Nguyễn Hồng Anh
Ở nước Úc này có nhiều tài danh âm nhạc gốc Việt Nam, đó là điều chắc chắn. Nhưng tôi chỉ biết được hai người nổi tiếng. Lý do cùng ở một thành phố, và có quan hệ thân hữu.
Tuần này tôi muốn nói đến hai tài năng dương cầm xuất thân từ trường nam nữ trung học tư thục Wesley College ở thành phố Melbourne. Hoàng Phạm và Ann Anh-Thư Nguyễn, là tên mà người Úc và báo chí gọi các em.
![]() |
Thần đồng Phạm Minh Hoàng đánh đàn và chơi banh, 1.7.1992. Hình: TVTS |
Từ thần đồng đến ngôi sao các buổi hòa nhạc
Hơn 20 năm trước, báo chí Úc gọi Hoàng Phạm là “musical prodigy”. TiVi Tuần-san (TVTS) thời đó cũng gọi cậu bé là “thần đồng âm nhạc”. Ngày nay, muốn nhắc đến tài nghệ thủa trước của Phạm Hoàng thì chúng ta sẽ gọi là “cựu thần đồng”. Lý do?
Cậu bé xuất chúng về âm nhạc ngày trước bây giờ đã 30 tuổi rồi, chẳng bé bỏng gì nữa, để còn gọi là… thần đồng (có nghĩa trẻ con có năng khiếu đặc biệt)! Ở tuổi “tam thập nhi lập”, tên tuổi và tiếng dương cầm của Hoàng Phạm đã vượt ra khỏi biên giới Châu đại dương!
Tôi còn nhớ được thấy cậu bé chơi keyboard lần đầu tiên vào dịp lễ hội Tết Trung Thu tổ chức ngoài trời ở khu chung cư Richmond Housing. Thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô, dễ thương lại đánh đàn hay và được bạn bè cho biết cậu bé đã từng đi biểu diễn nhiều nơi cho người Úc xem, nên tôi đã đề nghị bà mẹ cho tôi đến nhà xem cậu bé trình diễn piano để viết một bài về cậu bé. Tôi nhớ năm đó Hoàng mới lên 7 tuổi. Cũng năm đó, cậu bé đã học xong trình độ cấp 8 (eight grade) tương đương trình độ dành cho thiếu niên 15 tuổi, và cũng đã học xong lý thuyết trình độ cấp 3, biết hòa âm và viết những bản nhạc ngắn.
Cậu bé, tên đầy đủ bằng tiếng Việt là Phạm Minh Hoàng, đã nổi danh với cộng đồng chính mạch trước khi tôi gặp. Bài phỏng vấn của tôi có mục đích giới thiệu cậu bé với cộng đồng Việt Nam. Từ đó, trong vòng gần 20 năm, TVTS thỉnh thoảng có những bài viết về Hoàng, giới thiệu với độc giả những buổi trình của Hoàng để hy vọng có nhiều người đi nghe và ủng hộ một tài năng trẻ gốc Việt.
Hoàng sinh đẻ tại Việt Nam vào năm 1985. Cha là Phạm Minh Hùng, mẹ là Vũ Thị Thắm. Năm 1985, khi bé Hoàng mới được khoảng 3 tháng tuổi, ông bà Hùng vượt biên đến Nam Dương, ở trại tị nạn Galang trước khi được định cư ở Úc. Ở Việt Nam, ông Hùng biết chơi guitar và piano và có đánh đàn cho nhà thờ, có nghĩa là chơi tài tử. Qua Úc, vì muốn làm nghề dạy đàn chính thức nên ông đã đi học môn guitar cổ điển, tốt nghiệp và sau đó dạy ở trường học Úc và dạy kèm tại tư gia. Ông là người ít nói, có tờ báo Úc gọi ông là “shy piano teacher”. Bà Thắm làm nội trợ, đồng thời cũng là một “manager” cho con khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, từ học hành cho đến trình diễn.
|
Tôi đến nhà chị Thắm lần đầu tiên khi gia đình Hoàng đang ở khu chung cư Ascot Vale. Cậu bé đang chơi banh một mình trước cửa nhà, dùng hai đầu gối thẩy quả bóng tròn khéo léo như một cầu thủ túc cầu chuẩn bị ra sân đấu. Mẹ cậu bé gọi Hoàng vào để chơi cho tôi nghe. Hoàng ngoan ngoãn nghe lời. Lần đầu tiên tôi được nhìn và nghe một cậu bé 7 tuổi chơi dương cầm và nhìn tay cậu bé lướt trên phím đàn thoải mái, thì quả danh bất hư truyền—thần đồng thứ thiệt. Từ buổi nghe nhạc này, chúng tôi có thêm liên hệ đồng hương và ngoài gặp nhau khi đi nghe nhạc, thỉnh thoảng hai gia đình có đến nhà nhau chơi. Nói quen biết là như vậy.
Chị Thắm nói Hoàng biết đọc các mẫu tự từ 3 tuổi, nhưng không nghĩ bé sẽ là một đứa trẻ khác thường (tức thần đồng). Nhưng một hôm, một người bạn có cây đàn organ cũ đen cho, anh Hùng dán nốt đàn cho con đánh, thấy bé tập đến đâu nhớ đến đấy nên anh mua một cây đàn piano cũ giá $4,000 cho con tập, khi đó Hoàng mới 3 tuổi rưỡi. Anh Hùng tập cho cậu bé đánh đàn đều đặn hàng ngày và khi cậu học xong hết trình độ cấp 4, thì ông bố hết cũng ngón đàn để truyền nghề, nên phải nhờ đến thầy giỏi hơn dạy kèm.
Lúc 4 tuổi, Hoàng đã trình diễn lần đầu tiên ở Myer. Lên 5 cậu đánh thuộc lòng 20 bài của Mozart, Chopin, Beethoven và Bach.
Năm 1990, Hoàng được mời chơi gây gũy cho Bệnh viện Nhi đồng tại Regent Hotel Ballroom trong đó khách dự trả $500 cho một chỗ ngồi.
Năm 1992, Hoàng là một trong hai thiếu nhi gốc Việt đượcgiải xuất sắc về dương cầm và vĩ cầm tại Đại hội Âm nhạc và Nghệ thuật Dandenong lần thứ 45 (Dandenong Festival of Music and Art for Youth).
Xin mở ngoặc: Người kia là Nguyễn Thiệu Quỳnh-Như, ái nữ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, bút hiệu Bao Công Mark I của TVTS, đã qua đời. Quỳnh-Chi em gái của Quỳnh-Như đậu VCE cao chót vót vào đại học lúc mới 15 tuổi. Quỳnh-Như đoạt giải nhất về vĩ cầm ở hạng tuổi 12 và 16 và giải ba ở hạng tuổi 14. Ngoài ra, Quỳnh-Như còn đoạt giải nhất về dương cầm trong hạng tuổi 12. Ngày nay, Quỳnh-Như là một bác sĩ; dạy đàn, nếu còn, là nghề tay trái.
Phạm Minh Hoàng tuy mới 7 tuổi nhưng đoạt giải nhì trong hạng tuổi 14 và bằng tưởng lệ trong các hạng tuổi 9, 10, 12 và 15. Đây là bước đầu để cậu bé thần đồng phát triển tài năng trong lãnh vực âm nhạc.
Tuy nhiên con đường âm nhạc của Hoàng chỉ tỏa sáng như sao khi người thanh niên 20 tuổi đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm dành cho người Úc và Tân Tây Lan có tên là Lev Vlassenko Piano Competition diễn ra từ ngày 6 đến 20.8.2005 tại Brisbane. Trong 100 người dự thi thử, chỉ có 20 người được chọn. Vào chung kết chỉ còn 4 người, một Việt, một Đại Hàn và hai Trung Hoa.
Hoàng được giải nhất với chi phiếu $15,000 đô la và giải Concerto Prize với tiền thưởng $5,000. Ngoài danh vọng của giải này (được mời trình diễn nhiều nơi), số tiền $20,000 là số tiền lớn đối với gia đình Hoàng lúc đó. Cùng với giải thưởng này, Hoàng được học bổng du học Nữu Ước và như người viết được biết, Hoàng đã tốt nghiệp cử nhân và cao học về âm nhạc.
Ngày Hoàng lên đường, người viết hỏi liệu có học tới cấp tiến sĩ không, Hoàng nói học cử nhân là một việc phải làm, vì tài giỏi đến đâu mà không có bằng cấp thì sẽ thiệt thòi sau này, nhất là trong công tác giảng dạy hay nghiên cứu. Hoàng nói có bằng là một chuyện mà trình diễn có thành công không, là chuyện khác. Nghề của Hoàng sau này sẽ là trình diễn và học cử nhân ở Mỹ cũng là chuyên ngành trình diễn.
Ngoài đoạt một số giải ở ngoại quốc, năm 2013 Hoàng đoạt giải người biểu diễn trẻ của đài truyền hình quốc gia Úc có tên “ABC Symphony Australia Young Performers Award. Tên tuổi của Hoàng Phạm trở thành những thí dụ thành công điển hình của các gia đình di dân.
![]() |
Ban tam tấu Melbourne Trio của Hoàng trong buổi trình diễn tại AMAN, South Mebourne năm 2011. Hình: TVTS |
Trong những lần chuyện trò hay phỏng vấn từ khi Hoàng 7 tuổi và lúc 20 tuổi, Hoàng đều nói tiếng Việt, rất thông thạo, như một ông cụ Bắc Kỳ chính hiệu. Không những giỏi tiếng Việt, Hoàng còn muốn đóng góp cho cộng đồng Việt Nam tại Úc bằng cách tham gia những buổi hòa nhạc gây quỹ với tính cách thiện nguyện như buổi hòa nhạc sắp tới trong chương trình “Cám ơn nước Úc” tổ chức vào cuối tháng 4 tới.
Tinh thần Việt Nam trong con người Hoàng rất cao, có lẽ nhờ giáo dục của gia đình. Tôi còn nhớ năm Hoàng 20 tuổi, hỏi Hoàng tại sao không chọn cho mình một tên bằng tiếng Anh cho người Úc dễ gọi, Hoàng nói cũng có lúc nghĩ tới, nhưng cha mẹ đặt tên Hoàng từ nhỏ nên riết rồi cũng quen, và thấy không cần thiết đổi tên hay thêm tên khác. Hoàng nói quan trọng là khả năng của mình, còn tên thì dù khó đọc hay khó gọi như một số nghệ sĩ Trung Hoa, cũng chẳng sao cả. Đúng là “ông cụ non”!
Hoàng chơi đàn giỏi, quá giỏi là một chuyện, nhưng nhờ bà mẹ tháo vát và xông xáo nên mới có nhiều cơ hội tiến thân. Chị Thắm đã xin được học bổng để Hoàng có thể học ở một trường học tốt như Wesley College. Tại đây, Hoàng có dịp để phát triển khả năng thiên phú về âm nhạc của cậu bé. Song song với chương trình âm nhạc ở trường, Hoàng còn được may mắn làm học trò của một thầy dạy dương cầm tài giỏi gốc Do Thái, bà Rita Reichman, từ năm 4 tuổi kéo dài trong 17 năm.
Chị Thắm cho tôi biết phải đưa đón con đi học, rồi còn học riêng với cô giáo âm nhạc ở tận Toorak. Là những người tị nạn với một đầu lương, hai anh chị Hùng-Thắm cũng phải vất vả lắm để cho đứa con thành tài trong lãnh vực âm nhạc, bởi chơi đàn (lại là đàn piano) và học nhạc cổ điển cũng lắm tốn kém. Thời đó, chị Thắm nói mỗi giờ học nhạc với bà Reichman tốn $90 đô la, nhưng may mắn nhờ thỉnh thoảng Hoàng được mời đi trình diễn ở Melbourne, Adelaide, Sydney mỗi lần được vài trăm nên cậu bé tự trang trải tiền học cho mình.
Cũng liên quan đến việc học, chị Thắm nói thời đó báo chí viết nhiều về cậu bé thần đồng âm nhạc nên Dân biểu Theophanous đã đích thân viết thư cho Bộ trưởng Nghệ thuật David Simons yêu cầu chính phủ giúp đỡ một tài năng học hành đến nơi đến chốn, nên có những người Úc tưởng Hoàng được trợ cấp, nhưng chuyện đó đã chẳng xảy ra.
Năm Hoàng 5 tuổi, một tay đua xe hơi nổi tiếng và giàu có ở thành phố Adelaide là Peter Jason rất mến Hoàng đã đề nghị lập quỹ bảo trợ cậu bé ăn học cho đến khi trưởng thành nhưng chị từ chối vì điều kiện của quỹ đặt ra là sẽ chọn thầy dạy nhạc cho Hoàng trong khi cả chị và Hoàng thích học với bà Reichman hơn.
Hoàng được học bổng vào học ở trường Wesley từ lớp 5 cho đến khi tốt nghiệp tú tài VCE. Sau đó, cậu thiếu niên được học bổng 2 năm theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Úc ANAM (Australian National Academy of Music) ở South Melbourne. Học viện này không cấp bằng hay chứng chỉ nhưng là nơi để các học viên trình diễn, gặp gỡ và trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm với các đồng môn, nhất là được dịp tiếp xúc với những bậc thầy về âm nhạc trên khắp thế giới đến chia sẻ kinh nghiệm.
![]() |
Khán thính giả của Phạm Minh Hoàng tại thính phòng Dame Elisabeth Hall ở Melbourne Recital Centre, tháng 8 năm 2011 trong giờ giải lao. Hình: TVTS |
Chính trong thời gian này, chị Thắm đã được sự giúp đỡ của những đồng hương giúp bán vé, mời các đồng hương khác đi nghe và ủng hộ các chương trình biểu diễn của Hoàng. Năm 2005, khi Hoàng 20 tuổi, cậu được hai học bổng du học ở California và New York. Như chị Thắm kể cho người viết thì học bổng ở California bao luôn tiền học và ăn ở, nhưng Hoàng thích học ở Manhattan University vì vọng có nhiều cơ hội trình diễn và tiến thân hơn. Trường Manhattan School of Music ở New York chỉ cho học bổng về học phí $26,000 Mỹ kim một năm, học trong 4 năm. Muốn xin visa vào Mỹ học, trong sổ băng cần có số tiền ăn ở $80,000 trong 4 năm. Lúc này dù đã mua được nhà ở vùng Brighton East, nhưng gia đình chị Thắm không thể nào có số tiền lớn như vậy, may thay một luật sư người Úc quen biết với gia đình chị đã ký giấy bảo đảm nhờ vậy mà Hoàng làm kịp giấy tờ để qua Mỹ học.
Kể chuyện như vậy để thấy tài năng của Hoàng mà thiếu tài xoay xở của bà mẹ thì thiên tài này sẽ không có cánh để bay đi xa, để ngày nay trở thành một danh cầm không những nổi tiếng ở Úc mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Báo chí Úc gọi người thanh niên 30 tuổi này là “concert star”—ngôi sao trình diễn hòa nhạc quốc tế.
Hoàng có lập nhóm tam tấu (piano, violin, cello) với các bạn để trình diễn riêng nhưng cũng bận rộn với những buổi trình diễn cùng những dàn nhạc giao hưởng lớn trong nước và quốc tế. Tôi cũng được nghe rằng Hoàng hiện đang dạy nhạc cho trường Loreto Mandeville Hall ở vùng Toorak, một trường nữ trung tiểu học tư thục Công giáo rất nổi tiếng về âm nhạc.
Cách đây 23 năm trên tờ TVTS này, khi lần đầu tiên đến thăm gia đình anh chị Hùng-Thắm, nói về tài năng của Hoàng và hoàn cảnh của gia đình, chúng tôi đã kết thúc bài viết với câu “Cha mẹ mà quyết tâm thì con dễ thành công. Điều may mắn khác Hoàng hiện là đứa con độc nhất nên được cha mẹ lo lắng đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn. Hoàng là thần đồng âm nhạc nhưng có phải là thiên tài nhạc không thì thời gian sẽ trả lời”.
Và thời gian đã trả lời!
![]() |
Ký giả Xuân Ngọc của SBS Radio trong một lần phỏng vấn Anh-Thư (giữa) tại tòa soạn TVTS |
“Con nhà tông…”: bác sĩ hay nhạc sĩ?
Không biết có phải vì có máu văn nghệ trong người hay không mà người viết được quen với những người nổi tiếng về âm nhạc trong cộng đồng Việt Nam ở Melbourne, hay do làm nghề báo?
Quen với gia đình cựu thần đồng Phạm Minh Hoàng là một sự tình cờ. Biết gia đình của Nguyễn Trang Anh-Thư thì từ Việt Nam, bởi chúng tôi là hàng xóm. Ông bà ngoại của Anh-Thư quen thân với mẹ của người viết vì cùng họ đạo. Các cô cậu của Anh-Thư quen với đám em gái của người viết vì cùng ca đoàn. Riêng người viết là đàn anh Trường Chính Trị Kinh Doanh của cậu Anh Thư– nhạc sĩ kiêm họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Phú. Một Nguyễn Hồng Anh hôm nay nếu có được người ta biết như là một người viết nhạc với 3 CD đã ra mắt, đem chuông Úc đánh xứ Huê Kỳ, cũng là do Lê Phú đề nghị và giúp thu âm thử vài bản nhạc bỏ xó, lãng quên trên ba mươi năm. Mẹ của Anh-Thư là người có bài viết về âm nhạc đăng trên TVTS mà bài mới nhất đăng vào ngày đầu năm có tựa “Giai điệu xuân qua âm nhạc cổ điển”: cô Lê Kim Trang. Kể ra như vậy, là người viết có dây dưa rễ má với gia đình văn nghệ này.
Độc giả TVTS cũng đã có dịp nghe tên tuổi Anh-Thư trong một số bài viết nói về những buổi trình diễn và vài cuộc dự thi âm nhạc của thiếu nữ nhiều tài năng này trong hai ba năm qua. Anh-Thư năm nay 19 tuổi, đang học âm nhạc năm thứ hai về môn trình diễn (music performance) tại trường Đại học Melbourne trong chương trình cử nhân 4 năm (Honors).
![]() |
Anh-Thư song tấu với một bạn học tại thính phòng Melba Hall trong khuôn khổ chương trình cử nhân âm nhạc của Đại học Melbourne, tháng 5 năm 2014. Hình: TVTS |
Như đa số các gia đình khi còn ở Việt Nam, ai cũng mong muốn cho con học “bác sĩ, kỹ sư” (một câu nói nghe rất quen tai) . Qua xứ Úc này, luật sư, nha sĩ cũng được các phụ huynh ưa chuộng không kém. Anh-Thư chọn học âm nhạc là một trường hợp lạ, bởi cô có đủ điều kiện, đủ điểm để học y khoa. Ngoài ra, còn lý do quan trọng khác là yếu tố di truyền: cha của Anh-Thư hiện là một giáo sư và bác sĩ chuyên khoa, thưở trước có chơi đàn guitar. Nhưng yếu tố di truyền về âm nhạc của gia đình bên mẹ cũng rất mạnh, bởi ông ngoại và một số cô cậu là những ca trưởng của các ca đoàn ở Việt Nam hay ở Úc. Mẹ của Anh-Thư là một người có học piano ở Việt Nam cũng như ở Úc. Các em trai của cô hiện là những tay chơi violin của trường Wesley College.
Điều này cũng không lạ vì mẹ của Anh-Thư ngoài từng đậu cử nhân toán ở Việt Nam, đậu cao học khoa học nhiệm ý toán và vi tính ở Úc, là một người rất có trình độ về âm nhạc. Bên cạnh học đàn piano, Kim Trang còn học nhạc lý và xướng âm với Nhạc sĩ Hùng Lân; hòa âm, thanh nhạc và phối khí với Linh mục nhạc sĩ Tiến Dũng, và đã từng đứng trên sân khấu thủ một vai chính trong vở kịch “All My Sons” của Arthur Miller diễn tại Nhà Văn hóa Phú Nhuận năm 1988 do một nhóm văn chương Anh đảm trách.
Cô Kim Trang nói con gái học nhạc là một sự lựa chọn theo sở thích, nhưng chắc chắn là do ảnh hưởng của người mẹ có năng khiếu văn chương và nghệ thuật này.
Anh-Thư cũng nói với tôi cô thích học nhạc. Ở đời, chẳng có gì hạnh phúc hơn bằng làm cái nghề mà mình thích và kiếm nhiều tiền nữa, thì tuyệt vời.
Cũng như Phạm Minh Hoàng, Anh-Thư được học bổng âm nhạc của trường Wesley. Bà hiệu trưởng đánh giá cao tài năng của Anh-Thư và coi cô học sinh này là một tài năng quý báu của trường.
Anh-Thư sinh ra và lớn lên tại Úc. Học đàn với mẹ từ bé. Đến 5 tuổi, Anh-Thư đã thử chơi nhiều nhạc cụ như violin, viola, cello, flute, oboe, recorder, clarinet, trumpet, saxophone, trombone, French horn, piano, drum, xylophone.
Nhưng đến 6 tuổi, Anh-Thư chính thức chọn piano là nhạc cụ chính và nhạc cụ phụ thứ hai là violin.
Đến 9 tuổi, Anh-Thư lần đầu tiên đoạt một giải thưởng, đó là giải nhất Eistedford Piano dành cho lứa tuổi 12.
11 tuổi, Anh-Thư đậu bằng AMusA (Associate Diploma in Music, Australia). Trong thời gian từ năm 2005-2008, Anh-Thư là thành viên của Trường Quốc gia Âm nhạc Úc ANAM và thường độc tấu dương cầm và trình diễn chung với các nhạc cụ khác (chamber music), có lúc hàng tuần. ANAM ở South Melbourne cũng là nơi danh cầm Phạm Minh Hoàng thường trình diễn sau khi tốt nghiệp trung học và mỗi lần trở về nước trong thời gian đang du học ở Mỹ.
![]() |
Anh-Thư và thân nhân, thân hữu trước thính phòng Melba Hall của Đại học Melbourne, cuối thu năm 2014. Hình: TVTS |
Năm 14 tuổi, Anh-Thư đậu bằng LMusA (Licentiate Diploma in Music, Australia) và được mời độc tấu dương cầm tại Nhà hát Con sò ở Sydney và trong các buổi hòa nhạc Suzuki Talent Concerts.
Anh-Thư được học bổng âm nhạc của các trường Loreto nhưng từ năm lớp 10, sau khi được học bổng Leadership Scholarship của trường Wesley College, Anh-Thư chuyển trường vì nghĩ rằng trường này nổi tiếng về trình diễn âm nhạc và có đội ngũ giáo viên đông đảo để huấn luyện.
Chỉ trong năm 2012, Anh-Thư đã tạo các thành tích và nhận các giải thưởng sau:
– Perfect scorer (50/50) of VCE Music Investigation
– Top scorer of VCE Music Performance
– Young Musician Award
– The Most Promising Pianist Award
– Drapers Scholar Award (for the marker of Year 11 VCE) của trường Wesley College
– Outstanding Music and Academic Award của Wesley College
– Là học sinh duy nhất của trường Wesley được chọn vào The Aspiring Scholars Program của Melbourne University (đây là chương trình hướng dẫn và chuẩn bị các môn học chuyên ngành cho những học sinh xuất sắc vào năm học tới của Đại học Melbourne, cũng được coi là một sự “hứa hẹn” giữ chỗ cho năm tới).
– Australian National Eisteddfod (piano): Second Prize winner for Open Beethoven, Second Prize for Open Piano Recital, Second Prize for Solo Chopin Championship.
Và cũng trong thời gian này, Anh-Thư đã đậu bằng FTCL (Fellow of Trinity College of Music – London) khi mới 16 tuổi.
Tháng 9 năm ngoái, Anh-Thư tham gia cuộc tranh tài thường niên lần thứ 27 dành cho những người trẻ tuổi có tên Youth Concerto Orchetra, được vào chung kết và được giải khuyến khích.
Cũng trong tháng này, Anh-Thư đoạt giải nhất Romantic/ Post Romantic Piano Solo (lứa tuổi 17-20) – Music Eistedfod 2014. Sau đó, cũng được giải 2014 Frances Quinn Encouragement Award dành cho sinh viên năm thứ nhất giỏi nhất của Melbourne Conservatorium của Melbourne University.
![]() |
Anh-Thư trình diễn Piano Concerto No.1 của Chopin tại Youth Concerto Competition, tháng 9 năm 2014. Hình: TVTS |
Tháng 11 năm ngoái, Anh-Thư được mời tham dự chương trình “The Talent” Live Performance của Đài 3MBS FM 103.5 trình diễn trực tiếp và thính giả bình bầu và đã được chọn vào Vòng Chung Kết (Final Round) dành cho 10 nghệ sĩ ưu tú nhất của tất cả mọi nhạc cụ dựa trên sự phối hợp kết quả của ban giám khảo và bình bầu của thính giả.
Giải chung kết sẽ diễn ra vào khoảng tháng 7 và 8 và kết quả cuối cùng sẽ được thông báo vào ngày 25.8.2015.
Kỳ nghỉ hè vừa rồi, Anh-Thư đã được mẹ đưa qua Vienna, cái nôi âm nhạc cổ điển để thăm viếng và theo học lớp Master Classes với giáo sư âm nhạc nổi tiếng thế giới Johannes Kropfitsch.
![]() |
Gia đình và thân hữu của Anh-Thư sau Youth Concerto Competition tại Preston Townhall năm ngoái. Hình: TVTS |
Con đường âm nhạc của Nguyễn Anh-Thư có thể khác với Phạm Minh Hoàng, với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng cuối cùng đều nhắm đến đỉnh cao của nghệ thuật. Chàng thanh niên gốc Việt đã thành danh. Cô thanh nữ gốc Việt cũng có tương lai trước mặt, với tài năng thiên phú và sự học tập chuyên cần.
Có ai đó nói rằng thiên tài là sự kiên nhẫn và tập luyện. Chúc hai tài năng âm nhạc của cộng đồng Việt Nam sẽ tiếp tục làm rạng rỡ cho cộng đồng Việt Nam.
Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 27.2.2015
(Trích TVTS số 1510 – phát hành ngày 5.3.2015)