Từ La Vang Quảng Trị… đến La Vang Melbourne

03 Tháng Ba, 2020 | Người Việt đó đây
Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh

***

Người viết còn nhớ những năm còn ở bậc tiểu học được Mẹ đưa đi dự Đại hội Thánh mẫu La Vang vào cuối thập niên 1950. Với phương tiện di chuyển còn thô sơ thời đó, phải mất một thời gian dài mới có thể từ làng quê lên thành phố Huế và từ đó ra Quảng Trị để đến dự các thánh lễ và rước kiệu ban đêm, ban ngày. Thời đó làm gì có nhà trọ cho giáo dân hành hương, cũng cả không có lều trại. Phần lớn ngủ giữa trời, trên bãi cỏ hay đất đỏ. Nhưng giáo dân sùng đạo ở Huế không ngại khó khăn cách trở, vẫn đến dự các cuộc rước kiệu hay đại hội thánh mẫu mỗi ba hoặc hai năm một lần.

Người viết chỉ dự  Đại hội Thánh mẫu La Vang một lần khi còn nhỏ nên ký ức còn lại chỉ là chuyến đi bằng xe ô-tô-buýt cọc cạch (tức xe Renault của Pháp) bị ăn-banh (bị tắt máy) liên tục dọc đường và đêm ngủ ngoài trời cạnh linh đài Đức Mẹ mà không sợ muỗi hay rắn rết vì tin ở cạnh  Đức Mẹ La Vang thì sẽ được Đức Bà che chở.

Các giám mục và linh mục Úc Việt chụp hình lưu niệm sau lễ cung hiến và khánh thành Trung tâm Thánh mẫu La Vang. Thánh lễ đồng tế có 74 vị, gồm 5 giám mục, 67 linh mục và 2 phó tế. Hình: TVTS

Các truyền thuyết Đức Mẹ La Vang Quảng Trị

Theo tự điển bách khoa wikipedia, Đức Mẹ La Vang là tên gọi mà giáo dân Công giáo Việt Nam đề cập đến sự kiện Đức Mẹ Maria hiện ra trong một thời kỳ mà đạo Công giáo bị bắt bớ tại Việt Nam.

La Vang ngày nay là một thánh địa và là nơi hành hương quan trọng của người Công giáo Việt Nam, nằm ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, thuộc Tổng Giáo phận Huế.

Các tín hữu tin rằng, Đức Mẹ Maria hiển linh ở khu vực này vào năm 1798. Một nhà thờ đã được xây dựng gần ba cây đa, nơi họ tin là Đức Mẹ đã hiện ra và được Tòa Thánh tôn phong là Tiểu vương cung thánh đường La Vang từ năm 1961. Đây là một trong ba trung tâm hành hương Công giáo được chính quyền Việt Nam hiện nay công nhận.

Cộng đoàn tham dự thánh lễ cung hiến TTTM La Vang ngày 22.2.2020. Hình: Khắc Thái

Tên gọi “La Vang”

Theo một thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công giáo. Cho nên để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân ở vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn, mà “la” lớn thì “vang”. Cái tên La Vang ra đời.

Một giả thuyết tương tự về tiếng “la vang” đã từ đặc tính của âm thanh chuyển thành danh từ riêng, nói rằng nơi chốn rừng rú này xưa kia có nhiều cọp beo hại người. Do đó, những người đi rừng nếu ở lại đêm thì thường chia nhau thức canh, thấy động thì “la vang” lên để mọi người đến tiếp cứu.

Một cách giải thích khác là khi giáo dân chạy lên vùng đất này thì bị dịch bệnh, lúc bấy giờ Đức Mẹ đã hiện ra và chỉ dẫn cho họ đi tìm một loại lá gọi là lá vằng – uống vào sẽ chữa khỏi bệnh. Viết “lá vằng” không dấu thành La Vang.

Một thuyết khác cho là địa danh “phường Lá Vắng” đã có từ trước đó, thuộc làng Cổ Vưu, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh lỵ Quảng Trị, 4 cây số và cách Phú Xuân, tức Kinh Đô Huế, 58 km về phía Bắc.

Biểu tượng của người tị nạn: Tọa lạc trên khu đất rộng 39 hếc-ta, nhà thờ Trung tâm Thánh mẫu La Vang có hình chiếc thuyền được úp bởi hai bàn tay. Hình: Khắc Thái chụp trong ngày lễ cung hiến TTTM La Vang 22.2.2020

Đức Mẹ hiển linh

Theo Tư liệu Tòa Tổng Giám mục Huế 1998, dưới triều đại vua Cảnh Thịnh (lên ngôi năm 1792), với chiếu chỉ cấm đạo ngày 17 tháng 8 năm 1798, một số các tín hữu ở gần đồi Dinh Cát (nay là thị xã Quảng Trị) phải tìm nơi trốn ẩn. Họ đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Nơi rừng thiêng nước độc, hoàn cảnh ngặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các tín hữu chỉ biết một lòng tin cậy phó thác vào Thiên Chúa và Đức Mẹ. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi và giúp đỡ nhau.

Một hôm đang khi cùng nhau lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay là Maria. Mẹ bày tỏ lòng nhân từ, âu yếm, và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó. Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh. Mẹ lại ban lời hứa: Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện.

Sự kiện xảy ra trên thảm cỏ gần gốc cây đa cổ thụ nơi giáo dân đang cầu nguyện. Sau đó, Mẹ còn hiện ra nhiều lần như vậy để nâng đỡ và an ủi con cái Mẹ trong cơn hoạn nạn.

Từ đó đến nay sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại núi rừng La Vang, qua các thế hệ được loan truyền khắp nơi, và nhiều người chân thành tin tưởng, đến cầu khấn Đức Mẹ. Đức Mẹ La Vang thường được biểu tượng bằng một phụ nữ mặc áo dài Việt Nam bế con cũng mặc trang phục truyền thống Việt Nam.

Hai bức tranh trên kính phía sau bàn thánh là hình ảnh của Chúa cứu Phê-rô khỏi nước khi thuyền bị chìm và con thuyền vượt biên của người tị nạn. Hình: TVTS

Đức Mẹ La Vang Melbourne

Người viết còn nhớ, khoảng 40 năm về trước có hai người Việt Nam đầu tiên được thụ phong linh mục. Một người là tị nạn, qua Úc tiếp tục tu trì và được phong linh mục, đó là cha Bùi Đức Tiến. Người kia là một đại chủng sinh (sinh viên du học) đang ở Úc trước biến cố 30.4.1975, đó là cha Huỳnh San (cha mẹ Linh mục San không phải là người Công giáo trước khi Cha San chào đời).

Với khả năng tiếng Anh và chức vụ linh mục địa phương, hai cha đều là những người tích cực trong việc giúp đỡ người tị nạn trong những ngày tháng đầu trên đất Úc, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào. Cha Tiến và Cha San là những người lãnh đạo đầu tiên của Hội Việt Kiều, tiền thân của hội Cộng đồng Người Việt Tự do Tiểu bang Victoria.

Ngoài việc đời, hai cha cũng là những người có khả năng điều hành giáo xứ và sinh hoạt cộng đoàn giáo dân Việt Nam. Cha Tiến cùng với cộng đoàn của cha, đã mua lại cái quán (pub) bia ở Flemington và biến nơi đây thành Trung tâm Vinh Sơn Liêm, nơi có số giáo  dân đến dự lễ đông nhất trong các ngày Chủ Nhật. Lý do dễ hiểu, ngoài khả năng điều hành cộng đoàn, “mát tay” làm cha xứ của Linh mục Bùi Đức Tiến, Trung Tâm Vinh Sơn Liên nằm sát nách trung tâm Thành phố Melbourne.

Giáo dân bên trong thánh đường có sức chứa 1,000 người và những người còn lại dự thánh lễ ở lều bạt bên ngoài. Hình: TVTS

Trong khi đó, cha Huỳnh San đang làm tuyên úy cho hai cộng đoàn Gioan Hoan (ở giáo xứ St Joseph, Collingwood) và Tôma Thiện (Giáo xứ St Joseph, Springvale) cũng đã nghĩ đến việc có một trung tâm phụng vụ riêng cho người Việt Nam như cha Bùi Đức Tiến.

Vào khoảng năm 1988, được phép của Tòa Tổng Giám mục Melbourne, Cha San đã mua miếng đất rộng khoảng 39,000 mét vuông (3.9 hếc-ta) tại vùng Keysborough để dự tính xây một trung tâm có tên là Trung tâm Hoan Thiện.

Người viết còn nhớ thời đó, khi nghe Cha San mua miếng đất ở một vùng quá xa trung tâm thành phố (hơn 30 cây số), một ngoại ô chẳng mấy người biết tên, chỉ được nghe rằng ở nơi đó không có hệ thống nước điện, đường mương ống cống bởi vì đó là rừng hoang, nông trại, đồng không mông quạnh, một nơi có thể nói là “khỉ ho cò gáy” hay là “rừng thiêng nước độc” như  La Vang thời vua Cảnh Thịnh.

Không biết giá cả mấy chục mẫu đất đó bao nhiêu, nhưng chắc không đắt lắm và có người đã cho rằng đem tiền mua miếng đất đó thật phí, thay vì mua gần thành phố thì sẽ có giá trị hơn.

Đại diện các tôn giáo, chính quyền các cấp và hội đoàn dự thánh lễ cung hiến TTTM La Vang. Hình: Khắc Thái

Nhưng 32 năm trôi qua, miếng đất  đồng không mông quạnh “khỉ ho cò gáy đó bây giờ trở thành “đất vàng”. Và khu “rừng thiêng nước độc La Vang Quảng Trị” này đã trở thành trung tâm hành hương của người Công giáo Melbourne, nơi có một ngôi thánh đường lớn, khang trang, mỹ thuật và có ý nghĩa  nhất của người Công giáo Việt Nam không những ở Úc mà có thể ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ ở Việt Nam.

Đó là nhờ công sức của giáo dân và các vị chủ chăn trong cộng đoàn Hoan Thiện, của giáo hội địa phương và nhất là nhờ cái nhìn xa của cố Linh mục Huỳnh San.

Tiếc rằng Cha San đã ra đi vĩnh viễn vào tháng 10 năm ngoái (*) nên đã không chứng kiến được buổi lễ cung hiến và khánh thành trọng thể ngôi thánh đường của Trung tâm Thánh mẫu La Vang vào ngày Thứ Bảy 22.2.2020 vừa qua tại số 225 Hutton, Keysborough dưới sự chủ tế của Đức Tổng Giám mục Peter Comensoli và đồng tế  của Đức Giám mục Vincent Nguyễn Văn Long và  sự hiện các giám mục phụ tá, các linh mục Việt và Úc trên cung thánh. Cũng ghi nhận sự có mặt của các đại diện các tôn giáo bạn, đại diện chính quyền các cấp.

Bên trong thánh đường: các dãy ghế dành cho giáo dân dự lễ được chia làm hai khu, ngăn bởi bức tường bằng kính. Hình: TVTS

Nhà thờ có sức chứa 1000 người nhưng phỏng đoán không đủ chỗ nên ban tổ chức đã có lều bạt bên cạnh và hàng trăm giáo dân đã dự lễ qua màn ảnh.

Trước thánh lễ là nghi thức kéo màn che bia khánh thành bởi  Tổng Giám mục Comensoli và Cha Đặng Nhật Trường, kéo màn che bia đặt viên đá đầu tiên bởi Giám mục Vincent Long và Cha Vũ Ngọc Tuyển.

Trong thánh lễ, với tư cách là chủ chủ chăn của Tổng Giáo phận Melbourne, Đức cha Comensoli đã tiếp nhận xương các thánh tử đạo Việt Nam từ Cha cựu tuyên úy Vũ Ngọc Tuyển và sau đó là dùng lòng bàn tay thoa dầu thánh lên toàn  mặt bàn thờ và đốt lửa để cung hiến ngôi thánh đường, trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang ở Melbourne (cho đến năm 2018, đã có ba cuộc hành hương, mỗi lần thu hút hàng ngàn người đến dự).

Trong lời nguyện cung hiến bằng tiếng Anh của Tổng Giám mục Comensoli có những đoạn: “… Vì hôm nay tín hữu muốn cử hành nghi lễ trọng thể cung hiến ngôi nhà cầu nguyện này cho Chúa một cách vĩnh viễn để nơi đây họ thờ phượng Chúa một cách sốt sắng, lắng nghe lời Chúa dạy bảo và được nuôi dưỡng bằng các bí tích… Xin cho nơi đây kẻ nghèo gặp được lòng thương xót, người bị áp bức đạt được tự do chân thật và mọi người được mặc phẩm giá của con cái Cha, cho đến ngày họ hạnh phúc được tới Jerusalem trên trời”.

Mặt tiền Trung tâm Thánh mẫu La Vang với Tượng Đức Mẹ trong y phục truyền thống VN, bên phải là chiếc xe hơi xổ số gây quỹ và người trúng số là một phụ nữ tên Lệ. Hình: TVTS

Giám mục Nguyễn Văn Long có bài giảng bằng tiếng Anh và sau đó bằng tiếng Việt (xem bài giảng tiếng Việt ở phần sau).

Trong phần tiếng Anh, Đức Cha Long nói về việc người Việt Nam phải trải qua bao nhiêu gian truân nguy hiểm để tìm tự do sau khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30.4.1975.  Sự việc lạ lùng Thiên Chúa đã làm vì  45 năm sau, cộng đồng người Việt Nam đã phát triển như hôm nay qua một biến cố lịch sử là sự hình thành một biểu hiệu đầy hãnh diện của người Công giáo Việt Nam, đó là Trung tâm Thánh mẫu LaVang. Đức cha Long nói với Đức Tổng Giám mục Comensoli rằng cộng đồng công giáo Việt Nam có 16 cộng đoàn ở Melbourne và một ở Geelong, là một cộng đồng đức tin mạnh nhất và đoàn kết nhất trong các cộng đồng di dân ở  Melbourne, cộng đồng Công giáo Việt Nam tuy nhỏ nhưng mơ chuyện lớn (dream big and do big things). Đức cha cũng nhắc lại với Đức Tổng Giám mục Comensoli rằng  trong lễ thụ phong giám mục của Đức cha cách đây vài năm, Đức cha đã tuyên bố “Chúng tôi, thưa Đức cha Hilton,  là người Ái Nhĩ Lan  mới ở Úc” (we are, Bishop Hilton,  the ‘new Irish’ in Australia).

Thật vậy, người Việt Nam đã mang đến cho giáo hội Úc một cộng đoàn công giáo đức tin vững mạnh, sống động, phát triển ngày càng lớn như cộng đồng người Á Nhĩ Lan ngày trước, khi họ mang lòng sùng đạo của họ vào đất nước này qua những cuộc di dân.

Mặt tiền Trung tâm Thánh mẫu La Vang với Tượng Đức Mẹ trong y phục truyền thống VN, bên phải là chiếc xe hơi xổ số gây quỹ và người trúng số là một phụ nữ tên Lệ. Hình: TVTS

Ngoài ra, người Việt còn cống hiến cho Giáo hội Úc rất nhiều linh mục và tu sĩ khi ơn gọi của người bản xứ càng ngày càng ít. Đã có nhiều người Việt làm linh mục chánh xứ, chăm sóc các họ đạo Úc và được giáo dân thương mến vì đức tin và sự tận tụy của họ.

Người tị nạn trước đây có nói “Chúng ta ra đi mang theo cả quê hương”, người Công giáo Việt Nam giờ đây có thể nói “Chúng ta ra đi mang theo cả Mẹ La Vang”.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 22.2.2020

 

 

(*) Đức cha Vincent Long phát biểu trong tang lễ Cha Bart Huỳnh San: “Trong kinh thánh, vua David đã chuẩn bị tất cả vật liệu để con mình là vua Solomon xây đền thánh. Cha Huỳnh San cũng đã thực hiện sứ mạng của mình là dọn đường và khai phá để những người khác tiếp nối và hoàn thành một trung tâm khang trang, không phải chỉ cho cộng đoàn Tôma Thiện và cho cả khối người Việt Công giáo  tại Victoria, bây giờ lên tới 16 cộng đoàn.  Thật là ý Chúa nhiệm mầu. Năm ngoái, ngài đã về đây chứng kiến trung tâm được chính thức đổi thành Trung Tâm Thánh Mẫu Lavang, cũng là nguyện ước của Đức Hồng Y, và nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh Đường có sức chứa trên 1000 người. Mặc dù rằng ngài không được nhìn thấy ngày khánh thành Thánh Đường vào tháng Hai tới đây, nhưng chắc chắn rằng, ngài sẽ mãn nguyện khi giấc mơ của mình đã hoàn tất. Xin cha hãy nghỉ yên trong Chúa và vòng tay mẹ La Vang. Cộng đồng người Việt Công giáo ở Melbourne sẽ mãi ghi nhớ công ơn cha như vị sáng lập Trung Tâm này. Chúng con nguyện sẽ tiếp nối gia sản thiêng liêng mà ngài gầy dựng, không những là Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang mà là một Cộng Đồng đức tin và đoàn kết theo truyền thống hào hùng của các thánh Tử đạo Việt Nam”.

Chỗ đậu xe thoải mái: Mặt sau của thánh đường TTTM La Vang với Trung tâm Hoan Thiện nằm bên phải. Hình: TVTS

Bài giảng của Đức Giám mục Vincent Long

“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa và thần trí tôi hoan hỉ trong Đấng Cứu Độ tôi… Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:46,49).

Thưa quý Đức cha, quý cha, tu sĩ nam nữ,

Đặc biệt quý khách trong đó có đại diện các tôn giáo bạn, có đại diện Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, có đại diện chính phủ các cấp dân sự…

Toàn thể ông bà anh chị em thân mến từ khắp nơi trên thành phố Melbourne, Victoria cũng như nhiều nơi khác về đây trong ngày trọng đại này.

Các tu sĩ và giáo dân trò chuyện trước khi dùng bữa trưa do cộng đoàn thết đãi và qua lều bạt bên cạnh để xem văn nghệ, dự cuộc xổ số. Hình: TVTS

Hôm nay, chúng ta dùng lời của Đức Mẹ để chúc tụng Thiên Chúa toàn năng qua sự cung hiến nhà thờ mang tên Thánh Mẫu La Vang, một biến cố lịch sử cho Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Melbourne và có thể nói tại Úc-đại-lợi.

Quả thế, sau hơn bốn mươi năm định cư, với một quá trình gian khổ, chúng ta đã có một nơi thờ phượng xứng đáng, một căn nhà thiêng liêng không chỉ cho Cộng đoàn địa phương Thánh Tôma Thiện nhưng cho cả đại gia đình người Việt Công Giáo tại Tổng Giáo Phận Melbourne bao gồm 16 cộng đoàn.

“Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều cao cả.” Cách đây 30 năm, khi cha cố Huỳnh San cùng với các anh trong ban mục vụ cộng đoàn hồi đó mua đất để làm trung tâm này, nó chỉ là một miếng đất trống ở một vùng hoang vắng, chung quanh là farm bò và chuồng chó mèo. Những năm dài sau đó, Trung Tâm rất khiêm nhường với những hạ tầng cơ sở còn thô sơ: không hệ thống vệ sinh hay nước thải thành phố. Thậm chí có nhiều người còn nói đùa là nó vắng như ‘chùa Bà Đanh’ vậy.

Văn nghệ sau thánh lễ. Hình: TVTS

Thế nhưng việc Chúa làm không ai có thể ngờ. Vào những năm gần đây, vùng đất hoang năm xưa đã trở thành nơi định cư của nhiều gia đình. Đường xá đã được kiến thiết mở mang và một khu phố mới đã khánh thành và Trung Tâm bỗng nhiên nằm trong một vị thế thật lý tưởng nếu không nói là tuyệt vời.

Những thay đổi không chỉ dừng lại ở cảnh vật chung quanh nó. Vào năm 2013, Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tiên khởi đã được Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tổ chức thành công mỹ mãn. Liên tiếp những năm sau đó, các lễ hội của cộng đồng đã diễn ra tại đây. Trung Tâm đã trở thành mái nhà thiêng liêng cho cả khối người Việt Công Giáo tại Melbourne. Chính vì thế mà tại Đại Hội Thánh Mẫu La Vang lần thứ 3 năm 2018 vừa qua, Đức Tổng Giáo Mục hồi đó là Đức Tổng Giám Mục Denis Hart đã chuẩn y cho việc đổi danh xưng từ Trung Tâm Hoan Thiện thành Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang. Với sự hợp tác của 16 cộng đoàn, sự đóng góp quảng đại của cộng đoàn Tôma Thiện, và sự lãnh đạo của các cha Tuyên Úy dòng Chúa Cứu Thế, và hơn hết là sự cầu bầu của Đức Mẹ La Vang mà hôm nay chúng ta có được ngôi thánh đường khang trang và tầm vóc không kém bất cứ nhà thờ của Úc hay cộng đoàn sắc tộc nào.

Một linh mục Úc chụp selfie với Đức Giám mục GP Parramatta (phải) sau thánh lễ cung hiến và khánh thành Trung tâm Thánh mẫu La Vang. Hình: TVTS

Phúc Âm hôm nay nói về việc ông thánh Tông đồ Phêrô được Chúa đặt làm tảng đá để xây Giáo hội: “Trên viên đá này ta xây Giáo hội vững bền.” Khi ông tuyên xưng Đức Kitô là Đấng Cứu Thế và nhất là khi ông noi gương Ngài trong con đường khổ giá, Phêrô sẽ là phiến đá góc tường. Ngược lại, khi Phêrô từ chối và không chấp nhận con đường khổ giá, thì ông sẽ trở thành hòn đá cho người ta vấp ngã. Đây cũng là bài học cho người Công Giáo Việt Nam chúng ta cách riêng.

Tôi thâm tín rằng, Thiên Chúa đã quan phòng và tuyển chọn người Việt Công Giáo ly hương chúng ta để thực hiện những kỳ công của Ngài. Ðể rồi như lời Thánh Vịnh nói: “Phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, giờ đây lại trở nên tảng đá góc tường. Ðó là việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trước mặt chúng ta.” Nói như thế không có nghĩa là chúng ta tự đưa mình lên hơn người Công Giáo bản xứ hay bất cứ ai. Nhưng là nhắc nhở cho chúng ta một sứ mạng cao cả mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện nơi chúng ta là những người tỵ nạn cộng sản, bị lưu đầy trong tủi nhục, trong thương đau và nước mắt. Như ông Phêrô, chúng ta sẽ nên tảng đá hữu ích, tảng đá để xây dựng, để kiến thiết Giáo hội và xã hội Úc châu này khi chúng ta bước theo con đường khổ giá, khi chúng ta tiếp tục truyền thống anh hùng của các thánh Tử đạo Việt nam năm xưa.

Thưa cộng đoàn, hôm nay là một biến cố lịch sử, biến cố lịch sử cho chúng ta, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Úc. Chúng ta chúc tụng Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên từ một quá khứ đầy khổ nhục mà đã trở thành một phần tử quan trọng, nếu không nói là một cộng đồng sắc tộc đầy tiềm năng và đầy sức sống. Ngôi thánh đường này, Trung tâm này là tượng trưng cho sự trưởng thành của người Việt Công giáo. Cùng với Mẹ La Vang chúng ta chúc tụng, cảm tạ và tri ân Thiên Chúa. Trên hết mọi sự, chúng ta cầu xin Chúa cho Cộng Đồng người Việt Công Giáo chúng ta trên toàn Úc châu, nhất là tại đây, chúng ta luôn bước theo con đường của Thầy Chí Thánh, được gìn giữ, được phát huy gia tài đức tin mà các Thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta đã đổ máu đào để minh chứng và trối lại cho chúng ta. Xin Mẹ La Vang giúp chúng ta làm chứng nhân sống động để những hạt giống đức tin được tiếp tục sinh hoa kết trái trong chúng ta và trong những thế hệ tiếp nối.

+ Gm Vincent Nguyễn Văn Long
Giám mục Giáo phận Parramatta.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1770 phát hành ngày 26.02.2019)