Nghi Thanh
![]() |
Luke Nguyens cùng với cha mẹ đi chợ tại Cabramatta. Photo courtesy: Nick Cubbin |
LTS: Qua loạt bài “40 năm định cư của người Việt”, trong khi tác giả Nguyễn Hồng Anh viết về những người thành công tận bên Mỹ hay ở thành phố Melbourne, Nghi Thanh viết về những người Việt thành công ở Canberra hay Sydney.
Nguyễn Hồng Anh viết về người thành công làm chủ nhà hàng, Nghi Thanh viết về người nấu rong, thành công nhờ viết, nói và làm các món ăn trên truyền hình, trong sách và ở mọi ngõ ngách từ Sàigòn đến Paris. Vừa qua, đài SBS chiếu lại loạt phi tài liệu du hành nấu nướng Luke Nguyens Greater Mekong mỗi tối lúc 6 giờ. Mời bạn đọc thưởng thức bài viết sau đây của tác giả Nghi Thanh.
* * *
Trong những năm 1980, ở Cabramatta có quán Phở Cây Dù. Đây là quán phở vừa ngon vừa có cái tên dễ nhớ. Như nhiều nhà hàng Việt Nam khác, Phở Cây Dù do vợ chồng con cái trong một nhà tị nạn lo từ bếp núc cho đến tiếp khách.
Vào quán Phở Cây Dù, thỉnh thoảng người ta thấy thấp thoáng bóng một cậu bé. Cậu là con của ông bà chủ quán. Thỉnh thoảng cậu bé ấy bước ra chào khách, lấy “o-đơ” và dùng cả hai tay cẩn thận bưng ly cà phê đặt lên bàn cho khách. Bẵng đi một thời gian, cậu biến mất. Hỏi ra, cậu được cha mẹ cho lui vào bếp.
Từ khi lên sáu cậu bắt đầu phụ giúp cha mẹ nấu phở. Thỉnh thoảng người ta còn thấy cậu lò tò theo mẹ ra chợ chọn những bó rau, những trái ớt và miếng thịt. Khi cậu lớn thêm tí tuổi, chính cậu một thân một mình chạy ra chợ mua mắm mua muối do mẹ sai. Cậu có đôi mắt rất tinh khi lựa bó rau tía tô, rau răm, rau thơm, diếp cá, ngò rí, ngò gai, ngò om… Có thật tươi mới lọt vào mắt cậu.
Cậu bé rất quen trong chợ Cabramatta, nơi được mệnh danh là thủ đô tị nạn Việt Nam tại Úc, là Luke Nguyễn.
Nét đẹp trong nhà bếp
Luke Nguyễn xuống thuyền vượt biên trốn chạy Cộng Sản khi còn trong bụng mẹ. Đến Thái Lan năm 1978, mẹ sinh con trai. Đó là cậu. Luke Nguyễn viết những hàng như sau trên trang đầu tiên của trang web lukenguyen.com.au “Tôi là một người Úc gốc Việt Nam. Tôi say mê tìm tòi các thứ chuyện đời và văn hóa qua các lối nấu ăn. Là đầu bếp, người viết sách và hướng dẫn viên du lịch đồng thời tôi còn phụ trách chương trình truyền hình… Với các vai trò đó, tôi nhắm tới chia sẻ điều hay nét đẹp qua chuyện bếp núc.”
Học xong trung học, Luke Nguyễn vươn ra khỏi Cabramatta, tìm đến Sydney học thêm ngón nghề trong nhà hàng Úc. Từ nhỏ, chú bé mơ có ngày làm chủ một nhà hàng như ba mẹ đang làm chủ quán Phở Cây Dù. Giấc mơ này đã thành sự thật vào năm 24 tuổi. Năm 2002, Luke Nguyễn cùng với bạn đời Suzanna Boyd, chị Pauline Nguyễn và anh rể Mark Jensen khai trương nhà hàng Red Lantern.
Red Lantern nhỏ thó thu gọn trong một ngôi nhà nhỏ tại số 545 Crown Street, Surry Hills, phía Đông Nam thành phố Sydney. Trong bốn năm liền (2006-2009), nhà hàng này được giải “Best Asian Restaurant, nhà hàng Á châu ngon nhất” tại Sydney. Hiện nay, hai chị em Pauline và Luke Nguyễn cùng với hai người bạn đời còn làm chủ thêm một nhà hàng và một quán rượu khác cũng ở tại Sydney.
![]() |
Luke Nguyễn (phải) với chị Pauline Nguyễn và anh rể Mark Jensen. Hình: Marco del Grande, Photo courtesy: SMH |
Học bí quyết từ cô Tư, thím Bảy
Nấu nướng ngon, điều hành giỏi nhà hàng, Luke Nguyễn còn là tác giả nhiều cuốn sách. Năm cuốn được giải thưởng và bán chạy nhất là Secrets Of The Red Lantern, The Songs of Sapa, Indochine, Luke Nguyens Greater Mekong và The Food Of Việt Nam.
Trong các sách trên, chàng viết ra những công thức món ăn nhờ lặn lội vào tận nhà cô Tư, thím Bảy tuốt miệt vườn hay sâu trong bưng biền. Đến đâu, Luke Nguyễn đều sà vào bếp, ngồi bẹp bên cạnh lò quan sách cô Tư, thín Bảy nấu nướng. Chàng không ngại cầm con cá đang giãy đành đạch hay bó rau xa lạ và hỏi “Cái gì đây?”, “Phải nấu làm sao?”. Chính các câu hỏi rất trẻ thơ này giúp cho Luke Nguyễn viết thành thuộc công thức nhiều món như: Thịt ba rọi xào măng, nem nướng Nha Trang hay gỏi bông bí.
Món ngon nhất và món ngượng nhất
Đi nhiều nơi, Luke Nguyễn đã nếm ít nhất 8,000 món ăn. Nhưng nhớ đời nhất cho chàng trai Úc gốc Việt này là chén đậu hủ ở Sapa. Chàng kể “Sapa là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Lúc đó là 4 giờ sáng, tôi đang học làm đậu hủ sao cho tươi tắn và mềm dịu. Đang hấp đậu hủ trên lò tôi được thưởng thức một chén sữa đậu nành nóng hổi. Phải nói món này giản dị nhất thế giới nhưng tuyệt ngon, tuyệt sạch và béo chưa từng thấy”. Bên cạnh chén sữa đậu nành nóng nhớ đời ấy, đầu bếp trứ danh thuộc thế hệ một rưỡi người Úc gốc Việt này cho biết món ruột — ăn hoài không ngán — của mình là mắm. Trong các thứ mắm, theo Luke Nguyễn, bắt miệng nhất là mắm chưng và bún mắm.
Nói đi có nói lại, nếu ai hỏi món ăn nào làm chàng trai có mái tóc bồng bềnh và cặp kiếng cận nặng nề này thấy ngượng nhất, Luke Nguyễn trả lời: Xin thưa cái hộp thức ăn trưa mẹ bắt mang đến trường. (Xin phụ huynh ghi nhớ). Trong thời gian đi học, ngày nào mẹ cũng bắt chàng mang theo cái hộp thức ăn trưa rất đúng điệu Á châu. Hộp bằng thép bóng lưỡn có bốn ngăn, Ngăn đựng cơm; ngăn đựng canh rau; ngăn đựng thịt kho và ngăn cuối cùng đầy nhóc rau. Ngày nào chàng cũng thấy ngượng khi phải mang hộp cơn đó vì nó khác với chúng bạn: chúng chỉ mang theo cái sandwich hay doritos. Thế thôi.
Hãnh diện với món ăn Việt Nam
Không chỉ nấu ăn ngon, Luke Nguyễn còn là giới thiệu món ngon Việt Nam cho thế giới. Trong khi người Việt Nam tị nạn mang đến đất mới những chả giò, gỏi cuốn, bánh mì thịt hay phở thì Luke Nguyễn chiếu lên màn ảnh nhỏ một nước Việt Nam đầy dẫy món ăn thật giản dị mà ngon miệng như gà xào xả ớt, gỏi đu đủ tôm thịt, canh sườn dưa cải, cà-ông-giặc nướng…
Phải nhìn nhận chương trình “Luke Nguyen’s Vietnam” do đài truyền hình SBS tại Úc thực hiện đã thay đổi hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới, kể cả trong mắt người tị nạn Việt Nam định cư tại hải ngoại. Ít nhất Nghi Thanh thấy hãnh diện hơn khi khoe với bạn người Úc những thứ như mắm tôm, nước mắm hay gỏi thính.
Tại mỗi nơi đặt chân đến, Luke Nguyễn dùng ngay cảnh sống động bên đường phố để kê chiếc bếp dã chiến mà nấu nướng. Anh giới thiệu món “Gỏi đu đủ tôn thịt” rất đúng điệu gánh hàng rong như thường thấy ở góc chợ Bến Thành, Sài gòn. Khi nấu “Canh chua cá lóc” thì bếp đặt ngay ở chợ cá với tiếng người ồn ào và tiếng đành đạch của những chú cá nằm trên thớt. Vì muốn trình bày sự thật về món ăn Việt Nam, Luke Nguyễn không ngại kể đến món “cầy tơ”. Chàng không ghi ra công thức nấu dựa mận, dồi chó, vân vân nhưng chính mình đứng trước ống kính truyền hình nến thử món ăn “sống trên đời…” này. Xem truyền hình tưởng chàng chỉ xách chiếc bàn và cái lò là làm nên chuyện. Thật ra, trong mỗi cảnh Luke Nguyens Việt Nam, đài truyền hình SBS phải bố trí lên đến 12 nhân viên chung quanh.
Một đầu bếp hạnh phúc
Là người Việt Nam sinh ra trên đường tị nạn và lớn lên tại Úc, Luke Nguyễn nói tiếng Anh lưu loát và không quên tiếng Việt của cha mẹ. Trên đường rong ruỗi trở về chốn cũ, anh dễ dàng chuyện trò với người bình dân trong nước. Đi đến đâu, Luke Nguyễn mang mái tóc bồng bềnh trên đôi kính cận nặng nề và nói với người Việt (và khán giả truyền hình) mình nhắm tới học hỏi thêm về đất nước quê cũ.
Năm 2011, sau khi Luke Nguyễn thực hiện xong hai chương trình truyền hình Luke Nguyens Vietnam (10 tập) và Luke Nguyens Greater Mekong (10 tập) được trình chiếu tại 150 quốc gia, báo The Sydney Morning Herald đã ghi danh anh vào Food Hall of Fairfax Media. Sau hai chương trình này, vào năm 2013 Luke Nguyễn còn thực hiện thêm chương trình Luke Nguyens France. Cũng trong năm ấy, Luke Nguyễn về Việt Nam tổ chức cuộc thi MasterChef Việt Nam, gọi là Vua Đầu Bếp tại Việt Nam. Ngoài ra, anh còn xuất hiện trên nhiều chương trình nấu ăn lừng danh khác như Great Escape của Gordon Ramsay, MasterChef Australia và Destination Flavour.
Lớn lên trong gia đình tị nạn Việt Nam tại Úc, không ít cô cậu được cha mẹ hướng dẫn thành kỹ sư, bác sỹ để nhàn tấm thân. Hiển nhiên, khoa bảng và chức phận là bằng chứng của thành công.
Nhưng thước đo của thành công không đồng nghĩa với sống hạnh phúc. Luke Nguyễn nói “Tôi tin rằng thành công là khi bạn thật sự hạnh phúc với mình. Những người thành công nhất tôi được gặp thường sống trong những ngôi làng lạc hậu trên những ngọn núi ở Việt Nam. Họ chăm sóc ruộng lúa, ăn những loại rau hữu cơ và có rất ít tiền; nhưng khi bạn nhìn họ cười, bạn có thể thấy họ đời họ rất thành công. Thành công vì hài lòng và hạnh phúc với những gì mình có”.
Nghi Thanh
(Báo in TVTS số 1512 phát hành ngày 18.3.2015)