![]() |
“Văn nghệ bỏ túi”: Tác giả Nguyễn Hồng Anh với thân nhân, bạn bè chuẩn bị chơi vài ca khúc của mình vào tối Chủ Nhật 22.9.2013 |
(TVTS) – Trong thời gian qua, anh Nguyễn Hồng Anh có đăng nhắn tin trên báo in TVTS để xin bạn đọc hay bất cứ ai còn giữ tờ Gươm Thiêng của Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH – Victoria để anh có thể mượn sao lại bản nhạc “Tôi hỏi tôi” đăng ở bìa sau tạp chí này.
Lý do: anh không tìm được bản thảo hay ấn bản của tờ báo mà anh cộng tác mấy chục năm về trước bởi dọn nhà và dời tòa soạn mấy lần.
Nhưng cuối tuần qua tình cờ anh đã tìm được tờ báo Gươm Thiêng (số 4 phát hành ngày 1.1.1983) và luôn cả tập bản thảo trong đó có những bài anh viết mà anh không nhớ tên!
Đó là 6 bản “hùng ca” anh viết trong hai tháng 4 và 5 năm 1984. Đây là một ngày mà anh cho là “hạnh phúc” vì đúng vào lúc mà niềm đam mê âm nhạc trở lại với anh, nên đã tổ chức một buổi văn nghệ bỏ túi với thân nhân và bạn bè.
Anh không ngờ trong 33 ca khúc mà anh đã công bố hồi gần đây và đa số đã được thu âm, đã phát hành hay đang chờ phát hành, có một ca khúc bị thất lạc và bị “bỏ quên” mà khi vừa hát lại vào tuần qua, anh đã quá thích –về ca từ cũng như nhạc điệu– nên đang chuẩn bị để thu âm, và sẽ giới thiệu với thính giả trong nay mai.
![]() |
Nguyễn Hồng Anh cầm bản thảo Như người Việt Nam: “…không ngờ 30 năm trước có viết một bài như thế” |
Nguyễn Hồng Anh, chủ bút TiVi Tuần-san và là một người viết nhạc tài tử, bắt đầu sáng tác vào năm 1976. Anh đã cho phát hành cuốn CD đầu tay vào ngày 1.9.2013 vừa qua. Cuốn CD-1 có tên “Của hồi môn”, tên của một ca khúc mà nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam cho là một trong những ca khúc tiêu biểu của tác giả Nguyễn Hồng Anh.
Hoài Nam cũng có nhận xét về ca khúc “Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương” trong CD-1 do chính tác giả hát như sau: “…theo chúng tôi, về hình thức, đây là ca khúc công phu nhất (mỗi đoạn viết theo một thể điệu khác nhau), là khúc hát nặng tình quê hương nhất. Hai chữ “quê hương” ở đây là tất cả — làng thôn xưa, thành phố cũ; bạn bè còn ở lại, cha ông đã nằm xuống, tuổi trẻ sẽ lớn lên; là quá khứ, là hiện tại, là tương lai; là vinh nhục, lỗi lầm, là tin yêu, hy vọng…”.
![]() |
Để nhớ một thời: Nguyễn Hồng Anh đàn hát với các em, con cái và bạn bè |
Trong lúc chờ đợi ca khúc được anh Nguyễn Hồng Anh gọi là “đứa con bị thất lạc nay tìm được” sẽ được phổ biến trong nay mai, TVTS xin giới thiệu trước với bạn đọc lời của ca khúc này:
Như người Việt Nam
Hãy sống như người Việt Nam
Hãy sống như người Việt Nam
Việt Nam có trước có sau
Có tình đồng bào tình nhân loại
Hãy thở hơi thở Việt Nam
Hãy thở hơi thở Việt Nam
Việt Nam trong tim tôi
Hơi thở bốn ngàn năm
Việt Nam trong mắt tôi
Ánh sáng mãi ngàn năm
Hãy sống như người Việt Nam
Hãy sống như người Việt Nam
Việt Nam trước cũng giống sau
Có nhiều bạn bè nhiều ân tình
Hãy biết đi về cội nguồn
Hãy biết đi về cội nguồn
Việt Nam rất oai linh
Cha ông giống hùng anh
Việt Nam rất hiên ngang
Sống chết với quê hương
Việt Nam
Là Việt Nam
Không biết hững hờ
Dù có bơ phờ
Dù có tang thương
Dù có đế vương
Vẫn là người Việt Nam
Vẫn là người Việt Nam
Hãy sống như người Việt Nam
Hãy chết như người Việt Nam
Việt Nam sống chết đấu tranh
Với tình đồng bào một giống nòi
Hãy sống như người Việt Nam
Hãy chết như người Việt Nam
Việt Nam tôi hôm nay
Đất nước dẫu lầm than
Việt Nam qua cơn đau
Tiếng thơm ngát địa cầu
Sống là người Việt Nam
Chết là người Việt Nam
Nguyễn Hồng Anh,
viết tại Melbourne 24.5.1984
![]() |
“Niềm vui đoàn tụ”: Cùng với việc tìm được mấy ca khúc bị thất lạc, tác giả đã đồng ca bài Tình mê, ca khúc mà cô em gái (giữa) đã nghe người anh hát gần 40 năm về trước, trong chuyến cô em sang Úc lần đầu tiên |