Thế đứng của Lưu Bích là một thế đứng đặc biệt… |
Cách đây 14 năm, Lưu Bích đã được khán thính giả để ý ngay sau lần xuất hiện trên một chương trình “”Paris By Night” vào năm 1992 với nhạc phẩm “If I Can Have You”. Từ đó đến nay cô vẫn luôn được coi như là một trong những khuôn mặt xinh xắn và khả ái nhất của nền tân nhạc Việt Nam hải ngọai. Thêm vào yếu tố ngoại hình thuận lơi đó là một tiếng hát dễ thương càng ngày càng được cô trau chuốt.
Thế đứng của Lưu Bích là một thế đứng đặc biệt của một tiếng hát không gây ồn ào sôi nổi lúc ban đầu rồi chìm dần sau một thời gian. Đó cũng chẳng phải là một giọng ca được xưng tụng như một hiện tượng hay một danh ca. Nhưng tiếng hát Lưu Bích thật sự là một tiếng hát có khả năng tồn tại nơi tâm hồn người nghe một cách lâu dài.
Sau 14 năm, tên tuổi của Lưu Bích vẫn là một tên tuổi tạo được nhiều cảm mến nơi người nghe đã là một minh chứng cho nhận xét trên (chú thích: bài này được đăng trên TVTS số 1075, có nghĩa là cách đây khoảng 3 năm rưỡi).
Lưu Bích qua Mỹ từ năm 75, khi cô mới được gần 7 tuổi. Thoạt đầu cô ở San Francisco cùng với gia đình. Gần một năm sau cô mới xuống nam California. Lưu Bích cho biết thời kỳ trong lớp tuổi “teenager” của mình, cô đã không có được một cuộc sống vui tươi và hồn nhiên như những bạn bè cùng trang lứa khi còn học ở bậc trung học.
Vì khi mới được 15 tuổi cô đã bắt đầu đi làm thu ngân viên cho một ngân hàng vào mỗi cuối tuần. Cũng trong thời gian đó, các anh chị em trong gia đình cô cũng phải làm việc vất vả để sinh sống nên Lưu Bích không hề tỏ ra nuối tiếc vì đã không có được một tuổi trẻ vô tư. Trái lại còn cảm thấy hãnh diện vì đã gánh vác một phần nào khó khăn cho gia đình cô.
Lưu Bích từng học nhạc khi ở college trong gần 3 năm. Sau đó cô được ông anh Tuấn Ngọc chỉ dẫn thêm ở nhà để có thể chơi nhạc vào mỗi cuối tuần. Cô bước chân vào lãnh vực ca nhạc trong vai trò sử dụng keyboard phụ cho ban nhạc gia đình là Uptigh vào năm 88 và đã cùng ban nhạc này đi lưu diễn ở rất nhiều nơi trong nước Mỹ và Canada. Lưu Bích cho biết cô được sinh hoạt trong lãnh vực ca nhạc là nhờ rất nhiều ở sự khuyến khích của anh chị cô là Tuấn Ngọc và Khánh Hà.
Sau một thời gian sinh hoạt với ban nhạc gia đình, nhận thấy Lưu Bích rất có năng khiếu về ca hát nên mẹ cô và Khánh Hà khuyên cô nên ngưng sử dụng keyboard để tập luyện trở thành một ca sĩ. Quả thật, khả năng ca hát của Lưu Bích đã được mọi người công nhận ngay sau khi cô đứng hát một mình trên sân khầu lần đầu tiên vào năm 94 với nhạc phẩm “Chuyện Tình Không Suy Tư” của Tâm Anh.
Lưu Bích thú nhận cô đã rất hồi hộp trong lần xuất hiện này. Thời gian đó Lưu Bích đang làm cho phòng trà “Chez Moi” do Khánh Hà khai thác và vẫn còn sử dụng keyboard, cho nên vốn liếng bài bản trình bày chưa có nhiêu.
Tuy sinh trưởng trong một gia đình toàn là nghệ sĩ nổi danh nhưng Lưu Bích tự nhận là mình không chịu ảnh hưởng đặc biệt của một ai, ngoài sự được chỉ dẫn của các anh chị. Lý do Lưu Bích cho biết là muốn trình bày theo một lối riêng của mình, vì “khi muốn trở thành ca sĩ, cần phải có lối đi riêng biệt thì khán giả mới nhớ đến”, như cô quan niệm. Lối đi riêng biệt của mình được Lưu Bích diễn tả là phải “rất là nồng nàn và phải để hết feeling vào bản nhạc”.
Cái nồng nàn đó không những đã được Lưu Bích diễn tả qua tiếng hát mà còn được thể hiện qua gương mặt, qua ánh mắt và nụ cười rất dễ gây cảm tình của cô. Do đó những nhạc phẩm do Lưu Bích trình bày trở nên có hồn hơn, có một chiều sâu hơn. Đặc biệt nhất là với những nhạc phẩm do chính cô sáng tác, điển hình như nhạc phẩm “Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay” mà cô rất ưng ý.
Mặc dù rời Việt Nam từ khi còn nhỏ, nhưng Lưu Bích không những không gặp trở ngại gì với tiếng Việt. Trái lại cô còn có khả năng sáng tác những nhạc phẩm lời Việt với lối sử dụng ngôn ngữ rất thành thạo. Là một người sống nhiều về nội tâm, Lưu Bích nhận thấy đa số những nhạc phẩm tình cảm đều diễn tả tâm trạng của người đàn ông trong tình yêu. Bởi vậy cô muốn chính mình diễn tả tâm sự của người phụ nữ trong những nhạc phẩm cô soạn.
Như tâm sự của chính cô được cô đưa vào nhạc phẩm “Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay”. Nhạc phẩm này Lưu Bích sáng tác vào năm 1995 là thời gian cô đang ngụp lặn trong tình yêu với tất cả nồng nàn và say đắm. Lưu Bích cho biết cô đã sáng tác ca khúc này khi đang chơi piano trong lúc trời mưa bên ngoài và cũng trong lúc cô “đang cần tình yêu” như chính Lưu Bích tâm sự. “Hãy Nói Yêu Em Đêm Nay” cũng là sáng tác đầu tiên của cô được thu thanh trên CD.
Ngoài ra Lưu Bích còn có một số sáng tác khác như “Nụ Hôn Khó Quên”, “Hãy Sống Trong Phút Giây”, “Tình Một Chiều”, vv… Chỉ căn cứ vào tựa đề những nhạc phẩm của cô, người ta dễ dàng biết được tâm hồn lãng mạn và quan niệm trong tình yêu của cô, một người rất có tâm hồn nghệ sĩ.
Như mọi người đã biết, Lưu Bích thích trình bầy nhạc tình, nhưng những nhạc phẩm tình cảm đó theo cô phải mang một khuynh hướng lạc quan và hy vọng. Cũng chính vậy cô đã tạo cho mình được thành công trong vấn đề chọn lựa bài bản. Lưu Bích tâm sự trước đó cô đã từng lâm vào tình trạng tuyệt vọng trong tình yêu, nhưng cô nghĩ cuộc sống quá ngắn ngủi nên phải đứng dậy để tiếp tục hy vọng.
Hơn nữa Lưu Bích nhận thấy đời sống trong xã hội hiện thời đã quá căng thẳng nên cô tránh hát những nhạc phẩm với nội dung quá đau khổ vì không tạo được nơi người nghe một niềm hy vọng nào. Cô muốn mang lại cho khán giả những tình cảm vui vẻ, nhẹ nhàng để phần nào giúp cho tinh thần họ được thoải mái sau nhũng phút giây căng thẳng đến từ một cuộc sống đầy những bất an. Và chính bản thân cô nhờ vậy đã có thêm phần lạc quan.
Lưu Bích còn có thói quen lái xe ra bờ biển ngồi một mình cho đầu óc cô được thảnh thơi, thoải mái. Những lúc đó chính là những lúc cô hoạch định những dự án liên quan đến lãnh vực nghề nghiệp của cô. Ngoài ra, Lưu Bích còn có cái thú lái xe chạy vòng vòng nghe nhạc. Những lúc đó thật sự Lưu Bích đã được sống trong một thế giới hoàn toàn chỉ có cô và âm nhạc, không còn chút vướng bận gì với xã hội chung quanh.
Nhờ những khoảng thời gian đối với Lưu Bích rất là quí báu đó cô đã có thêm nhiều cảm hứng để sáng tác hoặc tự nhận xét về những ưu cũng như khuyết điểm trong phạm vi nghề nghiệp của mình để cải tiến hơn về những mặt xét ra cần thiêt. Việc làm đó không ngoài mục đích nhằm phục vụ khán thính giả là những người dành cho cô rất nhiều cảm tình.
Là một con người giầu tình cảm và dễ xúc động, Lưu Bích thường hướng tâm hồn mình về những kỷ niệm đã qua. Từ thời kỳ thơ ấu thiếu hồn nhiên đến những thất bại trong tình yêu của thời niên thiếu. Bây giờ cô đã phần nào quên được sự thất vọng trong tình yêu ngày nào vì cho rằng “trên đời nhờ chữ “quên” mà người ta mới có thể sống được”. Lưu Bích đã cố quên và cô đã sống được để ít ra sau đó cô đã lại có dịp sống trong tình yêu.
Người ta có thể nói thẳng Lưu Bích là một thiếu nữ sống với rất nhiều suy tư, nhất là về Tình Yêu và Hạnh Phúc. Những buổi sáng sau khi chạy bộ, ngồi trầm ngâm trước ly cà phê hay hướng mắt về một phương trời xa xôi trên bãi biển Long Beach chính là những lúc đầu óc cô luôn đặt những câu hỏi về cuộc sống và về thân phận con người.
Những người quen biết đã gọi Lưu Bích là một “cô bé triết gia”, luôn tìm cách dung hòa giữa lý trí phương Tây và tình cảm phương Đông. Ngoài suy tư về hạnh phúc và tình yêu đôi lứa, Lưu Bích còn nhận ra được niềm hạnh phúc lớn lao trong tình yêu gia đình mà cả nhà đã dành trọn vẹn cho cô.
Những thất bại về tài chánh trong quá khứ sau một thời gian bước chân ra đời cũng thường nằm trong sự hồi tưởng của Lưu Bích. Cô nhìn lại quá khứ mình để luôn cố gắng vươn lên, để luôn luôn thấy trước mắt mình những tia sáng hy vọng. Cô dựa trên những kỷ niệm để phân tách và rút tỉa cho mình đuợc nhiều kinh nghiệm quí báu. Giờ đây cô đã nguôi ngoai khi đã có được sự bù đắp cho một tuổi thơ không được may mắn. Cuộc sống của Lưu Bích hiện nay có thể coi như một sự đền bù phần nào những thiếu thốn trước kia, về tinh thần cũng như về vật chất.
Phân tách kỹ hơn về Lưu Bích, người ta còn nhận thấy nơi cô một sự quan sát bén nhậy. Từ đó cô đã nhìn cuộc đời bằng một cái nhìn bàng bạc mầu sắc triết lý. Cô cho biết có thời gian cũng thường một mình lái xe đến đủ mọi nơi để ngắm nhìn sinh hoạt của những người chung quanh. Cô đóng vai một người đứng ngoài lề để quan sát cách họ sống để suy nghĩ vẩn vơ về cuộc sống của từng người, về sự phù du của cuộc đời sau khi nhắm mắt xuôi tay.
Nhìn lại mình, Lưu Bích tự nhận thấy sự may mắn cũng đã dành cho cô một chỗ quan trọng trong cuộc sống như cô tâm sự “Em nhìn lên thì chả bằng ai… nhưng khi nhìn xuống cuộc đời thì em còn hơn nhiều người… Tới bây giờ em nghĩ là em rất may mắn”. Cũng do đó cô sống theo một quan niệm là “có hai bàn tay, một bàn tay mình làm ra và một bàn tay để giúp người khác”, trong Tình Yêu hay trong công việc làm ăn cũng vậy.
Khi trả lời câu hỏi sau này khi lập gia đình, tình trạng này có ảnh hưởng đến phương diện nghề nghiệp hay không vì nhiều người cho rằng sự ngưỡng mộ nơi khán giả sẽ bớt đi khi một người nữ ca sĩ đang được mến mộ có gia đình; Lưu Bích cho rằng điều này có phần đúng, tuy nhiên “tới tuổi nào thì cũng phải thay đổi đời sống của mình, không thể nào sống mãi như thế này, không thể sống độc thân hoài…”. Và trên phương diện này, Lưu Bích cũng rất mong có được sự may mắn. Trong trường hợp có gia đình, Lưu Bích mong có được hai con:một trai, một gái nhưng “nếu được một thì cũng vui rồi!”.
Cũng chính bởi quan niệm “có hai bàn tay, một bàn tay mình làm ra và một bàn tay để giúp người khác” nên Lưu Bích là một trong những nghệ sĩ tích cực nhất trong những họat động từ thiện. Hình ảnh của một Lưu Bích ôm thùng đi quyên tiền trong các chương trình văn nghệ từ thiện đã trở nên một hình ảnh quen thuộc.
Hình ảnh một Lưu Bích đến thăm những vị cao niên trong những viện dưỡng lão hay tích cực tham gia những công cuộc giúp nạn nhân sóng thần hay bão lụt cũng từng gây được nhiều xúc động nơi những người ái mộ cô. Lưu Bích cũng cho biết nếu có dịp về Việt Nam, cô sẽ tìm cách san sẻ với những người kém may mắn. Như những trẻ em mồ côi hay những người tàn tật. Cô sẽ trực tiếp gặp gỡ họ và muốn tận tay giúp đỡ. Mặc dù chỉ là một phần đóng góp nhỏ nhoi, nhưng theo cô “ có còn hơn không”.
Là con út trong gia đình nghệ sĩ họ Lã, Lưu Bích đã thật sự tiếp nối con đường của bố Lữ Liên, của các anh chị Bích Chiêu, Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Thúy Anh với sự hội đủ những yếu tố đòi hỏi nơi một người nghệ sĩ. Ngoài một giọng ca tốt, một nhân dáng xinh xắn và một sắc đẹp đủ sức thu hút; Lưu Bích còn được thừa hưởng một nếp sống và một nền giáo dục Âu Mỹ dành cho một thiếu nữ trưởng thành tại hải ngoại.
Sang Hoa Kỳ từ khi còn nhỏ, lớn lên trong nếp sống Á Đông của gia đình và mang nặng ảnh hưởng về cách suy nghĩ ngoài xã hội văn minh, tân tiến; Lưu Bích đã trở thành một thiếu nữ có một cung cách dung hòa giữa hai luồng tư tưởng cũng như lối sống Đông – Tây.
Cuối cùng, sau nhiều trăn trở và suy tư, điều quan trọng nhất với Lưu Bích là cô đã tìm ra một câu giải đáp là trên đời “không có gì tuyệt đối!”. Lưu Bích đã đưa những điều suy nghĩ của cô vào những nhạc phẩm do cô sáng tác vào những buổi tối ngồi trước chiếc đàn dương cầm.
Qua những sáng tác đó, nếu nhận xét kỹ, người nghe sẽ thấy rõ được quan niệm của cô về cuộc sống, rõ nét nhất là nhạc phẩm “Hãy Sống Trong Phút Giây” do cô hợp soạn với Kỳ Duyên, trong đó cô chủ trương quên đi quá khứ, chẳng nên thắc mắc quá về tương lai.
Chỉ có hiện tại là quan trọng. Phải biết “hưởng” những giây phút hiện có. Và hiện nay cô đang hưởng những thành quả do nghề nghiệp cô mang đến sau 14 năm vững vàng trên sân khấu và trong tâm hồn người mến mộ…
Trường Kỳ (Trích báo in TVTS số 1075)