Nhắc lại chuyến vượt biên cách đây 33 năm của một cựu thuyền nhân, mời bạn đọc nghe ca khúc ĐÊM ĐẠI DƯƠNG

23 Tháng 4, 2013 | Người Việt đó đây

 

>Bấm vào link này để nghe ca khúc Đêm Đại Dương

 

 

Hình để giải thích: Đây là chiếc tàu có hình dáng giống chiếc tàu SS0218ru đã đưa 154 người đến bến bờ tự do một cách bình yên

 

Người viết vào ngày 23.4.1980 đã cùng 153 bạn đồng thuyền rời Sài Gòn trên con tàu mang số SS0218ru và sau 7 đêm trên biển cả, đã tới đảo Kuku của Nam Dương vào trưa 30.4.1980.

 

Từ sáng sớm chiếc tàu dài 12 mét, máy “3 lốc đầu bạc”,  rời bến Nhà Bè, đón một số người chạy tới bến khu kinh tế mới Lê Minh Xuân là  điểm hẹn đón tất cả khách vượt biên của các chủ tàu.

 

Tôi cùng anh em và bạn bè nhà từ Cổng Số 6 Trương Minh Ký quận Phú Nhuận đón tàu khách công cộng từ bến Bạch Đằng đi Lê Minh Xuân (không phải đi ghe taxi do chủ tàu sắp xếp), rồi tại đây lên “tàu lớn”.  Đếm đủ khách, “tàu lớn” từ từ chạy ra biển và đợi trời tối mới dám chạy ra cửa Cần Giờ.

 

Bị một chiếc tàu của du kích rượt và nổ súng (không biết bắn chỉ thiên hay trực xạ) nhưng chiếc “tàu 3 lốc đầu bạc” của chúng tôi mở hết tốc lực, lướt sóng (như ca-nô) bỏ xa dần chiếc tàu của du kích.

 

Đến khuya, tài công nguyên là cựu đại úy Hải quân VNCH cho biết tàu đã ra tới hải phận quốc tế, coi nhưng đã thoát.  Vấn đề còn lại là làm sao tàu tới được các trại tị nạn ở Đông Nam Á.

 

Đích nhắm tới là Singapore, nhưng đến nơi bị tàu Hải quân Singapore kéo ra khơi. Sau khi tiếp tế lương thực, họ bảo hãy tới Nam Dương bởi Singapore chỉ tiếp nhận người tị nạn do các tàu quốc tế vớt mà thôi.

 

Cuối cùng chiếc thuyền chở 154 người tới đảo Kuku vào trưa ngày 30.4.1980, đúng 5 năm sau khi mất Sài Gòn.

 

Ở đây vài ngày, chúng tôi được chuyển đến trại tị nạn Galang, lúc đó có trên 10,000 người đang chờ định cư.

 

7 ngày đêm ngồi bó gối dưới hầm tàu, tôi đã cầm đàn hát cho bạn bè nghe những bài tôi đã sáng tác từ năm 1976 trong đó có bài viết bằng tiếng Anh “Round and Round The World” hay “Boat People Dance” nói về một chuyến đi tìm tự do bằng thuyền mà tôi (đã tưởng tượng) viết vào năm 1979. Cũng nhờ vậy mà cuộc sống như cá hộp dưới hầm tàu mang lại nhiều kỷ niệm.

 

Tôi ở trại tị nạn hơn 12 tháng và trong thời gian này viết một số ca khúc trong đó có bài “Đêm Đại Dương” (năm 1981).

 

Và sau 32 năm, lần đầu tiên bài hát này được giới thiệu với công chúng qua phương tiện phổ thông hiện nay là YouTube.

 

Mời quý độc giả, thính giả nghe lại tâm trạng của những thuyền nhân đã một thời bỏ nước ra đi, nhiều người nay có cuộc sống tự do, hạnh phúc nhưng trong đó cũng có rất nhiều người đã vùi thân xác trong lòng đại  dương.

 

Hy vọng người nghe sẽ tìm lại những kỷ niệm của một thời đã qua  với ca khúc này cùng một số hình ảnh có nguồn từ các cơ quan truyền thông quốc tế và trên mạng lưới.

 

Melbourne ngày 23.4.2013.

Nguyễn Hồng Anh

Chủ bút TiVi Tuần-san

và tivituansan.com.au

 

Quý độc giả có thể lên YouTube đánh huonggiang49 để nghe bài “Đêm Đại Dương” và các 20 ca khúc khác cũng do Nguyễn Hồng Anh sáng tác cách đây hơn 30 năm, nhưng mới thu âm và phổ biến trong vài tháng qua.

 

hay bấm vào link này để nghe ca khúc Đêm Đại Dương