LGT: Trong bài viết sau đây, tác giả Nguyễn Hồng Anh –một người viết ca khúc có tính cách tài tử– kể lại sự hình thành 3 ca khúc đã được thực hiện cách đây khoảng 3 thập niên tại 3 vùng đất khác nhau: Việt Nam, Nam Dương và Úc. Tác giả Nguyễn Hồng Anh cho biết sẽ thu âm và giới thiệu đến độc giả và thính giả các bài hát này trong thời gian tới. Riêng bài “DÒNG MÁU VIỆT NAM” sẽ đuợc thực hiện (rất có thể bằng một VIDEO CLIP) và sẽ đưa lên YouTube vào thượng tuần tháng 12 này. Mời bạn đọc đón nghe.
![]() |
Tác giả Nguyễn Hồng Anh thời gian viết ca khúc “Thiền Sư Xuống Núi” và “Lên Núi”, Sài Gòn năm 1977. Hai ca khúc này được viết sau khi đọc cuốn tiểu thuyết “Câu Chuyện Giòng Sông” của nhà văn Hermann Hesse nói về hành trình tìm đạo của một vị thái tử có tên Tất Đạt Đa |
Sau loạt bài “kể chuyện đường xa” về Ấn Độ và Nepal, một vài thân hữu đã gọi điện thoại hỏi chừng nào thì họ có thể được nghe hai bài hát Thiền Sư Xuống Núi và Lên Núi mà tác giả đã ghi lời trong số báo 1377 phát hành ngày 18.8.2012.
Họ cũng hỏi làm sao để nghe được 4 bài hát Chuyện Của Tôi, Sao Ta Còn Ngồi Đây, Biển Vắng và Còn Nỗi Buồn (bài này với Nguyễn Văn Khâm) mà tác giả nói đã được ca sĩ Thanh Thúy thực hiện trong cuốn Siêu Âm 1 vào năm 1981, bởi họ lên internet gõ nhưng không thấy các bài hát xuất hiện như tác giả viết.
Người viết xin được thông báo là vừa thu âm xong bản nhạc Thiền Sư Xuống Núi qua sự trình bày của ca sĩ Hoàng Nhung và đã đưa lên YouTube vào tuần qua. Bạn đọc có thể lên YouTube đánh “Thiền Sư Xuống Núi – Nguyễn Hồng Anh” hoặc vào mạng tivituansan.com.au thì sẽ nghe được bản nhạc thiền này. Người viết đang thực hiện việc thu âm bản Lên Núi (đã “giác ngộ” sau khi xuống núi tìm đạo) và sẽ giới thiệu với độc giả và thính giả trong nay mai.
Về 4 bản nhạc vừa nói ở trên nằm trong tập Thân Phận Ca của tác giả (ấn bản 1981 này có 20 bài), một website âm nhạc nọ ở VN đưa lên cho nghe tự do nhưng nay đòi hỏi phải “đăng nhập” mới sử dụng được. Hy vọng tác giả sẽ giới thiệu với thân hữu và độc giả 4 bài hát đó sớm theo khả năng của mình.
![]() |
Nguyễn Hồng Anh qua nét vẽ của họa sĩ Nguyên Khai, trại tị nạn Galang 10.4.1981 (phụ bản tập Thân Phận Ca) |
Ngoài ra người viết cũng đang dự tính sẽ tưởng nhớ “40 năm ngày mất Sài Gòn” và “30 năm làm báo” bằng cách thực hiện một cuốn CD với những bài hát trong tập Thân Phận Ca trong đó có những bài mà tác giả thích như Hòa Bình Lừa Dối, Kiếp Sau Xin Chớ Làm Người, Giấc Mơ Bên Sông, Chiều Viễn Xứ Chiều Nhớ Quê Hương v.v…
Những bản nhạc này đã được tác giả, các ca sĩ thân hữu và ban nhạc Yêu Thương trình bày trong một đêm nhạc đặc biệt vào ngày 13.10.1980 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên ở trại tị nạn Galang Nam Dương.
![]() |
Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên – Galang 1980, 5 tháng sau khi đặt chân tới trại tị nạn có tên “Cửa Ngõ Tình Người”: Tác giả (đứng trước) và các thân hữu đồng ca bài Chiều Viễn Xứ Chiều Nhớ Quê Hương với sự đóng góp của ban nhạc Yêu Thương trong trại |
Bài Chiều Viễn Xứ Chiều Nhớ Quê Hương được tác giả viết tại trại tị nạn Galang để đóng góp cho buổi hội thảo “Trông Về Quê Mẹ” tổ chức vào ngày 1.9.1980 và sau đó được trình diễn trong “Đêm Nhạc Thân Phận Ca” của tác giả.
Ca khúc này có nhiều tiết tấu nhịp điệu (4 điệu nhạc khác nhau), nhấn mạnh đến chủ đề của buổi hội thảo:
Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương
Nhớ thân phận của kẻ lưu đày
Nơi đất người nhờ gởi tháng năm
Chiều viễn xứ chiều nhớ phận mình.
Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương
Nhớ căn nhà nhớ đến xóm giềng
Nhớ con đường nhớ đến phố phường
Dù mất nước nhưng còn quê hương.
* * *
Nhớ quê hương những bước của người đi trước
Yêu quê hương yêu vinh nhục của anh em
Nhớ Việt Nam di sản rách nát
Yêu Việt Nam quên hết lỗi lầm.
Nhớ quê hương bừng lên niềm tin sức sống
Yêu quê hương hôm nay là cho mai sau
Nhớ Việt Nam cái thương cái ghét
Yêu Việt Nam nhớ đến anh em.
Mong ngày về
Mong ngày về ngày Việt Nam tươi sáng
Khắp bốn phương con dân Việt Nam
Mang hành trang nô nức về xây quê nhà.
* * *
Chiều ơi
Chiều viễn xứ xa khơi
Chiều ơi
Chiều nhớ người
Chiều ơi
Chiều chơi vơi
Chiều ơi
Chiều nhớ quê hương
* * *
Chiều viễn xứ chiều nhớ anh em
Nhớ quê nhà nhớ kẻ lưu đày
Trong lao tù biển cả chôn thây
Chiều viễn xứ chiều bước chân chùng.
Chiều viễn xứ chiều nhớ cha ông
Nhớ quê nhà mong những tấm lòng
Cho đất Việt ngày mai rạng ngời
Chiều ngước mắt chiều đến xứ người.
![]() |
Linh mục Dominici (phải, nay đã qua đời) nói chuyện với tác giả sau buổi trình diễn “Đêm Nhạc Thân Phận Ca” |
Qua Úc, tác giả có sáng tác thêm một số bản nhạc trong đó có vài bài đã được đăng trên đặc san Gươm Thiêng của Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH Victoria.
Bài cuối cùng là Dòng Máu Việt Nam, đã được tác giả trình diễn vài lần trong sinh hoạt cộng đồng. Nhạc điệu Fox, ca từ như sau:
Dòng máu chảy từ trong người
Dòng máu chảy từ trong tim
Lửa uất hận đã tràn tuôn tới căm hờn ngút trời.
Dòng máu chảy từ trong mẹ
Dòng máu chảy từ trong anh
Và trong chị là từng giọt máu giọt máu anh em.
* * *
Dòng máu này hai tiếng quê tôi
Việt Nam ơi tim quá bồi hồi
Máu dân mình vẫn còn tuôn rơi
Khúc ruột này mình còn chia đôi.
Dòng máu chảy đất nước xanh xao
Chừng nghe ra hai tiếng đồng bào
Ôi lạ lùng đất nước tôi ơi
Thấy trong lòng một trời xôn xao.
* * *
Dòng máu chảy kìa sông dài
Từ biển rộng đồi non cao
Bầy Chim Lạc từng đàn vỗ cánh trống đồng vang rền.
Dòng máu chảy này phố thị
Rộn tiếng cười làng thôn ơi
Làm tim mình bừng bừng Dòng máu Dòng máu Việt Nam
* * *
Cùng ba miền mừng Ngày Hội Lớn của nước Việt Nam.
![]() |
Tác giả Nguyễn Hồng Anh trình bày ca khúc “Dòng Máu Việt Nam” trong một buổi văn nghệ của cộng đồng Việt Nam tại hội trường Giáo xứ St John, East Melbourne khoảng đầu thập niên 1980 |
![]() |
Dòng Máu Việt Nam được viết khoảng năm 1983-1984 là bài cuối cùng trong “đời viết nhạc” và cũng là lúc tác giả không còn sáng tác khi đã bước vào nghề làm báo, chấm dứt một thời ôm đàn hát rong trong các sinh hoạt cộng đồng của người Việt, giới thiệu văn hóa Việt Nam với cộng đồng Úc, nói lý do người Việt phải bỏ nước ra đi, từ các sân khấu trong nhà cho đến ngoài đường phố.
![]() |
Tác giả Nguyễn Hồng Anh (áo dài khăn đóng đánh đàn tranh, góc phải) và ban vũ Việt Nhi của Cộng Đồng NVTD-Vic do bà Vũ Thị Hà (vợ tác giả) hướng dẫn, đang trình diễn tại một sân khấu ngoài trời giữa đường Swanston Street, Melbourne khoảng đầu thập niên 1980 |
Thời rong ca không còn nữa! Nhưng nay hình như tình yêu âm nhạc đã trở lại nên tác giả có ý định xuất bản cuốn CD kỷ niệm một giai đoạn lịch sử đã qua.
Một giai đoạn khi đất nước có “hòa bình” mà chưa tới hai năm sau tác giả phải đắng cay viết:
Hòa bình đây rồi
triệu người đổi đời
Hòa bình đây rồi
tình người đổi thay.
Hòa bình cho tôi
bao là gian khổ
Hòa bình cho tôi
muôn ngàn đắng cay.
* * *
Hòa bình đây rồi
Người người xa người
Hòa bình đây rồi
bạn bè mất nhau.
Hòa bình cho tôi
gia đình ly biệt
Hòa bình cho tôi
tay còn trắng tay.
* * *
Hòa bình giấc mơ
của dân tộc tôi
của người dân Nam
mấy mươi năm rồi.
Hòa bình nay tới
hòa bình lừa dối
Hòa hình danh xưng
của người lưu manh.
* * *
Hòa bình cho tôi
bao nhiêu lừa dối
Hòa bình cho tôi
ước mơ không còn
Hòa bình cho tôi
những lần thống hối
Hòa bình cho tôi
từng giờ ăn năn.
* * *
Hòa bình đây rồi
ngục tù cất đầy
Hòa bình đây rồi
ruộng đồng bỏ hoang.
Hòa bình cho tôi
đêm dài không ngủ
Hòa bình cho tôi
ngày ngày âu lo.
* * *
Đêm dài không ngủ… Ngày ngày âu lo… Cảm nghiệm này không phải chỉ của một mình tác giả, bởi nếu không thì đã chẳng có hàng trăm ngàn người vượt biên.
Cũng vì thế mà tác giả dự tính sẽ có một buổi trình diễn nhạc của mình, giống như đã thực hiện 35 năm trước đó tại trại tị nạn Galang. Mục đích? Chỉ để nhớ lại một thời. Một thời để nhớ và một thời khó quên!
Hy vọng ước muốn đó sẽ thực hiện được trong vài năm tới. Và ngoài nhạc nói về thân phận của người dân Miền Nam sau năm 1975, gợi lại cuộc đời của người tị nạn, sẽ có thêm những bản nhạc về thiền, về tình yêu quê hương, tình yêu lứa đôi mà tác giả đã viết ở tuổi thanh xuân… nay đã qua.
Melbourne 20.10.2012
Nguyễn Hồng Anh
Những ca khúc của Nguyễn Hồng Anh đã được đưa lên YouTube, mời bấm vào các links sau đây để nghe:
> Đón nghe những tình ca của Nguyễn Hồng Anh