“Bác Tú” và TiVi Tuần-san

03 Tháng 8, 2010 | Người Việt đó đây

 

Nhà báo Nguyễn Tú trên đồi Studley Park, thành phố Melbourne, mùa xuân 2002. Hình TiVi Tuần-san

 

Viết về sự nghiệp và con người của nhà báo NGUYỄN TÚ – một bậc đàn anh 86 tuổi đời, 60 tuổi nghề, mà mình mới một lần gặp gỡ, thiết nghĩ tôi không đủ khả năng và tư cách. Cho nên chỉ xin viết ra cảm nhận của cá nhân, cũng như tâm tình của anh chị em Tòa soạn Tivi Tuần-san, về một nhà báo nổi tiếng mà chúng tôi thường gọi một cách thân thương là “Bác Tú”.

 

Tuy nhiên trước khi vào đề, để độc giả có được chút ý niệm về thân thế, đường đời và sự nghiệp của Bác Tú, chúng tôi xin phép nhà báo Thanh Thương Hoàng, nguyên Tổng thư ký nhật báo Chính Luận, và cũng là bạn thân của Bác Tú trước năm 1975, được trích đăng nguyên văn đoạn email viết về người đã khuất, mà ông đã sốt sắng cung cấp khi được chúng tôi liên lạc xin.

 

Thay mặt Tòa soạn TVTS, xin chân thành cảm ơn nhà báo Thanh Thương Hoàng.

 

* * *

 

…Tôi xin gửi anh một vài điều mà tôi biết về anh Nguyễn Tú. Vì anh NT là người kín đáo không bao giờ nói về gia đình cũng như cá nhân mình với bạn bè, nên tôi chỉ có thể biết một cách khái quát mà thôi.

 

Cha anh NT thời Pháp thuộc làm quan Tri Châu ở vùng Cao Bằng – Lạng Sơn, năm 1945 bị cộng sản giết. Anh NT là đảng viên Đại Việt thuộc hệ phái của  lãnh tụ Trương Tử Anh. Thời Pháp anh được đào tạo làm huấn luyện thanh niên (ngạch trật tham tá?). Sau đó anh làm huấn luyện viên trường Lục quân Yên Bái.

 

Thời Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ tướng, anh NT làm Tổng giám đốc Thanh niên. Sau khi thôi chức TGĐTN anh trở thành nhà báo và làm phóng viên chiến trường cho Nhật báo Chính Luận của Bác sĩ Đặng Văn Sung (ông Đặng Văn Sung cũng là một trong những lãnh tụ của Đại Việt). Vào những năm 1974, 1975, anh là trưởng ban phóng viên của Nhật báo Chính Luận.

 

Anh sống độc thân, khép kín. Hình như cũng không có người tình nào.

 

Khi CSVN chiếm miền Nam, anh là người bị bắt sớm nhất, ngày 3.5.1975 tại tư thất của cựu đại sứ Bùi Diễm (ông BD lúc đó ở ngoại quốc). Anh NT bị tù 13 năm. Cuối thập niên ’80 anh vượt biên sang HongKong (qua ngả Hải Phòng) rồi được Mỹ cho vào Mỹ ngay. Tới Mỹ, anh sống một mình tại miền Đông và tiếp tục viết bài cho các báo Mỹ cho tới ngày bị ngã gãy xương sườn tại phòng của mình, rồi qua đời… TTH

 

* * *

 

Con người Chân, Thiện

 

Cơ duyên đã khiến một ký giả sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, cộng tác với một tờ báo ở cách xa nửa vòng trái đất, bắt nguồn từ tình đệ huynh kết nghĩa giữa Bác Tú và cố Thủ tướng (Bác sĩ) Phan Huy Quát (PHQ). Dĩ nhiên, Bs PHQ là “huynh”, Bác Tú là “đệ”.

 

Cũng cần viết thêm, dòng họ “Phan Huy” có truyên thống văn học, nhiều người phục vụ trong lĩnh vực truyền thông. Riêng Bs PHQ, vào đầu năm 1950 – thời gian Việt Nam đang từng bước thành lập Quân Đội Quốc Gia – khi làm Tổng trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Trần Văn Hữu, ông đã có sáng kiến cổ vũ tinh thần yêu nước của thanh niên bằng cách cho xuất bản một tờ báo quân đội đầu tiên, lấy tên là “Gươm Thần”…

 

Sau năm 1975, Cụ Bà quả phụ PHQ và gia đình định cư tại Úc. Trước sau, ba trong số các người con của Cụ, một ái nữ và hai hiền tế, đã cộng tác với Tivi Tuần-san. Ái nữ ấy là nhà báo Toàn Chân. Sau khi Bác Tú vượt biên tới Hương Cảng vào năm 1988, Toàn Chân mời Bác viết cho Tivi Tuần-san và Bác đã nhận lời…

 

Trước năm 1975, trong cương vị một sĩ quan báo chí đơn vị – một thứ “lính kiểng” không hơn không kém, tôi chỉ được biết tới tên tuổi của Bác Tú, và ngưỡng mộ sau khi đọc loạt phóng sự chiến trường “Ngày Chủ  Nhật Buồn” của Bác đăng trên nhật báo Chính Luận – một phóng sự đầy nước mắt, tường thuật tại chỗ cuộc triệt thoái của Quân Đoàn II trên “con đường máu” – tức liên tỉnh lộ 7 nối liền Phú Bổn với Tuy Hòa. Cuộc triệt thoái sai lầm ngay từ căn bản chiến lược đã gây tổn thất sinh mạng nặng nề cho cả quân lẫn dân, gây rúng động tại Sài Gòn vào tháng 3/1975.

 

Sau này tôi được biết, do tự tiềm hiểu trên Internet chứ không phải do Bác Tú “khoe”, nhiều cuốn sách hoặc trang mạng của ngoại quốc viết về giai đoạn cuối của cuộc chiến, đã sử dụng phóng sự nói trên của Bác, chẳng hạn cuốn Invasion of South Vietnam của Winthrop University, Rock Hill, South Carolina, Hoa Kỳ (Chương 14). Đồng thời Bác cũng được một số tác giả phỏng vấn, do tên tuổi, uy tín của Bác trong báo giới và chính giới trước năm 1975.

 

Trong 20 năm Bác Tú viết cho Tivi Tuần-San, hẳn độc giả cũng nhận ra Bác không chỉ có tài viết, mà còn có khả năng phê bình, nhận định, thậm chí tiên đoán thời cuộc.

 

Xưa nay người ta thường mỉa mai “nhà báo nói láo ăn tiền”, có thể đúng với một vài cá nhân nào đó, nhưng riêng Bác Tú thì lấy chữ “chân”  làm đầu trong cương luân nghề nghiệp. Chẳng hạn, là một người quốc gia, thân phụ bị cộng sản giết, nhưng trước sau Bác không hề “vu oan giá họa” cho cộng sản, Bác cũng chẳng thổi phồng tâng bốc chế độ cộng hòa. Những bài báo của Bác viết sau khi ra hải ngoại cũng thế, luôn luôn trung thực và khách quan.

 

Có thể nói, Bác Tú xứng đáng là một khuôn mẫu cho những người cầm bút trong lĩnh vực truyền thông.

 

Chữ “chân” đã khó đạt tới, chữ “thiện còn khó hơn, nhưng Bác Tú có đủ cả hai.

 

Còn nhớ thời gian Tivi Tuần-san mời Bác sang thăm Úc vào năm 2002, trong những buổi gặp gỡ thân mật với anh chị em trong tòa soạn và một số thân hữu, có người đã đề nghị Bác, vốn biết quá nhiều sự việc, lại có trí nhớ tuyệt vời và khả năng cầm bút, viết hồi ký để cho đám hậu sinh được biết những gì đã xảy ngày ấy, thì Bác trả lời đại khái như sau:

 

Một khi đã gọi là hồi ký thì phải viết sự thật, toàn bộ sự thật. Và con cháu của các nhân vật được nhắc tới, làm sao họ có thể ngẩng đầu, một khi những sự thật không tốt đẹp về cha ông mình bị phơi bày?! Cho nên Bác không viết; Bác bảo làm như vậy là ác!

 

Nghe Bác nói, tôi vô cùng kính phục!

 

Xét về diện mạo, Bác Tú có hai điểm nổi bật là cặp mắt trong sáng và nụ cười đôn hậu. Câu nói “con mắt là cửa sổ của tâm hồn” ứng dụng vào trường hợp này thật vô cùng chính xác, bởi nó tượng trưng cho chữ “chân” nơi con người Bác. Còn nụ cười, nếu Bác Tú không để tóc thì trông Bác giống một vị thiền sư hơn là một cựu phóng viên chiến trường. Thành thử cũng không có gì lạ khi Bác luôn mang cái tâm “thiện””!

 

Con người đáng yêu

 

Trong làng báo Việt ngữ hải ngoại, có lẽ không ai có thể phủ nhận Nguyễn Tú là một nhà báo gương mẫu và đáng kính trọng. Với những người được hân hạnh quen biết, Nguyễn Tú còn là một con người đáng yêu – vô cùng đáng yêu.

 

Tôi muốn nói tới chữ “mỹ”  trong “chân – thiện – mỹ”. Nếu có ai  cho rằng tôi xưng tụng Bác Tú quá lời chỉ vì Bác viết cho Tivi Tuần-san, tôi cũng đành chịu nhưng không thể dối lòng, bởi vì tôi thực sự tin rằng Bác đạt được cả chữ “mỹ”.

 

Sinh ra và lớn lên ở đất Thăng Long nghìn năm văn vật, dĩ nhiên cái lịch thiệp trong giao tiếp, ăn nói, Bác Tú có thừa, nhưng chỉ thể hiện ở một chừng mực “đáng yêu” chứ không khách sáo tới mức… như một số người (thành thật xin lỗi quý đồng hương Hà Thành).

 

Cho nên khi Bác – dù đáng tuổi chú – gọi tất cả chúng tôi là “ông bà”, thì lúc đầu chúng tôi có hơi ngượng, nhưng chỉ sau dăm phút truyện trò, là cảm thấy thoải mái ngay.

 

Tôi cho rằng trong chữ “mỹ” nơi Bác Tú, cái lịch thiệp của người Hà Nội chỉ là “hình thức”, còn “nội dung” chính là con người của Bác – một con người không chỉ hiểu biết, mà còn đã đi khắp nơi,

 

đã sống qua mọi cảnh đời.

Kể cả trong cung cách uống rượu, Bác Tú cũng đạt tới chữ “mỹ”. Cách đây mấy năm, trong loạt bài “Nam vô tửu như kỳ vô phong” viết cho Hoàng Hoa Hội, tôi có nhắc tới hai dịp được hân hạnh gặp gỡ thi văn nhân nổi tiếng sang thăm Úc: một nhà thơ uống nước ngọt và một nhà báo uống rượu chát, nhưng không nêu danh tính. Nay xin được bật mí: nhà báo ấy chính là Bác Tú.

 

Bác không uống ừng ực, cũng không “phá mồi”, mà vừa thưởng thức rượu ngon vừa thưởng thức các món ăn thích hợp. Thấy tửu lượng của Bác, tuy lúc ấy đã 78 tuổi, ra vẻ không thua kém đám hậu bối, tôi hỏi Bác có bao giờ Bác say không còn biết trời đất gì nữa hay không, Bác thành thật cho biết có một lần – một lần duy nhất trong đời. Việc này thuộc “lĩnh vực đời tư” của Bác Tú, nhưng cũng xin vong linh Bác cho phép tôi kể ra đây, như một bài học cho các đệ tử Lưu Linh, một tấm gương cho những ai muốn đạt tới chữ “mỹ” trong mục uống rượu.

 

Ngày ấy Bác Tú mới ngoài 20, sống ở Hà Nội, cùng với một hai người bạn khác được mời tới ăn uống tại nhà một người bạn thân, có cô em gái rất đẹp và nổi tiếng nấu món thịt… (tự kiểm duyệt) không ai bằng. Mặc dù trong lòng không hề có tình ý gì, nét đẹp của người con gái cùng với món “đặc sản” đã khiến chàng thanh niên Nguyễn Tú cao hứng uống rượu quá chén, và say, ngủ luôn trên ghế. Khi giật mình tỉnh dậy chỉ thấy có một mình, khách đã về hết, chủ nhà đã đi ngủ, chén bát đã dọn dẹp sạch sẽ.

 

Bác Tú cảm thấy vô cùng xấu hổ, và tự thề hứa với lòng mình: đây là lần đầu và cũng là lần cuối. Lời thề ấy, Bác giữ trọn đời!

 

* * *

 

Sau khi tới Hoa Kỳ, Bác Tú định cư tại tiểu bang Virginia, gần thủ đô Hoa-thịnh-đốn. Bác sống một mình nhưng không cô đơn, mà căn apartment nhỏ bé ấy luôn có bạn bè thuộc đủ lớp tuổi lui tới; Bác độc thân suốt đời nhưng không “cơm hàng cháo chợ” mà mỗi ngày đều tự thổi cơm lấy và nấu nướng thức ăn. Nghe Bác kể, ai cũng ái ngại cho Bác, nhưng Bác bảo xưa nay Bác thích tự chăm lo cho mình. Tôi  quên không hỏi ngày xưa Bác có đi “hướng đạo” hay không?!

 

Kể cả “hậu sự”, Bác cũng tự lo liệu trước: Bác đóng bảo hiểm “tang ma”, không cần biết Bác nằm xuống ở chân trời góc biển nào, hãng cũng phải lo liệu cho Bác. Bác không muốn có mộ phần, không muốn tổ chức tang lễ rình rang, tốn phí; Bác bảo: thiêu là giản tiện nhất!

 

Sau khi Bác Tú trở về Hoa Kỳ, chính Bác đã điện thoại sang Úc trước, khiến vợ chồng tôi cảm kích vô ngần. Từ đó, chúng tôi không bao giờ quên điện thoại vấn an Bác trong các dịp lễ tết, hoặc khi có chuyện bất thường, chẳng hạn bão tuyết, cúp điện (đó có lẽ là lần duy nhất Bác Tú không tự thổi cơm và nấu nướng thức ăn trong mấy ngày liền).

 

Mấy năm đổ lại đây, sức khỏe của Bác Tú bắt đầu có vấn đề, tuần nào Bác không gửi bài là tòa soạn biết Bác phải nhập viện. Nhưng về nhà là Bác lại tiếp tục viết, cho dù hai con mắt thì một con đã trở thành vô dụng, con còn lại  khi viết phải sử dụng kính lúp!

 

Lần cuối cùng tôi điện thoại thăm Bác là dịp Tết ta vừa rồi. Sau đó, Bác điện thoại sang thì tôi đi làm, thành thử nhà tôi lại là người được hân hạnh nói chuyện lần cuối với Bác. Bởi vì tới tháng 4/2010, sau khi Bác bị ngã tại nhà và phải đưa vào bệnh viện, cá nhân tôi cũng như mọi người trong tòa soạn Tivi Tuần-san chỉ còn được biết tin tức về Bác qua một người bạn trẻ đang chăm sóc Bác.

 

* * *

 

Bác Tú ra đi trong sự tiếc thương của biết bao người. Đúng như câu châm ngôn “Khi con cất tiếng khóc chào đời thì mọi người cười vui đón mừng; vậy con hãy sống sao cho tới ngày cuối đời, mọi việc ngược lại: con mỉm cười nhắm mắt xuôi tay, còn mọi người phải rơi lệ thương tiếc”.

 

Ai trong chúng ta cũng biết tới, và hiểu được giá trị câu châm ngôn ấy, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Tôi cũng chẳng biết mình có thực hiện được phần nào hay không, nhưng có điều chắn chắn là từ ngày được gặp Bác Tú, và được Bác hạ cố nhận là “đồng nghiệp”, tôi đã cố gắng sống lương thiện hơn (tôi không dám sử dụng chữ “đạo đức”), và càng thêm trân trọng nghề cầm bút – trong đó những đàn em tép riu như tôi, có những đàn anh tầm cỡ như Bác Tú.

 

Lão Ngoan Đồng

 

(TVTS – 12260  21.7.2010)