Nhân ngày 30 tháng 4: giới thiệu một ca khúc của Nguyễn Hồng Anh

29 Tháng 4, 2013 | Người Việt đó đây

 

 

Nguyễn Hồng Anh trong một buổi văn nghệ tại Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên ở trại Tị Nạn Galang, Nam Dương, 1980

 

Bài  Chiều Viễn Xứ Chiều Nhớ Quê Hương  được chủ bút TVTS Nguyễn Hồng Anh viết  tại trại tị nạn Galang để đóng góp cho buổi hội thảo “Trông Về Quê Mẹ” tổ chức vào ngày 1.9.1980 và sau đó được trình diễn trong “Đêm Nhạc Thân Phận Ca” của tác giả qua hình thức hợp ca.

 

Bài hát  này có nhiều tiết tấu nhịp điệu chuyển biến từng đoạn mô tả tâm tình của một người xa xứ nhưng lòng vẫn hướng về quê hương với một niềm tin mãnh liệt bằng ba điệu nhạc khác nhau: Boston – Marche- Slow – Boston. 

 

Bắt đầu phần một bằng điệu Boston buồn vời vợi, da diết (Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương…) chuyển khúc phần  hai với điệu Marche hùng mạnh, lạc quan (Nhớ quê hương những bước của người đi trước…).

 

Phần ba với điệu Slow từ tin tưởng sẽ trở về (Mong ngày về…) đến buồn man mác vì ước mơ đó không biết đến bao giờ mới thành sự thật (Chiều ơi…).

 

Kết  Boston  với nhiều tâm trạng khác nhau bởi một thực tế đau buồn làm cho người xa xứ phải chùng chân (Chiều viễn xứ chiều nhớ anh em…) nhưng với niềm tin vào tương lai dân tộc nên dù là người tị nạn tha phương vẫn ngẩng đầu lên khi đến xứ người.

 

Ca khúc này sẽ ra mắt độc giả dự trù vào đầu mùa Xuân (nam bán cầu) tới đây bằng CD đầu tay của Nguyễn Hồng Anh.

 

 

Nguyễn Hồng Anh trước poster giới thiệu “Đêm Nhạc Thân Phận Ca”

 

Nhân tưởng nhớ ngày 30 tháng 4 lần thứ 38, xin giới thiệu với bạn đọc lời của ca khúc mà tác giả ưng ý– ca từ lẫn nhạc điệu:

 

Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương

Nhớ thân phận của kẻ lưu đày

Nơi đất người nhờ gởi tháng năm

Chiều viễn xứ chiều nhớ phận mình.

Chiều viễn xứ chiều nhớ quê  hương

Nhớ căn nhà nhớ đến xóm giềng

Nhớ con đường nhớ đến phố phường

Dù mất nước nhưng còn quê hương.

 

* * *

 

Nhớ quê hương những bước của người đi trước

Yêu quê hương yêu vinh nhục của anh em

Nhớ Việt Nam di sản rách nát

Yêu Việt Nam quên hết lỗi lầm.

Nhớ quê hương bừng lên niềm tin sức sống

Yêu quê hương hôm nay là cho mai sau

Nhớ Việt Nam cái thương cái ghét

Yêu Việt Nam nhớ đến anh em.

 

* * *

 

Mong ngày về

Mong ngày về ngày Việt Nam tươi sáng

Khắp bốn phương con dân Việt Nam

Mang hành trang nô nức về xây quê nhà.

Chiều ơi

Chiều viễn xứ xa khơi

Chiều ơi

Chiều nhớ người

Chiều ơi

Chiều chơi vơi

Chiều ơi

Chiều nhớ quê hương.

 

* * *

 

Chiều viễn xứ chiều nhớ anh em

Nhớ quê nhà nhớ kẻ lưu đày

Trong lao tù biển cả chôn thây

Chiều viễn xứ chiều bước chân chùng.

Chiều viễn xứ chiều nhớ cha ông

Nhớ quê nhà mong những tấm lòng

Cho đất Việt ngày mai rạng ngời

Chiều ngước mắt chiều đến xứ người.

 

 

Vài bức hình kỷ niệm một thời ở trại tị nạn Galang: Hình ảnh còn đây nhưng người nay ở đâu?

 

Những người từng tham gia sinh hoạt văn nghệ trong Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên ở Galang trước khi đi định cư khắp nơi trên thế giới

 

 

Ban nhạc Yêu Thương trong trại tị nạn với những ca sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn ngày trước và những người hát tài tử 

 

Những người tham gia các sinh hoạt cộng đồng ở trại tị nạn trước mặt tiền Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên ở Galang
 

Ban biên tập và nhân viên tòa soạn báo Tự Do ở trại tị nạn Galang: Nhà văn Tưởng Năng Tiến, hàng trước thứ hai từ phải; Nguyễn Hồng Anh hàng sau thứ hai từ phải