Kể chuyện đường xa: Mùa thu Vancouver
Khi thành phố cây xanh đổi màu
Nguyễn Hồng Anh
* * *
Tôi đến Vancouver vào cuối tháng 9 đúng lúc trời vừa vào thu. Thành phố có nhiều cây xanh đã bắt đầu đổi màu, chuyển sang màu đỏ rực hay vàng óng ánh. Lá rụng lưa thưa trên lối đi, chưa nhiều nhưng là dấu hiệu đổi mùa.
Điều đập mạnh vào mắt tôi là hầu hết những con đường trong trung tâm thành phố (ở đây người ta gọi là downtown) đều có cây dọc hai bên đường và phần lớn là cây maple (cây phong) với những ngọn lá hình có nhiều mũi nhọn như ngọn lá người ta có thể thấy trên quốc kỳ của Gia Nã Đại.
Vancouver đã từng đoạt danh hiệu thành phố đáng sống nhất thế giới từ năm 2004 đến 2010 và chỉ bị Melbourne qua mặt giữ ngôi vị này bảy năm liên tiếp từ 2011 đến 2017. Vancouver sau đó đã bị một số thành phố khác qua mặt kể cả thành phố cùng quốc gia Calgary để năm 2018 chỉ còn đứng hàng thứ sáu trong số 140 thành phố được cơ quan EIU thăm dò và sắp hạng hàng năm.
Tuy vậy, cứ mỗi lần hỏi bạn bè, những ai quen biết –tây cũng như ta– những người từng du lịch hay làm việc ở Vancouver, họ đều khen Vancouver là thành phố đẹp, đáng đi du lịch.
Có lẽ vì vậy mà trong chuyến Mỹ du lần này, dịp dự Đại hội Thụ nhân Thế giới 2018 tại thành phố San Jose, rồi đi San Francisco gần đó cho biết Cựu Kim Sơn là cái chi chi, tôi đã quyết định bay lên Vancouver, thành phố dọc Thái Bình Dương chỉ cách San Francisco hai giờ bay.
Người ta nói rằng, Vancouver là thành phố ấm áp nhất của Gia Nã Đại cũng như Nam California của Mỹ (Los Angeles, Quận Cam, San Diego) nên thu hút nhiều người đến cư ngụ nhưng trong năm ngày đêm ở Vancouver, chúng tôi đã luôn luôn mặc áo ấm và cả áo chắn gió vì nhiệt độ luôn dưới 18 độ C (ở San Francisco cùng thời gian này, nhiệt độ cao hơn vài độ, dưới 20-22 độ nhưng nhiều gió, nhất là khu vực khách sạn Embassy chúng tôi trọ, sát tòa thị chính San Francisco).
Lâu nay, tôi cứ nghĩ Melbourne (thủ phủ của tiểu bang mang tên Garden State khi tôi mới đến định cư) là một trong những thành phố lớn có nhiều cây xanh bậc nhất, đường có nhiều cây nhưng khi đến Vancouver mới thấy hầu hết những con đường trong trung tâm thành phố đều có cây dọc hai bên lề đường dành cho người đi bộ; cây xanh cạnh những cao ốc. Còn ở ngoại ô gần, hầu như mọi nơi các con đường lớn và nhỏ đều có cây như ở Toorak, Hawthorn, Kew… Có thể nói nơi nào cũng là khu cây xanh (tree-lined street, leafy suburb). E rằng “Melbourne thành phố của tôi” ca khúc tôi viết cách đây hai năm với “Những con đường hàng cây soi bóng/ không gian xanh tô thắm Melbourne/ Thành phố như mơ trong nắng hanh vàng” thua Vancouver thành phố của người ta mất!
Tôi đã đến nhiều thành phố trên thế giới nhưng theo trí nhớ của tôi, chưa thấy có đường sá của trung tâm thành phố nào (CBD – central business district) có nhiều cây xanh như ở Vancouver. Phần lớn cây ở đây là maple nên chẳng lạ gì lá cờ của Gia Nã Đại từ năm 1964 có biểu tượng là một ngọn lá cây phong màu đỏ nằm giữa lá cờ màu trắng và đỏ hai bên. Hiếm có quốc gia dùng lá cây để làm biểu tượng nước họ trên lá cờ (Tân Tây Lan đang muốn làm như vậy như chưa có kết quả).
* * *
Vợ chồng Vân Hạnh (khóa 6-CTKD) và Long ở bắc California, sau khi đã lái xe chở chúng tôi đi xem một vòng thành phố Oakland nơi họ sinh sống và làm việc trên 30 năm, đưa chúng tôi đi ăn trưa ở nhà thủy tạ Lake Chalet giống nhà thủy tạ Hồ Xuân Hương để nhớ lại một Đà Lạt của thuở xưa, thời còn sinh viên.
Nói đến (Đỗ Thị) Vân Hạnh khóa 6 CTKD không những khoảng 230 sinh viên cùng lớp tốt nghiệp cử nhân năm 1973 đều biết mà hầu như cả phân khoa CTKD, thậm chí cả viện đại học cũng biết cô vì thời còn sinh viên Vân Hạnh rất năng nổ, giỏi ngoại giao và tham gia rất nhiều sinh hoạt của trường và viện. Đến bây giờ cũng thế, hầu hết mọi sinh hoạt của Thụ Nhân đều có Vân Hạnh và chồng cô, một Thụ Nhân B rất dễ mến và thân thiện với bạn bè của vợ.
Sau khi tốt nghiệp, Vân Hạnh du học ở San Francisco và ở lại Hoa Kỳ sau biến cố năm 1975, làm nghề kế toán (CPA) có một văn phòng khang trang ở Oakland trong khi chồng cũng là một sinh viên du học cùng thời và tốt nghiệp kỹ sư, đã chuyển sang làm nghề địa ốc.
Cũng như chúng tôi, Vân Hạnh và Long hiện vẫn còn làm việc, điều hành các business của họ.
Sau bữa ăn trưa tại nhà thủy tạ Lake Chalet thơ mộng, Long và Vân Hạnh lái xe đưa chúng tôi tới tận phi trường San Francisco, đồng thời báo cho một người bạn cùng lớp khóa 6 Chính trị Kinh doanh là Trần Hữu Tâm ở Vancouver, nên vừa đến nơi chúng tôi đã có người hẹn dẫn đi xem thành phố này.
Chúng tôi ngụ ở khách sạn GEC Granville Suites (góc đường Drake Street & Granville Street) nằm dưới chân cầu Grandville Bridge bắc qua con lạch False Creek, có thể gọi là cuối phố nhưng thuộc khu vực downtown. Từ đây đi thẳng ra hải cảng Canada Place – port of Vancouver bằng con đường chính và nhộn nhịp Granville Street mất khoảng 10-15 phút. Như mọi chuyến du lịch trước đây, tôi lên google chọn khách sạn và nhà tôi khen đây là khách sạn tốt trong chuyến đi du lịch lần này: rẻ, rộng rãi và nằm ở vị trí rất thuận tiện cho việc đi lại, mua sắm, ăn uống.
Sáng hôm sau của ngày đầu tiên ở Vancouver, anh bạn học Tâm đến khách sạn đưa chúng tôi đi ăn sáng ở khu Little Saigon cách trung tâm phố khoảng 15 phút lái xe. Thế là chúng tôi lại được thăm viếng một khu người Việt nữa ở hải ngoại. Anh bạn cho biết Little Saigon là tên chính thức của khu người Việt ở Vancouver. Thế là người Việt Nam đến định cư ở Bắc Mỹ sau người Tàu cả một hai thế kỷ nhưng cũng đã tạo ra những khu phố mang tên Việt Nam.
Nhưng khác với China town của người Tàu, ở đâu có người Việt tị nạn ở đấy có có Little Saigon. Chính vì cái tên Vietnam town mà một nữ chính trị gia nổi tiếng ở San Jose không những đã không còn làm nghị viên, lại cũng chẳng có thể bước vào quốc hội Tiểu bang California bởi bị cộng đồng Việt Nam chống đối và tẩy chay trong các cuộc tranh cử do bà này muốn cái tên Vietnam town trong khi cộng đồng muốn tên Little Saigon như các nơi khác trên thế giới.
Bà cựu nghị viên và cựu phó thị trưởng thành phố lớn hàng thứ 10 của nước Mỹ làm chính trị mà không biết “chính trị” nên đã không đạt được giấc mơ chính trường như thượng nghị sĩ Janet Nguyễn.
* * *
Một hôm ngồi ăn trưa ở quán Phở Hà Nội tại Vietnam town, một người cho tôi biết cả dãy shop bên cạnh và đối diện hiện còn trống là do tiền của những đại gia tư bản đỏ ở Việt Nam rót vào nên người ta không mua và cũng vì quá đắt, tới gần 800 ngàn mỹ kim trong khi những căn shop trước đây chỉ khoảng 400 ngàn; đó là những gì mà người này nói với tôi khi ngồi ăn ở quán Phở Hà Nội (nằm phía bên trong khu Vietnam town), một quán phở được nhiều người Việt ở San Jose giới thiệu, cho là ngon.
Và quả thật như vậy, rất ngon! Nhân viên ở đây nói giọng miền Nam rất vui vẻ và nghe đâu bà chủ cũng là người miền Nam.
Khác với một tiệm phở cũng trong khu phố này nằm ở mặt tiền đường Story Road treo hai bảng hiệu với hai tên Phố Cổ và Phở Hà Nội làm tôi rối trí. Tôi hỏi nhân viên tại sao một tiệm lại có hai tên, vậy thì cái tên Phở Hà Nội mà người ta giới thiệu là ngon ở đâu? Cô tiếp viên nói giọng Bắc: “Phở Phố Cổ mới là phở ngon”. Nhưng ăn xong, chúng tôi thấy không đúng như vậy (điều khó hiểu là bàn chúng tôi ngồi lại ở ngay trước mặt bảng hiệu Phở Hà Nội, làm tôi ăn mà cứ thắc mắc không biết đây có phải là quán Phở Hà Nội mà nhân viên khách sạn giới thiệu không).
Đấy là kinh nghiệm của một ngày trước đó, làm tôi phải vào ăn ở quán Phở Hà Nội nằm bên trong khu Vietnam town để xem những lời đồn (ngon) có đúng không. Tô Phở Hà Nội này quả là phở ngon nhất chúng tôi được thưởng thức trong chuyến du lịch bắc Mỹ lần này.
* * *
Tôi là dân bún bò Huế mà lại thích ăn phở. Những ngày ở San Francisco, chúng tôi chỉ ăn ở quán trong khu Việt Nam một lần và sau đó không dám ăn lần thứ hai. Dù đang đói bụng nhưng hai tô phở và tô bún chả giò vẫn còn như nguyên nên người bưng dọn hỏi tôi có muốn mang về không (ở San Francisco cũng như ở San Jose, tôi thấy rất nhiều khách hàng, kể cả người tây phương mặc vest cũng mang thức ăn dư về). Làm sao ăn phở mà nước phở giống như nước canh thịt với những miếng thịt bò tái đen co dúm, nhìn hết muốn ăn. Tôi chưa thấy ở nơi nào phở dở như vậy nhưng đã hơn 8 giờ tối mà khách vẫn còn đông. Có lẽ do không có cạnh tranh?
* * *
Tâm đưa chúng tôi vào quán Phở Long gần đường Kingsway là con đường chính của khu phố người Việt. Ăn xong, anh bạn tôi hỏi có ngon không? Tôi nói “được”. Anh bạn hỏi vậy “có bằng Phở An không”? Tôi nói Phở An ở Sydney, chúng tôi ở Melbourne nơi có nhiều tiệm phở ngon, nhưng thật ra ngon hay không cũng tùy khẩu vị và sở thích của mỗi người.
Anh bạn nói lần sau sẽ dẫn đi ăn bún bò Huế, bảo đảm ngon (Tâm người Quảng Trị mà Quảng Trị với Huế thì cũng gần giống nhau, là anh em sinh đôi về địa lý).
Sau đó Tâm đưa chúng tôi đi xem tượng đài thuyền nhân được dựng trong khu phố Little Saigon cách đây vài năm để chúng tôi chụp hình kỷ niệm.
Chúng tôi được anh bạn lái xe chạy trên con đường chính Kingsway chỉ cho thấy các cửa tiệm, văn phòng của các chuyên gia người Việt trên con đường lớn và dài này để thấy sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở đây, cũng như những văn phòng cao ốc mà người ta đồn là do các gia đình của các “đại gia” từ Việt Nam (tôi nghe nói trong đó có gia đình một cựu ủy viên Bộ Chính trị) đầu tư, làm chủ.
Đây là chuyện bình thường ở huyện (Việt Nam) vì những người vô sản ngày trước bây giờ trở thành tư bản do hối lộ, tham nhũng, ôm tiền bạc chuyển ra ngoại quốc trước khi họ bị các đồng chí đưa vào lò củi Nguyễn Phú Trọng hay bị nhân dân đứng lên lật đổ.
Thế là nhờ người bạn cùng lớp mà chúng tôi không phải sử dụng các loại xe ngắm cảnh thành phố hop-on hop-off, lại được nghe người hướng dẫn nói bằng tiếng Việt.
Anh bạn cho biết khu Little Saigon nằm ở phía đông (đúng ra là đông nam) và bây giờ sẽ lái xe lên downtown của thành phố Vancouver. Tôi hỏi vậy Little Saigon của người Việt ở ngoại ô nào vì tại Melbourne, mặc dầu tòa soạn TVTS chỉ cách khu CBD khoảng 500 mét nhưng Collingwood vẫn được gọi là ngoại ô (suburd– hoặc inner suburd hay outer suburd), anh bạn cư ngụ ở Vancouver trên 30 năm nói ở đây (nhà anh cũng ở khu Little Saigon) người ta gọi chung là thành phố (city hay Greater Vancouver). À ra thế, hèn chi cách viết địa chỉ của Vancouver khác với Melbourne.
Anh lái xe hướng phía bắc lên downtown, qua khỏi Cầu Granville nằm trên lạch False Creek, quẹo phải chạy dọc con lạch này chỉ cho tôi những khu phố có tên như Yaletown, vận động trường BC Place Stadium gần Parp Casino, khu China town ở hướng đông; lên hướng bắc gặp khu Gastown; chạy dọc vũng Burrard Inlet đến khu bến cảng chính của thành phố là Sea Bus Terminal, Canada Place, Port of Vancouver, Convention Centre, Seaplane Terminal nằm trong vịnh English Bay.
Sau khi xem khu bến cảng chính tấp nập người, chúng tôi tiếp tục chạy dọc vịnh English Bay nơi có nhiều cây xanh hơn tới khu Coal Harbour, dọc con đường tường thành ngăn cách biển có tên Stanley Park Seawall.
Cũng nên biết Stanley Park ở phía đông bắc downtown là một công viên rất lớn, nổi tiếng nhất của thành phố Vancouver, một cái mốc (landmark) mà du khách nên đến xem để thấy thành phố cây xanh Vancouver như thế nào. Chúng tôi hop-off cùng “tài xế city sightseeing tour” của chúng tôi để chụp một số hình và sau đó được anh chở tới cây cầu treo nổi tiếng Lions Gate Bridge nối với vùng phía bắc. Chúng tôi thấy rất nhiều du khách chụp hình ở đây vì cây cầu nằm trên đồi cao của cái vịnh nằm sâu ở dưới chân núi.
Tôi hỏi bạn ở khu nào của thành phố Vancouver là khu của người giàu, anh cho biết ở phía bắc và phía tây. Những căn nhà ở bên kia vịnh nằm trên đồi núi phải từ $5 triệu đô la trở lên.
Chúng tôi đi đã được hơn ba phần tư chu vi của thành phố. Anh bạn lái xe chạy về hướng West End và dừng lại trước khách sạn GEC Grandville của chúng tôi. Anh nói khách sạn chúng tôi nằm trên đường Granville Street và nếu đi bộ qua cây cầu Granville Bridge cách đấy vài trăm mét thì sẽ qua bên kia hòn đảo Granville Island, ở dưới chân cầu Granville Bridge có khu chợ Granville Island Public Market rất lớn và nổi tiếng mà du khách thường đến vui chơi, mua sắm.
Tôi nói đi bộ năm mười cây số ngắm cảnh khi du lịch là “nghề” của chúng tôi. Nay đã được anh cho một vòng hop-on hop-off trong bốn tiếng đồng hồ thấy được tổng thể thành phố thì trong những ngày tới, chúng tôi sẽ đi bộ khắp mọi nơi trong downtown của thành phố Vancouver và biết đâu sẽ rành rẽ về trung tâm thành phố này hơn cả anh?
Một trong những thắng cảnh đẹp nhất và được chúng tôi thích nhất là đi bộ trên cầu treo Capilano Suspension Bridge để qua công viên Capilano Park, với vé vào cửa một ngày là $46 Gia kim cho một người lớn.
Lần đầu bước qua cái cầu treo dài 140 mét, cao 70 mét trên mặt nước suối trông đến ngộp thở và chóng mặt khi nhìn con suối nhỏ sâu ở dưới, cầu lại bị lắc lư do đông người, hầu hết du khách hoặc la lên, tỏ lo sợ hay vui thú với kinh nghiệm này. Tôi cũng vậy nhưng một tay phải vịn vào thành cầu một tay cầm máy chụp hình bấm lia lịa như các du khách khác. Nếu thả tay ra thì chỉ bước vài bước là phải chụp tay vào thành cầu do cầu đong đưa như cái võng.
Do không có nhiều thì giờ, dự trù ở trong công viên khoảng vài tiếng đồng hồ, nên chúng tôi đi quanh quẩn gần cầu treo Capilano, đi bộ trên những cây cầu treo nhỏ dài khoảng 15 mét bắc qua những thân cây hàng trăm tuổi to đến ba người ôm. Cầu này nối thân cây kia nơi dùng làm trạm dừng chân, là những decking hình tròn, có thành chắn rất an toàn, nối cây cầu khác dẫn tới thân cây khác…
Chỉ đi chiếc cầu treo lớn và mấy cây cầu nhỏ, ngắm cảnh và những thân cây già tới khoảng 400-800 tuổi trong khu công viên mát mẻ đẹp tuyệt vời này mà cũng mất bốn tiếng đồng hồ.
Tôi nói với nhà tôi không biết có cây cầu treo kiểu này ở nơi khác không nhưng tôi muốn giới thiệu với bạn đọc TVTS, khi qua Vancouver, hãy dành trọn một ngày để thăm viếng và khám phá một trong những thắng cảnh đẹp của thành phố Vancouver là Capilano Park.
Cách trung thành phố chừng 10 cây số mà có một thắng cảnh thiên nhiên đẹp như Capilano Park thì Vancouver xứng đáng là thành phố đáng sống hàng đầu thế giới.
Nguyễn Hồng Anh
Honolulu 29.9.2018