Lời tòa soạn: Tên TiVi Tuần-san được đăng bạ vào ngày 18.11.1985 và số báo đầu tiên phát hành hai tháng sau đó, vào ngày 17.1.1986.
Năm 2015 kỷ niệm 30 năm thành lập tờ báo và chuẩn bị cho dịp này, tòa soạn mời bạn đọc TiVi Tuần-san Online –tờ báo điện tử được hình thành vào năm 2007—xem những bài viết trên báo giấy đã xuất bản trước đây, để biết thêm những hoạt động của một tờ báo Việt ngữ trên đất Úc, quê hương thứ hai hiện nay của khoảng 250,000 người Việt.
Song song với những bài tường thuật, TVTS sẽ đăng những bút ký, hồi ức liên quan đến hoạt động của tờ báo với sinh hoạt của cộng đồng trong 30 năm qua– bài cũ cũng như mới– để đóng góp vào kho tài liệu lịch sử định cư của người Việt tại Úc Đại Lợi.
Đây cũng là thời gian mà cộng đồng Việt Nam ở khắp thế giới đánh dấu 40 năm định cư ở các nuớc đệ tam sau khi chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản Việt Nam. TiVi Tuần-san (giấy và online) hoan nghênh mọi sự đóng góp của độc giả và thân hữu, tuy nhiên tòa soạn đuợc dành quyền nhuận sắc hay không đăng nếu thấy không phù hợp với đuờng lối của bổn báo.
![]() |
Quan khách và giới truyền thông Úc-Việt trò chuyện trước khi chương trình bắt đầu |
* Tổng trưởng Di trú Nick Bolkus, đại diện Thủ hiến Victoria và Lãnh tụ Đối lập tới dự.
* Thượng nghị sĩ Jim Short: “Chính sách di trú của Liên minh đối lập không thay đổi”
Ký Cận tường thuật
Vào lúc 12 giờ chiều ngày Thứ Bảy tuần qua, 28.5.1994 buổi khai trương trụ sở mới của Tivi Tuần-san và Hồng Anh Thư-xã, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm 9 năm ra mắt tờ báo và 7 năm thành lập nhà sách, đã được tổ chức trong vòng thân mật tại số 129 Burnley Street, Richmond.
Toàn bộ quan khách được mời đã tham dự, trong đó có Thượng nghị sĩ Nick Bolkus, Tổng trưởng Di trú và sắc tộc sự vụ liên bang và phu nhân, TNS Jim Short, Đặc trách Di trú và Sắc tộs sự vụ của Đối lập liên bang, Dân biểu John Brumby, Lãnh tụ Đối lập tiểu bang. Riêng ông Jeff Kennett, Thủ hiến Victoria vì bận công tác nên đã đề cử Bí thư của mình, Dân biểu Phil Honey Wood tới dự.
Ngoài ra, còn có sự hiện diện của một số nhân vật quan trọng khác trong chính quyền Úc như ông Lindsay Tanner, Dân biểu đơn vị Melbourne, Giáo sư Trang Thomas, Chủ tịch Hội đồng Sắc tộc sự vụ tiểu bang, ông Mike Zafenopoulos thuộc Phòng nghiên cứu Di trú và Dân số, bà Julianne Bell, Sở Di trú Liên bang, và Nữ Nghị viên Maurreen Breen, Thị trưởng Richmond.
Về giới truyền thông có Luật sư Lưu Tường Quang, Tổng giám đốc Hệ thống phát thanh Sắc tộc (SBS Radio), Cô Mai Lan, Đài phát thanh Úc Đại Lợi (ABC Radio, chương trình Việt ngữ), Cô Phượng Hoàng, Đài phát thanh SBS ở Melbourne và các phóng viên đài truyền hình sắc tộc (SBS.TV).
Về phía cộng đồng Việt Nam cô ông Nguyễn Đức Vĩnh, Phó Chủ tịch, đại diện Ban chấp hành CĐNVTD Victoria, các nghị viên Nguyễn Sang (Richmond), Trần Đức Dũng (Collingwood), Trần Văn Dũng (Fitzroy) và Hồ Thị Quỳnh Mai (Footscray).
![]() |
Chủ bút Nguyễn Hồng Anh bắt tay chào đón Tổng trưởng Di trú Kick Bolkus, bên cạnh là dân biểu liên bang Tanner (trái) và Nghị viên Trần Văn Dũng |
Cuối cùng, ngoài Ban biên tập và cộng tác viên của TVTS cũng như nhân viên của Hồng Anh Thư-xã còn có một số thân hữu khác, trong số đó không thể không kể tới Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng và Luật sư Ramon Federico là những cố vấn của Cộng đồng Người Việt Tư do trước đây.
Mở đầu, ông Nguyễn Hồng Anh, chủ nhiệm kiêm Chủ bút TVTS đã ngỏ lời chào mừng quan khách, đồng thời nhấn mạnh lý do khiến ông đã phải vượt biên cách đây 14 năm: “Tại Việt Nam không có tự do ngôn luận và tự do báo chí và ngày nay tình trạng cũng chẳng thay đổi”.
Và đó cũng là lý do khiến ông sau khi tới xứ Úc tự do, đã quyết tâm thực hiện cho được một tờ báo. Tiếp theo, ông đã sơ lược lại sự trưởng thành của tờ báo, từ lúc còn làm trong một phòng ngủ của một căn nhà chật hẹp với một cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ (và bỏ dấu bằng tay), sau đó di chuyển ra phòng khách của một căn nhà tương đối rộng hơn, rồi xuống tới garage và cuối cùng đã có được một cơ sở tương đối khang trang và đầy đủ tiện nghi, dụng cụ làm báo như ngày hôm nay.
Cũng theo ông, việc thành lập Hồng Anh Thư-xã (HATX), hai năm sau ngày ra mắt tờ báo, không ngoài mục đích bảo tồn và phát huy văn hóa, cũng như giúp các thế hệ trẻ có phương tiện tìm hiểu, trau dồi ngôn ngữ dân tộc.
![]() |
Từ trái: Nghị viên Trần Văn Dũng, chủ bút TVTS Nguyễn Hồng Anh, Dân biểu liên bang Tanner, Thủ lãnh Đối lập Tiểu bang Brumby, Tổng trưởng Di trú Liên bang Bolkus, Nghị viên Trần Đức Dũng, Nghị viên Nguyễn Sang |
Trong dịp này, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút cũng ngỏ lời cám ơn tất cả các văn hữu gần xa, ở Úc và ở ngoại quốc, đã đóng góp bài vở cho TVTS cũng như tất cả các nhân viên đã hết lòng với tờ báo trong những năm qua, đồng thời cũng cám ơn chính phủ và nhân dân Úc Đại Lợi đã mở rộng vòng tay đón 150,000 người Việt đến định cư trong vòng 20 năm qua.
Buổi họp mặt của các chính khách
Nếu hiểu “chúc mừng” là…chúc mừng, không nói tới chính trị, không đả động tới những chuyện bên lề, thì trong dịp này chỉ có Dân biểu Phil Honeywood, đại diện của Thủ hiến Kennett, giữ đúng nguyên tắc đó.
Là người được mời phát biểu đầu tiên, ông Honeywood đã ca tụng sự thành công của TVTS và HATX. Ông cho biết trước đây, khi mới được Giáo sư Trang Thomas nói về TVTS, ông cứ ngỡ đó là một tạp chí giải trí giống như tờ TV Week của Úc mà mẹ ông thường mua đọc để theo dõi chương trình truyền hình. Sau đó qua tìm hiểu thêm, ông mới biết đó là một tờ báo có nội dung bao gồm mọi tiết mục giá trị, từ tin tức ở Việt Nam cho tới cuộc sống và những diễn tiến chính trị tại Úc cũng như trên thế giới.
![]() |
Dân biểu Tự do tiểu bang Honeywood (góc phải) cử ngỡ TVTS cũng giống như tờ TV Week mà mẹ ông vẫn thường mua đọc theo dõi chương trình truyền hình. Bên cạnh ông từ phải qua trái: Giáo sư Trang Thomas, đại diện quảng cáo TVTS Trương Anh Minh, Nghị viên Trịnh Đức Dũng, Nghị viên Trần Văn Dũng và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng |
Ông cho rằng TVTS đã đóng góp không ít vào việc phục vụ nhu cầu thông tin của những người Việt không nói tiếng Anh, đặc biệt về những diễn tiến đang xảy ra ở đất nước họ đang sống.
Cuối cùng, ông Honeywood cũng kỳ vọng HATX sẽ có ngày xuất bản, phát hành sách báo để viết bằng tiếng Anh, để giúp người Úc có phương tiện tìm hiểu và cảm thông hơn với cộng đồng di dân quan trọng này.
Kế tiếp là phần phát biểu của Dân biểu John Brumby, Lãnh tụ Đối lập tiểu bang. Ông khiêm nhượng rào đón rằng “Mặc dù ngày hôm nay đã có TNS Bolkus đại diện cho chính phủ liên bang và Thủ tướng Paul Keating, tôi cũng xin đại diện cho đảng Lao Động ở TB Victoria có lời chúc mừng TVTS đã đạt được thành tựu tốt đẹp…” Điều đáng lưu ý là trong khi ca ngợi sự thành công của TVTS ông đã “vô tình” nhắc tới chuyện thay ngôi đổi chủ trong đảng Tự Do mới đây.
![]() |
Thủ lãnh Đối lập Tiểu bang Victoria, ông Brumby hỏi ông Hồng Anh báo tuần này chạy những tin gì thì được trả lời tin lớn nhất nói về sự thay đổi lạnh đạo trong đảng Tư Do, nhưng tuần trước cũng đưa tin ông (tức ông Brumby) bị đảo chánh hụt! |
Khi nói về sự trưởng thành của TVTS, từ cái tòa soạn trong phòng ngủ cho đến văn phòng chuyên nghiệp như ngày hôm nay, từ 32 trang lúc đầu đã lên tới 144 trang, cũng như sự cải tiến, tăng cường nội dung, tin tức, bài vở phong phú của tờ báo mà theo ông được biết là số lượng phát hành lên đến 15,000 số hầu như gia đình người Việt nào hàng tuần cũng có mua một tờ, ông Brumby đã cầm tờ TVTS số 426 (số mới nhất) lên và chỉ vào những giòng tin lớn ở trang bìa như vở kịch Do The Block do người Việt trình diễn ở Melbourne, ngân sách mới của Tổng trưởng Ngân khố Willis và ông không quên đề cập tới tin tức quan trọng hàng đầu trong tuần mà TVTS đã nhanh chóng loan báo tới độc giả, đó là việc thay đổi lãnh đạo trong đảng Tự Do (cặp Alexander Downer và Peter Costello lên nắm quyền).
Ngoài ra ông Brumby cũng không quên nói thêm về việc thay đổi hàng ngũ “Nội các độc lập” (ghế Di trú và Sắc tộc sự vụ của TNS Jim Short bị ra khỏi Nội các, tức Shadow Cabinet).
![]() |
“Quan tâm”: Thủ lãnh Đối lập Tiểu bang Brumby tay lúc nào cũng cầm tờ TVTS mở xem, lại giới thiệu cuốn dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc của Hồng Anh Thư Xã |
Ông Brumby nói: “Sự thành công của TVTS là sự thành công của ý chí và công sức trong một môi trường mà tự do ngôn luận, tự do tranh luận được tôn trọng tới mức tối đa. Và hôm nay, tôi muốn một lần nữa nhấn mạnh với quý vị: ở Victoria nói riêng và tại Úc nói chung dưới chính phủ Paul Keating, quyền tự do ngôn luận và tự do tranh luận đóng một vai trò quan trọng”.
Cuối cùng ông Brumby đã cầm một cuốn sách dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc của nhà sách HATX đưa lên cho quan khách xem và nói rằng “Đây là một cuốn sách sơ cấp mà tôi và Thượng nghị sĩ Bolkus sẽ bắt đầu để học hỏi một ít tiếng Việt và hy vọng trong tương lai sẽ học hỏi thêm một ít sinh ngữ khác”.
![]() |
Thượng nghị sĩ Jim Short (giữa): …để thành công trong ngành tiểu thương không phải là dễ vì thường thì có đến 80% người làm nghề tiểu thương bị thất bại trong vòng 12 tháng đầu… vì thế mà hôm nay ông hiện diện nơi đây để chúc mừng sự thành công của ông Hồng Anh, sự phát triển từ từ và vững mạnh của tờ báo TVTS |
Tiếp theo là phát biểu của TNS Jim Short, Đặc trách Di trú và Sắc tộc sự vụ của Đối lập liên bang.
Khi nói về trường hợp ông Hồng Anh đã khởi đầu thương nghiệp từ cái phòng ngủ, TNS Jim Short cho rằng đó là một thành tích của cá nhân ông Hồng Anh nhưng đồng thời cũng nói lên sự đóng góp tích cực của cộng đồng Việt Nam ở tiểu bang Victoria và trên toàn nước Úc.
TNS Jim Short cho rằng muốn cho nước Úc mạnh cần phải có công ăn việc làm cho nhiều người, cần có những loại người hoạt động như ông Hồng Anh trong lãnh vực tiểu thương để tiếp hơi cho nền kinh tế. Nhưng ông cũng lưu ý rằng để thành công trong ngành tiểu thương không phải là dễ vì thường thì có đến 80% người làm nghề tiểu thương bị thất bại trong vòng 12 tháng đầu. TNS Jim Short nói vì thế mà hôm nay ông hiện diện nơi đây để chúc mừng sự thành công của ông Hồng Anh, sự phát triển từ từ và vững mạnh của tờ báo TVTS.
Sau những lời chúc mừng, TNS Short đã đề cập ngay tới đề tài Di trú và Sắc tộc sự vụ. Ông cho biết trong mấy ngày qua, sau khi có sự thay đổi lãnh đạo trong đảng Tự Do và thay đổi thành phần Nội các, đã có những lời bình luận cho rằng Đối lập liên bang không còn coi vấn đế Di trú và Sắc tộc sự vụ là quan trọng nữa. Ông muốn nhân dịp này xác định với mọi người, đặc biệt là cộng đồng Việt Nam, là mặc dù “ghế” Đặc trách Di trú và Sắc tộc sự vụ của ông không còn ở trong Nội các nữa, nhưng không phải vì thế mà Đối lập liên bang coi nhẹ những vấn đề liên quan tới di trú và di dân. Ông cho biết mình sẽ tiếp tục sát cánh với Cộng đồng Việt nam như ông đã làm trong những năm qua.
TNS Jim Short cũng bác bỏ những lời bình luận cho rằng Đối lập Liên bang đã dẹp bỏ chính sách Văn hóa Đa nguyên (Multiculturism) khi loại bỏ lãnh vực này ra khỏi chức vụ của ông. Thực ra, theo TNS Jim Short, các vấn đề liên quan tới văn hóa đa nguyên từ nay sẽ trực thuộc Lãnh tụ Đối lập Alexander Downer, và ông sẽ cố vấn cho ông Downer trong lãnh vực này.
TNS Jim Short nhấn mạnh rằng việc thay đổi trong Nội các chỉ là một hình thức “cân bằng quyền lực” và không ảnh hưởng gì tới chính sách của Liên minh đối lập về Di trú và Sắc tộc sự vụ.
Sau cùng là phần phát biểu của TNS Nick Bolkus, Tổng trưởng Di trú và Sắc tộc sự vụ liên bang.
![]() |
Tổng trưởng Di trú Bolkus: “Tôi không thể tưởng tượng được, ông Hồng Anh ạ, khi người ta bắt đầu cưu mang cái gì đó trong phòng ngủ thì thường thường chỉ mất có 9 tháng thôi để sản xuất ra…”. Trước mặt ông và quan khách là bàn trưng bày những bàn máy chữ, làm tựa, những tấm giấy cà những chữ cái để làm tựa trong những số báo đầu tiên |
Mở đầu TNS Nick Bolkus cho rằng đây là một vinh dự cho TVTS vì có nhiều quan khách đến, có cả người ở xa như ông Lưu Tường Quang từ Sydney bay qua Perth rồi bay ngược về Melbourne để dự lễ khai trương, có đông đủ nhân viên và cộng tác viên bài vở.
TNS nói tiếp với lời đùa thân mật, dí dỏm: “Thật là một vinh dự cho tôi để chủ tọa và tuyên bố khai trương văn phòng mới này. Tôi không thể tưởng tượng được, ông Hồng Anh ạ, khi người ta bắt đầu cưu mang cái gì đó trong phòng ngủ thì thường thường chỉ mất có 9 tháng thôi để sản xuất ra, nhưng ông đây phải mất đến 9 năm! Tuy nhiên kết quả cuối cùng đã cho thấy rất tốt đẹp”.
TNS Bolkus cho rằng sự thành công của TVTS là phản ảnh sự thành công của cộng đồng Việt Nam, tầm quan trọng của TVTS nói lên tầm quan trọng của cộng đồng Việt Nam tại Úc… Sự trưởng thành của tờ báo không chỉ biểu lộ qua số lượng độc giả mà còn qua chất lượng, về những đề tài mà tờ báo viết. TNS Bolkus chúc mừng TVTS không những đã đạt số lượng phát hành cao mà còn được độc giả đánh giá cao nội dung của tờ báo.
TNS Bolkus cũng xác định tầm quan trọng của báo chí sắc tộc trong việc phục vụ chính sách bình đẳng của chính phủ Úc đối với những di dân không nói được tiếng Anh. Theo ông, báo chí là nhịp cầu của một nền văn hóa đa nguyên (VHĐN). VHĐN không chỉ là một chính sách nhất thời mà là nền tảng của nước Úc, một quốc gia mà hai phần ba dân số là di dân hoặc con cháu của di dân… Ông cũng nhấn mạnh rằng di dân đến Úc không phải để lấy việc của người khác mà tạo thêm công việc.
Ông cũng xác định sự quan tâm của chính phủ Lao động trước các vấn đề liên quan tới di dân. Ông nói rằng ông đã qua Việt Nam hai lần và lần mới đây nhất với tư cách Tổng trưởng Di trú, một Tổng trưởng Di trú đầu tiên trong lịch sử Úc qua Việt Nam. Điều này, theo TNS Bolkus, nói lên tầm quan trọng về sự di dân từ Châu Á đến Úc.
![]() |
Quan khách được mời dùng tiệc nhẹ trong buổi khai trương tòa soạn và nhà sách |
Đặc biệt, khi nói chuyện với các giới chức cộng sản Việt Nam, ông đã đặt vấn đề giản dị hóa thủ tục trong việc đoàn tụ gia đình. Ông cho biết, như ông đã tuyên bố sáng nay, cuối năm nay chính phủ Úc sẽ thiếp lập một Văn phòng Di trú tại Sài Gòn để giải quyết một cách mau chóng vác vấn đề liên quan.
Trở lại với cộng đồng Việt Nam tại Úc, TNS Bolkus đã ca ngợi tinh thần hòa nhập và quyết tâm đóng góp vào xã hội và đất nước Úc. Ông đưa ra tỷ lệ 96% người Việt đã gia nhập quốc tịch Úc để chứng minh. Ông cũng nhấn mạnh rằng người ta không nên chỉ nói về nạn thất nghiệp, về sự thiếu hiểu biết văn hóa (xa lạ của xứ người) mà còn phải nói về những thành đạt của di dân, trong đó người Việt đã có những bước tiến vượt bậc trong nhiều lãnh vực.
![]() |
Nghị viên Maurreen Breen, thị trưởng Thành phố Richmond và ông Joe Kaufman, giám đốc công ty LeBa Ethnic Media, đại diện quảng cáo của TVTS đang trò chuyện cùng ông Nguyễn Hồng Anh |
Những câu chuyện bên lề
Sau phần phát biểu của quan khách là tiệc trà thân mật kéo dài tới 3 giờ chiều. Cũng giống như bất cứ buổi họp mặt thân mật nào khác mà có sự hiện diện của các nhân vật quan trọng trong chính giới, hôm nay các phóng viên báo chí và truyền hình đã lợi dụng lúc mọi người nhâm nhi để phỏng vấn…
Nào là đài SBS phỏng vấn TNS Bolkus về chính sách di trú, phỏng vấn ông Phó chủ tịch CĐNVTD Nguyễn Đức Vĩnh, Nghị viên Trần Văn Dũng (Fitzroy) về vấn đề tỵ nạn v.v… Riêng nữ phóng viên Mai Lan của Đài phát thanh Úc Đại Lợi cũng phỏng vấn nhiều người để tuần này sẽ phát thanh tường thuật cho thính giả ở Việt Nam. Nhân dịp này cô Mai Lan cũng đã mời ông Hồng Anh đóng góp một bài thuyết trình về báo chí hải ngoại trên đài để phát thanh về Việt Nam.
![]() |
Một số trong những nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng VN tại Úc tham dự buổi khai trương, từ trái: Luật sư Lưu Tường Quang, tổng giám đốc SBS Radio; Nghị viên Mai Hồ của TP Footscray; Giáo sư Trang Thomas, chủ tịch Hội đồng Sắc tộc Sự vụ Tiểu bang Victoria và Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách đồng thời cũng là cộng tác viên của TVTS qua bút hiệu Thường Đức |
Đặc biệt, các nghị viên người Việt đã “tranh thủ” thì giờ để nêu nhiều vấn đề quan trọng với các chính khách hiện diện. Bởi vì nói cho cùng, cũng chẳng mấy khi các công bà nghị của chúng ta có dịp tụ họp để tạo thành một “lực lượng dễ nể” như hôm nay.
Tin giờ chót, đài SBS trong chương trình tin tức buổi tối đã cho phát hình lời tuyên bố về chính sách di trú của Tổng trưởng Di trú Bolkus tại văn phòng mới của báo TVTS cũng như những lời giải thích của TNS Jim Short. Đồng thời đài SBS cũng đã có chiếu đoạn Nghị viên Trần Văn Dũng phát biểu về việc TNS Bolkus sẽ lập Văn phòng Di trú tại Sài Gòn rằng: “Đó chưa phải là cách giải quyết toàn bộ vấn đề mà vấn đề là làm sao đòi hỏi VN phải tôn trọng nhân quyền” trong khi đó ông Trần Đức Vĩnh thì yêu cầu chính phủ Úc hãy nhận nhiều tị nạn vào nước Úc hơn nữa.
Ký Cận