Kể chuyện đường xa 9: San Francisco qua âm nhạc và thực tế

10 Tháng Mười Hai, 2018 | Du lịch,Mỹ châu
Đoạn đường từ Khu Civic Center, Asian Art Museum đến Tòa thị chính San Francisco (hậu cảnh) với cảnh họp chợ và cũng là nơi cộng đồng Việt Nam tổ chức hội chợ tết trong những năm gần đây. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh

* * *

Thành phố cổ, thơ mộng nhất và nổi tiếng nhất ở vùng Vịnh San Francisco và cả miền bắc Tiểu bang California, theo tôi, là San Francisco dù tôi đã chưa đi hết các thành phố thuộc khu vực này. Bởi chỉ cần một bài hát thôi—San Francisco (Be Sure to Wear Flowers in Your Hair) cũng đủ làm cho phần lớn người trên hành tinh này mơ một ngày nào đó được đặt chân đến.

Năm 2016 có khoảng 25 triệu du khách đến San Francisco một đêm hay nhiều ngày trong đó có khoảng 3 triệu du khách ngoại quốc (nhiều nhất là Tàu: 478 ngàn; Anh 353 ngàn; Đức 273 ngàn). Như vậy, chúng tôi có thể là du khách ngoại quốc thứ khoảng hàng chục triệu từ khi có thống kê.

Trong bài trước, tôi có gọi San Francisco là Cựu Kim Sơn (Núi Vàng), nhưng khi qua San Francisco, tình cờ đến nhà thờ màu trắng nằm trên đồi cao gần khu China Town có tên the National Shrine of Saint Francis of Assisi, gặp một ông thầy dòng mặc áo nâu hỏi đây là nhà thờ gì, ông đọc cho nghe tên nhà thờ, hỏi tôi từ đâu đến, rồi nói rằng “Saint Francis này không phải là St Francis Xavier đâu nhé (nhà truyền giáo danh tiếng người Tây Ban  Nha) mà là Saint Francis of Assisi (người Ý), là thánh bổn mạng (saint patron) của thành phố này đấy”. Ông thầy dòng (có thể là linh mục) tỏ vẻ tự hào khi giới thiệu ngôi thánh đường, nhưng xin lỗi chúng tôi vì đến giờ đóng cửa nên chúng tôi không thể vào bên trong xem.

Eureka! vì vậy thành phố này mới có cái tên San Francisco bằng tiếng Tây Ban Nha (tiếng Việt là Thánh Phan-xi-cô),  chứ Cựu Kim Sơn chỉ là cái tên mấy người Tàu tìm vàng gọi với nhau mà thôi.

Nhờ vậy mà tôi biết thêm một thông tin thú vị về cái tên của thành phố mang tên của một vị thánh sống đời khó khăn –St Francis of Assisi và cũng là tên thánh mà vị giáo hoàng đương kim dùng khi đăng quang: Pope Francis.

Bên trong tòa thị chính San Francisco. Hình: TVTS

Hai mặt của xã hội

Cảnh đập vào mắt tôi khi đến SF là tòa thị chính của thành phố. Quá đẹp, không thể tưởng tượng Cựu Kim Sơn của người Tàu hay thành phố của Thánh Khổ Tu Francis lại có một tòa nhà đồ sộ, cổ kính, lộng lẫy đẹp đến như thế  nằm trong một không gian mở rộng của khu Civic Center, một tuyệt tác phẩm như đền đài vua chúa Pháp thời phục hưng.

Tòa thị chính mở cửa cho công chúng vào xem tự do. Du khách hầu như có thể đi xem mọi nơi, mọi tầng, đến tận tầng 4, chụp hình tùy thích. Có nhiều gia đình cô dâu chú  rể Việt cũng như  Tàu đến đây chụp hình. Lịch sử và hoạt động của thành phố được ghi và trưng bày ở đây, kể cả hình ảnh của vị thị trưởng gốc Hoa đầu tiên, Edwin Lee, làm hai nhiệm kỳ và chết bất thình lình khi đang còn làm thị trưởng vào tháng 12 năm 2017, lúc mới 65 tuổi.

Ấn tượng đầu tiên – tòa thị chính– rất quan trọng. Ấn tượng sau đó cũng đẹp không kém và khắc sâu vào trí nhớ của tôi là chiếc cầu cổng vàng Golden Gate Bridge mà tôi đi qua lại vài lần bằng xe bus hai tầng, nhất là chuyến đi bộ  với nhà tôi trên chiếc cầu dài 2,737 mét.

Nhờ vậy mà bây giờ, khi ai hỏi San Francisco có đẹp không, tôi vẫn nói, đẹp lắm, nhưng… không như bài hát  như tôi đã viết trong bài KCĐX  kỳ 2: “San Francisco có đẹp như người nhạc sĩ viết không, tôi sẽ kể với bạn đọc sau”.

Tôi phải “cẩn thận” để có khen rồi “chê” thì cũng có lý!

National Shrine of Saint Francis of Assisi: đây là ngôi thánh đường bổn mạng (saint patron) của thành phố San Francisco. Hình: TVTS

Bạn bè cùng khóa 6 – CTKD từ Việt Nam, Úc và Mỹ ăn tối tại nhà hàng Le Colonial. Hình: TVTS

Nếu bạn đến San Francisco

Hãy nhớ mang ít hoa trên tóc của bạn

Bạn sẽ gặp vài người dễ thương ở đấy”.

Nhưng thực tế, không quá thơ mộng như một số người diễu trên mạng:

Hãy nhớ mang theo hoa để chống mùi nước tiểu

Bạn sẽ gặp vô số người vô gia cư, băng nhóm trên đường”.

Tôi nghĩ những nhận xét đó rất đúng.

Trong chuyến đi Bắc Mỹ lần này, tôi thấy quá nhiều người vô gia cư. Ở Melbourne cũng có, nhưng không nhiều như ở Mỹ và Gia Nã Đại. Từ ngày ông (cựu) Thị trưởng Robert Doyle mạnh tay với những người vô gia cư, làm cho thành phố Melbourne “sạch sẽ” để thu hút du khách, tôi ít thấy người vô gia cư nằm dài trên vỉa hè đường phố.

Nhà hàng Tonga trong khách sạn Fairmont San Francisco. Hình: TVTS

Khách sạn sang trọng Fairmont: chúng tôi có thể giải quyết “bầu tâm sự” thoải mái sau khi rời nhà hàng  Le Colonial. Hình: TVTS

Qua San Jose, tôi thấy ở downtown một vài người vô gia cư và tâm thần bám trụ ở góc đường là đã ớn rồi, nhưng đến San Francisco thì người vô gia cư, vô nghề nghiệp đông như rươi. Họ lảng vảng ngoài đường, tụ tập thành từng nhóm như người ta đi pinic, nhiều nhất là ở khu Little Saigon và Civic Center, quanh khách sạn Embassy chúng tôi cư ngụ.

Buổi tối, tôi đi mua bia hay đồ nhậu lai rai trở về khách sạn,  thấy đám vô gia cư da đen tụ tập từng nhóm, nhìn khách qua đường nói gì đó mà tôi không dám nghe, chỉ tránh xa và đi về khách sạn cho lẹ. Tôi và nhà tôi cảm thấy không thoải mái khi đi trên những con người có đám người vô gia cư lếch thếch choáng chỗ khách bộ hành, ngay cả khi đi bộ vào ban ngày.

Tôi hỏi một người bạn tại sao San Francisco đẹp như vậy mà thành phố  để cho người vô gia cư chiếm đường phố thì được trả lời  San Francisco là thành phố tiến bộ, mở rộng tay đón người  nghèo, vô gia cư nên các thành phố khác ở miền đông mua vé cho họ về đây cho khuất mắt.

Nhưng nếu bạn may mắn không “meet some gentle people there” như chúng tôi gặp hàng ngày, không bị ngửi mùi khai thì San Francisco vẫn là nơi đẹp, là điểm đến nếu bạn chưa một lần tới.

Ngồi trong toa xe cable car. Hình: TVTS

Chạy bằng dây cáp. Hình: TVTS

Vài nơi đáng xem

Tôi nghĩ California là một trong những tiểu bang ven biển của Hoa Kỳ được thiên nhiên ưu đãi, trải dài từ biên giới Mễ Tây Cơ đến tiểu bang Oregon. Chiều dài bờ biển TB California lớn hơn gấp đôi chiều dài của TB Oregon và TB Washington (giáp biên giới Gia Nã Đại) cộng lại.

Nhìn ra Bắc Thái Bình dương, California sở hữu hai vịnh nổi tiếng: San Diego Bay ở phía nam và San Francisco Bay ở phía Bắc. Tôi chỉ có dịp đi lướt qua thành phố San Diego trong chuyến thăm thành phố Tijuana của Mễ Tây Cơ  nên không biết thành phố San Diego nơi có khá đông người Việt sinh sống đẹp như thế nào, tuy nhiên Vịnh San Francisco (thông lưu với Vịnh San Pablo) quả vừa rộng lớn vừa đẹp hơn trong tranh.

Từ thành phố San Jose lên San Francisco, dọc Vịnh San Francisco có nhiều thành phố đẹp và nổi tiếng hai bên bờ vịnh được nối bởi bốn, năm cây cầu, có cây cầu dài trên 11 cây số. Golden Gate Bridge nối Francisco với thành phố Sausalito và cầu Bay Bridge nối San Francisco với Oakland là hai cây cầu nổi danh mà ai tới thăm San Francisco cũng nên đi thăm cho biết.

Vài thành phố ở bờ đông tôi đã đi qua hay có thăm viếng như Milpitas, Fremont, Newark, Lakeside, Oakland. Thành phố nghe danh nhưng chưa đến như Berkeley (có đại học Berkeley nổi tiếng).  Thành phố nằm ở bờ tây của vịnh có Stanford nơi có trường đại học tư rất danh tiếng Stanford University và thành phố Half Moon Bay mà tôi đã có dịp kể trong bài trước.

Tới thành phố nào, tôi cũng thích  ra bến cảng du ngoạn, ngắm cảnh, ăn uống và nếu  có dịp thì du ngoạn bằng tàu (cruise tour).

Tại San Francisco, nếu bạn mua vé hop-on hop-off của công ty Big Bus, bạn sẽ được chở tới trạm số 1 góc đường Jefferson và Mason Sts, tức bến cảng Fisherman’s Wharf. Ở đây có nhiều bến/cầu tàu (pier) có nhiều dịch vụ khác nhau, thuần túy là bến tàu đò hay bến tàu phục vụ các trò giải trí, du ngoạn trên biển.

Trên đường California Street. Hình: TVTS

Vợ chồng Long-Vân Hạnh bạn học cũ Trường Chính trị Kinh doanh từ Oakland gởi email tặng chúng tôi vé đi xem thủy cung Aquarium of The Bay ở Pier 39 và hẹn sau đó sẽ đến San Francisco đón chúng tôi cùng đi chơi với một cặp vợ chồng bạn cùng lớp từ Việt Nam qua dự Đại hội Thụ nhân Thế giới,   đi cruise tour xem Golden Gate Bridge và vòng quanh đảo Alcatraz (nơi nhốt bố già Al Capone), rồi đưa chúng tôi đến ăn tối nhà hàng Việt-Pháp Le Colonial  khá sang trọng ở vùng Nob Hill do người Việt làm chủ. Đây là nhà hàng được nhiều huy chương về ẩm thực, phải đặt chỗ trước và hầu như khách là người tây phương.

Ăn tối xong, Vân Hạnh & Long đưa chúng tôi đến khách sạn 5 sao lịch sử trăm tuổi Fairmont San Francisco để ngắm một khách sạn có nhiều nhân vật nổi tiếng từ các tổng thống Mỹ đến chủ tịch Xô Viết, các ca nhạc sĩ đến trú ngụ (Tony Bennett với ca khúc nổi tiếng I left my heart in San Francisco)…

Khách sạn này cũng nằm trên đồi Nob Hill, là khu của người giàu. Uống nhiều bia rượu, chúng tôi vào khách sạn sang trọng Fairmont  xả xú bắp như người Hà Nội. Cô bạn Vân Hạnh từng làm việc ở đây thời sinh viên để phụ tiền học nên rành rẽ mọi nơi, nói rằng khách sạn là nơi công cộng, cứ tự nhiên đi vệ sinh, nhưng tôi nói tôi không tin mọi khách sạn đều dễ dãi cho khách lạ vào, nói gì để khách qua đường dùng phòng vệ sinh 5 sao của họ. Thật ra tôi không biết cô bạn đúng hay tôi đúng, nhưng đấy là một kinh nghiệm thú vị của một du khách, lo nhất là giải quyết “vấn nạn”  tiểu tiện khi đi chơi. Có người nói cứ vào nhà hàng ăn hay uống rồi luôn tiện làm vệ sinh, nhưng uống xong  “vấn nạn” trở lại.

Cô bạn đưa chúng tôi xuống nhà hàng Tonga Room của khách sạn để uống bia nghe nhạc. Đây là nhà hàng có nhạc sống với lối kiến trúc của người đảo quốc Tonga ở Thái Bình dương. Nhưng đợi mãi mà không có chỗ trống nên đứng nghe nhạc một lúc rồi ra về.

Nhân nói về khu nhà giàu Nob Hill, ở San Francisco còn có khu đồi Russian Hill, khu China Town là những khu sát nhau, nằm trên đồi cao, nên đi bộ hay xe hơi, nhìn cảnh vật rất đẹp. Có những con đường rất dốc. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng ít thấy thành phố lớn nào mà có những con đường dốc cao như vậy.  Nghe nói ngày xưa xe ngựa lên xuống đồi khó khăn nên người ta làm xe toa kéo bằng dây cáp gọi là cable car (không giống xem tram ở Melbourne chạy bằng dây điện ở trên toa xe). Vào thế kỷ thứ 19, San Francisco có 23 đường rầy có cable car nhưng ngày nay chỉ còn 3 đường chạy từ Union Square ra Fisherman’s Wharf và một đường chạy dọc đường California Street. Tôi có mua đi một cuốc 7 đô la. Mỗi năm mấy chiếc tàu dây cáp này chở khoảng 7 triệu người, đa số là du khách ngoại quốc. Cable Car được xem là một di sản quốc gia giống như Golden Gate Bridge và Đảo Alcatraz.

Nguyễn Hồng Anh
Melbourne 1.12.2018