Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc: Thà không có, tốt hơn?

Một vài thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Viện Bảo Tàng Việt Nam tại Úc (VMA Limited) và poster của VMA Limited (hình nhỏ, TVTS chụp ngày 28.10.2022) tại miếng đất rộng khoảng 824 mét vuông, dự tính sẽ xây một viện bảo tàng “tầm vóc quốc tế” nhưng chưa biết đến bao giờ mới khởi công? Làm sao khánh thành vào ngày 30.4.2025 như họ dự tính?

Từ cãi cọ, mạt sát nhau qua mạng xã hội đến việc tổ chức các buổi họp để giải thích, trình bày tiến trình xây dựng dự án đến việc lập ủy ban tái xét dự án, tiến hành khởi kiện  để lấy lại dự án ban đầu của Cộng Đồng NVTD-Vic  (CĐ) cho thấy vấn đề đã trở thành phức tạp, khó giải quyết và biết đâu sẽ nổ tung trên báo chí Úc?

Có một viện bảo tàng trưng bày tội ác cộng sản và ghi lại hành trình tìm tự do của thuyền nhân là ước mơ chung. Đến khi chính phủ bắt đầu trợ cấp thì các vị lãnh đạo lẫn các thành viên CĐ đều hân hoan và đóng góp vào. Phần lớn đồng hương không để ý đến cấu trúc, điều hành trung tâm văn hóa hay viện bảo tàng. Với họ, có một nơi khang trang để sinh hoạt và trưng bày lịch sử thuyền nhân là đủ rồi, đủ để họ góp tiền hỗ trợ.

Nhưng đến cuối năm 2022,  qua việc vận động tranh cử Ban Chấp hành (BCH)  CĐ thì người ta mới vỡ lẽ khi liên danh do ông Nguyễn Quang Duy thụ ủy  tuyên bố sẽ xem xét lại việc ủng hộ Công ty Viện Bảo tàng (Cty VBT) nếu thắng cử. Giữ lời hứa, ông Duy đã cho thành lập ủy ban tái xét dự án. Mọi chuyện nay đã rõ ràng.

Bởi qua các cuộc tranh luận trên mạng, các tuyên bố của Cty VBT và BCH CĐ, người ta biết rằng các lãnh đạo BCH tiền nhiệm đã sửa đổi Nội Quy CĐ, chuyển tiền chính phủ cấp cho CĐ qua Cty VBT một cách bất hợp lệ. Tuy nhiên, như ông Chủ tịch Nguyễn Quang Duy viết trong bài “Tường trình” đăng trong số báo này, Cty VBT từ từ tách riêng và độc lập hoàn toàn với CĐ ở Victoria. Ông cũng cảnh báo các BCH CĐ tiểu bang và liên bang về việc hợp tác với Cty VBT vì đây là vấn đề đang gây tranh cãi, bất hòa. Ông Duy nói vì “dự án này bắt đầu từ CĐ ở Victoria” nên ông “vẫn giữ lập trường tìm cách giải quyết riêng”.

Đến nay, người ta đã thấy Cty VBT đã cho CĐ Victoria ăn bánh vẽ, đồng làm chủ dự án nhưng chẳng có một chút quyền hành gì. Việc hơn ba tháng mới trả lời thư bổ nhiệm của ông Duy và cái “Thông báo” mời “cùng gặp mặt thảo luận việc bổ nhiệm một giám đốc thích hợp” cho thấy cái công ty này coi thường BCH CĐ như thế nào.

Năm 2017, một ủy ban nghiên cứu của CĐ lúc đó đưa ra nhận xét “ít người Việt đi viếng bảo tàng viện” đã không ngăn cản sự ham muốn làm một viện bảo tàng “có tầm vóc quốc tế” với khối tiền $17 triệu “trên trời rơi xuống”.

Làm viện bảo tàng thuyền nhân mà đặt cái tên tiếng Anh “Vietnamese Museum Australia” là hỏng rồi. Mai đây, CSVN và Úc nâng lên quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” cái tên Viện Bảo tàng Việt Nam tại Úc (VMA) sẽ rất dễ bị hiểu lầm. Chẳng ai biết cái tên “Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu”, ngay cả đối với nhiều người Việt tị nạn!

Cho đến nay, Cty VMA vẫn chưa có đất chính thức để khởi công. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể chính phủ sẽ hủy bỏ việc cấp ngân quỹ, báo chí chính mạch nhập cuộc. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Các thành viên CĐ thôi đừng mơ tưởng và tiếc nuối số tiền $17 triệu đó. CĐ sẽ tiếp tục tổ chức Tết Trung Thu, rồi một Hội Chợ Tết lớn vào năm tới, sẽ chỉnh trang lại Trung tâm Văn hóa ở Sunshine North, và dĩ nhiên vẫn nghĩ đến việc xây một Trung tâm Văn hóa & Bảo tàng trong những năm tới, nhưng sẽ liệu cơm gắp mắm.

Với một cái viện bảo tàng gây chia rẽ như hiện nay, thà không có thì tốt hơn. 50 năm không có, có sao đâu?

(Trích xã luận của báo điện tử etvts.com.au số 1951 phát hành ngày 20/9/2023)