10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 3: Đi xe lửa từ phi trường tới khách sạn và ấn tượng đầu tiên về nước Nhật

15 Tháng Một, 2008 | Nhật
Cảng Tokyo: tác giả trên tàu đò qua thành phố Aqua City kế cận, được nối liền bởi cây cầu Rainbow Bridge

Tôi đã ghi lại tất cả các chuyến đi đó như một hình thức giải trí nhưng cũng nhắm mang lại thông tin thiết thực cho bạn đọc nào muốn du lịch trong tương lai tới các nước mà tôi có dịp đi qua.  Những thông tin đó có thể là những bài về địa dư, lịch sử, văn hóa và phong tục của người địa phương qua cái nhìn chủ quan của người viết. Ngoài ra, tôi còn kể cho bạn đọc chuyện ăn ở, đi lại, các trò giải trí, những thắng cảnh và thành phố mà chúng tôi có dịp tham quan.

Tôi sẽ không viết theo dạng nhật ký, ghi những chuyến đi theo lịch trình mà viết theo từng chủ đề, cụm đề tài hay theo kiểu “gặp đâu viết đó, thấy gì ghi nấy”.  Về vấn đề tiêu pha, giá cả chúng tôi sẽ dùng đơn vị tiền tệ địa phương (trường hợp này là đồng Yen) hay số tiền tương đương với Úc kim. Tuy nhiên, giá cả chỉ có giá trị trong thời gian chúng tôi đi du lịch, do đó cần xem lại khi bạn  đọc dùng tài liệu này trong vài tháng hoặc vài năm sau.

Chuẩn bị cho một chuyến đi Nhật

Mỗi một người có nhu cầu và hoàn cảnh riêng.  Đi vào mùa đông (Melbourne) như lúc này khác với mùa holiday (Giáng sinh và tết tây) vì dịp nghỉ lễ máy bay có thể sẽ đắt hơn và khó mua hơn (có nghĩa là phải book trước). Có người chỉ cần lên internet, lướt qua ngày tháng và giá cả và chỉ cần mất vài phút là đã có vé để đi. Nhưng mua vé máy bay qua internet có thể gặp trở ngại khi hãng máy bay hủy chuyến đi hay gặp những sự việc bất ngờ trong hành trình thì  không biết ai mà hỏi hay nhờ khiếu nại.  Mua vé máy bay xong, lại cũng phải tìm một đại lý để mua bảo hiểm du lịch nếu mình muốn an tâm trong chuyến đi.

Tác giả trước mặt tiền ga trung ương Tokyo

Gặp những quốc gia đòi hỏi phải có visa mới được vào nước họ (như Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) thì cũng lại phải nhờ đến các đại lý bán vé đã quen đường xá xin chiếu khán lo dùm, bởi thủ tục trong tháng tới nghe nói còn nhiêu khê lăm lắm vì cái vụ “miễn thị thực mà phải xin giấy miễn thị thực” có sự chấp thuận của Bộ Công an nữa đó.

Cho nên, muốn chắc ăn  nhiều lúc bạn phải nhờ đến các đại lý bán vé máy bay chứ không hẳn chỉ thăng lên internet là mọi chuyện đâu vào đó.

Chọn cách du lịch:  Nếu bạn không muốn tốn thì giờ tìm hiểu, bỡ ngỡ hay nhức đầu khi đến xứ lạ, có lẽ nên đi du lịch theo kiểu đi tour theo đoàn, cũng là lối du lịch đi được nhiều nơi (nhiều nước hay nhiều thành phố) dù phần lớn chỉ lướt qua như “cỡi ngựa xem hoa”.

Ngược lại, nếu bạn muốn khi đã đến một quốc gia, muốn đi đâu thì đi, muốn ở lại một chỗ bao lâu cũng được, cách tốt nhất là chỉ nhờ các đại lý du lịch mua vé máy bay mà thôi hay mua vé on-line như tôi thỉnh thoảng làm. Nhưng bạn sẽ không biết mình sẽ tốn thêm bao nhiêu tiền cho các mục như khách sạn, di chuyển bằng phương tiện công cộng hay dùng taxi. Tự túc mà!

Ngân sách:  Vì thế, bạn sẽ hỏi tôi, đi một chuyến như vậy tốn kém bao nhiêu, nhất là ở một nước nổi tiếng vật giá đắt đỏ như Nhật Bản?  Tôi nghĩ nếu bạn du lịch trong lúc này, chi phí cho một cặp vợ chồng trong 2 tuần lễ khoảng từ  bảy đến tám ngàn Úc kim. Tôi muốn nói hai tuần bởi đi 10 ngày đêm như chúng tôi hơi ngắn.

Vé máy bay Qantas và bảo hiểm du lịch khoảng $3,500 đô Úc; khách sạn (ba sao) khoảng $2,500 cho 14 đêm (xin mở ngoặc: bởi tôi có thẻ hội viên của công ty Accor, nên khi ở các khách sạn trong hệ thống Accor thì mỗi năm được miễn phí cho 1 đêm, còn giá cả thì sẽ được bớt 15% hay nhiều hơn nữa so với giá phòng ngủ trên thị trường); ăn uống khoảng $1,500; đi lại và vào cổng tham quan thắng cảnh khoảng $500.

Nhưng nếu bạn chịu khó dè sẻn trong việc ăn uống, ở khách sạn một sao hay phòng trọ dành cho du khách ba-lô, bạn có thể tiết kiệm cả hai ngàn đô la. Đi du lịch chứ đâu phải nghỉ mát mà cần phòng ngủ sang trọng, ăn uống thịnh soạn phải không bạn? Tôi sẽ nói chi tiết các mục tiêu pha sau.

Đổi tiền

Đi chơi là phải mang theo tiền. Tiền mặt hay thẻ tín dụng? Nên có cả hai bởi không hẳn nơi nào, quán nào cũng chấp nhận thẻ tín dụng. Trước khi đi, tôi đọc trên các website thấy có một người từng du lịch Nhật than phiền ông ta đã có lần đưa thẻ tín dụng nhưng máy ở Nhật không chạy, nên ông khuyến khích du khách cần lận trong túi số tiền Nhật tương đương 500 đô để phòng khi hữu sự. Vì thế, khi đến phi trường Sydney, tôi đổi ngay một ngàn đô Úc ra tiền Nhật để phòng thân. Mấy hôm trước, đọc bao hàng ngày thấy tiền Úc trên báo, tùy ngày, đại khái $1 Úc kim đổi ra tiền Nhật như sau:  buys 113, sells 102 và như thế có thể nói đại khái khi qua Nhật, tiêu  100 Yen chỉ bằng 1 Úc kim.

Nên đổi ở Úc:  Nhưng tại quầy đổi tiền ở phi trường, tôi thấy đề We buy 113; We sell 93 (xin quy tròn tiền xu của Nhật thành 1 Yen, bởi trên thực tế tôi chỉ thấy có đồng tiền cắc 1 Yen, nhưng đem 1 Yen bỏ vào máy mua vé xe, máy không nhận, chỉ nhận tiền cắc 10 Yen trở lên.

Thấy quầy đổi tiền chỉ đưa cho tôi khoảng hơn 90,000 Yen sau khi trừ huê hồng, tôi hỏi người đổi tiền tôi đã được hưởng hối suất nào, hối suất We buy hay hối suất We sell. Bà đổi tiền nói việc tôi thắc mắc cũng thường thôi vì khách hàng hay rối trí với bảng hối suất. Bà nói tôi hưởng theo hối suất  We sell, tức hối suất quầy đổi tiền bán cho khách hàng. Sự khác biệt 20 Yen (tức khoảng 20%) là mức lời mà quầy hàng hưởng được trong dịch vụ mua bán ngoại tệ.

Tôi nói với nhà tôi, đáng lý đợi đến Nhật hẳn đổi tiền vì rất có thể ở Nhật họ sẽ mua đồng đô la Úc cao hơn ở Sydney. Nhưng khi tới khách sạn để check-in và nhận chìa khóa phòng, tôi thấy trên bảng đổi tiền chỉ ghi một giá tiền Úc là mua hay bán gì cũng chỉ 82 Yen.  Mặc dù biết rằng đổi tiền ở ngoài ngân hàng hay các cơ sở đổi tiền chuyên nghiệp ở phố sẽ cao hơn khách sạn (kinh nghiệm đổi tiền trong chuyến du lịch Tân Đảo hồi tháng 3 vừa qua), nhưng tôi nói với nhà tôi nếu biết thế thì đổi tiền bên Úc lợi hơn.

Đây là một kinh nghiệm về việc đổi tiền mà sau khoảng mười lần du lịch ở nước ngoài tôi mới chú ý.  Bạn sẽ tiết kiệm từ 10% đến 20% tùy theo biến động của đồng đô-la Úc trên thị trường, nếu bạn đổi tiền ở Úc trước khi ra ngoại quốc. Và ngược lại, nên đem đồng tiền ngoại quốc xài chưa hết đổi tại phi trường Úc khi đã trở về. Tôi đem tiền Nhật về đổi tại phi trường Sydney và hưởng giá 108 Yen $1 Úc kim trong khi ở khách sạn họ chỉ đổi với 80 Yen. Một sự khác biệt quá lớn phải không bạn?

Máy cà thẻ tín dụng ở Nhật:  Lại nói về chuyện xài tiền mặt mà một du khách đã cảnh giác trên internet. Qua Nhật trong 7 ngày đầu, có lúc tôi  xài tiền mặt có lúc xài thẻ tín dụng và không thấy có vấn đề gì.  Đi taxi thì xài tiền mặt cho tiện vì tôi chỉ đi những đoạn đường đắt nhất là bảy tám hay mười hai đô Úc mà thôi. Mua vé đi xe điện hay xe lửa thì dĩ nhiên bằng tiền Yen, nhưng cũng chỉ khoảng vài đô Úc cho một chuyến dù đi lâu gần một tiếng.  Ăn tiệm thì phần lớn các tiệm nhận thẻ tín dụng, nhưng xài tiền mặt nhanh và tránh trả chi phí ngân hàng (nhưng khi về Úc, nhận bản tường trình của ngân hàng, tôi thấy họ tính trung bình $1 Úc khoảng 87 Yen, có nghĩa vẫn cao giá hơn đổi ở khách sạn).

Thành phố Tokyo chụp từ tháp Tokyo Tower: Các mái chùa của đền Zojoji và các cao ốc kế cận. Xa xa là cảng Tokyo với thành phố mới Aqua City

Tuy nhiên, hôm mua vé từ Tokyo để đi thăm cố đô Kyoto trong ngày lễ Vu Lan 15.8.07 dương lịch tại Nhật, tôi đã bị cái máy nhận thẻ credit card hành hạ. Những ngày trước, xem các bảng treo ở các quầy hàng tại trạm trung tâm Tokyo Station thấy ghi có nhận thẻ tín dụng nên tôi đã không đổi lấy tiền mặt, bởi vé khứ hồi cho hai người đi xe lửa siêu tốc (Bullet Train) là 54,800 Yen (tương đương với khoảng 600 Úc kim, nhưng nếu đổi với giá $1 ăn 80 Yen thì giá lại là 685 Úc kim!

Đọc báo thấy các trang nhất nói về nạn kẹt xe hơi, xe lửa và máy bay từ Thứ Sáu 10.8 đến ngày cao điểm 15.8  khi người Nhật đi về quê mừng lễ Vu Lan và trở lại làm việc, tôi đã thức dậy thật sớm, ra phố lúc 6 giờ sáng khi đường còn vắng tanh xe cộ và người. Sắp hàng mua vé cũng nhanh, vì chỉ có hai ba người đợi. Hỏi có vé khứ hồi trong ngày thì đã mừng, lại có vé reserved có ghi số toa và ghế ngồi thì lại thích thú hơn vì vợ chồng có thể ngồi trò chuyện với nhau trên con đường dài 600 cây số.

Nhưng khi đưa đưa thẻ tín dụng, cô bán vé quẹt vài cái rồi nói máy không chạy. Tôi đưa cho cô ta thẻ của nhà tôi. Lại cũng không chạy. Tôi hỏi có cách gì khác không, như có thể cà thẻ ở các quầy khác, nhưng giờ này các quầy khác đuôi xếp hàng cũng bắt đầu dài, ngôn ngữ bất đồng lại càng khó khăn vì cô chỉ nói được vài tiếng Anh. Tôi hỏi cô rằng muốn đổi tiền, đổi ở đâu, cô ta chỉ tay xuống hầm tầng trệt, cũng chỉ là nơi có các thềm ga đón xe lửa mà thôi!

Tôi nói với nhà tôi ra bên ngoài ga để hỏi mấy người lái taxi có nơi đổi tiền nào gần đây không. Tôi cuống lên vì sợ không mua vé sớm ắt sẽ ít có cơ hội đi Kyoto vì chỉ có trọn một ngày mai nữa còn ở Nhật, mà liệu ngày mai còn vé đi xa như thế không. Nhưng các ông taxi chẳng giúp gì được vì chẳng ông nào nói được một chữ tiếng Anh. Bây giờ tôi mới thấy mình ngớ ngẩn vì mới hơn 6 giờ, ngân hàng nào mà làm việc, lại nữa, đi tìm cho ra cái ngân hàng, biết đâu mất cả tiếng hay hơn nữa  như tôi đã từng mất khoảng 3 tiếng đi giữa trời nắng chang chang 33%, 34% để mua cục pin cho máy chụp ảnh trong khi có một tiệm bán máy ảnh và phụ tùng nằm cách khách sạn tôi ở chỉ khoảng vài trăm mét.

Tôi nói với nhà tôi cách tốt nhất là đón xe lửa về khách sạn đổi tiền, vì qua lại chỉ mất khoảng 1 tiếng mà thôi. Về khách sạn, họ chỉ cho đổi tối đa $500 Úc kim mà thôi. Tôi nói với hối suất 80 Yen, tôi cần đổi $700 mới có đủ tiền Yen mua vé đi Kyoto. Họ nói cảm phiền bởi chính sách của khách sạn là mỗi khách hàng chỉ được đổi $500 một lần trong một ngày. Tôi hỏi nếu vợ tôi đổi nữa thì sao, anh ta nói mỗi phòng (room) chỉ đổi được $500. Tôi nói vậy thì cho tôi đổi theo tiêu chuẩn $500 đô Mỹ để có nhiều tiền hơn, anh ta trả lời $500 đô la là $500 đô la, Mỹ cũng như Úc. Dù các nhân viên này thường ngày rất dễ thương và lịch sự khi tôi hỏi thăm đường sá hay mượn một số dụng cụ như  máy biến điện, phích cắm điện, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy hơi bực mình vì phải năn nỉ đổi tiền. Anh ta cứ nói sorry và đề nghị tới ngân hàng sẽ được phép đổi nhiều hơn, nhưng khi tôi hỏi bao giờ ngân hàng mở cửa, anh ta nói 9 giờ.

Lúc này tôi mới sực nhớ rằng người Nhật rất trọng kỷ luật và không còn bực nhân viên khách sạn nữa và xin họ đổi tiền, mặc dầu biết rằng với số tiền như vậy chỉ mua được vé đi.  Còn vé về, tới Kyoto hẳn đổi và chấp nhận nếu hết vé trong ngày, thì phải kiếm phòng trọ ở qua đêm tại Kyoto vậy.

Trở lại ga trung ương khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, tôi đứng xếp hàng ở cái quầy có cô bán vé hồi nãy để hy vọng không phải giải thích lần thứ hai. Nhưng cô ta làm việc chậm như rùa, gặp vài người Nhật đổi các loại vé khác nhau là cô ta không biết cách làm hay giải thích, phải vào bên trong nhờ mấy ông khác ra giúp. Đợi gần nửa tiếng mà thấy cô ta mới giải quyết cho ba người và thấy và các người Nhật đứng phía sau tôi chuyển qua các quầy vé bên cạnh, tôi cũng bỏ quầy của cô ta qua một quầy bên cạnh có cô bán vé khoảng 20 tuổi mang kính cận làm việc cực kỳ nhanh chóng. Đến khi cô này tiếp tôi thì quầy bên kia vẫn chưa giải quyết xong người đứng trước tôi. 

May cho tôi, cô ngày nói tiếng Anh khá. Tôi đưa thẻ tín dụng và không phân bua gì cả, nhưng máy của cô làm việc. Và cô còn giải thích rất rõ ràng cho tôi, từ vé cho đến biên nhận mua vé, chỉ cho tôi cổng đi, cầu tàu đứng đợi và giờ tàu chạy. Cô nói cứ vài phút có một chuyến vì thế tôi phải đi đúng chuyến tàu có giờ và phút ghi trong vé.

Đó là bài học tôi đã đọc trên internet nhưng rồi vẫn vấp phải, đúng vào lúc mình cần tiền mặt nhất! Tôi nghĩ rằng, bạn đọc nên nhớ ở nước Nhật với kỹ thuật cao hàng đầu thế giới, vẫn có những cái máy nó không nhận thẻ tín dụng và mình không biết làm sao để xoay xở, hỏi han.

Lên đường

Sydney là phi trường bận rộn nhất của Úc dù đất không rộng bằng phi trường Tullamarine ở Melbourne. Lý do: Sydney là trung tâm tài chánh của Úc và phi trường ở đấy gần các nước khác hơn là Melbourne nằm dưới đáy. Tôi thấy từ Nhật về Úc, hầu như máy bay phải ghé Sydney trước khi chuyển sang trạm nội địa (domestic terminal) để đổi máy bay về Melbourne.   Nếu bạn may mắn mua được vé Qantas đi thẳng từ Melbourne đến Tokyo, giờ bay là khoảng 10 tiếng rưỡi. Nếu phải ghé qua Sydney, thì phải mất từ 13 đến 15 tiếng mới tới phi trường quốc tế Narita ở thủ đô Nhật Bản.

Không cần quảng cáo cho Qantas, ai cũng biết rằng đi hãng máy bay con Kangaroo là an toàn bậc nhất và việc phục vụ không đến đỗi tệ. Vé ghi bay lúc 9am và đến Tokyo lúc 6.55pm. Nhưng máy bay đã khởi hành trễ một tiếng và do đó tới đích trễ một tiếng, lúc đó là 8 giờ tối. Giờ Tokyo đi trước Melbourne một giờ.

Ra khỏi phi cơ, bạn phải lên xe điện của phi trường để vào khu di trú trình giấy tờ. Khác với ở Úc, tuy đi cả gia đình, nhưng phải trình giấy tờ từng người một. Nhưng nhân viên di trú chỉ liếc qua rất nhanh. Xong, bạn đến quầy hành lý để lấy vali ra khỏi phi trường. Thoải mái và đỡ mất thì giờ hơn ở Úc nhiều, vì không phải kiểm soát hành lý.

Đi xe lửa hay xe đò?  Xem internet và đọc thư của khách sạn Mecure Hotel Ginza Tokyo, tôi biết rằng đường từ phi trường quốc tế Narita đến trung tâm Tokyo rất xa, dài khoảng 80 cây số.  Người ta khuyên nên đi về bằng xe lửa hay xe bus, chứ đừng đi taxi. Một trang web nói rằng ở trong thành phố, đi những đoạn ngắn có thể đi taxi vì tương đối rẻ, nhưng đi xa thì chớ, bởi trang web này hù rằng đi taxi từ phi trường Narita về Tokyo có thể tốn bằng một vé máy bay từ Narita qua Hồng Kông! Các xe lửa và xe bus đều chạy tới Tokyo Station, là trạm xe lửa và xe điện trung ương của thành phố. Đi xe đò Limousine được cái tiện là mua vé ngay trong phi trường, bước ra cửa đón xe, đợi khoảng năm mười phút. Nhưng xe đò Limousine chạy về Tokyo lâu hơn, mất khoảng một tiếng rưỡi.

Một cái vé xe lửa Express

Đi xe lửa đắt hơn chừng mười đô nhưng nhanh hơn. Bạn chớ ra ngoài đường, hãy đi cầu thang xuống dưới hầm bởi các tuyến xe lửa và quầy bán vé nằm ở khu vực basement. Bạn có thể mua vé xe lửa Rapid hay Express của hệ thống JR  (viết tắt của Japan Railways).  Vé Xe lửa Express đắt hơn (3,140 Yen) nhưng xe chạy nhanh hơn và không ngừng ở các trạm nhỏ giữa đường, đi một mạch đến Tokyo Station đúng 1 tiếng đồng hồ, nhưng nếu trễ một chuyến, phải đợi từ nửa tiếng đến 45 phút mới có chuyến khác.

Cái khó của một du khách khi đến nước Nhật là hầu như  người Nhật không nói tiếng Anh. Mua vé ngay phi trường quốc tế, các người bán vé còn không nói được vài chữ tiếng Anh thì nói gì đến các nhân viên an ninh. Sau mươi phút lúng túng, không biết phải chọn phương tiện nào vì đi xe đò Limousine thì phải ngồi cả tiếng rưỡi trên xe sau khi đã mất cả ngày đi máy bay và chờ đợi, chúng tôi quyết định đi xuống tầng hầm để mua vé xe lửa, tập làm quen với chuyến đi đầu tiên ở Nhật bởi người ta nói ở Nhật đi xe lửa là tiện nhất.

Để cô thu ngân viên hiểu chúng tôi muốn mua vé đi Tokyo Station, chúng tôi không những phải làm dấu, mà còn phải lấy thư của khách sạn để cho họ thấy địa chỉ. Cầm cái vé, tôi chẳng hiểu gì hết vì toàn là tiếng Nhật viết theo chiết tự như chữ Hán,  không đọc được ngày và giờ vì họ viết thứ tụ ngày tháng khác Úc (hình như giống Mỹ). Bạn thử tưởng tượng một cái vé toàn chữ Nhật trong đó có vài con số thì mình chẳng hiểu gì cả, chỉ đoán là đây là vé chuyến xe lửa sắp tới.

Chúng tôi vội vàng cầm vé đi qua cổng nhét vào máy kiểm soát vì sợ trễ tàu. Nhưng cửa không mở. Một người đàn ông chạy đến, coi vé, tôi giải thích bằng tiếng Anh, ông ta trả lời bằng tiếng Nhật, và sau đó ông cầm vé bảo cô thu ngân in ra cho cái vé khác vì hình như cô ta đã bán vé lộn cho tôi nên mấy song chặn cửa không mở.

Cầm vé mới, tôi thấy ngoài những con số lung tung 8, 7, 07 (sau này tôi mới biết là ngày 7 tháng 8 năm 07), tôi còn thấy có con số 21.45  nhưng thay vì dấu chấm lại là một chữ Nhật râu ria nằm giữa số 21 và 45. Tôi đoán là 9.45pm. Thật  là hồi hộp, bởi cứ sợ trễ tàu thì vé không còn giá trị, mà vé đâu có rẻ,  khoảng 70 Úc kim cho hai người.

Ấn tượng đầu tiên

Trong khi đứng đợi ở thềm ga (plateform), tôi lại phải hỏi mấy người Nhật đứng đợi xe vì thấy xe lửa tới đậu rồi chạy, thì mình sẽ đi chuyến nào đây? Hai thanh niên Nhật Bản tôi hỏi thật dễ thương, chịu trả lời, giải thích rất tường tận,  nhưng tôi không hiểu  họ muốn nói gì, chỉ hiểu giờ của chuyến xe nhưng không biết đứng ở đoạn nào trên thềm ga (sau  này tôi mới biết vé có ghi cả chỗ đứng đợi riêng cho mỗi toa).

Sau khi lên tàu, ngồi ở toa cuối cùng, bị một nhân viên kiểm soát vé tới hỏi vé và bấm lỗ, ông nói đại ý tôi ngồi không đúng chỗ. Tôi hỏi một thanh niên Nhật ngồi kế cạnh, anh ta chỉ tôi đại khái phải đi chỗ khác. Thấy trong toa còn quá nhiều ghế trống và khăn trải dựa đầu sạch sẻ, tôi nói có phải đây là toa hạng nhất không. Anh ta nói đại khái không phải là toa hạng nhất, và vui vẻ nói được mấy chữ “you wrong”. Anh chỉ vào cái vé giải thích “you wrong” thêm mấy lần nữa, nhưng tôi vẫn chưa hiểu mình sai phạm cái gì đây.

Ngồi định thần một lát tôi đọc lại và mới bắt đầu hiểu tôi đã ngồi sai toa và sai cả ghế.  Thế là chúng tôi kéo vali lên toa số 2 và ngồi đúng chỗ. Trên xe lửa tốc hành Express, tôi thấy có cô bán đồ ăn và thức uống đẩy chiếc xe nhỏ như các tiếp viên trên máy bay. Nhưng có một điều lạ là trước khi bước vào cửa toa, cô ta cúi đầu thật sâu để chào và sau khi đến cửa toa khác, trước khi bước qua, lại quay lại người và gập người cúi đầu cúi chào thật sâu, dù chẳng có ai buồn dòm cô ta. Các nhân viên soát vé nam nữ cũng vậy, đều cúi đầu chào khi bước vào toa mới và rời để đi qua toa khác.

Tôi thấy thủ tục cúi đầu này chỉ xảy trên các xe lửa Express và xe lửa đầu đạn  siêu tốc (Bullet Train). Người Nhật rất tuân thủ kỷ luật nên trong các chuyến đi xe lửa, tôi đều thấy họ như vậy. Nhưng việc cúi đầu chào không xảy ra trên các tuyến xe lửa thường, dù đi trong thành phố hay đi tới các tỉnh kế cận.

Đến ga xe lửa trung ương Toyko Station đúng một tiếng sau, tôi mới thấy mình bắt đầu lạc lõng giữa một rừng người đi lui tới rất vội vàng.  Một tay xách cái vali lớn, tay kia cầm cái thư của khách sạn, tôi hỏi người qua lại ở rất nhiều cầu thang của nhiều tầng dưới hầm ga. Nhiều người có thể họ không nghe tôi nói gì hay tránh phải trả lời cho một người ngoại quốc hoặc bận nên phải đi nhanh để kịp chuyến xe. Tôi hiểu điều đó là bình thường. Nhưng cũng có vài người trả lời họ không biết nói tiếng Anh và vài người lại chỉ giúp bằng tiếng Nhật vì tôi nói với họ tôi muốn đến trạm xe lửa Yurachuco gần khách sạn của tôi.

Tượng Phật bằng đồng cao 13.5 mét nổi tiếng ở thành phố biển Kamakura thuộc tỉnh Kanawaga

Đứng đợi ở thềm ga, thấy một phụ nữ khoảng 30 tuổi khá xinh và trông có vẻ là người có trình độ đang dí mắt vào máy điện thoại, tôi hỏi đây có phải là tuyến đi Yurachoco không thì bà gật đầu. Bà nói được ít tiếng Anh, đủ để tôi hiểu. Tôi hỏi bà tôi đang cầm vé xe lửa Express thì làm sao có vé đi xe lửa trong thành phố và ra khỏi cổng thì bà ta nói sẽ giúp tôi.  Nhưng tôi không hiểu bà sẽ giúp thế nào.

Từ Tokyo Station đến trạm Yurachuco chỉ có một đoạn đường (tôi nghĩ dài khoảng một hai cây số), xe ngừng bà ta cùng xuống xe với tôi và dẫn tôi đến các máy bán vé tự động bỏ cái vé Express lớn gần bằng cái business card để đổi lấy cái vé nhỏ bằng ngón tay cái (sau này tôi biết loại vé nhỏ này dùng cho xe lửa thường để đi trong thành phố và tỉnh lân cận)  đưa cho tôi và chỉ cổng cho tôi để bỏ vé vào máy kiểm soát mà ra khỏi ga xe lửa rồi bà tiếp tục trở về thềm ga cũ để đi tiếp!

Tôi thật không ngờ có người lại tử tế đến thế như bà người Nhật này và chỉ biết cám ơn thật nhiều lần, tiếc là đã không nói được tiếng cám ơn bằng Nhật ngữ để nói lên lòng ngưỡng mộ của mình với một đất nước mà mình sẽ ở lại trong 10 ngày và đêm sắp tới.

Người ta nói rằng ấn tượng đầu tiên thường nằm lại lâu trong trí nhớ. Còn quá nhiều chuyện để nói về con người và đất nước của Xứ Mặt Trời Mọc này, mời bạn đọc theo dõi tiếp vào kỳ sau.