![]() |
Thánh lễ tại Nhà Thờ Đá vào chiều Chủ Nhật 2.3.2014 có khoảng 350 người tham dự. Hình: TVTS |
Chiều Chủ Nhật 2.3.2014 vừa qua, cộng đoàn giáo dân nguyên ở St John đã cùng dự thánh lễ đầu tiên bằng song ngữ với cộng đoàn địa phương tại Nhà Thờ Đá, ước chừng 350 người trong đó có vài chục người thuộc các sắc tộc khác.
Sau thánh lễ, Linh mục chánh xứ Nguyễn Viết Huy hỏi người tham dự nghĩ sao, một giọng nữ ở hàng ghế đầu nói bằng tiếng Anh “tuyệt vời”. Hỏi tiếng Việt, không nghe tiếng trả lời, cha Huy nói đại khái “mình mới đến, từ từ sẽ tính”.
Đó cũng là câu nói của cha Huy hai tháng trước, rằng lễ buổi chiều rồi cũng sẽ bằng tiếng Việt mà thôi nếu giáo dân tiếp tục dự thánh lễ đông đảo, nghĩa là hiện diện khoảng hai ba trăm người.
![]() |
Cha Nguyễn Viết Huy rời Cung Thánh sau lễ bằng hai thứ tiếng kéo dài đúng 55 phút. Hình: TVTS |
Nhà thờ có tên chính thức là St Ignatius Church thuộc sự cai quản của Dòng Tên, được cha Huy gọi bằng tiếng Việt là Nhà Thờ Thánh Y Nhã, nhưng người công giáo Việt Nam hơn 30 năm trước đã đặt tên là Nhà Thờ Đá. Cũng đúng thôi, bởi thay vì bằng gạch như mọi nhà thờ khác, nhà thờ cổ kính kiểu Gothique này được làm bắng đá cứng bluestone.
Được xây trên đồi chỗ cao nhất Richmond Hill cách đây gần 150 năm sau đó thêm cái tháp cao tới 65 mét, vì thế cho đến năm 1928 nhà thờ St Ignatius là tòa nhà cao nhất ở nước Úc!
![]() |
Cộng đoàn Việt-Úc rời Nhà Thờ Đá sau thánh lễ song ngữ đầu tiên. Hình: TVTS |
Nhà thờ này có 3 thánh lễ ngày Chủ Nhật; sáng và chiều bằng tiếng Anh, trưa bằng tiếng Ba Lan. Mai kia hy vọng sẽ có thêm tiếng Việt (hoàn toàn bằng tiếng Việt, chứ không phải song ngữ như hiện nay).
Linh mục phó xứ là cha Trần Văn Trợ. Với sự hiện diện rõ nét của văn hóa Việt ở Richmond (mới có thêm cái cổng chào Victoria Street Getaway được TVTS “dịch” là Cổng Chào Lạc Việt) sự hiện diện của người Việt ở Nhà Thờ Đá có thể coi như “thánh ý Chúa quan phòng” như một thành viên trong cộng đoàn Việt Nam nhận xét (trích TVTS số 1458 phát hành ngày 5.3.2014).
![]() |
Nhà thờ quá đẹp: một góc khác của Nhà Thờ Đá trong ánh nắng chiều. Hình: TVTS |
Mời độc giả xem thêm bài báo liên quan dưới đây:
Nhà thờ St John The Evangelist “đóng cửa”: Cộng đoàn Công giáo VN chưa biết sẽ đi về đâu
(TiVi Tuần-san số 1449, phát hành ngày 1.1.2014) – Nhà Thờ St John The Evangelist ở East Melbourne, sát Richmond là nơi người Công giáo Việt Nam thờ phượng và sinh hoạt trong khoảng gần 20 năm vừa qua.
Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở đây có số lượng giáo dân lớn hàng đầu ở Melbourne. Một số người Việt thỉnh thoảng tới dự lễ vì St John nằm ở trung tâm của thành phố nhưng phần lớn giáo dân là những người có ghi tên tuổi với giáo xứ này. Họ là những cư dân cao niên từ các chung cư Richmond của chính phủ ở kế cạnh, cũng có thể là những cư dân từ các ngoại ô xa như Werribee, St Albans, Bundoora hay ngoại ô gần như Kew, Hawthorn, Abbotsford.
Linh mục “mát tay”
Ngày trước ở ngoại ô gần chỉ có hai nhà thờ dâng lễ bằng tiếng Việt là St Joseph ở Collingwood của Cha Huỳnh San hay Vinh Sơn Liêm ở Flemington của Cha Bùi Đức Tiến.
Nhưng từ khi cha Bùi Đức Tiến được cử về làm chánh xứ giáo xứ St John The Evangelist thì nhà thờ vốn của giáo dân Úc bỗng tấp nập người Việt đến dự lễ. Có người nói Cha Tiến “mát tay” khi làm cha xứ nên dù ở Flemington hay East Melbourne, cũng có đông con chiên tới dự lễ.
Báo The Age ngày 4.10.2005 trong bài viết có tựa Vietnamese changing face of Catholic priesthood (Người Việt thay đổi diện mạo chức linh mục Công giáo) nói Linh mục Bùi Đức Tiến cho biết St Johns có hơn 820 giáo dân mà đại đa số là người Việt.
Vì thế, vào ngày Chủ Nhật có hai lễ, một lễ sáng bằng tiếng Anh và một lễ chiều bằng tiếng Việt. Thánh lễ chiều đông người hơn vì trước thánh lễ, các gia đình đem con cái tới dự các lớp tiếng Việt và sau đó học giáo lý trước khi mọi người cùng tham dự lễ 5 giờ chiều. Đó là thời kỳ Linh mục Bùi Đức Tiến còn làm cha chánh xứ và họ đạo này còn được gọi là một giáo xứ. Đây là thời kỳ vàng son của cộng đồng Việt Nam ở Giáo xứ St John, vì có thêm một cha khách thường đến dâng lễ là Linh mục Nguyễn Hữu Quảng thuộc Dòng Salesian, Xơ Maguerite Nguyện giúp các em thuộc phong trào Thiếu nhi Thánh thể.
![]() |
Lên đường chứ không phải đóng cửa: Cộng đoàn Việt Nam trong thánh lễ mừng Thánh Bổn Mạng St John The Evangelist lắng nghe bài giảng của Đức Giám mục Phụ tá Nguyễn Văn Long (hình dưới) với hy vọng… Hình: TVTS |
Cha Tiến cho sửa sang và tân trang nhà thờ, lại còn tạo thêm một khu vườn tưởng niệm bên cạnh nhà thờ để những người Việt trong giáo xứ đem các bình đựng tro hài cốt thân nhân cất giữ nơi đây, để sớm hôm thăm viếng khi thuận tiện.
Nhưng từ khi Linh mục Tiến lãnh bài sai đi làm cha xứ một “họ đạo Tây” ở vùng Croydon, Giáo xứ St John được sát nhập vào Giáo xứ Nhà thờ Chánh tòa St. Patrick và trở thành một cộng đoàn. Cha chánh xứ là cha sở của Nhà thờ Chánh tòa; một cha phó có nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn St John với tư cách là tuyên úy, đó là Linh mục Võ Thanh Xuân.
Cộng đoàn Công giáo Việt Nam ở đây vẫn tiếp tục sinh hoạt bình thường, và vì người Úc địa phương dần dần qua đời hay dời đi nơi khác, nhà thờ St John sau đó chỉ còn dâng lễ bằng tiếng Việt mà thôi. Một ngôi thánh đường cổ kính rất đẹp nằm ngay cửa ngõ vào thành phố Melbourne của người Úc nay hoàn toàn do người Việt điều hành và chỉ có thánh lễ bằng tiếng Việt là một chuyện lạ, là sự may mắn cho người Việt tị nạn.
Nhưng từ khi được tin sẽ có cải tổ và tái thiết các cơ sở của giáo xứ như biến trường tiểu học St John và nhà xứ thành một trung tâm giáo dục và hội nghị của Tổng giáo phận, một số giáo dân đã đưa gia đình về sinh hoạt ở họ đạo gần nơi họ sinh sống như Preston hay Brunswick, những nơi có thánh lễ tiếng Việt. Giáo xứ St John vì vậy giảm số giáo dân và dần dần chỉ còn khoảng 300-350 người dự lễ ngày Chủ Nhật.
![]() |
Đức Giám mục Phụ tá Nguyễn Văn Long. Hình: TVTS |
Linh mục tuyên úy cộng đoàn St John Võ Thanh Xuân trấn an những người còn lại, nói rằng ngày nào còn người Việt đi lễ nhà thờ này đủ đông thì Tòa Tổng giám mục vẫn sẽ cho người Việt sử dụng nhà thờ này. Tuy vậy, vẫn có những người nghi ngờ bởi họ nghĩ rằng ngoài việc sau này trung tâm giáo dục của Tổng giáo phận rất có thể cần sử dụng nhà thờ này, việc duy trì một tòa nhà cổ và lớn như vậy rất tốn kém trong khi cộng đoàn Việt Nam chắc cũng chẳng đóng góp được bao nhiêu về mặt tài chánh, hơn nữa Cha Xuân đã đến tuổi về hưu, không biết sẽ rời nhiệm sở lúc nào.
Giáo hội Úc nói chung và Tổng giáo phận Melbourne nói riêng đang thiếu linh mục, việc đào tạo các cha trẻ không kịp thay thế các cha già về hưu nên càng ngày các linh mục phải kiêm nhiệm hay dâng lễ cho nhiều nhà thờ trong ngày Chủ Nhật.
Chuyện phải tới, đã tới
Rồi cách đây khoảng một tháng qua, Cha Võ Thanh Xuân bất ngờ bị bệnh nặng phải nằm bệnh viện một thời gian và có tin là sau khi xuất viện cha sẽ về sống ở nhà dưỡng lão của tổng giáo phận. Lại có tin đồn sẽ có Cha Huy (một linh mục triều) sẽ về coi giáo xứ thay Cha Xuân.
Nhưng hôm Chủ Nhật 22 tháng 12 vừa qua, Cha Nguyễn Viết Huy Dòng Tên, là cha xứ của nhà thờ St Ignatius ở Richmond (thường được gọi là Nhà Thờ Đá) đến dâng lễ và báo tin cho mọi người rằng Tổng giáo phận đã quyết định sẽ “đóng cửa” nhà thờ St John vào cuối tháng 2 năm 2014. Vì Cha Trần Trường Sơn, vị linh mục từ Nha Trang sang du học và giúp giáo xứ trong 4 năm qua phải trở về Việt Nam vào đầu tuần này, nên Cha Nguyễn Viết Huy sẽ đến dâng một lễ vào mỗi chiều Chủ Nhật cho đến khi nhà thờ “đóng cửa”.
Giáo dân đã quá sửng sốt và hầu như “á khẩu” trước tin này. Trong khi đa số im lặng và có vẻ sẵn sàng chấp nhận quyết định của tòa tổng giám mục thì một cụ già đã tỏ sự bực bội khi đặt câu hỏi với Cha Huy, yêu cầu cho biết tại sao lại “đóng cửa” nhà thờ bởi giáo hội chủ trương mở rộng việc truyền giáo nay lại “đóng cửa” đối với một cộng đoàn sùng đạo như người Công giáo Việt Nam.
Cha Huy nói cha chỉ truyền đạt lại thông báo của tòa tổng giám mục, rằng họ lấy lại nhà thờ để dùng làm nơi phụng vụ cho trung tâm giáo dục và hội nghị của tổng địa phận và cũng có thể của cả nước, rằng giáo dân chỉ còn hai tháng nữa là phải đi dự lễ nơi khác, hoặc trở về sinh hoạt trong giáo xứ (Úc) nơi mình sinh sống hoặc có thể qua dự các thánh lễ bằng tiếng Anh hay tiếng Ba Lan ở nhà thờ St Ignatius.
![]() |
Đức cha Long bắt tay chào các giáo dân ra về. Hình: TVTS |
Cha Huy cho biết trước mắt sẽ không có thánh lễ bằng tiếng Việt tại nhà thờ của cha. Cha nói St Ignatius là họ đạo của người Úc sống ở đây nhiều đời. Nay cả hai linh mục chánh xứ (tức Cha Huy) và phó xứ (Cha Trần Văn Trợ) đều là người Việt, do đó không thể đột nhiên cộng đồng Việt Nam kéo qua và thay đổi sinh hoạt của cộng đồng địa phương được.
Cha Huy hoan nghênh mọi người gia nhập giáo xứ St Ignatius và cho biết sẽ từ từ thảo luận với các giáo dân địa phương để trong tương lai có thể có một thánh lễ bằng tiếng Việt nếu số lượng giáo dân Việt Nam trở nên đông đúc.
Dòng Tên là một dòng tự trị, các linh mục không được bài sai bởi Tổng Giám mục giáo phận mà bởi Bề trên Giám tỉnh của dòng.
Linh mục Nguyễn Viết Huy nguyên là một quân nhân QLVNCH, theo tu học Dòng Tên ở Adelaide khi đến định cư ở Úc và chịu chức linh mục năm 1992. Cha Huy từng làm tuyên úy cho quân đội Úc, giúp giáo xứ St Ignatius, cộng đồng Việt Nam ở Pooraka tại Nam Úc và nay trở về Melbourne học thêm môn xã hội học và làm chánh xứ St Ignatius.
![]() |
Cha Sơn chụp bức hình kỷ niệm sau thánh lễ cuối cùng tại St John với vài giáo dân trước khi trở về Nha Trang vào hôm Thứ Hai đầu tuần. Hình: TVTS |
Nhưng vẫn có hy vọng…
Hôm Chủ Nhật 29/12, cùng với cha khách Đinh Thanh Bình Dòng Salesian, Đức cha Nguyễn Văn Long — Phụ tá Tổng giám mục Denis Hart– đã đến dâng lễ mừng bổn mạng của cộng đoàn St John và đồng thời đức cha giải thích lý do giáo phận lấy lại nguyện đường St John.
Đức cha thông cảm sự xây dựng và gắn bó của cộng đoàn với nhà thờ St John sau bao nhiêu năm, nhưng cho rằng dù sống ở nơi đâu, sinh hoạt ở chỗ nào, niềm tin là điều quan trọng và hy vọng trong tương lai mọi sự sẽ tốt đẹp. Trong bài giảng, Đức cha Long kể về câu chuyện một bộ lạc phải dời khỏi nơi họ sinh sống trong tuyệt vọng nhưng sau đó lại định cư ở một giòng sông trù phú, ám chỉ sự ra đi sắp tới của cộng đoàn St John.
Nhân dịp Lễ Thánh Gia Thất, Đức cha khuyên mọi tín hữu hãy noi gương Đức Mẹ và Thánh Giuse trong mọi hoàn cảnh, trả lời Fiat (xin vâng) với Thiên Sứ khi báo tin Đức Mẹ mang thai hay sau đó báo mộng bảo Giuse hãy đưa con trẻ sang Ai Cập tị nạn.
![]() |
“Nhà thờ gạch” St John: Linh mục Đinh Thanh Bình (cầm ly nước, giữa) dự tiệc trà mừng bổn mạng của cộng đoàn St John sau thánh lễ. Hình: TVTS |
Ngay trong thánh lễ, ông Phạm Đình Toàn đại diện cộng đoàn muốn “hai năm rõ mười” đã hỏi đức cha liệu sau này khi tất cả mọi người ở St John qua bên Nhà Thờ Đá thì sẽ có thánh lễ bằng tiếng Việt không, Đức cha Long không trả lời trực tiếp câu hỏi, mà nói rằng đức cha đã bàn với Cha Huy, và Bề trên Giám tỉnh ở Melbourne cũng đã cử Cha Huy đến thảo luận với Tòa Tổng giám mục và sẽ bàn lại với giáo xứ St Ignatius.
Đức cha Long hy vọng trong tương lai một thánh lễ bằng tiếng Việt tại Nhà Thờ Đá có thể thực hiện được.Câu trả lời của Đức cha Phụ tá Tổng giám mục Nguyễn Văn Long và lời mời của Cha chánh xứ Nhà Thờ Đá Nguyễn Viết Huy đã đánh tan phần nào nỗi buồn, bâng khuâng và lo lắng của mấy trăm giáo dân St John.
Biết đâu việc cộng đoàn giáo dân Việt Nam từ St John sang Nhà Thờ Đá trên Đồi Richmond là một sự nâng cấp, một may mắn?