30 năm Tivi Tuần-san: Ai mất ai còn?

05 Tháng 5, 2015 | Người Việt đó đây

  

Nguyễn Hồng Anh

  

Người viết khai bút đầu xuân với bài này, vào ngày Thứ Năm tuần qua, nhằm ngày Mồng Một Tết Ất Mùi. Không phải là một nghi thức khai bút của thời xa xưa mà để nhớ những người đã từng cộng tác với TiVi Tuần-san (TVTS) trong ba thập niên qua (sinh nhật TVTS lần thứ 30 vào tháng 11 tới đây), đặc biệt là về một người mới ra đi vào ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ. Đó là Bác sĩ Vĩnh Đằng, người có những bài viết hàng tuần trên hai thập niên qua với bút hiệu Nguyễn Phước và Mạnh Giao.

 

 

BS Vĩnh Đằng trong đám cưới của trưởng nữ

 

 

Đã dự đoán trước nhưng vẫn bất ngờ

 

Hôm 18.2.2015, như thường lệ gần mỗi trưa Thứ Tư, tôi hỏi nhân viên tòa soạn  “Bác Đằng đã đưa bài chưa”, bởi vì cách đây hai tuần vợ của anh mang bài đến và nói anh xin nghỉ viết hai tuần để sum họp với con cái từ Mỹ sang thăm và cũng cho biết thêm rằng không biết sau đó có thể viết bài tiếp được không vì lúc này  anh hơi yếu. Vợ anh nói chồng chị rất thích viết bởi nếu không làm gì thì sẽ trống trải và viết thì giúp đầu óc minh mẫn, suy nghĩ nhanh nhẹn.

 

Tôi nghĩ rồi cũng có bài bởi năm ngoái, khi phải trải qua cuộc giải phẫu lớn để thông tim (Nguyễn Phước đã kể kinh nghiệm này trên báo), anh chỉ nghỉ viết bài 2 tuần. Cách đây vài tháng, nói chuyện với anh, anh cho biết lúc này hơi yếu. Nhưng mặc dù đã 81 tuổi, mới giải phẫu xong, hàng tuần anh vẫn lái xe đến tòa soạn “nộp bài”. Lần chót cách đây một tháng. Chỉ có hai tuần gần đây nhất vợ và con gái anh mang bài tới bởi vì chị Đằng nói “anh không khỏe nên không thể lái xe như trước”. Chị đang nhờ con chỉ cách scan và gởi bài bằng email.

 

Dù biết tình hình sức khỏe của anh không khả quan như trước, nhưng sáng Mồng Một Tết nghe tin anh qua đời vẫn làm tôi ngỡ ngàng và đầy thương tiếc, vì anh mới giao bài cách đây có hai tuần. Mới đây thôi! 

 

Và tôi cũng không ngờ lúc tôi hỏi “Bác Đằng đã đưa bài chưa” cũng là lúc anh nhắm mắt vĩnh viễn tại bệnh viện Austin lúc 11 giờ  rưỡi  trưa. Tôi mất đi một người cộng tác thường xuyên, độc giả không còn được đọc những bài viết của Nguyễn Phước và Mạnh Giao.

 

Bác sĩ Vĩnh Đằng tên đầy đủ là Nguyễn Phước Vĩnh Đằng, thuộc giòng họ hoàng tộc nhà Nguyễn, anh em họ với  Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại. Ông là em ruột của Trung tướng Vĩnh Lộc nguyên tư lệnh Quân Khu II và là con rể của Thủ tướng Phan Huy Quát.

 

Ông Vĩnh Đằng sinh năm 1934 tại Thừa Thiên – Huế, học Y Khoa ở Hà Nội. Sau cuộc di cư 1954, ông tiếp tục học Y Khoa ở Sài Gòn, ra trường rồi bị động viên, phục vụ trong quân đội tại các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân với cấp bậc cuối cùng là Thiếu tá trước khi được Bộ Y tế đưa về làm việc cho các bệnh viện dân sự và nhiệm sở cuối cùng là nhà thương thuộc khu y tế Quận 5 ở Sài Gòn.

Trong thời gian hành nghề bác sĩ, ông cũng được gởi đi tu nghiệp ở ngoại quốc như Nhật Bản, Pháp, Hoa Kỳ.

 

Sau năm 1975, như nhiều người khác, ông bị đi học tập cải tạo nhưng chỉ một năm sau, do nhu cầu thiếu bác sĩ, ông được thả và được phục vụ tại Bệnh viện Triều Châu ở  Chợ Lớn cho đến năm 1990 khi được bảo lãnh sang Úc theo diện đoàn tụ gia đình.

 

Sang định cư ở Melbourne khi tuổi đã lớn, ông không còn trở lại trường học để có thể hành nghề như một số bác sĩ trẻ tuổi hơn ông. Tuy không còn khám và chữa bệnh như  một bác sĩ, nhưng từ ngày đó ông đã có những bài viết hướng dẫn độc giả về mặt y tế trên TVTS  với bút hiệu Nguyễn Phước.

Những bài viết về chính trị của ông với  bút hiệu Mạnh Giao cũng được nhiều độc giả thích, đánh giá cao như anh bạn vong niên Bùi Sỹ Thành của tôi nhận xét khi tôi du lịch Pháp.

 

Sở dĩ hàng tuần ông phải lái xe đến tòa soạn đưa bài vì tuy ở thời đại máy vi tính, ông vẫn viết bài bằng ngòi bút, bởi ông chỉ có thể viết thoải mái bằng ngòi bút hơn là bàn phím của máy computer. Ông là một trong vài cộng tác viên của TiVi Tuần-san chỉ gởi bài bằng chữ viết tay như nhà báo Nguyễn Tú (đã qua đời ở Hoa Kỳ) và Tử vi gia Thiên Phúc (hiện định cư ở Gia Nã Đại). Viết bài này để tưởng nhớ một người cộng tác thường xuyên với TiVi Tuần-san cho đến khi nhắm mắt và cũng để chia buồn với chị Vĩnh Đằng và tang quyến, nguyện cầu hương hồn anh sớm về cõi vĩnh hằng.

 

 

Sinh nhật thứ hai của TVTS tại “tòa soạn phòng ngủ” ở Stillman Street, Richmond năm 1987 với cộng tác viên bài vở và thân hữu, từ trái: Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Hồng Anh, Trần Như Hùng, Mai Hòa Hiệp (thứ sáu), Chim Việt (thứ bảy mang cà-vạt)

 

 

Những người của một thời và một đời

 

TiVi Tuần-san không phải là tờ báo Việt ngữ đầu tiên ở Úc nhưng là tờ báo được nhiều độc giả thương yêu và đánh giá cao bởi nội dung. Với tư cách một chủ bút, tôi hãnh diện về điều này. Mà nội dung có giá trị là nhờ những người cộng tác viết bài.

 

Danh sách những người cộng tác thường xuyên và không định kỳ rất dài.  Tôi có thể bỏ sót tên những cộng tác viên xa gần của TVTS, nhưng hồi ức trong bài viết ngày hôm nay nhân sự ra đi của anh Vĩnh Đằng  đã làm hiện lên màn ảnh trí nhớ của tôi tên  tuổi những người đã cộng tác cho tờ báo trong đó có những người tôi chỉ  biết tên chứ chưa bao giờ thấy mặt, nhiều người thấy mặt trên báo chí sách vở nhưng chưa bao giờ diện kiến, có người chỉ nghe giọng nói qua điện thoại, và nhiều người tôi đã được cơ may gặp mặt trong công việc thường ngày hay trong những chuyến du lịch ngoại quốc mà tôi đã viết trong mục “Kể chuyện đường xa” bấy lâu.

 

Lại có người tôi nhớ tên nhưng không nhớ bút hiệu.  Có người chỉ biết bút hiệu mà không biết tên, nên trong bài này, tôi  chỉ nhắc một trong hai tên đó mà thôi hoặc giải thích thêm trong ngoặc đơn.  Các cộng tác viên sống ở khắp nơi, trải dài từ ngoại quốc như Nhật, Pháp, Mỹ, Gia Nã Đại  đến quốc nội như Melbourne, Sydney, Canberra.

 

Sinh nhật TVTS tại “tòa soạn garage” ở Lennox Street Richmond  đầu thập niên 1990 với ban biên tập: Hàng đứng từ trái: Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Xuân Hữu (tòa soạn), Nguyễn Ngọc Phách, Nguyễn Hồng Anh, Trương Anh Minh (quảng cáo), Bùi Quốc Sủng (thân hữu), Phạm Phú Hòa, Vĩnh Đằng, Lê Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Anh Kiệt. Hàng ngồi từ phải: Vũ Thị Hà (TTK), Phan Lâm Hương

 

Họ là  Chim Việt, Thầy Chạy (Mai Hòa Hiệp), Đỗ Tùng (Luật sư Nguyễn Tân Hải), Nguyễn Tường Vân (nhà giáo Phạm Phú Hòa), Lão Ngoan Đồng,  NTC Vân, Thiện Nhân (Nguyễn Xuân Khoan, biên tập và lay-out))  ở Úc;  Đào Văn An, Hồ Trường An, Bùi Sỹ Thành, Nguyễn Khắc Xuyên và nhà giáo Phạm Đình Tân  ở Pháp;  Lê Bá Kông, Phan Quang Đán, Chử Bá Anh, Lê Nhật Thăng  ở Mỹ; Vi An ở Nhật  trong thời gian đầu.

 

Sau đó quy tụ thêm những cộng tác viên khác  như Thường Đức (GS Nguyễn Ngọc Phách), Lê Phan (Phan Lâm Hương, giảng viên báo chí trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt), Vương Chí (Lê Mạnh Hùng, kinh tế gia và tiến sĩ sử học, dịch bộ truyện  kiếm hiệp Võ Lâm Ngoại Sử  đăng trên TVTS), Lê Tuấn Hùng (tiến sĩ âm nhạc), nhà văn Lê Đại Lãng (Hồ Đắc Túc), Trần Như Hùng, Khải Minh (Trần Việt Hùng), Nguyễn Văn Hiếu, Trần Minh (Lê Minh Thuần), Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long (giám đốc School No.1), Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng (Bao Công Mark I), Nguyễn Thế Phong (Bao Công Mark II), Kỹ sư  Vũ Đức Thành (giám đốc Trung tâm Giáo dục Thành Công), Vương Tiểu Tuyết, Họa sĩ biếm họa AK  (Trần Anh Kiệt), Nguyễn Hưng Quốc (Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn)  ở Melbourne; văn sĩ Lệ Hằng, văn sĩ Nguyễn Tư  ở Sydney;  Y Vi Lưỡng Khả ở Canberra;  Nguyễn Tú  ở Mỹ, Trường Kỳ và Tử vi gia Thiên Phúc  ở Gia Nã Đại.

 

Xin cám ơn tất cả các cộng tác viên bài vở, dù cộng tác trong thời gian dài hay ngắn, hay từ ngày mới thành lập tờ báo cho mãi đến hôm nay và nhân viên tòa soạn. Quý vị, quý bạn –dù là những giảng viên báo chí, những nhà báo chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp,  và nhân viên tòa soạn– cũng đã giúp xây dựng một tờ báo được độc giả yêu mến và được cộng đồng chính mạch, chính quyền Úc nể trọng.

 

Nhà văn Phạm Đình Tân (phải) ghé thăm Chủ bút Nguyễn Hồng Anh trong một chuyến du lịch Melbourne đầu thập niên 1990

 

 

Những người đã ra đi

 

Trong 30 năm qua, một số người cộng tác với TVTS  đã ra đi và người trước tiên là Chim Việt vào những năm đầu tiên của báo TVTS.

 

Bác Chim Việt với những bút ký về đời sống của người dân Nam Bộ và nghề đờn ca tài tử đã một thời lôi cuốn độc giả TVTS khi tờ báo này vừa chào đời. Tôi không nhớ tên thật của Bác bởi cứ quen gọi Bác Chim Việt  nhưng nhớ mãi khuôn mặt công tử Lục Tỉnh của Bác. Bác ra đi khi cơn bệnh trở nên nặng và không thể viết được nữa.

 

Bác Chim Việt (như cách anh chị em trong tòa soạn thường gọi)  còn để lại những kỷ niệm cho chúng tôi qua những bức hình chụp những buổi tiệc sinh nhật đầu tiên của TVTS tại tư gia  và cũng là “tòa soạn”chúng tôi trên đường Stillman Street ở Richmond, Melbourne. Bác là người cắt bánh vì lớn tuổi nhất.

 

Người ra đi thứ hai  là nhà báo Vi An.

 

Vi An sống ở Nhật và phụ trách mục “Lá Thư Đông Kinh” cho TVTS.  Lá thư cuối cùng Vi An viết cho tôi là vào ngày 15/2/1996 có đoạn “Về gởi báo, sau số ngày 28/2 nhờ anh để 4 số gom lại rồi gởi một lần cho tôi vào cuối tháng, tiền cước anh cứ trừ vào tiền nhuận bút. Trừ xong, cứ 4 kỳ Thư Đông Kinh, anh gởi cho tôi một lần nhuận bút (gởi lẻ tẻ tôi đi lãnh bảo đảm hay đổi mất thì giờ lắm). Có thể bỏ tiền mặt vào bì thơ (gởi thường, đừng gởi bảo đảm vì không bao giờ có chuyện mất thơ ở JP) cho tôi đặng tiện tiện lợi được không?

 

TB: Hè này tôi tính qua Úc chơi để “trốn nóng”, có chỗ nào cho tôi ở ké (không ăn) ít bữa được không?”.

 

Trong khối giấy tờ tôi phải dục bỏ trong khoảng 20 chục năm qua, không  hiểu sao còn sót lại  lá thư  nét chữ bay bướm của nhà báo Vi An để tôi trích ra một đoạn vừa kể. Có lẽ vì tôi đã chưa trả lời cho anh cả hai đề nghị vừa kể. Sau một thời gian không thấy anh gởi bài tiếp, hỏi ra mới biết anh đã chết vì tự tử.  Nghe nói ở Nhật Bản, anh sống một mình, rất cô đơn. Thật là buồn. Anh Vi An ra đi cũng đang lúc còn viết bài cho TVTS. Tôi chưa thấy mặt anh cũng như không biết tuổi của anh, chỉ biết anh ra đi khi còn rất trẻ.

 

Nhân viên và ban biên tập trong ngày khai trương trụ sở TVTS ở đường Burnley Street, Richmond năm 1994 dưới sự chủ tọa của Tổng trưởng Di trú Liên bang Nick Bolkus: Hàng đầu từ trái: Vũ Thị Hà, Hoàng Phương, Nguyễn Bạch Tuyết và  Nguyễn Ngọc Phách. Hàng sau từ trái: Phạm Phú Hòa, Nguyễn Hồng Anh, Trương Anh Minh, Lê Minh Thuần, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Anh Kiệt và Nguyễn Hữu Thiện

 

Nhưng bất ngờ nhất là cái chết của nhà báo Trường Kỳ, người giữ mục văn nghệ hàng tuần trên TVTS trong nhiều năm. Gia đình chúng tôi qua Montreal vào tháng 9 năm 2008, được anh đón tiếp rất ân cần. Qua năm 2009 tôi đã gởi vé máy bay để mời anh qua thăm Melbourne một chuyến như  tôi đã làm với ký giả Nguyễn Tú, nhưng anh  đột ngột qua đời vào ngày 22.3.2009 lúc qua Toronto dự buổi ra mắt CD  “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của em Tường Vi. Tôi đã choáng váng khi nghe tin này vì không còn dịp gặp lại anh. Ước muốn đi Úc một chuyến từ lâu của anh đã không thành.  Anh ra đi khi vẫn còn trẻ, 63 tuổi.

 

Một năm sau, tôi lại mất một cộng tác viên đáng kính, ký giả lão thành của làng báo Miền Nam: phóng viên chiến trường Nguyễn Tú.  Ông bị cộng sản giam tù 13 năm. Sang Mỹ ông sống một mình trong apartment  tại Virginia cho đến ngày mất, không vào viện dưỡng lão.  Ông chưa bao giờ lập gia đình, sống một mình.  Những năm còn lại cuối đời, ông được những bạn trẻ yêu mến đến giúp đỡ, kể cả giúp ông gởi bài bằng máy fax cho TVTS. Họ thương ông nên đến giúp ông bất cứ lúc nào, kể cả ban đêm.  “Bác”, như tôi vẫn gọi ông, là một người   gắn bó với các nhân viên tòa soạn TVTS trong nhiều năm bởi Bác luôn luôn là người gởi bài vào giờ chót vào ngày Thứ Hai mỗi tuần.  Đến  2, 3 giờ chiều thì nhân viên tòa soạn gọi Bác để còn kịp đánh máy. Đôi khi đến 5 giờ họ phải hối thúc Bác vì mọi người đang chờ một mình Bác gởi bài thì mới có thể hoàn tất toàn bộ lay-out để đưa đi nhà in. Nhiều lúc thấy thương Bác vì Bác chỉ kịp gởi trước vài đoạn,  nửa bài,  hay xin đợi thêm nửa tiếng nữa cho phần sau. Hỏi tại sao Bác không viết bài sớm trước mấy ngày, Bác nói làm báo thì phải có lương tâm, phải yêu mến và  tôn trọng độc giả, làm sao cho tin tức hay đề tài cập nhật đến phút cuối cùng.

 

Vì bác viết tay, mắt bác bị hư một con do bom đạn ở chiến trường, con còn lại cũng yếu nên khi viết bài phải sử dụng kính hiển vi. Vì vậy nhân viên đánh máy rất “khổ” khi đọc những giòng chữ nhỏ như con kiến của bác, gặp lúc mực mờ nhạt, phải điện thoại để bác đọc lại, thêm bớt sửa chữa, hoặc phải về nhà trễ vì đợi bài của Bác.  Gọi điện thoại viễn liên, khi phải đợi Bác đi khá lâu từ bàn viết đến máy điện thoại, Bác cười nói “cái chân của tôi nó hư quá, nó không chịu nghe lời cái đầu của tôi”.

 

Trong thời gian cuối đời, thể xác Bác yếu, rất yếu nhưng đầu óc Bác cực kỳ minh mẫn.

 

Có lúc chính tôi cũng phải “nhăn nhó” vì phải đợi bài của Bác, nhưng rồi chúng tôi nói với nhau, biết đâu sau này sẽ tiếc nuối vì không còn cảnh mọi người ngồi đợi bài của Bác gởi qua.  Thương là thế, nhớ mãi là như vậy, Bác Tú của TVTS.

 

Vì sống độc thân, Bác rất thích nói chuyện với nhân viên tòa soạn mỗi khi đưa bài hay nhân viên hỏi thăm Bác. Khi Bác đã trên 80 tuổi, mỗi lần nói chuyện tôi hỏi Bác lúc này ra sao, Bác nói hơi yếu, nhưng sống thêm ngày nào là “một bonus”. Dáng người của Bác trông như một tiên ông trong phim ảnh. Tư cách của Bác thì khỏi phải nói. Lão Ngoan Đồng đã có một bài dành riêng về Bác khi Bác qua đời. Tôi quen Bác nhờ sự giới thiệu của vợ chồng anh chị Phan Lâm Hương và Lê Mạnh Hùng. Bác từng viết bài trên TVTS về cái chết của Thủ tướng Phan Huy Quát trong nhà tù cộng sản năm 1979. Tôi rất hân hạnh vì một ký giả nổi tiếng của báo Chính Luận, người viết cuộc triệt thoái cao nguyên năm 1975 được báo chí Mỹ đăng lại, thế mà sau khi sang Mỹ, Bác từ chối lời mời của báo chí Việt ngữ  ở Mỹ chỉ viết bài cho TVTS tận ở Úc Châu.

 

Ký giả Nguyễn Tú ngừng viết cho TVTS vì không còn thấy đường và quá yếu trước khi lìa đời. Sáng ngày 22.3.2010  Bác thấy mệt, nên một người bạn vong niên đưa Bác vào nhà thương cấp cứu và mất khoảng một tiếng sau. Tôi hỏi người bạn trẻ này, anh cho biết  Bác  ra đi bình yên và chết là do già cả, cơ thể lão hóa, nghĩa là chết tự nhiên, hưởng thọ 86 tuổi.

 

Mừng sinh nhật thứ 10 của TVTS  vào tháng 12 năm 1995, từ trái: Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Việt Hùng, Trương Anh Minh, Nguyễn Hồng Anh, Vũ Thị Hà, Thủ lãnh Đối lập Liên bang John Howard, Nguyễn Bạch Tuyết

 

Người cuối cùng ra đi khi đang còn cộng tác với TVTS qua mục “Lá Thư Paris” là Bùi Sỹ Thành.

Anh là bạn hàng xóm vong niên của tôi từ năm 1973, ở cách nhau một căn nhà. Sau năm 1975 chúng tôi cùng dạy chung ở trường trung học Lê Bảo Tịnh. Anh dạy văn và sử, tôi dạy thể dục thể thao. Chúng tôi vượt biên cùng ghe, đến Nam Dương ngày 30.4.1980. Sau đó anh định cư ở Pháp, tôi ở Úc.  Tình bạn chúng tôi được ghi nhớ thêm bằng 17 ngày anh đón cả gia đình 5 người chúng tôi sống trong căn apartment ở Paris năm 2003, đưa chúng tôi đi thăm thú nhiều nơi ở  kinh đô ánh sáng của Pháp. Anh qua đời vào ngày 21.2.2011, hưởng thọ 78 tuổi.

 

Barbecue với ban biên tập, nhân viên tòa soạn nhân dịp TVTS dời trụ sở từ Burnley Street Richmond  về Victoria Parade Collingwood vào năm 2000. Bác sĩ Vĩnh Đằng ngồi giữa, áo trắng, mang kiếng

 

Những người cộng tác không thường xuyên hay ngắn hạn với TVTS đã qua đời mà tôi biết được là Giáo sư Lê Bá Kông, nhà báo Chử Bá Anh, nhà giáo Phạm Đình Tân,  cựu linh mục kiêm nhạc sĩ và nhà nghiên cứu Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên  (1923-2005), Bác sĩ kiêm cựu Phó Thủ tướng Phan Quang Đán (1918-2014).

 

40 năm mất Miền Nam, 40 năm định cư của người Việt tị nạn và 30 năm làm báo TVTS. Một chớp mắt, thoắt một cái – một cuộc bể dâu.

 

Tôi đã cảm nhận được cuộc sống và kiếp nhân sinh nên cách đây gần một năm, đã sáng tác ca khúc “Mùa Thu Cuộc Đời” khi tôi đã bước vào tuổi lục tuần.  Đã thu âm nhưng chưa phát hành, mời quý độc giả thưởng thức lời và nhạc của ca khúc được đăng trong số báo tuần này: Cám ơn trời, cám ơn đời, cám ơn người đã cho tôi một thời để sống…  và để nhớ.

 

Xin cám ơn bạn đọc đã theo dõi bài này.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne, Mồng Một Tết Ất Mùi

 

(Trích TVTS số 1509 – 25.2.2015)