NASA tuyên bố trên Sao Hỏa có nước

29 Tháng 9, 2015 | Y học - Khoa học

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Hình ảnh chụp những đường rãnh sẫm màu trên bề mặt sao Hỏa. Photo Courtesy: NASA

 

Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận có dòng nước chảy trên bề mặt sao Hỏa, làm dấy lên hy vọng về sự sống tồn tại trong quá khứ hoặc hiện tại trên hành tinh.

 

Vào hôm 28.9, trong cuộc hội thảo tổ chức tại Washington, các nhà khoa học của NASA cho biết đã tìm thấy bằng chứng về nước lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa.

 

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học xác nhận việc có nước trên sao Hỏa, sau rất nhiều giả thuyết, dự đoán trước đó, đồng thời làm dấy lên khả năng có sự sống hoặc thậm chí là vi khuẩn trên sao Hỏa.

 

Phát hiện này đến từ việc phân tích những hình ảnh được chụp bởi tàu thăm dò sao hỏa Mars Reconnaissance Orbiter của NASA. Qua đó cho thấy những đường rãnh sẫm màu dài khoảng 100 mét xuất hiện theo mùa tại nhiều điểm trên bề mặt sao Hỏa đã được hình thành bởi dòng nước mặn chảy xuống các sườn dốc. Hàm lượng muối trong nước đóng vai trò quan trọng bởi thiếu nó, nước sẽ bị đóng băng trong nhiệt độ lạnh giá ở sao Hỏa.

 

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu NASA hiện chưa giải thích được nước mặn trên sao Hỏa đến từ đâu dù có đưa ra một số giả thuyết. Đó có thể là băng tan chảy dưới bề mặt, hoặc là kết quả của việc lượng muối dồi dào trong đất sao Hỏa hút nước từ bầu khí quyển, hoặc cũng có thể là chất lỏng sủi lên từ tầng nước ngầm.

 

Sau công bố mới nhất này, John M. Grunsfeld, cựu phi hành gia của NASA, đã nói đến việc gửi những con tàu vũ trụ đến những khu vực này trong những năm 2020, rất có thể liên quan tới việc tìm kiếm sự sống.

 

Năm 2010, NASA thực tế đã phát hiện những vệt đen trên sao Hỏa và đưa ra những nghi ngờ về việc đó là vệt dài do nước tạo ra. Những vệt này dài hơn và dày hơn vào mùa ấm, mờ dần và co lại trong mùa lạnh, trùng khớp với diễn biến thường thấy ở các bãi bùn do nước tạo ra.

 

Tổng hợp