Con người là sinh vật phải sống trên đất mới tồn tại nhưng lại mặn mà với sông nước và thường bị cuốn hút bởi tiếng gọi của biển. Có phải lòng đất là nơi con người “trở về” nhưng đáy biển mới là nơi con người “xuất phát?” Có giả thuyết cho rằng thủy tổ loài người bắt nguồn từ biển nên con người mới cảm thấy có sự gần gũi với biển.
Phải chăng tổ loài người không những có thể là khỉ như người cộng sản tin mà xa hơn, còn có thể là loài cá hay những vi sinh vật dưới đáy biển? Các hành tinh trong thái dương hệ như hỏa tinh không có dấu hiệu có nước nên chưa có thể coi là có mầm sống, vì thế chuyện người hành tinh vẫn là chuyện giả tưởng.
Tiếng gọi của biển
Tôi thích sống ở vùng cao như núi Bạch Mã, Đà Lạt hoặc ở những nơi có nhiều cây cối. Càng nhiều cây càng tốt vì tôi hợp với cây—Mộc sinh Hỏa. Nhưng khi giải trí, du ngoạn hay đi du lịch tới một thành phố khác, tôi luôn tìm cách để đến gần bờ biển, để chỉ ngồi ngắm hay ngâm mình dưới nước. Và nếu có phương tiện, ngắm cảnh trên tàu là một trong những cái thú khi đi du lịch.
Vì thế, ngày thứ hai tại thành phố Tokyo chúng tôi đã tự lần mò đường để ra biển. Từ khu Ginza chúng tôi trọ ra biển không xa, chừng dăm ba cây số. Nhìn bản đồ, thấy biển gần chúng tôi không phải là các bãi biển tắm mà toàn là các bến tàu, vì thế chúng nghĩ thế nào cũng có những chiếc tàu chuyên chở hành khách đi ngắm cảnh.
Chúng tôi mua loại vé để đi xe lửa JR (Japan Railway) mà thôi, giá 730 Yen một người đi cả ngày trong vùng nội thành (1 Úc kim ăn khoảng 80 Yen đến 93 Yen tùy nơi đổi). Nhưng biển chỉ đẹp vào buổi hoàng hôn hay khi mặt trời ló dạng. Thức dậy trễ lại phải nghiên cứu nơi đi thăm thú nên cũng đã gần trưa rồi mà vẫn còn ngồi trong khách sạn. Địa danh của các vùng quanh Tokyo đối với tôi nghe hoàn toàn xa lạ, chẳng có tên nào tôi đã được nghe trước đây. Thôi thì cứ lên xe lửa ngồi ngắm những nơi xe sẽ chạy qua, đến nơi nào đó mà xe không còn chạy nữa thì lại trở về. Mua vé đi cả ngày mà, ngại gì.
Nhưng sau khoảng 30 phút ngồi xe, thấy nhà cửa hai bên đường xe lửa đều giống nhau, chúng tôi không còn muốn kéo dài cảnh ngồi vô định như thế nên quyết định nhảy xuống trạm Akabane, một thành phố nằm ở phía đông bắc Tokyo. Đây là một thành phố “vô danh” không được nhắc tới trong các tập hướng dẫn du lịch dành cho du khách, nhưng phố xá sầm uất chẳng khác gì các khu trong vòng bán kính của trạm xe lửa trung ương: cửa tiệm đầy hàng hóa, nằm san sát và đông khách mua sắm.
Ở Melbourne, khu CBD mà người Việt thường gọi là “xi-tì” khác xa với đường phố Richmond, Hawthorn, South Yarra hay Springvale, nhưng phố xá ở Nhật ở đâu cũng gần giống nhau với các cao ốc che khuất bầu trời như phố xá đường Collins Street ở Melbourne hay Market Street ở Sydney. Tôi nghĩ đường phố ở Tokyo cũng giống Hồng Kông, có nhiều nhà cao tầng và đông người, chỉ khác là đường sá ở Nhật rất sạch mặc dù không có những bảng cảnh cáo phạt kẻ xả rác như ở Singapore.
Chúng tôi ra khỏi trạm xe lửa, đi một đoạn ngắn xem cảnh mua bán, người qua lại. Nhưng cái nắng chói chan và nóng trên 30 độ không còn làm cho chúng tôi hứng thú đi bộ ngoạn cảnh, nên lại trở về ga Akabane đón xe về trạm trung ương Tokyo Station. Từ đây chúng tôi tìm tuyến xe lửa có tên là Yamamoto line để đón xe lửa ra tới ga Hamamasucho, là ga mà chúng tôi thấy nằm gần bến tàu nhất so với khu Ginza chúng tôi trọ.
Từ ga ra bến tàu Hinode Pier khoảng một cây số, là cũng khá xa đối với những người phải đi bộ giữa trời nắng. Nhưng một khi đã thấy biển và ngửi mùi mằn mặn của nước, bao nhiêu mệt nhọc đều tiêu tan theo gió biển.
Cảnh tượng đầu tiên của cảng Tokyo Port là chiếc tàu Symphony Classica đậu bên cầu tàu Hinode. Đây là chiếc tàu nhà hàng loại hiện đại và sang trọng dùng để chở du khách đi ngắm cảnh Vịnh Tokyo trong hai tiếng đồng có ăn trưa (theo lối buffet hay chọn món). Nhìn bề ngoài, chiếc Symphony Classica trông đẹp và lớn hơn chiếc Marine Rouge mà chúng tôi có dịp đi ở thành phố Yokohama hay chiếc Sydney 2000 mà chúng tôi cũng đã có dịp ăn tối ngắm cảng Sydney.
Nhưng lúc này cũng đã khoảng năm giờ chiều, chúng vội mua vé tàu đò khứ hồi qua thành phố nằm phía bên kia biển có tên nghe hấp dẫn là Aqua City. Chỉ còn hai chuyến tàu trở về và ngay cả với chuyến về chót, chúng tôi chỉ được phép ở lại Aqua City một tiếng mà thôi. Có còn hơn không đối với những người đi du lịch không có hướng dẫn viên như chúng tôi. Vé hai chiều là 830 Yen cho một người và tàu phải chạy mất 20 phút, cũng là thời gian đủ lâu để du khách ngắm cảnh vịnh và thành phố Tokyo.
Thành phố cảng Aqua City
Aqua City là thành phố tân lập nằm hoàn toàn trên biển (waterfront city) ở khu Odaiba mới được cải tạo hồi gần đây. Odaiba còn có nghĩa là pháo đài vì thời Edo (tiền thân của Tokyo) khi còn chế độ mạc phủ, Tướng quân Tokugawa đã cho lập pháo đài trên hòn đảo nhỏ Odaiba để chống địch tấn công từ mặt biển.
Đến thập niên 1980, người ta bắt đầu kế hoạch xây một thành phố thật hiện hoàn toàn nằm trên biển để thu hút du khách, phát triển thương mại. Nhưng chỉ đến cuối thập niên 1990 thì công tác xây dựng thành phố mới và hiện đại này mới hoàn tất. Aqua theo tiếng La Tinh có nghĩa là nước (water). Tôi không biết tiếng Nhật họ viết sao, chứ trên các bảng hiệu và trước ngưỡng cửa bến cảng khi tàu đò đáp vào, chữ Aqua City thật to tướng hiện lên trên nóc mặt tiền các cao ốc thương mại của thành phố.
Mỗi thành phố có kiến trúc riêng biệt, mặt tiền của Aqua City từ biển nhìn vào là hai tòa nhà nhiều tầng được nối với nhau bằng những cây cầu thông thương, vắt ngang ở giữa là một tòa nhà tròn như quả địa cầu gắn trên cây cầu cao nhất. Chiều tối, màu sắc của vỏ trái địa cầu khổng lồ này thay đổi như các tháp ăng-ten mà chúng ta thường thấy trên vài cao ốc ở thành phố Melbourne. Đấy chính là đại bản doanh của Fuji Television, một trong những đài truyền hình lớn nhất Nhật Bản phát hình toàn quốc. Từ lầu vọng cảnh Tokyo Tower, bạn có thể thấy quả cầu ở Aqua City.
Tại đây có những công viên nghỉ mát sát bờ biển; tượng Nữ Thần Tự Do (quay lưng ra bến tàu và cầu Rainbow Bridge) cao chừng chục mét được xây lên nhân kỷ niệm “Năm Pháp quốc tại Nhật” được coi là biểu tượng của đảo Obaiba; khu vui chơi cho trẻ con như vòng quay đu ferris wheel cao 115 mét. Nhưng lộng lẫy nhất vẫn là khu thương mại với những tầng lầu mua sắm nằm dọc bờ biển, khu này nối tiếp khu kia bằng những cây cầu lộ thiên.
Aqua City nằm gần phi trường nội địa Hadena nên đứng trên bong tàu giữa Vịnh Tokyo bỗng có cánh chim sắt to lù lù xuất hiện, quần thật thấp trên đầu khiến du khách phải vội vàng nhắm ống kính để chụp một cảnh đẹp bất ngờ trong khi máy bay từ từ khuất sau cách dãy cao ốc trước bờ biển.
Ngoài đi bằng tàu để đến Aqua City, bạn có thể đi xe hơi qua thành phố cảng được nối với đất liền Tokyo bằng cây cầu treo hai tầng Rainbow Bridge dài 918 mét, cao hơn mặt nước 52.4 mét. Đêm xuống, cây cầu vòng này lung linh ánh đèn như cảnh của một đêm Noel. Tôi chẳng đi được bao nhiêu để xem thành phố cảng hiện đại này bởi phải trở về cho kịp chuyến tàu chót 7 giờ rưỡi.
Nhật Bản là nơi Thiên Chúa giáo chỉ chiếm khoảng 3% và đạo Công giáo chiếm khoảng 0.4%, chúng tôi nghĩ tìm nhà thờ ở Tokyo để xem lễ Chủ Nhật coi bộ hơi khó nên dành ngày Chủ Nhật xuống thành phố Fujiwasa để thăm một linh mục thân quen, xem sinh hoạt mục vụ của một linh mục Việt nơi xứ Phù Tang đồng thời tham quan một thành phố ở xa thủ đô.
Cha Nguyễn Xuân Tiến –một linh mục trẻ gốc Melbourne và là anh ruột của cha Nguyễn Xuân Thinh– hiện là linh mục phó của giáo xứ Fujiwasa. Trước đây cha Tiến từng làm việc ở Nhật một thời gian nhưng sau đó được nhà dòng thuyên chuyển qua làm việc ở Mỹ, rồi về phục vụ ở Melbourne trước khi được phái trở lại Nhật vào năm ngoái. Cha Tiến vượt biên qua Úc khi còn là một thanh niên, đi tu làm linh mục dòng, học tiếng Nhật và được phái sang Nhật nơi giáo hội bản xứ đang thiếu linh mục.
Thành phố Fujiwasa nằm về phía tây nam Tokyo, đi xe lửa mất khoảng 50 phút, xa hơn đi thành phố cảng Yokohama (viết trong số báo tuần trước) nhưng cả hai đều thuộc tỉnh Kanawaga. Tôi chọn ngày Chủ Nhật tới thăm cha Tiến nhưng Chủ Nhật là ngày bận bịu nhất của một linh mục, đặc biệt là đối với một linh mục chuyên về truyền giáo như cha Tiến. Cha cho biết cha sẽ bận rộn từ trưa, dạy giáo lý, sinh hoạt với các đoàn thể và chỉ sau thánh lễ 6 giờ chiều mới rảnh, nhưng nếu chúng tôi đến, cha sẽ giới thiệu vài cảnh đẹp trong vùng để tham quan.
Đi Fujiwasa, chúng tôi đón xe lửa như khi đi Yokohama, nghĩa là cũng chọn tuyến đường Tokaido Line, chọn đích đến là Odawara, nhưng đến trạm Fujiwasa thì nhảy xuống. Đường dài gần gấp đôi Yokohama và vé xe lửa JR một chiều là 950 Yen một người. Cha Tiến đề nghị nên đi sớm để có thời gian thăm thú, nhưng chúng tôi không thể dậy sớm vì mỗi đêm ở Nhật ăn uống xong thì cũng đã 12 giờ khuya, và vì đi bộ nhiều trong ngày nên phải ngủ nướng để lấy sức cho ngày sau. Gần 12 giờ trưa chúng mới tôi đến Fujiwasa. Nhà xứ Fujiwasa cách trạm xe lửa vài trăm mét. Cha Tiến (đi bộ) ra ga đón.
Thấy cha bận bịu với công việc mục vụ, chúng tôi xin cáo từ để đi xem thắng cảnh, hẹn gặp cha vào thánh lễ tối và ăn tối với cha sau đó. Cha đưa chúng tôi trở lại ga và chỉ cho chúng tôi mua vé xe monorail để đi xem đảo Enoshima và thành phố cổ Kamakura, nằm trong bán đảo Miura, ba mặt giáp núi, phía nam trông ra Vịnh Sagami. Vé xe trọn một ngày là 580 Yen.
Cha chỉ bản đồ, nói trên tuyến đường này có nhiều trạm ngừng và mỗi trạm đều có những thắng cảnh đẹp nhưng sợ rằng không đủ thời gian để xem nên đề nghị chúng tôi hai thắng cảnh đẹp, đó là bãi biển Enoshima với đền đài Thần Đạo, ngọn hải đăng trên hòn đảo mang cùng tên nằm giữa tuyến đường monorail và thành phố cổ Kamakura ở cuối tuyến đường có tượng Phật bằng đồng nổi tiếng. Từ trạm Fujiwasa đến trạm Kamakura mất khoảng 50 phút đi xe monorail.
Nghe nói Thần đạo (Shinto) ngày trước là quốc giáo của Nhật Bản nhưng trên đường xe lửa tới gần thành phố Fujiwasa, chúng tôi thấy nhiều dấu tích sự hiện diện của Phật giáo như các tượng Phật Thích Ca, Phật Bà Quan Âm bằng thạch cao ở các dốc núi. Xem các tờ quảng cáo du lịch với các đền chùa có kiến trúc cùng một nét “rất Nhật”, tôi thường cảm thấy rối bời, không biết đền nào là đền của Thần đạo, chùa nào là chùa của Phật giáo, bởi trong một số hình, trông có vẻ là đền nhưng lại có tượng Phật. Tôi tự hỏi không biết người Nhật một lúc vừa thờ thần của họ lại vừa thờ Phật chăng. Có sự khác biệt nào giữa Thần đạo và Phật giáo ở Nhật không? Đó là điều tôi sẽ tìm hiểu sau này.
Chúng tôi lên xe monorail (trông chẳng khác gì xe tram ở Melbourne nhưng có nhiều toa như xe lửa) và đến trạm thứ năm là Enoshima thì nhảy xuống. Cha Tiến nói xuống xe thấy du khách đi đâu, mình đi theo nhưng ở trạm này vào thời điểm buổi trưa chỉ có chừng chục người xuống ga, lại tản mác ở các ngã đường khiến tôi chẳng biết đường nào ra biển và lên đồi có ngọn hải đăng. Thôi thì không quẹo phải, quẹo trái vậy, theo kiểu chầm chày may rủi. Chúng tôi thấy một vài người đang đi trên con đường nhỏ này và càng vào sâu, càng thấy có nhiều người hơn. Mừng là mình đã chọn đúng hướng, bằng không, phải đi ngược lại giữa trưa nắng cũng mệt lắm.
Đi thêm vài trăm mét, chúng tôi thấy biển hiện ra trước mắt nhưng phải băng qua con đường lớn chạy quanh bờ biển mới thấy cả biển người đang tắm biển. Bây giờ chúng tôi mới biết đây chính là con đường lớn để du khách tới biển Enoshima bằng xe hơi hay xe bus. Chúng tôi phải dùng đường hẻm vì chúng tôi đi monorail. Tôi đã từng thấy người ta tắm biển St Kilda ở Melbourne, biển Bondi ở Sydney hay Surf Paradise ở Gold Coast, nhưng chưa bao giờ thấy người trên bãi biển Enoshima đông như thế. Phải nói là đông như kiến.
Trời nóng ran, thấy bãi biển, nhà tôi hối tiếc là đã quên mang theo đồ tắm. Nhưng tôi cho rằng tắm đông người như thế không thích, vả lại đang đi tham quan còn nhiều chỗ phải đi xem để còn kịp trở về Fujiwasa dự thánh lễ Chủ Nhật. Thế là chúng tôi không ra bãi biển mà băng qua cây cầu dài khoảng sáu bảy trăm thước để qua hòn đảo nơi trên đồi cao có đền Thần đạo và ngọn hải đăng.
Qua khỏi cầu là khu vực nhà hàng và quán xá hai bên lề đường với những quầy nướng đồ biển như sò nghêu, mực và bắp, mùi tỏa cả khu vực. Đã quá 12 giờ, tôi tâm niệm có thực mới vực được đạo, mới đủ sức trèo lên đồi viếng đền thần. Tôi làm một lúc hai con mực (400 Yen/con), một con sò (700 Yen). Nhìn người ta nướng thấy ngon, nhưng ăn thì quá mặn, may nhờ hai lon bia (300 Yen/lon) mới đẩy hết những thứ đồ biển này vào bụng. Nhà tôi chỉ cần một trái bắp nướng (250 Yen) là đủ. Ăn đứng ăn ngồi kiểu du khách ba-lô cũng vui.
Thấy bên phải các quán ăn lề đường có lối dẫn xuống biển, chúng tôi lần mò tới để mong có cảnh đẹp chụp vài tấm hình vì ở hóc đá này vừa thấy biển lại thấy núi. Nghe tôi nói chuyện với nhà tôi, một thanh niên đứng cạnh hỏi “chú là người Việt Nam à?” và khi tôi đề nghị giúp chúng tôi chụp chung một bức hình, anh ta mau mắn trả lời: “vô tư!”. Tôi nghĩ anh ta là người từ Việt Nam sang.
Anh cho biết qua Nhật du học được sáu bảy năm và hiện đang học cao học và đã có vợ con. Anh giới thiệu người vợ Nhật cùng đi với anh. Người bạn Việt Nam cùng đi với anh cũng là du học sinh, đi với một thiếu nữ Nhật nhưng tôi không biết quan hệ của họ vì anh ta không giới thiệu. Nghe giọng của tôi, anh có vợ Nhật cho biết anh cũng là người cùng miền với tôi.
Anh nói anh đi du học tự túc và có ý định ở lại Nhật. Anh hỏi nghề nghiệp của tôi, nơi tôi sống tại Úc cũng như chỗ hiện tại ở Nhật, tôi đều “vô tư” trả lời, không e dè. Anh rất lấy làm lạ tại sao tôi không quen biết ai ở Nhật mà dám đi du lịch một mình, lại còn lần mò từ Tokyo về tận hòn đảo Enoshima này.
Anh tỏ ra thèm muốn được du học Úc bởi nghe bạn bè nói đi làm nhà hàng, ngoài tiền lương lại còn được tiền “boa” và “mỗi lần khách cho đến 5 đô trong khi ở Nhật khách không cho”.
Tôi hỏi anh ta núi Phú Sĩ nằm ở nơi đâu thì anh ta chỉ về phía trước, ngay trước mắt tôi. Bây giờ tôi mới nhận diện ra đầu một ngọn núi màu xanh lộ ra khỏi đám mây trắng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ngọn núi Phú Sĩ trong thời gian ở Nhật. Không có ý định xem núi Phú Sĩ mà đã thấy (tối kể lại, cha Tiến nói chúng tôi may mắn lắm bởi vì lúc này trời nhiều mây, ít có cơ hội thấy được núi Phú Sĩ từ xa). Hỏi về chuyện leo núi Phú Sĩ, anh nói “cô chú chớ nên đi, mệt và vất vả lắm, chúng cháu thanh niên mà mấy năm trước trèo núi, giữa đường cũng bỏ ngang vì không đủ sức đi”.
Sau khi hai thanh niên đồng hương của tôi đã đi rồi, chúng tôi còn đứng lại ở hốc đá giữa trời và biển để tiếp tục ngắm ngọn núi mà chúng tôi có ý định đi chiêm ngưỡng và trèo. Chóp núi không có tuyết phủ (vì đang mùa hè) và không lộ nguyên hình như thường thấy trong các hình ảnh, bởi trời nắng oi bức và không khí như có một lớp mây đục phủ. Thỉnh thoảng đám mây bay đi để lộ chóp núi mờ mờ, nhưng khi nhìn thấy được các chóp núi bên cạnh, chúng tôi mới ngạc nhiên về độ cao của Phú Sĩ.
Chúng tôi tiếp tục đi trên con đường hẻm lót đá dẫn lên ngọn đồi trước mặt. Dọc hai bên là những quán bán thức ăn và đồ lưu niệm, rất được khách chiếu cố. Cảnh vật giống các con đường ở Lộ Đức hay Vương cung Thánh đường Sacré Coeur ở Montmartre bên Pháp. Tôi thấy phần lớn du khách là người Nhật. Họ vừa đi vừa cầm quạt phe phẩy, trông ngộ nghĩnh vì tôi chưa thấy cảnh này ở Úc hay các nơi khác. Không biết vì trời quá nóng nực hay vì đấy là thói quen và phong tục của người Nhật? Có thể cả hai.
Hòn đảo Enoshima có chu vi khoảng 5 cây số, đồi cao khoảng năm sáu chục mét. Đường lên đồi có nhiều lối như đi vòng. Đi thẳng, khách phải bước khá nhiều bậc cấp. Người Nhật có khuynh hướng không xây đền chùa tập trung một chỗ mà phân tán nhiều nơi trong khuôn viên, hay cứ mỗi lần đi lên cao lại có một cái chùa khác.
Tôi thấy nhiều du khách Nhật mộ đạo và gìn giữ các nghi lễ. Họ thường rửa tay ở các bể nước trước khi vào đền. Trước đền họ đứng nghiêm chỉnh chấp tay, vỗ hai hoặc ba cái rồi mới cúi đầu lạy. Tôi không thấy có hình tượng gì ở phía bên trong đền, từ tiền điện cho đến hậu điện, chỉ thấy những thứ như bài vị hay cây kiếm để trên kệ, bởi họ chỉ thờ thần (Thần đạo) mà nghe nói thần thì có hàng ngàn hàng vạn vị thần khác nhau. Sau đó họ xin xăm (có trả tiền hay không trả tiền), đem xăm đó xếp nhỏ lại và treo ở các hàng rào dây bên cạnh trông như dây các phong pháo tết.
Tôi thấy có những nhà tu tóc cắt ngắn mặc phẩm phục màu và kiểu hơi khác các tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Tôi xin ông chụp hình với nhà tôi và ông thầy vui vẻ đứng chụp.
Trên đỉnh đồi có vườn bách thảo, vé vào cửa tôi không nhớ, đâu đó khoảng từ 100 đến 200 Yen. Ở đây có bán thức ăn nhẹ và giải khác. Chúng tôi lại thỉnh thoảng thấy được đỉnh núi Phú Sĩ mờ mờ khi mây kéo đi trong chốc lát. Nếu bạn muốn lên cao hơn nữa để xem quang cảnh của vùng Enoshima và Kamakura, hãy lên tháp ngọn hải đăng cao hơn 50 mét (giá vé 500 Yen/người).
Chiều viếng chùa, ngắm tượng Phật…
Ngồi nghỉ mát một lát trên tháp ngọn hải đăng, chúng tôi lại phải xuống đồi bởi đã gần 4 giờ, còn phải đón xe lửa đi Kamakura để xem tượng Phật nổi tiếng của Nhật. Từ trưa, bãi biển Enoshima (dài khoảng ba bốn cây số) đã đông nghẹt người nhưng chiều mà vẫn còn du khách tiếp tục kéo đến, không biết để tắm biển hay để qua hòn đảo bên kia vãn cảnh đền chùa.
Bãi biển Enoshima được xem là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất của Nhật. Nhiều người tôi gặp ở các thành phố khác nói họ đến đây để tắm biển, nhưng nước biển hơi đục trông giống như có bùn bởi hậu quả kỹ nghệ hóa của các thành phố kế cận. Cát biển cũng màu nâu sậm nên chúng tôi chẳng thấy hấp dẫn và không còn lấy làm tiếc đã không được tắm biển ở Nhật.
Xe lửa monorail vẫn còn đông khách, phải chen nhau đứng, mỗi khi xe dừng có người xuống lại thêm người lên. Chúng tôi mất khoảng nửa tiếng để tới trạm Kamakura. Đi bộ vài trăm mét thì đến chùa. Như mọi nơi khác, chùa nằm trên khu vực cao hơn chỗ ở của cư dân kế cận, có nhiều cây cối tạo nên sự thơ mộng, trang nghiêm cho nơi thờ phụng.
Kamakura (tiếng Hán Việt gọi là Liêm Thương) cũng được coi là một kinh đô cũ của Nhật thời các mạc phủ còn nắm quyền, thành hình từ thế kỷ 12 bởi Tướng quân Minamoto no Yoritomo. Trong hai ba thế kỷ liên tiếp, Kamakura mới thật là cái nôi chính trị của Nhật Bản với sự ra đời của giai cấp kiếm sĩ samurai. Thời gian này, bởi ảnh hưởng của Trung Hoa, đạo Phật được du nhập vào Kamakura do đó có nhiều chùa chiền được xây cất.
Chúng tôi chỉ có xem xem cái chùa nơi có tượng Phật có tên Daibutsu (Great Buddha). Tượng bằng gỗ được xây vào năm 1238 nhưng bị hư hại bởi sóng gió. Năm 1252 các kiến trúc sư Ono- Goroemon và Tanji- Hisatomo đúc tượng Daibutsa bằng đồng theo mẫu tượng cũ, nhưng đặt trong đền có mái che. Năm 1498, một trận sóng thần đã cuốn trôi ngôi chùa, chỉ còn lại bức tượng đồng nằm trên bệ đá, trơ gan cùng tuế nguyệt cho đến ngày nay. Vào thập niên 1960, có công trình cải tạo nâng cấp cổ tượng cũng như đế tượng để cho tượng được chuyển động tự do, khỏi bị hư hại khi có động đất.
Bức tượng Phật này nổi tiếng thế giới vì lớn và đẹp về mặt nghệ thuật, cao 13.35 mét và nặng 121 tấn. Mắt tượng dài 1 mét và tai của tượng dài 1.90 mét. Phần lớn là người Nhật đến viếng tượng, nhưng cũng có những người Tây phương trong số khách hành hương.
Đi xem chùa chưa được một tiếng đồng hồ, chúng tôi vội vàng lấy xe lửa trở về thành phố Fujiwasa cho kịp thánh lễ 6 giờ.
Nhà thờ là một tòa nhà hình bát giác, trần cao, vách nửa dưới bằng gạch, nửa trên bằng kính, kiến trúc vừa cổ truyền vừa hiện đại, đông tây đề huề, có sức chứa mấy trăm người. Bên cạnh là nhà xứ cao khoảng bốn tầng. Khuôn viên nhà thờ không rộng, có chỗ cho khoảng chục chiếc xe đậu. So với không gian chật hẹp của khu cao tầng của phố kế cạnh, nhà thờ như thế cũng được coi là lớn và rộng ở Nhật.
Nhà thờ Fujiwasa có một cha chánh xứ và ba cha phó. Cha Nguyễn Xuân Tiến là người Việt. Thánh lễ do cha Tiến làm có khoảng sáu bảy chục người dự trong đó có một gia đình Việt Nam. Cha Tiến nói mỗi tháng có một thánh lễ bằng tiếng Việt. Sau này, đọc sách báo tôi mới biết rằng thành phố Fujiwasa là nơi có đông người Việt Nam định cư nhất ở Nhật, và cách đây gần một thập niên các buổi văn nghệ do các ca sĩ ở Mỹ qua trình diễn đều được tổ chức ở Fujiwasa.
Cha Tiến làm lễ và giảng bằng tiếng Nhật. Tín hữu người Nhật dự lễ trông rất sốt sắng, nghiêm trang. Họ không quỳ, đứng từ đầu đến cuối, không biết có phải vì ghế trong nhà thờ là những chiếc ghế đẩu nên không thể quỳ dưới đất. “Chú” giúp lễ là một thiếu nữ Nhật. Họ không bắt tay trong nghi thức chúc bình an mà chỉ cúi đầu. Cha Tiến cho biết số tín hữu Công giáo ở Nhật khoảng bốn trăm ngàn người. Qua việc truyền giáo, cũng có thêm người theo đạo nhưng dân số người có đạo Công giáo có khuynh hướng khựng hay đi xuống vì người Nhật không chịu sinh con.
Sau thánh lễ, chúng tôi bắt chuyện với gia đình người Việt, gồm hai vợ chồng, con cái và bà cụ khoảng tám mươi tuổi. Họ gốc bắc, gồm những người đi tị nạn và đoàn tụ. Họ cho biết ở Nhật có khoảng 10,000 người Việt Nam sống rải rác ở nhiều thành phố. Đời sống ở Nhật đối với họ tương đối cũng dễ chịu nhưng theo họ có thể không bằng người Việt ở Úc, bởi họ cũng có bà con ở Úc. Họ cũng tỏ ra ngạc nhiên là tại sao chúng tôi không có bà con ở Nhật mà qua đây chơi, lại đi từ Tokyo về tận Fujiwasa để xem lễ khiến tôi phải giới thiệu gia đình chúng tôi là sui gia với bên gia đình cha Tiến.
Sau thánh lễ chúng tôi mời cha đi ăn tối và nhờ cha giới thiệu một tiệm ăn Nhật. Từ nhà thờ ra khu phố Fujiwasa không bao xa. Trong khu phố này cũng có quán ăn Việt Nam. Cha đưa chúng tôi lên một nhà hàng tương đối khang trang, đèn đóm sáng sủa hơn so với những nhà hàng chúng tôi ăn tối ở trên Tokyo. Nhưng cũng là một khung cảnh rất Nhật, mỗi bàn nằm trong một ô có tường cách biệt với bàn khác mà tôi thường thấy trong vài nhà hàng ở Tokyo. Cha nói đây là một nhà hàng bình dân nhưng các món ăn cũng khá. Giá trung bình từ 300 Yen đến 600 Yen một đĩa.
Tối hôm ấy chúng tôi hưởng được cái thú ăn mà biết sẽ ăn món gì chứ không phải kêu một đàng, được dọn thức ăn một nẻo đã xảy ra đôi lần do bất đồng ngôn ngữ. Cha Tiến đọc cái thực đơn tiếng Nhật và giải thích cho chúng tôi các món ăn để lựa. Nhà hàng Nhật ở đây nấu theo kiểu Nhật chứ không theo kiểu tạp pí lù hay kiểu Đại Hàn. Chúng tôi ăn từ sushi, các món cá sống cho đến tôm. Theo cha, món sushi ở Nhật ngon hơn sushi ở Melbourne nhờ lối làm cơm của họ cũng như lá dùng để cuốn.
Thế thì phở ở đường Pasteur (cũ) ở Sài Gòn có ngon hơn Phở trên đường Victoria ở Melbourne không? Nhà tôi không nghĩ thế. Tôi thì ba phải, vì không mê sushi như nhà báo Trường Kỳ, tác giả của nhiều bài viết về đệ nhất khoái.
Sau khi dùng bia, cha hỏi tôi có bao giờ uống rượu sake chưa. Tôi chỉ nghe, chứ chưa bao giờ uống. Rượu sake có nồng độ khoảng 14 độ, mùi vị cũng hơi giống rượu đế nhưng nhẹ, ngọt và hơi hăng hăng. Cha cho biết chai cha gọi là loại sake thường. Uống thấy cũng hay hay bởi lạ, chứ tôi thấy không ngon bằng rượu vang trắng của Úc.
Gần 10 giờ đêm, chúng tôi chia tay cha để trở về Tokyo. Qua ngày thứ năm sống trên Xứ Mặt Trời Mọc, chúng tôi đã bắt đầu quen thuộc với việc đi lại, chuyện ăn uống. Một số ga xe lửa đã trở thành nơi quen thuộc, nhưng chúng tôi bắt đầu đếm ngày vì chỉ còn lại năm ngày nửa thôi. Cũng như trong các chuyến du lịch khác, chúng tôi thấy rằng bất cứ nơi nào chúng tôi bắt đầu quen thuộc và yêu mến thì lại sắp phải lìa xa, và có thể không bao giờ trở lại. Mười ngày đêm ngắn quá.
Mời bạn đọc đón xem trong số báo tới.