ. Tìm đến đóng cửa.

 

Jimmy Phạm phải chạy vạy. Công an lại cho mở cửa. Rồi thỉnh thoảng lại bị đóng cửa. Chạy vạy. Rồi mở cửa lại. Cứ thế vài lần. Anh Jimmy Phạm vẫn kiên nhẫn vì nghĩ miễn là quán được mở cửa là được.

 

Nhưng vô tình tổng thống Mỹ Bill Clinton đã giáng cho KOTO một tai họa ngất ngư con tàu đi. Số là tháng 11 năm 2000, tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Hà Nội. Ở Hà Nội, ổng viếng Văn Miếu. Sáng hôm ấy, gần hết người Hà Nội mặc quần áo đẹp tràn ra đường đón khách. Nhất cử nhất động của tổng thống Mỹ đều được người Hà Nội chăm chú theo dõi.

 

Khi ông Bill Clinton vào bên trong Văn Miếu thì đoàn xe bóng lưỡng màu đen của Mỹ đậu một dãy ngay trước một quán bánh mỳ gần đó. Từ trong quán, ông chủ chạy ra hỏi: “Mấy anh cần gì?”. Đám xịa đeo kiếng đen ngòm hỏi lại “KOTO đây hả?”. Chủ quán trả lời “Vâng”. Xịa nói nhanh: “Ngài sẽ ăn trưa ở đây.”

 

Thế là hai ba nhân viên Mỹ nhào vào quán nếm bánh mỳ và nước uống, rồi ba-rê chờ sếp lớn. Riêng chủ quán không bao giờ nghĩ tổng thống Mỹ vào quán KOTO ăn trưa. Bạn đọc nghĩ thật hân hạnh? Có thể hân hạnh. Rất hân hạnh. Nhưng vì bị tổng thống Mỹ vào quán gặm bánh mỳ nên công an Hà Nội thêm nghi người Việt Nam từ Úc về mở quán này phải là CIA (không thì xê-i-bê!) nên kêu đi làm việc ròng rã bốn năm trời.

 

 

Đặng Thị Hương trong đêm ra mắt quỹ AVEPA tại Melbourne. Hình: TVTS

 

 

 

Biết gì, dạy nấy

 

Xin phép dịch bậy khẩu hiệu “Know One, Teach One” của KOTO thành “Biết gì dạy nấy” vì chủ trương rất đặc biệt của tổ chức này.

 

Thông thường, học viên trường KOTO đến từ viện mồ côi, gầm cầu hay các gia đình tan vỡ. Trong hai năm với KOTO, các em được ăn ở và học hành hoàn toàn miễn phí để làm lại cuộc đời. Vì xuất thân từ nghề du lịch, Jimmy Phạm dạy cho các em nghề nấu nướng, tiếp khách và điều hành nhà hàng hay khách sạn. Không những dạy nghề, KOTO còn rèn luyện nhân cách. Qua hai năm sống tại trường KOTO các em biết giữ tác phong, xử thế và gây ảnh hưởng trên bạn của mình.

 

Tốt nghiệp từ KOTO ra, các em thành người chững chạc: biết nghề nấu ăn và sẵn sàng chỉ dạy người khác nấu ăn bởi ông Jimmy Phạm chủ trương; Trước hết chỉ cho các em biết câu cá, rồi giúp các em mở tiệm bán cá, sau đó chính các em chỉ lại cho người khác biết câu cá. Và cứ thế. Cứ thế.

 

Hiện nay, KOTO có hai trường tại Hà Nội và Sài gòn. Mỗi trường nuôi dạy 30 học viên tuổi từ 16 đến 22. Cả hai trường được Box Hill Institute tại tiểu bang Victoria đỡ đầu và cấp văn bằng. Ngoài ra, đại học Macquarie, công ty Intrepid Travel, tổ chức Australian Volunteers International và ngân hàng HSBC cũng có tên trong danh sách dài bảo trợ cho KOTO.

 

Sau khi thành tài từ trường KOTO, các em bụi đời thường chớp được gióp thơm trong nhà hàng 5 sao khắp thế giới và ở bên trong Việt Nam. Lý do: các em không những học nấu ăn mà còn học tiếng Anh, computer và được chuẩn bị làm đơn xin việc và qua phỏng vấn. Ngoài ra, một số em còn được gởi sang Úc du học. Cô Đặng Thị Hương được TiVi Tuần-san nhắc đến là một trong nhiều sinh viên được KOTO gởi sang Úc du học. Cô Hương học Masters in Entrepreneurship and Innovation tại đại học Swinburne. Hiện nay, Cô Hương phụ trách phần khuyến mãi và giao dịch cho KOTO International và làm việc bán thời tại khách sạn Sofitel Melbourne trên Collins St, trong khu buôn bán chính của thành phố Melbourne.

 

 

KOTO đã cứu 500 cuộc đời

 

Đến nay, hơn 500 em đã bước qua cửa KOTO. 500 cuộc đời lẽ ra vẫn còn bu quanh những tô phở, lon Coca-cola của khách ngoại quốc để xin chút cặn bã sống qua ngày, nhưng đã lột xác thành người mới. Các em chững chạc vững tay nghề, nói năng lưu loát, cử chỉ lịch thiệp và làm việc trong các nhà hàng sang trọng nhất tại Việt Nam. KOTO không những cứu 500 cuộc đời mà 500 người thành tài này — mỗi người — đang giúp thêm ba bốn người khác.

 

Năm 2013, chính phủ Úc trao tước Member of the Order of Australia (AM) cho Jimmy Phạm. Khi nhận tước AO do toàn quyền liên bang Úc trao, Jimmy Phạm nói “Mơ ước lớn nhất trong đời tôi là khi bước vào buổi tiệc gây quỹ đông đảo nào tôi cũng gặp một ông một bà CEO đứng lên dõng dạc tuyên bố “Trước đây tôi từng bán postcard dạo ngoài phố, tôi đã bị người ta lôi ra chợ trao qua bán lại, tôi đã ở tù nhưng bây giờ tôi điều hành KOTO. Tôi hứa giữ ngọn lửa này cháy mãi để giúp nhiều người cũng sống trong hy vọng”.

 

Sau khi giúp nhiều trẻ em bụi đời tại Việt Nam biết nghề nấu ăn, KOTO dự định mở thêm thêm trường huấn nghệ và trường dự bị đại học cho học sinh nghèo trong nước và mở rộng hoạt động sang vài nước Đông Nam Á. Có thể trường KOTO sắp tới sẽ khai trương tại Siem Reap, Cambodia. Tại Úc, KOTO Việt Nam đã gợi hứng cho ông Bern Murphy thuộc tổ chức Gateway Project mở trường huấn nghệ tương tự tại Richmond, phía Đông thành phố Melbourne, giúp trẻ em vô gia cư Úc.

 

Bạn đọc hỏi: Jimmy Phạm là người Việt hay người Nam Hàn? Jimmy Phạm có tị nạn ở Úc không? Làm việc ở Việt Nam không biết có giúp cho Cộng Sản? Nghi Thanh không trả lời được cả ba câu hỏi ấy.

 

Nhưng điều Nghi Thanh nhận ra khi viết loạt bài này là: Rất đông người Việt Nam tại Úc không rõ mình là Việt hay là Úc.

 

Kế tiếp, người Việt đến Úc qua rất nhiều cánh cửa từ “Ô-đi-ghe”, “Ô-đi-pi” cho đến “Ô-đi-học” và “Ô-đi-yêu” nhưng chung nhau một nguyên do “không còn sống được ở Việt Nam nữa”.

 

Sau cùng, những đường phân chia Quốc-Cộng, Nam-Bắc, Lương-Giáo, trong nước – ngoài nước, vân vân rất rành mạch trên giấy tờ nhưng khá nhòe nhạt trong thực tế.

 

Nghi Thanh

 

(Trích TiVi Tuần-san số 1520  phát hành ngày 13.5.2015)