|
LTS: Nguyễn Trần Ai, một cộng tác viên thường xuyên của báo Người Dân ở Orange County Hoa Kỳ, đã liên lạc với TVTS cho biết ông là bạn của Ký giả Nguyễn Tú và đề nghị sẽ viết một bài nói về “một thành tích đáng kể” của ông Nguyễn Tú mà có lẽ nhiều người không biết vì “lúc sinh thời anh Tú vốn là người ít nói về mình”. Đó là việc ông Nguyễn Tú đóng góp một phần quan trọng trong vụ thắng kiện chính phủ Hồng Kông về việc sàng lọc người tị nạn chính trị theo phân suất (quota).
Ký giả Nguyễn Tú là cộng tác viên thường xuyên của TVTS trong 20 năm qua, đã qua đời vào ngày 11.7.2010, hưởng thọ 86 tuổi.
Xin cám ơn ông Nguyễn Trần Ai và xin giới thiệu với bạn đọc. Tựa đề bài ở trên do TVTS đặt.
Bài của Nguyễn Trần Ai, Hoa Kỳ
Khoảng năm 1977 tôi bị đưa từ biệt giam nhà lao Phan Đăng Lưu, Gia Định sang khám Chí Hòa, “đóng đô” tại lầu ba cùng với nhà báo Vũ Ánh, Phan Huy Anh, con bác sĩ Phan Huy Quát, kỹ sư Lê Mạnh Hùng, con rể bs Quát…
Những lúc được mở cửa chuồng, ra hành lang thở, nhìn qua song sắt xuống sân thấy Nguyễn Tú, đầu sói râu tóc bạc phơ, cũng cởi trần như ai, khoe bộ xương cách trí, chống cây gậy dài lòm khòm đi, khiến tôi liên tưởng đến những vị kỳ lão trong Kinh Thánh.
Đến khi ra tù, kể chuyện này với Đỗ Trọng Huề, Huề bảo để giới thiệu Tú với tôi, chắc hai người hợp nhau. Quả nhiên chúng tôi thành bạn tâm giao từ đấy. Mỗi tuần một hai lần Tú chống gậy đến thăm tôi nói chuyện. Có lần tôi đến thăm Tú ở với người cháu tại một biệt thự trống trơn trong cư xá bên cầu Công Lý.
Rồi tôi được di cư sang Mỹ, đầu năm 1990 nhận được một phong bì giấy vàng cỡ lớn trong đựng nguyên một hồ sơ Nguyễn Tú được giới truyền thông quốc tế can thiệp cho từ trại tỵ nạn Hồng Kong sang Hoa Kỳ định cư.
Mùa anh đào nở năm 1999 tôi sang thăm chị tôi bên Virginia có điện thoại cho Tú. Tú đi xe buýt đến thăm tôi, hỏi mấy giờ đến, anh bảo sẽ đến sau bữa ăn sáng trước bữa ăn trưa, nghĩa là tránh không cho tôi mời anh được bữa ăn nào. Hồi ấy anh Tú tuy bệnh tật, đi lại còn được nhưng hơi khó khăn. Anh cho biết đó là kết quả của “đòn thù” Cọng Sản.
Tháng 7.2007 tôi lại sang Virginia dự đám cưới cháu nội chị tôi. Dịp này tôi có cái duyên tái ngộ một người bạn trong một trường hợp khá ly kỳ. Bạn tôi là Nguyễn Quốc Dũng trước đã du học HK, cùng vợ con sang Mỹ ngay trước 30.4.1975, định cư và làm việc tại New York suốt cho đến tháng 5.2007 về hưu và tháng 6 dọn về Virginia, nhờ thế chúng tôi mới gặp lại nhau.
Dũng lái xe cho tôi và các con, cháu đi thăm New York. Trên đường nói chuyện lan man, nhắc đến Nguyễn Tú. Dũng bảo tìm Tú mấy năm nay mà không biết Tú ở đâu. Tôi bèn điện thoại cho Tú. Tú mừng lắm, còn nhớ Dũng rất rõ. Dũng đưa tôi đến thăm Tú ở một chung cư vùng Alexandria. Tôi ngỡ ngàng thấy Tú bịt một bên mắt, lưng còng gập xuống nhưng tinh thần vẫn hoàn toàn linh hoạt.
Sau khi hàn huyên, Tú và Dũng nhắc đến vụ kiện chính phủ Hồng Kông nhờ đó hai người mới biết nhau rồi qúy nhau. Dũng và tôi cùng đề nghị anh Tú viết hay đọc vào băng thu âm những gì anh biết về chính trường VNCH, vì chúng tôi tin rằng anh biết nhiều điều ít người biết, nếu không ghi lại thì là một mất mát cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong giai đoạn trước 1975.
Anh Tú bảo đã nghĩ đến việc này và cũng nhiều người khuyến khích nhưng anh quyết định không làm, vì theo anh, những sự kiện anh biết – và nhiều khi chứng kiến – xấu nhiều hơn tốt, nếu viết ra thì những người chịu trách nhiệm đa số đã khuất mặt, anh không muốn gia đình họ phải buồn phiền một cách oan uổng.
Mới mấy ngày nay tình cờ đọc được tin anh Tú đã mất ngày 11.7.2010. Tôi báo tin cho Dũng và chúng tôi đồng ý, như một tưởng niệm, phổ biến một thành tích của Nguyễn Tú mà ít người biết vì Tú là một người không bao giờ muốn nói đến cái tôi và kể thành tích của mình.
Câu chuyện như thế này:
Vào đầu thập niên ‘90, các quốc gia đệ tam trên thế giới lâm vào trạng thái mệt mỏi đối với các thuyền nhân Việt Nam (refugee fatigue) sau những đợt vượt biên bằng thuyền liên tiếp trong 15 năm từ sau ngày 30.4.1975 và bắt đầu hạn chế việc thu nhận những thuyền nhân từ các trại tị nạn tại Thái Lan, Hồng Kông, Mã Lai Á và Phi Luật Tân.
Các chính phủ tại các quốc gia có trại tị nạn cũng gặp nhiều khó khăn về kinh phí duy trì các trại tị nạn này. Một số các chính phủ này đã áp dụng chính sách không tiếp nhận thêm thuyền nhân Việt Nam hoặc đẩy thuyền của họ ra không cho cập bến vào trại tị nạn.
Đúng vao thời điểm này ký giả Nguyễn Tú đã vượt biển tới trại tị nạn Hồng Kông. Sau khi tới Hồng Kông, ký giả Nguyễn Tú được một số đồng nghiệp là các ký giả ngoại quốc can thiệp với chính phủ Hồng Kông nên anh đã được thanh lọc để hưởng quy chế tị nạn chính trị và được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận cho định cư tại Alexandria, vùng ngoại ô của thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Một thời gian sau đó chính phủ Hồng Kông thay đổi chính sách thanh lọc thuyền nhân tại ba trại tị nạn Hồng Kông và khẳng định chỉ có 10% các thuyền nhân là hội đủ điêu kiện để được thanh lọc vào (screening-in) và hưởng qui chế tị nạn chính trị nếu được một quốc gia đệ tam chấp nhận cho định cư, 90% còn lại đều là tị nạn vì lý do kinh tế.
Chính sách này là một vi pham luật pháp quốc tế về thủ tục thanh lọc (screening procedures) các người tị nạn vì đã đặt ra một phân suất (quota) thay vì cứu xét đơn xin tị nạn chính trị theo từng trường hợp cá biệt (case by case basis).
Anh Nguyễn Quốc Dũng lúc ấy là một luật sư đang hành nghề tại thành phố Nữu Ước từ 1978 và giúp cho Ủy Ban Luật Sư Bảo Vệ Nhân Quyền (Lawyers’ Committee for Human Rights), dưới đây gọi tắt là Ủy Ban, với tư cách thiện nguyện không có thù lao (volunteer on a pro-bono basis) đã yêu cầu Ủy Ban này đứng ra khởi tố chính phủ Hồng Kông về việc thay đổi chính sách thanh lọc thuyền nhân Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.
Để có phương tiện tài chánh thực hiện dự án này, luật sư Dũng xướng xuất thành lập và là Chủ Tịch Danh Dự của một Qũy Bảo Vệ Thuyền Nhân Việt Nam tại các trại tị nạn Đông Nam Á (Vietnamese Legal Protection Fund) đặt dưới sự quản trị của Ủy Ban. Qũy Bảo Vệ Thuyền Nhân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ tích cực về nhân lực và tài lực từ các tổ hợp luật sư lớn tại Hoa Kỳ, một số công ty quốc tế và cộng đồng Việt Nam tại Nữu Ước, thủ đô Hoa Thịnh Đốn và thành phố Houston, tb Texas.
Trong dạ hội gây qũy tại Houston, nữ tài tử Kiều Chinh và một số ca sĩ tên tuổi như Kim Tước, Mai Hân, Mai Hương… có đến ủng hộ.
Vào đầu năm 1990 luật sư Dũng đại diện Ủy Ban đã đến Hồng Kông 2 tuần lễ để thuê và tham khảo với luật sư Hồng Kông nhiệm cách xúc tiến thủ tục truy tố Chính phủ Hồng Kông về chính sách thanh lọc bất công và vi phạm luật pháp quốc tế.
Được biết ký giả Nguyễn Tú cũng là một thuyền nhân đã qua trại tị nạn Hồng Kông, luật sư Dũng liên lạc với anh Tú yêu cầu anh làm nhân chứng trong vụ kiện. Tú sốt sắng nhận lời ngay, làm việc hăng say suốt một tuần lễ với một tổ hợp luật sư tại Nữu Ước để nạp một bản phụ lục hỗ trợ (affidavit of support) dài trên 50 trang cho vụ kiện của Ủy Ban tại Hồng Kông.
Vì đã đi qua trại tị nạn Hồng Kông, Nguyễn Tú hiểu rất tường tận về thủ tục thanh lọc của chính quyền Hồng Kông, nên affidavit rất có giá trị của Nguyễn Tú đã đóng góp một vai trò quan trọng trong vụ kiện để đạt thắng lợi trước tòa án địa phương.
Sau kết quả tốt đẹp của vụ kiện này, tỷ lệ số thuyền nhân tại các trại tị nạn Hồng Kông được thanh lọc vào và hưởng qui chế tị nạn chính trị đã tăng vọt từ 10% lên đến 20-25%. Cũng nên ghi nhận là dù luật sư Dũng đã đề nghị trích Qũy Bảo Vệ Thuyền Nhân Việt Nam để trả thù lao cho anh Tú nhưng anh khẳng khái không chịu nhận.
Đây là một đóng góp quan trọng nhất của ký giả Nguyễn Tú cho các thuyền nhân tại các trại tị nạn Hồng Kông và Đông Nam Á mà ít người biết đến kể cả nhiều người đã trực tiếp hay gián tiếp nhờ Nguyễn Tú mà đến được bến bờ tự do. Chỉ vì bản tính khiêm nhường của anh không bao giờ muốn kể công.