Vua neo Lê Dũng

06 Tháng 7, 2015 | Người Việt đó đây

 

Nguyễn Hồng Anh

 

 

Lê Dũng tại quầy cung cấp sản phẩm của công ty Hollywood Nails Services. Hình: TVTS

 

Cách đây gần hai thập niên, tôi đã nghe nói đến nghề nail, viết bằng tiếng Việt cho dễ đọc là nghề neo. Đó là vào năm 1998 khi tôi đưa con cái sang vui chơi ở thiên  đàng Disneyland của trẻ con tại Nam California. Người tôi quen và người thân trong gia đình tôi làm công nhân nghề neo, một nghề tương đối dễ học, dễ làm, dễ kiếm việc và dễ kiếm tiền dù nghe nói hơi đáng ngại do tiếp xúc nhiều với hóa chất.

 

Tôi lại được nghe nói đến sự thành công của những người làm nghề neo ở Mỹ, làm chủ một hay nhiều nail salon, sự giàu có của họ. Thì cũng như nghề mở hãng xưởng may trước đây ở tại Melbourne này.  Vào thời hoàng kim của ngành may mặc, có những chủ hãng may đã làm cho đồng hương nể nang vì sự chơi bảnh của họ. Vì tiền vào như nước nên họ tiêu pha hào phóng làm người chung quanh phải lé mắt, thán phục.

 

Có người ở Mỹ lúc đó còn hỏi tôi tại sao không về Úc đi tiên phong trong ngành neo, nhưng tôi đã an phận với nghề báo mà tôi nghĩ đã thành công. Vả lại, cái gì người khác làm chưa chắc mình đã làm được.

 

Năm đó  –1998– tại thành phố Melbourne, người sẽ là vua neo sau này còn đang làm nghề may.

 

Lê Dũng giới thiệu người lo về trường dạy nghề Melbourne Institute of Nails & Beauty ở trên lầu . Hình: TVTS

 

 

Nghề may, nghề neo

 

Cuộc đời trôi đi. Và trong thời gian này tôi nghe nói ở Mỹ một số người trong nghề neo đã bỏ nghề hay chuyển nghề, một số khác sống lai rai.

 

16 năm sau trở lại California, tôi thấy người thân của tôi vẫn còn làm nghề này, nhưng rất phát đạt, có cuộc sống rất đầy đủ, thoải mái so với nhiều người khác. Cô em lúc này đã làm chủ được một nail salon ở thành phố Westminster, có 16 bàn và ghế, mở cửa 7 ngày, từ 9 giờ sáng đến 7.30 giờ tối, khách đến tấp nập, đôi khi khách phải đợi và đến 1 giờ trưa thì  tiệm neo không nhận đặt hẹn nữa.

 

Tôi đến thăm tiệm neo của cô em trong dịp lưu diễn văn nghệ cuối năm vừa rồi, nhìn thấy một dàn thợ Việt Nam mặc đồng phục làm việc rất chuyên nghiệp (không nói tiếng Việt với nhau khi đang làm việc), với khách hàng phần lớn là Mỹ và Mễ ngồi đầy ghế và chờ đợi bên ngoài,  thì tôi vui mừng bởi nghề neo đã mang lại thành công cho em mình.

 

Và cùng thời gian này –2014– ở bên kia bán cầu, Lê Dũng có thể được coi là vua neo, vì đang làm chủ một chuỗi  hệ thống nail salon với doanh thu hàng chục triệu đô la mỗi năm.

 

Ngược lại thời gian.  Năm 2000 báo TiVi Tuần-san dọn tòa soạn từ đường Burnley bên Richmond về trên đường Victoria Parade ở Collingwood, gần tổng hành dinh của công ty bán thức ăn nhanh McDonald, sau một thời gian dò tìm được một trụ sở rất vừa ý.  Kể từ khi người Việt đến định cư ở Melbourne, các chủ tiệm người Hy Lạp và Do Thái trên đường Victoria Street ở Richmond/ Abbotsford từ từ di tản. Có những cửa tiệm được mua từ ba, bốn chục ngàn đô la nay đã lên tới trên $1 triệu hay trên $2 triệu. Chen chân kiếm một cửa tiệm ở trên con đường của Little Saigon này (là tên mà báo chí và đài phát thanh Úc thỉnh thoảng gọi) cực kỳ khó, vì giá địa ốc bị đẩy cao quá thực tế do có nhiều người muốn nhảy vào.

 

Vài năm sau, trong những lúc từ  tòa soạn xuống Richmond ăn trưa, tôi nghe có một người tên Dũng đã mua lại trụ sở cũ của Ngân hàng National Bank đầu đường Victoria Street  phía Abbotsford. Nhưng tôi không biết ông Dũng nào đó giàu có đến độ mua được tòa nhà uy nghi giá cả triệu rưỡi đô la rồi cho ai đó thuê làm nơi dạy nghề neo.

 

Rồi những năm gần đây, tôi thấy nhà kho rất lớn số 3-7 đường Shelley Street ở Richmond nơi từng là tiệm  bán bàn ghế Lucky đã được tân trang và biến cải thành tòa nhà hai tầng. Miếng đất rộng khoảng 500 mét vuông mà xây hai tầng, có nghĩa diện tích tòa nhà là 1000 mét vuông.

 

Sau đó, tôi thấy tòa nhà treo bảng hiệu Melbourne Institute of Nails & Beauty. Thế là “sáng kiến” người ta nói với tôi ở Mỹ gần hai mươi năm sau đã có người thực hiện. Trường dạy neo này đăng quảng cáo thường xuyên trên báo TVTS tới cả một trang. Tôi biết rằng nghề neo mà thành công thì giàu lắm, nhưng không để ý đến chủ nhân trường dạy neo  này vì báo TVTS có rất nhiều thân chủ và mỗi thân chủ có vị thế riêng trong ngành nghề của họ, nhiều người là triệu phú từ lâu.

 

Chỉ đến khi thấy xuất hiện ở hội chợ Tết Footscray những lon nhôm “Thank You Australia”, và được đại diện quảng cáo của báo TVTS là Trương Anh Minh giới thiệu, tôi mới biết người đàn ông trông giống tài tử, có bộ râu mép, luôn mặc còm-lê mà tôi thường thấy ngoài phố Richmond và trên trang 5 của báo TVTS, là Lê Dũng, chủ nhân trường dạy neo và là người đứng đầu dự án “Thank You Australia” đang gây quỹ để tặng Bệnh viện Nhi Đồng Hoàng gia Melbourne trong tháng 4 này.

 

Báo TVTS  đang thực hiện mục “40 năm mất Miền Nam – 40 năm định cư của người Việt” trong đó viết về những người Việt thành đạt thuộc mọi lãnh vực trên đất Úc nên tôi có ý định thực hiện cuộc phỏng vấn ông Lê Dũng. Và cho đến tháng vừa qua sau khi tiếp xúc ông Lê Dũng, tôi đặt cho ông biệt hiệu  là vua neo, bởi xét cho cùng, vì không có người Việt nào và có thể cả người Úc đã thành công trong ngành neo như Lê Dũng.

 

Vua neo có tên đầy đủ là Lê Trung Dũng năm nay 54 tuổi, sinh quán ở Nha Trang, theo học trường La-san Bá Ninh của các sư huynh dòng La Salle. Lê Dũng nói ông không phải là người Công giáo  nhưng từ nhỏ thích học trường đạo và hay tham gia các sinh hoạt của các cộng đoàn Công giáo, ngay cả khi sang định cư ở Melbourne, nhất là trong lãnh vực văn nghệ.

 

 

Chủ nhân Holywood Nails Services hướng dẫn TVTS đi xem các phòng ốc của trường dạy nghề. Hình: TVTS

 

 

Từ hai bàn máy may đến trường dạy neo

 

Lê Dũng lập gia đình năm 1981, vượt biên năm 1982 cùng vợ và con gái mới 5 tháng tuổi với  ba người em. Ông ở  trại tị nạn Palawan,  Phi Luật Tân, gần  hai năm. Thời gian ở trại, vợ chồng  ông  có thêm một đứa con trai.

 

Năm 1984, vợ chồng ông được định cư ở Úc.  Thời gian đầu ông sống trong trung tâm di dân Enterprise Migrant Hostel ở vùng Springvale.  Lê Dũng mượn bạn bè $500 đô la  mua hai cái máy may để nhận  hàng may. Đây là cái nghề đầu tiên cho ông kiếm được tiền ở Úc.

 

Ban đầu ông may loại hàng rẻ tiền, sau đó may hàng cao cấp.  Lê Dũng làm nghề may trong vòng 15 năm, cho đến khi ngành may mặc xuống dốc, và ông chuyển nghề. Đó là vào năm 1999.

 

Lê Dũng mua nail salon đầu tiên của người Úc ở Highpoint, và lập ra cửa tiệm có tên Hollywood Nails Highpoint. Để mở rộng tầm hoạt động, ông lập ra công ty  Hollywood Nails Services. Từ một cửa tiệm, ngày nay công ty của anh làm chủ đến 75 tiệm neo trong đó một nửa là franchise và tất cả được kinh doanh qua 5 thương hiệu: Diamond Nails, Le Nails, Le Beauty, Odyssey Nails  và Hollywood Nails.

 

Các học viên theo học trường dạy neo và thẩm mỹ của Lê Dũng được chính phủ tiểu bang tài trợ một phần, tốt nghiệp được cấp chứng chỉ để có thể hành nghề hợp pháp, tự mở cửa tiệm hay thuê franchise của công ty chủ nhân nhà trường.

 

Tôi đến thăm trường học và trụ sở công ty của Lê Dũng vào một buổi trưa tháng vừa qua. Tầng trệt dùng làm văn phòng của công ty. Phần lớn diện tích 500 mét vuông ở đây dùng làm kho đựng các sản phẩm  cung cấp cho thẩm mỹ và ngành neo. Những mặt hàng này là nơi mang lại lợi nhuận chính cho công ty vì  ngoài 75 cửa tiệm neo của công ty, các tiệm neo khác cũng tiêu thụ những mặt hàng của công ty ông. Việc quản lý và cung cấp sản phẩm được ông Lê Dũng giao cho người con trai phụ trách.

 

Tầng trên cũng rộng 500 mét vuông, dùng làm trường dạy nghề. Lê Dũng cho biết trong thời gian qua trường  neo và thẩm mỹ của ông đã đào tạo được 10,000 học viên.

 

Hàng ngày có khoảng 100 học viên theo học những lớp và giờ khác nhau. Ông Lê Dũng cho biết  dạy nghề  không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng ông làm vì yêu ngành này và muốn giúp cho người trong cộng đồng có cơ hội kiếm công ăn việc làm. Ông nói ông hãnh diện về chuyện này cũng  như hãnh diện đã tham gia những cuộc triển lãm quốc tế trong đó ông chiếm được nhiều huy chương.

 

Lê Dũng cho biết ông chuyển từ ngành may qua ngành neo là một cái duyên, bởi ông là người yêu nghệ thuật, thích cái đẹp, sự sáng tạo.  Ông có thể đưa hình ảnh một thành phố lên cái móng tay nhỏ xíu của khách bằng kỹ thuật air brush, dùng stencil để tạo hình ảnh.

 

Nhiều phòng ốc: một phòng dạy nghề của trường. Hình: TVTS

 

Hỏi sự đam mê nghệ thuật đó xuất phát từ đâu, ông Lê Dũng cho biết từ đam mê âm nhạc thời còn trẻ. Ông là tay trống của ban nhạc Viễn Phương từ năm 1988 và kéo dài trong 20 năm. Hiện nay, những lúc vui, ông vẫn chơi nhạc với bạn bè.

 

Ông Lê Dũng dẫn tôi đi xem một vòng cơ sở của ông trong lúc học viên đang thực tập. Học viên trường của ông không chỉ là người Việt mà gồm các sắc tộc khác. Có rất nhiều phòng ốc để dạy về làm nóng tay, móng chân, massage, thẩm mỹ. Ông cũng đã xây thêm những gác lửng ở tầng trên dùng làm nơi cho học viên ăn uống hay nghỉ xả hơi giữa các buổi học.

 

Tôi thấy chủ nhân của Hollywood Nails Services có vẻ hài lòng với thành quả ông gặt hái nên tôi muốn hỏi thêm về lợi tức tổng quát mà công ty mang lại. Ông Lê Dũng cho biết lợi tức của công ty đến từ ba nguồn, chủ yếu là các salon và cho thuê franchise, rồi đến cung cấp sản phẩm cho ngành nghề neo và thẩm mỹ. Cuối cùng là trường dạy nghề với lợi nhuận không đáng kể nhưng là nơi đào tạo công nhân chuyên môn, một việc làm ông cảm thấy thích. Tổng cộng doanh thu hàng năm khoảng $30-$31 triệu đô la. Ông Lê Dũng cho biết thu vào như vậy, nhưng chi phí điều hành rất là cao.

 

Ông cũng cho biết là tòa nhà ngân hàng National Bank cũ đã được ông tu bổ rất công phu và trang trí rất đẹp mắt với tất cả tâm huyết nhưng do không tiện lợi cho việc kinh doanh nên ông đã bán, và hài lòng vì  người mua là một giáo hội.

 

Ông cũng cho biết bất động sản làm trường học hiện nay được ông mua cách đây 4 năm với giá trên $2 triệu và đã chi trên $1 triệu để tạo thành một trung tâm huấn nghệ khang trang như hiện nay với tổ chức quy mô, lớp lang theo tiêu chuẩn của người Úc.

 

Lê Dũng và TiVi Tuần-san cùng các giảng viên trong một phòng dạy của trường. Hình: TVTS

 

 

 

Cám ơn với dự án nửa triệu đô la

 

Thành đạt như vậy, Lê Dũng muốn đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng bằng cách đứng ra lãnh đạo một dự án khá lớn có tên “Thank You Australia” với mục tiêu là gây quỹ nửa triệu đô la cho Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia ở Melbourne. Dự án này được kết hợp với sự cộng tác và hỗ trợ của nhiều tổ chức trong cộng đồng người Việt ở Tiểu bang Victoria. Nổi bật nhất trong dự án này là chương trình văn nghệ vào ngày 25.4.2015 tại Palladium at Crown.

 

Hỏi có phải các nghệ sĩ từ  Trung tâm Asia bên Mỹ qua hát miễn phí  cho công tác từ thiện này không, Lê Dũng nói vẫn phải trả tiền cho họ như những show ca nhạc bình thường. Hỏi với chi phí nặng như vậy, làm sao lời, Lê Dũng nói ông có cách để làm cho buổi văn nghệ tối hôm đó mang lại nhiều tiền cho công tác từ thiện. Hỏi với mục tiêu đạt $500,000 như ông và ban tổ chức tuyên bố trên báo chí Úc và Việt, liệu cuối cùng có đạt như dự tính không, ông Lê Dũng trả lời rất tự tin  là sẽ kiếm được chừng đó tiền.

 

Ông cho biết chương trình đại nhạc hội cũng sẽ có lời, nhưng không nhiều. Tiền sẽ đến từ những vận động các mạnh thường quân, những nhà bảo trợ và  các lon nhôm quyên góp.

 

Với kinh nghiệm thương trường, với doanh nghiệp thu vào hàng chục triệu mỗi năm,  hy vọng thương gia có máu văn nghệ này sẽ thành công trong dự  án cám ơn nước Úc với số tiền nửa triệu cho Bệnh viện Nhi đồng.

 

Ông Lê Dũng cho biết số tiền thu được sẽ được ban tổ chức trao cho vị đại diện Bệnh viện Nhi đồng trong đêm đại nhạc hội ngày 25 tháng 4. Ban tổ chức và Ban chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự do- Victoria có mời các chính trị gia lưỡng đảng, cấp liên bang và tiểu bang, đặc biệt là cựu Thủ tướng Malcolm Fraser đã nhận lời đến dự với tư cách là khách danh dự của cộng đồng Việt Nam nhưng tiếc thay ông đã qua đời cả 5 tuần lễ trước đó.

 

Từ một người tị nạn với hai bàn tay trắng, đi từ ngành may sang ngành neo, Lê Dũng đã thành công trên thương trường với một doanh nghiệp cỡ trung bình. Công ty neo của ông là công ty neo lớn nhất và lâu đời nhất của người Việt ở Úc. So  với người bản xứ, công ty neo của ông thuộc hàng tiêu chuẩn quốc tế.

 

Lê Dũng xứng đáng để được gọi là ông vua neo. Và biết ơn nước Úc là đúng với văn hóa uống nước nhớ nguồn của Việt tộc.

 

Nguyễn Hồng Anh

 

Melbourne Good Friday 3.4.2015

 

(Trích TiVi Tuần-san số 1515  phát hành ngày 8.4.2015)