Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã đưa ra yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành rà soát thông tin Trung Quốc dùng tiền thao túng nền chính trị Úc.
Thủ tướng Turnbull khẳng định: “Chủ quyền đất nước, nền dân chủ và việc không để nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ đang là những ưu tiên hàng đầu hiện nay”.
Cũng đồng quan điểm trên, Tổng chưởng lý Úc, ông George Brandis, đã cam kết sẽ đề xuất những đạo luật chặt chẽ hơn lên quốc hội vào cuối năm nay để giải quyết vấn đề trên. Ông nói: “Nguy cơ bị can thiệp chính trị từ các cơ quan tình báo nước ngoài là một vấn đề phải được quan tâm ở mức cao nhất và không nên để tình trạng này tiếp diễn theo chiều hướng xấu”.
Lời yêu cầu được đưa ra sau khi một phóng sự điều tra do tổ hợp truyền thông Fairfax Media và chương trình Four Corners của Đài ABC phối hợp tiến hành mở đầu bằng thông tin về một cuộc bố ráp căn hộ của ông Roger Uren, cựu quan chức tình báo Úc từng có lần được cân nhắc bổ nhiệm làm đại sứ tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, mục tiêu của cuộc bố ráp vào tháng 10.2015 không phải là ông Uren mà là người vợ gốc Hoa của ông – bà Sheri Yan.
Bà Sheri Yan ược mệnh danh là “nữ hoàng giao tế” trong cộng đồng người Hoa ở Úc nhờ những mối quan hệ sâu rộng với các chính khách, nhà ngoại giao và doanh nhân hàng đầu ở Úc, bà Sheri Yan lúc đó đang bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ tại New York trong vụ án hối lộ cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe. Bà Nghiêm hiện thụ án tù 1 năm 8 tháng ở Mỹ còn ông Ashe đột ngột qua đời vì tai nạn lúc tập tạ vào tháng 6.2016, ngay trước khi ra tòa.
Trong loạt phóng sự đăng tải tối 5.6, Fairfax Media và Four Corners tiết lộ giới chức Tổng cục Tình báo an ninh Úc (ASIO) đã phát hiện nhiều tài liệu mật của Úc về hoạt động của tình báo Trung Quốc tại căn hộ của ông Uren.
ASIO tiến hành khám xét sau khi thu thập được thông tin cho thấy bà Nghiêm có thể làm việc cho các cơ quan tình báo Trung Quốc. Cáo trạng của bà Nghiêm bao gồm cáo buộc hối lộ ông Ashe 200,000 Mỹ kim để ông này đến phát biểu trong hội nghị diễn ra ở khu nghỉ dưỡng tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) của tỉ phú người Úc gốc Hoa Chu Trạch Vinh. Ông Chu được đề cập với bí danh CC3 trong vụ án của bà Sheri Yan song không bị truy tố về bất kỳ tội danh nào.
Cuộc bố ráp nói trên chỉ hé lộ một phần nhỏ trong nỗ lực được truyền thông Úc mô tả là một chiến dịch thâm nhập và lũng đoạn chính giới Úc thông qua việc đóng góp tiền gây quỹ cho các đảng chính trị. Đ
Điều tra của Fairfax Media và Four Corners tiết lộ ông Chu và một tỉ phú gốc Hoa khác là Huang Xiangmo, trực tiếp hoặc thông qua các cộng sự và tổ chức của mình, trong hơn 1 thập niên qua đã đóng góp khoảng 6.7 triệu Úc kim cho các chính đảng lớn ở Úc, gồm cả Lao Động lẫn Liên đảng.
Tỉ phú Chu đã có quốc tịch Úc trong khi hồ sơ nhập tịch của ông Huang Xiangmo bị ASIO chặn lại vì những lo ngại về mối quan hệ của ông này với Bắc Kinh. Cả 2 nhà tỉ phú bất động sản gốc Hoa đều là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) ở tỉnh Quảng Đông.
Cũng theo ASIO, cơ quan này đã cảnh báo 2 chính đảng này từ năm 2015 về việc chấp nhận các khoản đóng góp từ 2 doanh nhân Hoa kiều trên, vì mối liên hệ giữa họ với đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên các cảnh báo của ASIO đã bị 2 đảng này bỏ ngoài tai.
Trong khi đó, việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các đòn bẩy kinh tế – thương mại do lợi thế thị trường và nguồn vốn của mình để gây sức ép lên nước khác trong các vấn đề chính trị không còn là điều gì lạ lẫm đối với Canberra và nhiều nước khác.
Cũng nên nhắc lại rằng vào ngày 12.7.2016, 3 tuần sau khi có Phán quyết Trọng tài Quốc tế về tình hình Biển Đông, Thời báo Hoàn Cầu từng xúc phạm Úc khi gọi nước này chỉ là “con mèo giấy”. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc thì cảnh báo: Úc “phải ăn nói cẩn thận, ứng xử thận trọng”.
Có lẽ xuất phát từ chính hiện trạng và nguy cơ Canberra đang đối mặt, nên bài phát biểu đề dẫn Đối thoại Shangri-la lần thứ 16 vừa qua của Thủ tướng Malcolm Turnbull đã rất nhấn mạnh tới chủ quyền quốc gia và chống can thiệp vào chủ quyền quốc gia.
Tổng hợp