Trong một hội nghị quốc tế lớn tại Amsterdam, Hà Lan ngày 22.7, các chuyên gia cảnh báo, bệnh AIDS sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát nếu chúng ta không chi thêm hàng tỷ đô la để phòng ngừa và điều trị bệnh.
Theo Mark Dybul, nhà nghiên cứu và ngoại giao Mỹ, một tỷ lệ đáng báo động các ca mới nhiễm bệnh, cùng với sự bùng nổ dân số trẻ tại các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch, đồng nghĩa với việc thế giới đang đi đến một cơn “khủng hoảng lặp lại giống như những gì từng diễn ra trong lịch sử”.
Phát biểu trước khoảng 15,000 đại biểu tham dự lễ Khai mạc Hội nghị quốc tế về AIDS tại Amsterdam, ông Dybul cho rằng “những điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu chúng ta không chi ra nhiều tiền hơn”.
Ông cũng cảnh báo:”Thế giới gần như đang đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát dịch bệnh AIDS cao nhất từ trước đến giờ vì các nguyên nhân, như: thống kê nhân khẩu học, lơ là phòng chống, thậm chí chưa bao giờ quan tâm tới dịch bệnh”.
Tuần trước, Chương trình Phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã ghi nhận một kỷ lục về việc giảm tỷ lệ các ca tử vong trong các bệnh nhân nhiễm HIV dương tính khi họ sử dụng liệu pháp kháng virus (ARV), tỷ lệ các ca nhiễm mới cũng thấp hơn. Dầu vậy, tỷ lệ giảm này vẫn chưa đạt yêu cầu của các chiến dịch.Thậm chí, quá trình giảm này còn có nguy cơ đảo chiều.
Các diễn giả trong hội nghị cảnh báo rằng, nguồn tài trợ và nguồn vốn trong nước đã giảm đáng kể và có khả năng sẽ tiếp tục giảm.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ đã đề xuất cắt giảm rất nhiều khoản chi, mặc dù cho tới nay, Quốc hội vẫn chưa thông qua điều này. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất thế giới cho việc ứng phó dịch AIDS.
Theo Michel Sidibe, giám đốc điều hành UNAIDS, hiện nguồn vốn vẫn còn cần khoảng 7 tỷ USD nữa. Và nếu chúng ta không chi tiền ngay bây giờ, trong tương lai, chúng ta sẽ phải chi nhiều và nhiều hơn nữa.
Các chuyên gia lo ngại rằng, việc tìm ra các phương pháp cứu chữa, các loại thuốc ức chế virus có thể sẽ đánh lạc hướng sự lưu tâm cần thiết và các nguồn tiền khỏi việc cần thiết phải ngăn chặn những ca lây nhiễm HIV mới.
Các loại thuốc kháng virus (ARV) cũng đang ngày càng được sử dụng nhiều hơn, chủ yếu ở các nước giàu, để ngăn ngừa nhiễm virus trong quan hệ tình dục.
Để đạt được mục tiêu mà LHQ đã đề ra nhằm kết thúc dịch AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030, các ca lây nhiễm phải được giới hạn ở mức 500.000 ca mỗi năm trên phạm vi toàn cầu trong vòng hai năm.
Nduku Kilonzo, thành viên Hội đồng kiểm soát quốc gia của Kenya cho biết, năm ngoái có 1,8 triệu ca nhiễm mới, điều đó cho thấy “nếu chúng ta có những biện pháp mạnh, sẽ chẳng đạt được mục đích gì. “Bao cao su rất hữu hiệu, nhưng chỉ khi họ có sẵn. Khoản đầu tư vào việc phân phát bao cao su cũng đã giảm, chỉ đáp ứng được chưa đầy một nửa nhu cầu. Chúng ta đang còn cách xa mục tiêu phòng ngừa, chưa nói gì đến việc xóa sổ dịch bệnh,”cô nhấn mạnh.
David Barr, một người ủng hộ việc điều trị lâu dài, và bản thân cũng là người nhiễm HIV, đồng ý rằng việc sử dụng thuốc mà không chú ý tới việc phòng ngừa sẽ không chấm dứt được dịch AIDS.
Theo TPO