Tin không vui cho di dân tay nghề đến Úc: cải tổ mới đã bắt đầu được áp dụng ảnh hưởng đến 20,000 nguời

08 Tháng 2, 2010 | Tin nước Úc

 









Thượng nghị sĩ Chris Evans


 


Văn phòng Tổng trưởng Di trú và Quốc tịch Úc cho hay kể từ hôm nay, Thứ Hai 8.2.2010, luật mới áp dụng cho di dân đến Úc theo diện tay nghề bắt đầu có hiệu lực. Sự cải tổ này, theo Tổng trưởng Chris Evans, nhằm đáp ứng nhu cầu di dân tay nghề của nước Úc. Sẽ có khoảng 20,000 người sẽ bị huỷ bỏ chiếu khán nhập cảnh sau khi chính phủ Rudd phát động những biện pháp đối xử mạnh tay đối với chương trình di dân theo diện tay nghề.


 


Trong một diễn tiến có nguy cơ sẽ làm nóng bỏng những vấn đề chính trị nhạy cảm liên quan đến cách thức đối xử với các sinh viên Ấn Độ, chính phủ được dự kiến sẽ khước từ mọi cơ hội “đi cửa sau” của những di dân muốn được cấp  quy chế thường trú  qua chương trình di dân theo diện tay nghề.


 


Những thay đổi được công bố vào hôm thứ Hai đầu tuần nầy sẽ khiến  20,000 đơn xin bị loại bỏ. Thay vào đó là một cuộc cải tổ trong hệ thống xếp hàng căn cứ vào nghề nghiệp có nhu cầu cao ở Úc và tạo ra một chương trình chấm điểm. Mặt khác các chính phủ tiểu bang cũng được  yêu cầu soạn thảo những kế hoạch di dân mới.


 


Tổng Trưởng Di Trú cũng sẽ được trao thêm quyền hạn pháp lý mới để  quy định số lượng chiếu khán tối đa dành cho mỗi loại nghề nghiệp.


 


Những đơn xin bị huỷ bỏ được áp dụng cho tất cả  những trường hợp xin di dân theo diện tay nghề nộp trước tháng 9 năm 2007. Việc hoàn trả  lệ phí cho 20,000 đơn xin chiếu khán sẽ  làm dân đóng thuế hao tốn 14 triệu bạc.Những sinh viên ngoại quốc hiện có bằng cấp  về một ngành chuyên môn nhưng không còn được xem là có nhu cầu cao ở Úc, sẽ phải nộp đơn xin một chiếu khán tạm thời 18 tháng để dành lấy kinh nghiệm làm việc.


 


Mười tám tháng nầy là thời gian để một sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm một chủ nhân chịu tài trợ cho đơn xin di dân của họ theo diện tay nghề. Nếu thất bại trong nỗ lực nầy, người nộp đơn phải trở về nước.


 


Theo hệ thống mới, công nhân thuộc những nghề nghiệp có nhu cầu cao ở Úc hiện nay bao gồm những ngành nghề như  y tá, bác sĩ toàn khoa, kỹ sư cơ khí và giáo viên.


 


Trong  một thông cáo báo chí của văn phòng Thượng nghị sĩ Chris Evans, Tổng trưởng Di trú và Quốc tịch, gởi cho báo TiVi Tuần-san hôm nay,  thông cáo kết thúc với câu: “Những thay đổi này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các sinh viên quốc tế đến Úc để kiếm cái bằng hợp pháp và sau đó trở về quê cũ”.


 

Độc giả muốn biết thêm chi tiết, hãy vào mạng của Bộ Di trú hay hỏi các luật sư di trú và các đại lý di trú có giấy phép.