10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 2: Đúng dịp Lễ Vu Lan (O-bon) và ngày Nhật đầu hàng

09 Tháng Một, 2008 | Nhật
Giữa lưng núi mây mù: với đoàn người chuẩn bị lên đỉnh núi

10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc thật quá ngắn ngủi cho một chuyến du lịch với thời gian ngồi trên máy bay khoảng 10 tiếng đồng hồ trên đoạn đường dài 8,145 cây số từ Melbourne tới Tokyo. Đó là nếu bạn đi thẳng, nhưng nếu phải đi cong hay ghé thêm một trạm khác ở trong nước, thời giờ bay và chờ đợi có thể kéo dài thêm vài ba tiếng đồng hồ nữa. Những người quen biết đã từng đi Nhật thường có lời khuyên tôi nên du lịch Nhật vào mùa xuân hay mùa thu, bởi thời tiết và khí hậu dễ chịu, cảnh vật nên thơ hơn.

Lễ Vu Lan và ngày Nhật đầu hàng

Mùa xuân  có hoa anh đào  là loại hoa tiêu biểu của nước Nhật, đẹp như trong tranh ảnh: Xứ Hoa Anh Đào!  Mùa thu sẽ có dịp ngắm lá cây đổi màu hay đáp lá vàng rơi bên lề đường hay trong công viên, với những loại cây đặc biệt của xứ Nhật và những vùng bắc cực  tôi có trồng quanh nhà tên gọi bằng tiếng Anh là maple mà các tự điển dịch là cây thích hay cây phong. Tôi chẳng biết mô tê gì về thích hay phong, bởi ở Việt Nam thuộc xứ nhiệt đới nên không có loại cây này. Gia Nã Đại đã chọn một loại lá cây maple có cánh lớn để làm huy hiệu trên lá cờ nước này.  Ở các vườn cây tại Melbourne có bán nhiều loại cây maple mà màu sắc của thân và lá khác nhau;  lá vàng nhạt có, xanh lục có; tía như lá tía tô có, đỏ như máu có. Đến mùa thu, lá chuyển qua màu vàng, màu cam trước khi rụng. Mùa thu là mùa huy hoàng của cây maple ở Nhật với khoảng năm sáu chục loại maple khác nhau.

Nhật cũng là xứ nổi tiếng chơi cây cảnh. Tôi có người bạn chơi bonsai nhà nghề như  anh Bùi Sỹ Thành ở Pháp từng có những cuộc triển lãm bonsai ở Paris  nhưng khi đến nhà anh, tôi vẫn không bị thu hút bởi những loại cây nghệ thuật bé cỏn con đó. Trái lại, đứng dưới tàn cây cedar, maple, magnolia to lớn tôi lại không muốn rời bóng mát  của chúng, có lẽ tôi thuộc mạng hỏa mà mộc (cây) sinh hỏa  nên tôi hợp với cây cối,  đặc biệt là những cây lớn.

Như đã nói trong số báo trước, quyết định du lịch Nhật chỉ xảy ra trong vài ngày mà lý do chính là để trèo Núi Phú-sĩ (hay Shin Fuji nếu nói theo tiếng Nhật), ngọn núi tượng trưng cho nước Nhật, cao 3776 mét so với mặt biển. Theo các thông tin trên internet, núi Phú Sĩ chỉ mở cho công chúng trèo lên đỉnh trong hai tháng 7 và 8. Ai cũng có thể đi được, miễn là có sức đi bộ và trèo trong 7 tiếng từ giữa lưng núi (tức trạm thứ  5, cao khoảng 2,300 mét so với mặt biển) lên đỉnh và đi xuống mất thêm 5 tiếng nữa.  Có xe bus chở khách từ chân núi (trạm thứ nhất)  lên chỗ khởi hành đi bộ (trạm thứ 5).

Người ta thường bắt đầu đi lên núi vào buổi chiều, tối ngủ lại mấy tiếng giữa lưng chừng núi ở các trạm thứ sáu, thứ bảy, thứ  tám hay thứ chín để dưỡng sức;  qua khuya tiếp tục đi và leo để tới đỉnh (trạm thứ mười) khoảng 4 giờ rưỡi sáng là lúc  những ánh mặt trời đầu tiên ló dạng, để từ đỉnh núi cao nhất của nước Nhật nhìn xuống các thành phố kế cận.

Chiêm ngưỡng một lúc thì lại phải chuẩn bị đi xuống trạm thứ  5, rồi đón xe bus  xuống chân núi và sau đó đón xe lửa về nhà hay về khách sạn ở Tokyo. Một chuyến đi chơi như  thế mất gần hai ngày một đêm, vai mang ba-lô, mặc đồ leo núi (hay tracksuit), tay cầm gậy với khí hậu dưới chân núi trên 30 độ, giữa lưng núi khoảng 10 độ và trên đỉnh núi có thể xuống gần không độ. Mỗi năm có khoảng 300,000 du khách Nhật và ngoại quốc  trèo ngọn núi này, có thể là đã lên tận đỉnh hay giữa chừng phải đi xuống. Người Nhật có câu nói cửa miệng  ai leo núi Phú Sĩ một lần là người khôn, ai leo hai lần là người ngu.

Trước đây tôi có dự tính trèo núi Kilimanjaro ở nước Tanzania bên Phi Châu  nơi tôi biết qua bài hát tôi thích từ hồi nhỏ có tên Les neiges du Kilimanjaro hình như do ca sĩ Pháp Christophe hát. Núi Kilimanjaro cao 5,895 mét  với đỉnh có tuyết bao phủ quanh năm là nơi tương đối dễ trèo cho những người trèo núi tài tử, lại có những hướng dẫn viên chuyên nghiệp đưa đi nếu bạn chịu trả tiền trong các tour leo núi. Tuy giá cả hướng dẫn không cao nhưng nghĩ rằng đường sá xa xôi mà chỉ trèo núi thì không bõ công cho một chuyến đi; lại nữa, qua những nước ở Phi Châu cũng khá ớn người vì sợ nạn bắt cóc và khủng bố.  Với Nhật Bản, dẫu sao cũng an toàn hơn dù cách đây không lâu  có ông đạo mù khủng bố bằng hơi độc ở đường xe điện ngầm.

Trong chuyến du lịch để có bài cho mục  Kể Chuyện Đường Xa lần này, tôi chọn Nhật trước bởi Nhật là nước có một nền văn minh lâu đời, một cường quốc Châu Á làm cho người tây phương phải nể phục,  một đất nước mà tôi muốn học hỏi, tìm hiểu bằng cách đến tận nơi quan sát.

Trong 10 ngày ngắn ngủi đó, phần lớn thời gian tôi dành để đi quanh quẩn thủ đô Tokyo; các thành phố ngoại ô;  các thành phố lớn kế cận nằm trong tỉnh Kanawaga như  Yokohama (tiếng Hán Việt gọi là Hoành Tân, thành phố lớn thứ nhì của Nhật sau Tokyo); thành phố cổ Kamakura là nơi du lịch nổi tiếng với tượng Phật bằng đồng cao 13.5 mét và biển rất đẹp, đông người tắm, là địa điểm ngắm núi Phú Sĩ  ở tư thế đẹp nhất;  thành phố Fujisawa nơi linh mục Nguyễn Xuân Tiến gốc Melbourne đang làm phó xứ cho họ đạo người Nhật và một ngày đi thăm  cố đô Kyoto cách Tokyo khoảng 600 cây số nơi tôi đến viếng đền Kiyomizu, một thắng cảnh đã lọt vào danh sách  21 ứng viên của cuộc bình bầu 7 Kỳ Quan Mới của Thế Giới trong tháng 7 vừa qua mà tôi đã có dịp giới thiệu với bạn đọc.

Với một gia đình người Pháp trong lễ Vu Lan ở cố đô Kyoto

Tới Kyoto  ngày 15.8.07  tôi có  gặp một gia đình người Pháp bận toàn kimono trong sân đền To-ji.   Thấy một tu sĩ  đứng trên bục cao giữa sân đang thuyết giảng và trước tiền đình chùa có một dàn nhạc kèn đồng với mấy chục nhạc công chuẩn bị trình diễn cho vài trăm người xem, tôi hỏi mấy người Pháp hôm nay có lễ gì  mà có văn nghệ xôm tụ như vậy thì họ cho biết đấy là Fête des Morts (cái khó khăn là hàng trăm người Nhật tôi gặp, hỏi thăm chẳng nói được chữ tiếng Anh nào, chỉ làm dấu và cười).  Té ra đấy là ngày cao điểm của Tuần Lễ O-bon (còn gọi là Bon hay Urabon) mà cha Nguyễn Xuân Tiến đã nói tương đương với lễ Vu Lan  của Phật giáo (hình như  tiếng Phạn gọi là Vu Lan Bồn). 

Tôi chỉ nhớ khi đến mình Nhật là đúng vào dịp nước Nhật kỷ niệm hay trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima (6.8) và Nagasaki (9.8)  nhưng quên mất rằng nước Nhật chính thức tuyên bố đầu hàng vào ngày 15.8.1945.  Thế thì lễ O-bon lại trùng với ngày kỷ niệm Nhật thua trận. Liệu Thủ tướng Zhinzo Abe có tới Đền Yasukuni (Yasukuni Shrine)  để tưởng nhớ các binh sĩ và tướng lĩnh Nhật đã chết trong  Đệ nhị Thế chiến như vị tiền nhiệm Junichiro Koizumi đã từng làm và gây căng thẳng ngoại giao với Đại Hàn và Trung Cộng không?

Linh thiêng nhưng gây tranh luận: Yasukuni Shrine, nơi cựu Thủ tướng Koisumi thường đến thăm viếng làm Trung Cộng và Đại Hàn tức giận

Động đất và nóng kỷ lục

Trở về  khách sạn đã quá khuya, ngủ được khoảng hai tiếng đồng hồ thì thấy khách sạn rung chuyển. Chúng tôi ở lầu 8, ban đầu chỉ nghe tiếng kêu rắc rắc, đến khi cả cái giường bị tung liên hồi như muốn tung lên thì tôi và nhà tôi cùng thức giấc và nói với nhau hình như  đang xảy ra động đất.  Trước khi qua Nhật, tôi còn nhớ trận động đất lớn gần đây nhất vào năm 1995 tại thành phố Kobe (Thần Hộ) đã làm khoảng 5,500 người thiệt mạng.  Tôi cũng nhớ trận động đất vào tháng 7 vừa qua ở tỉnh Kashiwasaki nơi có nhà máy phát điện chạy bằng nguyên tử gần Tokyo cũng đã làm khoảng chục người thiệt mạng nên cầu mong chuyến đi du lịch này sẽ không có động đất.

Nghĩ  là động đất đang xảy ra nhưng  do đi suốt ngày, quá mệt chúng tôi tiếp tục ngủ bởi tiếng động và sự rung chuyển bắt đầu giảm dần  nên chúng tôi tiếp tục nằm trên giường nhắm mắt ngủ tiếp để sáng mai còn đi tham quan nhiều thắng  cảnh trong thủ như  Đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong Yasukuni. Tôi nhìn đồng hồ lúc đó là 4 giờ 15.

Sáng dậy, tôi thấy chẳng có gì lạ vì tôi nghĩ rằng người Nhật có lẽ đã quá quen thuộc với những trận động đất nhẹ.  Đến tối trở về phòng ngủ, tôi thắc mắc hỏi một cô nhân viên khách sạn thì cô nói có động đất bởi cô nghe nói lại!  Tôi nhờ cô xem tin tức thì cô mở computer và cho biết động đất chỉ ở cường độ 3.2.  Tôi lên phòng mở computer và thấy báo Thanh Niên ở Việt Nam chạy tít động đất ở Nhật với cường độ 5.3  richter mà tâm là Tokyo và các vùng nằm trong bán kính gồm tỉnh Saitama, Kaganawa (nơi có xứ đạo của cha Tiến). Báo Thanh Niên nói có một người bị thương và không có hiện tượng sóng thần nhưng đăng hình thành phố Tokyo với các cao ốc và đặt câu hỏi  liệu những cái tháp như vậy có bị ảnh hưởng không.

Tôi cũng mở xem các trang mạng khác và thấy một vài người đưa lên mạng tin họ đang ở Tokyo và chứng kiến động đất với cường độ 5.3.  Không biết cô nhân viên khách sạn hay báo Thanh Niên nói đúng về cường độ trận động đất hôm đó?  Bởi trận động đất ở Kashiwasaki vào ngày 16.7 vừa qua làm một số người thiệt mạng và thiệt hại tài sản có cường độ là 6.8.

Tuy không có người chết vì động đất trong ngày Thứ Năm 16.8,  các tỉnh lân cận  Tokyo như  Saitama, Gifu đã chịu một ngày nóng kinh khủng với nhiệt độ lên tới 40.9 độ C. Nhật báo Asahi Shimbun đưa tin có 9 người thiệt mạng trong ngày,  phần lớn là người già và một  học sinh 13 tuổi ở Tokyo chết trong khi đang chơi bóng rổ. Thành phóá Tokyo  có kỷ lục nóng nhất trong hơn 70 năm qua với nhiệt độ 40.8 độ C.

Trở về Melbourne vào trưa Thứ Bảy 18.8 vừa qua, đọc báo Herald Sun tôi thấy có tin nguyên trang 9 với hình ảnh và bài do phóng viên Anna Cook Gibson viết từ Tokyo nói về tình trạng  xe điện  và xe lửa ở Tokyo chất đầy người như  cá thu đóng hộp, các nhân viên xe điện và xe lửa đẩy người vào toa xe trong giờ cao điểm để hệ thống công cộng ở đấy được tiếng chạy đúng giờ với hình ảnh xảy ra ở trạm Shinjuku mà ký giả này cho là trạm xe lửa bận rộn nhất thế giới.

Ngày hôm đó tôi cũng sử dụng trạm xe lửa  Shinjuku vì tôi muốn đến xem thành phố được coi là có nhiều cao ốc của cơ quan công  quyền, phố xá tấp nập và nhất là một thành phố nổi tiếng với nhiều đèn néon về đêm.

Tại Nhật, tôi chỉ sử dụng 1 ngày để đi tour theo đoàn.  Các ngày còn lại chúng tôi tự lần mò đường, sử dụng các phương tiện xe lửa và xe điện để đi khắp Tokyo và các thành phố khác.  Nếu bạn không du lịch theo kiểu đi tour trọn gói, bạn nên tìm hiểu nước Nhật trước khi đi. Chuyến  du lịch nhờ thế sẽ thích thú và đỡ tốn thì giờ một cách không cần thiết. Phải mất khoảng 5 ngày chúng tôi mới nắm vững các phương tiện di chuyển ở Tokyo và các thành phố khác, bởi cách ghi tên đường sá ở Nhật hơi khác lạ nếu không muốn nói là khó hiểu.

Thí dụ, địa chỉ khách sạn mà tôi đến ở ghi như sau:
Mercure Hotel Ginza Tokyo
2-9-4 Ginza, Chuo-ku
Tokyo, 104-0061.
Japan.

Chúng tôi tự tìm kiếm phương tiện xe lửa hỏa tốc từ phi trường quốc tế Narita để đến trung tâm thành phố Tokyo (dài khoảng 80 cây số). Từ trạm xe lửa trung ương (Tokyo Station), chúng tôi đi xe lửa thường trong thành phố để về khách sạn. Nhưng trạm chót Yurakucho vẫn còn cách khách sạn khoảng 7 phút đi bộ theo sự chỉ dẫn bằng thư từ của khách sạn. Nhìn các giòng chữ trên các bảng đường, thấy toàn là chữ Nhật, chỉ có chữ  Ginza là viết theo mẫu tự La Tinh. Nhưng làm sao để tìm ra địa chỉ với các con số 2-9-4. Đấy không phải là số 294 mà là ký hiệu của 3 khu vực đường và phố!  Là những người thường  “chịu khó” tự tìm đường khi đến các xứ lạ, nhưng những người Nhật chúng tôi hỏi trên đường phố lúc đó đều không nói được tiếng Anh nên chúng tôi phải chịu thua, đành  kêu taxi để đi một đoạn đường dài chỉ mấy trăm mét! Lúc đó đã gần 11 giờ đêm.

Đấy là kinh nghiệm đầu tiên của chúng tôi khi vừa đặt chân đến Xứ Mặt Trời Mọc.