Nỗi lo ngại về 17 cậu bé tầm trú người Việt bị mất tích tại Úc

03 Tháng 2, 2012 | Người Việt đó đây

 

Người tầm trú Việt Nam đến đảo Christmas vào tháng 3 năm ngoái. Photo courtesy of  Alan Krepp, nguồn Sydney Morning Herald

 

17  thiếu niên (minor) vượt biên từ Việt Nam đã biến mất một cách bí ẩn từ các cơ sở tạm giam những người nhập cư bất hợp pháp trên toàn nước, bao gồm cả trung tâm giam giữ tại Melbourne. Theo báo The Age Sunday, cảnh sát xác nhận họ đã không tìm kiếm những cậu trẻ người Việt Nam.

 

Có một số các thiếu niên đã biến mất cách đây một vài tháng, trong đó có bảy người từ trại Broadmeadows. Nhà chức trách địa phương thừa nhận họ vẫn chưa thể tìm được tung tích những thiếu niên kia. Những thiếu niên này là những người Công giáo ở Miền Bắc của Việt Nam.

Hiện tại, trách nhiệm duy nhất về sự an toàn của các thiếu niên kia thuộc về ông Bộ trưởng Di trú Chris Bowen.

 

Bộ Di trú cho biết họ đang cố gắng để xác định vị trí các thiếu niên này. Tuy nhiên, chính vì việc thiếu quan tâm đến việc chạy trốn của các thiếu niên kia đã  khiến thành viên của ban chấp hành Cộng đồng Người Việt, cáo buộc chính phủ đã không làm tròn trách nhiệm.

 

Các thanh niên, trong đó người được cho là trẻ nhất chỉ mới 15 tuổi, đã được đưa đến bằng thuyền và bị giữ lại trên đảo Christmas giữa tháng Năm Sáu 2010 và tháng Năm năm 2011.

 

Báo The Age số ra ngày Chủ Nhật đã tiết lộ rằng, hiện giờ vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao những thiếu niên có thể trốn thoát khỏi các cơ sở tạm giam, và cho đến bây giờ  cảnh sát vẫn không thể tìm ra tung tích của họ. Trong khi đó Đại sứ quán của Việt Nam tại Canberra cũng không hề biết về việc họ đã mất tích.

 

Đại diện của Đại sứ quán Việt Nam cho biết họ đã yêu cầu để được điều tra về sự việc trên đồng thời họ cũng cần phải có một câu trả lời về việc gì đang diễn ra. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại họ vẫn chưa nhận được bất cứ trách nhiệm gì từ chính phủ.

 

Thượng nghị sĩ Sarah Hanson Young của đảng Xanh nói rằng đây là một ví dụ rõ ràng và khủng khiếp đối với những gì đang xảy ra, trong khi đó Bộ trưởng là người duy nhất chịu trách nhiệm đối với những thiếu niên kia và cuối cùng ông đã làm mất họ.

 

Mối lo ngại duy nhất hiện nay là sự xuất hiện đột ngột của hàng chục trẻ em Việt Nam đến Úc mà không có người lớn bên cạnh trong 18 tháng qua. Vì có nhiều mối quan ngại rằng, những thiếu niên trẻ này được đưa đến Úc để lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động mại dâm.

 

Thượng nghị sĩ Hanson-Young cho biết trong số những trẻ em này có một bé gái chỉ mới 12 tuổi và bà tin rằng đang có một điều gì đó đang diễn ra.

 

TNS Hanson-Young nói một vài người tầm trú từ Trung Đông đến trong cùng một chiếc thuyền với hai cô gái Việt Nam không có người lớn đi kèm, đã cố gắng đưa vấn đề chuyển lậu người với các nhà chức trách.

 

Trước khi các thiếu niên này biến mất, họ đã từng nói với người tranh đấu cho người tị nạn rằng cha mẹ của họ đã bị lừa để trao họ cho một người đàn ông Việt Nam lớn tuổi hứa sẽ đưa họ tới Úc học hành và làm việc. Người đàn ông này đến Úc bằng thuyền vào năm 2009, bị bác bỏ tư cách tị nạn và đã trở lại Việt Nam.

 

Một phát ngôn viên của Cục Cảnh sát Liên bang (AFP) cho biết sự biến mất của các em là một vấn đề của Bộ Di trú. Những đứa trẻ đã không được báo cáo là mất tích.

 

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Di trú nói bộ đã và đang lo tìm kiếm qua sự hợp tác với những cơ quan liên hệ nhưng từ chối không cho biết chi tiết vì lý do riêng tư và vì đang còn trong vòng điều tra.

 

Báo The Age Sunday nói ông Nguyễn Thế Phong, chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang yêu cầu những ai biết tung tích hay chấp chứa  trẻ em dễ bị tổn thương này (vulnerable children) hãy liên lạc và báo với Cộng Đồng. Ông Phong cũng đề nghị Bộ Di trú đừng trừng phạt các em để các em có thể trở lại trình diện.

 

Trong số 36 trẻ con trốn khỏi trại, đã có 19 người  đã được tìm ra. Một nữ phát ngôn viên của Bộ Di trú nói một người nhìn nhận mình không phải là một thiếu niên (a minor).

 

Tin về người Việt tị nạn xuất phát từ một họ đạo ở Miền Bắc hiện đang bị giam giữ ở nhiều tiểu bang cũng đã được nghe đồn thổi và truyền miệng trong cộng đồng trong thời gian gần đây.