10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc. Bài 9: Từ Đền tử sĩ Yasukuni (bị TC và Nam Hàn chống) đến Tokyo Tower

27 Tháng Hai, 2008 | Nhật
Trước đền tử sĩ Yasukuni ngày 16.8.2007

Thỉnh thoảng qua tin tức, người ta nói tới Yasukuni Shrine (gọi là đền tử sĩ, đài tưởng niệm hay đài chiến sĩ trận vong Yasukuni) không vì đấy là một “kỳ quan” mà bởi vì sự tranh luận do các nhà lãnh đạo Nhật Bản gây nên mỗi khi họ đến viếng đền này.

Cứ mỗi lần một vị thủ tướng Nhật đến thăm Yasukuni Jinja (Jinja tiếng Nhật có nghĩa là đền thần) trong ngày đầu năm, dịp lễ lạc gì đó hay trong ngày 15 tháng 8, là ngày kỷ niệm Thiên Hoàng Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trong Đệ Nhị Thế Chiến, các nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Cộng và Nam Hàn thường phản đối mạnh mẽ, đôi khi làm cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên căng thẳng.

Bởi vậy, trong chuyến Nhật du tháng 8 vừa rồi, tôi có ý định tới xem Đền Yasukuni là cái chi chi mà các thủ tướng Nhật thường tới viếng để gây sự phản đối từ các quốc gia láng giềng.

Vị quốc vong thân: đã tồn tại 137 năm

Sáng 16.8.07, đọc nhật báo Asahi Shimbun tôi được biết Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày hôm qua (15.8) nhân kỷ niệm lần thứ 62 Nhật  thất trận,  đã không đến viếng Đền Yasukuni như vị tiền nhiệm Junichiro Koizumi.  Và tất cả mọi vị khác trong nội các của ông Abe cũng đã không đến đó, trừ một vị bộ trưởng đặc trách Okinawa và các vùng Bắc Lãnh.

Đồng thời tờ báo này cũng chạy vài xã luận có tựa “Yasukuni Shrine: Nhật Bản rất cần có một đài tưởng niệm mới cho quốc gia” với câu kết luận: “Chúng ta chớ bỏ qua những thay đổi đã xảy ra một cách âm thầm trong mùa hè này. Càng ngày việc thần thánh hóa các lãnh tụ chiến tranh trong Đền Yasukuni càng trở nên không thể chấp nhận được bởi đấy là một biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt thời tiền chiến”.

Tác giả bên cạnh chiếc máy bay Thần Phong ở viện bảo tàng Yushukan

Chúng tôi chỉ còn trọn một ngày đêm thoải mái ở Nhật trước khi phải rời Tokyo vào tối mai nên hoạch định một chương trình đi thăm những nơi có thể đi trong ngày, gồm 3 nơi: Đền tử sĩ Yasukuni, Tòa quốc hội Diet và Tháp Tokyo. Ngoài ra, trên đường đi, gặp gì xem nấy.

Lần đầu tiên ở Tokyo, chúng tôi chọn cách tới Đền Yasukuni bằng đường xe điện ngầm (metro), nhưng tự nhủ rằng đây chỉ là lần đi xe công cộng cuối cùng bởi rất ngại phải dò dẫm đường giữa trời nắng  do kinh nghiệm đi bộ tới Chùa Kiyomizu ở Kyoto ngày hôm trước.

Đến trạm Ichigaya, chúng tôi nhảy ra. Chỉ dẫn trên bản đồ rất rõ ràng, cho thấy từ ga xe điện ngầm đi tới đền tử sĩ là một con đường thẳng, chỉ mất khoảng năm bảy phút đi bộ, nhưng chúng tôi vẫn hỏi người trên đường xem lối đi là đi lên hoặc xuống, bởi vì phải đi ngược lại sẽ mệt lắm. Ngày hôm qua ở Tokyo nhiệt độ lên tới 40.8 độ C, cao nhất trong vòng hơn 70 năm qua. Hôm nay, trời cũng chẳng mát mẻ hơn bao nhiêu.

Và thành quách đã hiện ra trước mặt, nhưng đây là lối đi bên hông với cái cổng nhỏ gọi là South Gate.  Chúng tôi tự nhủ “đường nào cũng đến La Mã” nên cứ vào “cửa hậu” xem và khi trở về thì bằng “cửa trước” cũng chẳng sao. Du khách đâu cần câu nệ.

May thay, đi lối này trở thành đi tắt, đụng ngay Haiden (Main Hall – Bái Điện) với mái đền thường thấy trên tivi hay trong báo chí khi các nhà lãnh đạo Nhật hay du khách tới thăm viếng, bái lạy.

Đền Yasukuni là một tập hợp nhiều kiến trúc nằm trong vùng Kudan, giữa trung tâm thủ đô. Khu đất hình chữ  L được bao bọc bởi tường thành với nhiều cổng nhỏ bên hông, phía trong trồng nhiều cây bách, cây bá hương và cây phong, là một khu vực cây xanh nổi tiếng của thủ đô.

Tác giả trước Cổng Thứ Hai đường vào đền Yasukuni, hậu cảnh là phố xá

Nếu đi vào cửa trước, bạn sẽ gặp Cổng Thần Đạo thứ nhất to cao với các cột bằng thép hình tròn sơn màu xanh lá cây sẫm gần với màu đất, khác với các cổng Thần Đạo thường thấy ở các đền sơn màu cam và cột gác ngang trên cao sơn màu đen.

Cổng này tiếng Nhật gọi là Daiichi Torii (Great Gate), cao 25 mét và rộng 34 mét.

Đây là nơi mà các yếu nhân Nhật Bản đi vào thăm đền. Tiến vào một đoạn nữa sẽ bắt gặp bức tượng dựng trên bục đá cao, đó là tượng của ông Omura Masujiro (1824-1869), người sáng lập Quân Đội hiện đại của Nhật. Bức tượng đúc toàn thân của ông được dựng vào năm 1893 là bức tượng đồng điêu khắc theo kiểu Tây phương đầu tiên ở Nhật.

Sau đó bạn sẽ gặp Cổng Thứ Hai nhỏ hơn, rồi cổng Shinmon (Main Gate) là một kiến trúc hơi giống cổng tam quan làm bằng gỗ cypress (bách) có mái. Tiến lên nữa giữa sẽ gặp một cổng thần trước khi vào sân của Bái Điện (Haiden – Main Hall). Bái điện này được xây vào năm 1901 với mái doi hình chóp lộng lẫy được trùng tu lại vào năm 1988. Hình ảnh tiêu biểu của Đền Yasukuni là cái điện này. Đây là nơi khách thập phương tới để bái lạy và dâng lễ vật (bỏ vào thùng gỗ  trước thềm đền).

Trong khi du khách sắp hàng để đứng trước mặt tiền đền bái lạy, tôi quan sát thấy trên trần đền treo những tấm vải màu trắng có nét chữ, nhưng không hiểu có ý nghĩa gì bởi viết bằng Nhật ngữ.

Chúng tôi thấy sâu bên trong đền qua nhiều gian phòng có các đạo sĩ mặc đồ màu đen và nhiều thanh niên nam nữ mặc đồ thụng màu trắng (như các chú giúp lễ đạo Công Giáo) sắp hàng đứng phía sau. Tôi chẳng biết họ tế lễ ra sao vì không thể đứng lâu trong khu vực này, phải nhường chỗ cho người khác đến lạy hay xem.

Sau Bái Điện là Đền Chính (Honden – Main Shrine) nơi các vị thần (kami) cư ngụ. Đền này được xây vào năm 1972, là nơi hành lễ chính thức của Thần Đạo, công chúng không được vào.

Và sau Đền Chính là Reijibo Hoanden nơi chứa danh sách các vị thần, tức các tử sĩ của Nhật Bản. Danh sách và các tên tuổi của gần 2.5 triệu người được viết trên loại giấy đặc biệt của Nhật Bản, là những người đã chết vì nước Nhật qua 11 trận chiến kể từ thời Minh Trị Thiên Hoàng cho đến thời Đệ Nhị Thế Chiến. Văn thư lưu trữ được cất trong hầm bê tông cốt sắt chống động đất, xây vào năm 1972 với quỹ do Thiên Hoàng Hirohito đài thọ.

11 cuộc chiến: nội chiến và xâm lăng

Vào tháng 6 năm 1869, Minh Trị Thiên Hoàng ra chiếu chỉ xây một ngôi đền tại Kudan để tưởng nhớ những chiến binh đã chết trong trận chiến nội chiến Boshin xảy ra hai năm trước, giữa phe ủng hộ Thiên Hoàng và những người phò Tướng Quân Đức Xuyên (Tokugawa Shogunate), một giòng họ nắm quyền tại Nhật gần ba năm năm qua.  Đây là trận chiến thứ hhất kể từ khi Thiên Hoàng thâu tóm giang sơn về một mối, có thực quyền của một vị vua.

Ban đầu, đền này có tên là Shokonsha. Năm 1879, do ảnh hưởng của văn học cổ điển Trung Hoa, đền này được đổi thành Yasukuni, có nghĩa là “tạo hòa bình cho đất nước”.

Đền tử sĩ làm các nghi thức theo Thần Đạo để an vị kami (thần linh) của tất cả các các chiến binh và thần dân đã hy sinh mạng sống của họ vì Thiên Hoàng, gồm người Nhật  lẫn thần dân các thuộc địa cũ (Triều Tiên và Đài Loan),  trải qua các cuộc chiến từ thời Minh Trị (Meiji) cho đến Chiêu Hòa (Hirohito) mà cuộc chiến sau cùng  là Thế Chiến Thứ Hai.

Biết ơn các loại vật: thờ tượng chó, ngựa, và chim bồ câu đưa thư

Tổng cộng chính xác là có 2,466,532 nhân mạng nam và nữ trong đó có 27,863 người Đài Loan và 21,181 người Triều Tiên đã chết vì Thiên Hoàng Nhật Bản. Chết vì Thiên Hoàng thì được thờ như thần.

Cũng vì vậy mà những người đã chết trong cuộc nội chiến Boshin thuộc phe Mạc Phủ Đức Xuyên (Tokugawa Shogunate) ở tỉnh Aizu và tỉnh Satsuma đã không được ghi tên vào Đền Yasukuni bởi họ bị coi là kẻ thù của Thiên Hoàng, gây sự tức giận từ một số người dân hai tỉnh này.

Trớ trêu thay, vì đền này tự ý ghi tên người ta vào nên có những gia đình người ngoại quốc hay có nguồn gốc đạo Thiên Chúa yêu cầu rút tên thân nhân họ ra khỏi đền tử sĩ nhưng các vị đạo sĩ của đền cho rằng một khi một linh hồn đã được phong thần rồi thì “đã nhập” và do đó không thể tách rời được nữa, có nghĩa đã vào thì không ra được!

Nhưng việc “phong thần” cho các tội phạm chiến tranh trong Đệ Nhị Thế Chiến mới là vấn đề, gây phẫn nộ cho các quốc gia khác cũng như  tạo sự bối rối cho cả chính phủ lẫn hoàng gia Nhật.

Đền Yasukuni được coi là cột trụ tinh thần quốc gia của người Nhật trải dài trên 130 năm nay. Nói như kiểu VC  yêu xã hội chủ nghĩa là yêu nước, thì với người Nhật, yêu Thiên Hoàng là yêu nước. Đây là nơi mà người dân đến để bày tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn kính đối với những người đã chết vì tổ quốc. Nước nào cũng có những đài tử sĩ để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong như người Úc thường hành lễ một cách rất long trọng tại các đài Remenbrance Shrine trong các ngày quốc lễ như Anzac Day.

Nhật Hoàng Hirohito sau khi thất trận và được miễn xét xử bởi Đồng Minh cũng đã đến viếng đền Yasukuni những 8 lần. Lần chót là vào năm 1975.

Nhưng từ đó cho đến khi qua đời vào năm 1989, nhà vua không còn tới viếng, bởi vào năm 1978 vị đạo sĩ của đền đã bí mật ghi tên,  phong thần cho 1,068 tội phạm chiến tranh đã bị kết án trong đó có 14 tội phạm chiến tranh hàng đầu hay còn gọi là tội phạm chiến tranh hạng A.

Ông Tomohiko Tomita, một đại thần trong triều, đã ghi lại trong nhật ký lời tâm tình của Nhật Hoàng Hirohito vào năm 1988 về việc phong thần các tội phạm chiến tranh: “Đó là lý do tại sao từ đó đến nay trẫm không còn đến viếng đền nữa. Trẫm nói từ đáy lòng đấy”.

14 tội phạm chiến tranh hàng đầu đó gồm:

– Hideki Tojo, Itagaki Seishiro, Heitaro Kimura, Kenji Doihora, Iwane Matsui, Akira Muto và Koki Hirota. 7 người này, trong đó có Thủ tướng kiêm bộ trưởng Chiến Tranh Tojo người ra lệnh tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng, đều bị treo cổ.

– Yoshijiro Umezu, Kuniaki Koiso, Kiichiro Hiranuma, Toshio Shiratori: 4 người này bị án tù chung thân.

– Shigenori Togo: án tù 20 năm.

– Osami Nagano và Yosuke Matsuoka: cả hai chết vì bệnh trước khi tòa tuyên án.

Xem di vật chiến tranh

 Mồ hôi nhễ nại và mắt hoa vì nắng chói nên đứng trước bục thềm chẳng thấy rõ bên trong đền, chỉ là những hình ảnh mờ mờ ảo ảo, tôi tính lấy máy ảnh chụp để xem sau, nhưng khi thấy các du khách Nhật  đưa máy ảnh lên bị nhân viên an ninh quát tháo, tôi thấy chẳng cần thiết nữa.

Trong khuôn viên đền tử sĩ này còn nhiều thứ khác nữa như  khu vực nuôi hàng trăm chim bồ câu trắng tượng trưng cho hòa bình, những đài dựng tượng ngựa, tượng chó và tượng chim bồ câu đưa thư với hương hoa lễ vật dâng cúng để làm cho hồn các súc vật siêu thoát do chết ở trên chiến trường khi cùng chiến đấu với các binh sĩ Nhật. Tôi thấy có du khách Nhật đi qua trước tượng chó, ngựa và chim chấp tay lạy hết sức cung kính.

Chúng tôi bước qua một khu khác đối diện các tượng chim, chó, ngựa.  Có tòa nhà gọi là Yasukuni Archives nơi lưu trữ cả một trăm ngàn tập tài liệu ghi trường hợp mà các thần (tử sĩ) trong đền bị chết cũng như lịch sử cận đại của Nhật. Nhưng điều khác làm cho Nhật bị chỉ trích nữa là bảo tàng viện Yushukan, tòa nhà hai tầng nằm bên cạnh văn khố, nơi chứa các di tích và tài liệu tượng trưng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Họ lý luận rằng các nước khác đã không công bình khi đánh giá cuộc chiến vừa qua,  vì người Nhật tham gia Đệ Nhị Thế Chiến với lý do tự vệ!

Tầng dưới, du khách vào xem miễn phí. Tầng trên phải trả tiền vào cửa, 800 Yen mỗi người. Quảng cáo cho thấy tầng trên triển lãm tài liệu hoàng gia Nhật, tiểu sử các kiếm sĩ samurai, các tướng lãnh và tôi nhớ hình như có tên của Trung Tướng Hideki Tojo, người bị Đồng Minh xử  treo cổ vào năm 1948.

Chúng tôi chỉ đi xem triển lãm tầng dưới bởi tò mò với những hình ảnh của máy bay, xe lửa và các loại đại bác Nhật đã dùng trong Đệ Nhị Thế Chiến, nhất là loại máy bay Zerosen (Zero Fighter), tức máy bay Thần Phong của Hải Quân Nhật mà hồi nhỏ tôi đọc truyện hay xem xi-nê, nghe nói đấy loại máy bay Nhật dùng để tấn công thình lình hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng vào sáng Chủ Nhật 7.12.1941 làm khoảng 3,500 binh sĩ Mỹ tử thương và cả hạm đội gần như bị loại khỏi vòng chiến.

Theo tài liệu ở bảo tàng viện, chiếc máy bay Type 0 của hãng Mitsubishi sở dĩ được mang biệt hiệu Thần Phong Zerosen  là bởi trong trận chiến với không quân Trung Hoa, phi đội của Nhật đã hạ hầu hết các máy bay của Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch do Liên Xô chế tạo trong khi Nhật không bị thiệt hại chiếc nào.

Và chúng tôi cũng có dịp xem di tích của một trong những chiếc xe lửa mà Nhật đã dùng tại chiến trường Đông Nam Á như  đầu máy xe lửa Model C56 Locomotive No 31 được đóng vào năm 1936 dùng tại Nhật, nhưng sau đó được chở ra ngoại quốc để khai trương đường xe lửa Thái- Miến Điện, một đường rầy nối liền giữa hai nước do quân đội Nhật cưỡng ép  tù binh chiến tranh làm.

Đầu Model C56 Locomotive No 31 dùng ở đường xe lửa Thái- Miến Điện

Thái Lan còn dùng đầu xe lửa này cho đến năm 1977 mới sa thải, nhưng những người Nhật có liên hệ trong việc xây tuyến đường xe lửa thời chiến đã tìm cách gây quỹ để mua lại, chở về Nhật năm 1979 và sung vào viện bảo tàng Yushukan của Đền Yasukuni.

Hình ảnh đầu xe lửa này gợi cho tôi nhớ lại chiếc xe lửa trong cuốn phim nổi tiếng Bridge On the River Kwai do Alec Guinness, William Holden, Jack Hawkins và Sessue Hayakawa đóng vào năm 1957 mà bây giờ thỉnh thoảng coi lại vẫn thích. Phim này (cốt truyện hoàn toàn giả tưởng) được 7 giải thưởng Oscar.

Bài hát chủ đề cuốn phim này được huýt sáo miệng khi các tù binh sắp hàng đi lao động trên chiếc cầu sông Kwai có thể “quá hay” nên cách đây một phần tư thế kỷ đã được cái nhà ông “chuyên viên” quay video đám cưới của chúng tôi lồng vào trong cuốn video đám cưới chúng tôi thuê ông quay, mở đầu cảnh chúng tôi tiến tới nhà thờ vào một ngày đầu xuân Melbourne bằng điệu nhạc hành quân của cuốn phim, “thơ mộng” chịu hết nổi nên cứ nhớ hoài.

Đi xem đền tử sĩ Yasukuni hoàn toàn do sự hiếu kỳ của một du khách, chứ nói đến quân phiệt Nhật thì không chỉ người Hoa và Triều Tiên căm giận mà người Việt cũng không thể quên được nạn đói Ất Dậu 1945 khi quân đội Nhật bắt dân trồng đay thay lúa khiến cả mấy triệu người Việt Nam bị chết đói. Sau này hình như Nhật có bồi thường chiến tranh bằng cách viện trợ cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa các loại xe nhà binh gọi là xe jeep Nhật?

Từ  Diet đến Kyoto Tower

 Coi để biết  Yasukuni Shrine là cái chi chi mà hay gây tranh luận trên chính trường quốc tế, sau đó chúng tôi đón xe taxi tới Diet Building. Đây không phải là Tòa Nhà Kiêng Cữ Ăn  như cái tên thoạt nghe, mà là nơi mấy tháng trước có những người ăn (hối lộ)  nhiều quá phải tự tử hay từ chức. Đó chính là tòa nhà Quốc Hội của Nhật.

Khoảng cách giữa hai nơi không xa nên tiền taxi chỉ 900 Yen. Chỉ cho bác taxi già địa chỉ bằng cách đọc tên Diet Building, nhưng khổ nổi ông ta không hiểu tiếng Anh. Tìm bức hình tòa nhà thì chẳng thấy có trong bản đồ. Tôi chỉ còn cách đọc tên ông thủ tướng Nhật nhiều lần “Shinzo Abe! Shinzo Abe!” như đọc thần chú nhưng chỉ thấy ông ta cười, chẳng biết ông có hiểu ý tôi ám chỉ không.

Trước cổng tòa quốc hội National Diet Building

National Diet Building (Kokkai-gijido) nằm trong khu Chiyoda, là nơi lưỡng viện quốc hội làm việc; Hạ Viện họp họp ở cánh trái và Thượng Viện ở cánh phải của một tòa nhà xây xong vào năm 1936 nghe nói hoàn toàn bằng vật liệu của Nhật. Tuy nhiên, kiến trúc tòa nhà trông bị ảnh hưởng bởi thời Phục Hưng của Ý.

Một con đường lớn chạy ngang qua tòa nhà quốc hội và một con đường lớn đi thẳng vào mặt tiền, vị trí giống Dinh Độc Lập ở Sài Gòn.  Có 3 cổng lớn cho xe chạy vào, song song với 3 cửa sắt nhỏ bên cạnh cho người đi bộ. Chúng tôi đi ngang qua Diet vào lúc mọi cổng đều đóng và có nhiều nhân viên an ninh và cảnh sát đứng canh gác.

Đứng ngắm chừng vài phút, chụp vài tấm hình, chúng tôi đón taxi tới Tháp Tokyo nằm ở khu Minato, cũng là khu trung tâm phố. Tại Tokyo, chúng tôi thấy đâu cũng là phố, là xi-tì cả, bởi toàn là nhà cao tầng và đông người đi lại.

Dưới chân tháp Tokyo Tower

Ở Nhật có nhiều taxi và đón rất nhanh. Thấy anh taxi trẻ tuổi tóc húi cua, tôi bắt chuyện cho vui nhưng anh ta không nói được tiếng Anh. Làm sao anh biết mà lái tới đây?  Nói “Tokyo Tower!” và chỉ hình cái tháp trong bản đồ. Làm sao sao trả tiền? Thấy số tiền hiện trên máy hay xin họ cái biên lai:  1130 Yen cho cuốc này.

Tokyo Tower là một niềm hãnh diện của thành phố Tokyo, một tháp bằng sắt cao nhất thế giới –333 mét (cao hơn tháp Eiffel 13 mét), xây xong năm 1958  nhưng chỉ là sự bắt chước tháp của người Pháp đã xây cách đây khoảng 120 năm. Bạn phải sắp hàng để mua vé và sắp hàng đợi ở chân ba cái thang thang máy. Do người Nhật đi tham quan tháp cũng đông nên phải mất khoảng nửa tiếng mới có thể lên lầu vọng cảnh chính (Main Observatory), cao 150 mét. 

Bạn phải mua vé đi đoạn này trước, giá 820 Yen một người. Muốn đi lên lầu vọng cảnh đặc biệt cao 250 mét (Special Observatory) thì phải lên tầng 150 mét mới mua tiếp, giá 600 Yen;  mất cả thảy khoảng 16-17 Úc kim.

Tôi đã lên tháp Eiffel nên có sự so sánh ngay: Tokyo Tower không đẹp bằng Eiffel Tower, xét từ bệ cho đến tầng lầu vọng cảnh cao nhất. Lý do có thể tháp Tokyo làm bằng vật liệu nhẹ hơn (tháp Tokyo nặng 4000 tấn trong khi Eiffeil nặng 7000 tấn) do kỹ thuật luyện thép ngày nay tân tiến hơn nên tháp Nhật không có sự vĩ đại, đồ sộ về bề ngang như tháp của Pháp (4 chân tháp Eiffel trụ trên vòng tròn với bề rộng bằng hai cái sân football ghép lại).

Tháp Eiffel tọa lạc trên quảng trường Champs-de-Mars thoáng rộng với những thảm cỏ xanh trải dài tới học viên quân sự và cạnh sông Seine, là địa thế đẹp nhất thủ đô Paris trong khi tháp Tokyo nằm ngay trong khu phố khá chật hẹp, đứng ở dưới trụ bệ chân này không thấy bệ chân kia vì bị các building choáng.

Tháp Eiffel có 3 tầng để khách thưởng ngoạn: tầng một  cao 57 mét và tầng hai cao 115 mét đều có nhà hàng và các tiệm bán đồ lưu niệm. Tầng ba cao 276 mét (cao hơn tháp Tokyo đến 26 mét). Tất cả cả ba tầng đều có ban-công để du khách ra ngoài hóng gió trong khi ở tháp Tokyo, du khách chỉ nhìn cảnh vật qua tường kính.

Một góc thủ đô nhìn từ Tháp Tokyo

Không gian ở trên hai tầng lầu vọng cảnh của tháp Tokyo cũng không rộng bằng tháp Eiffel. Ở tầng 1, có kiosk bán thức ăn và đồ uống và nhà hàng. Ở cả hai tầng, bạn có thể quan sát thành phố Tokyo với tầm nhìn 360 độ. Vào những ngày trời đẹp, người ta có thể thấy cao ốc Landmark Tower (296m, cao ốc cao nhất nước Nhật) của thành phố Yokohama ở phía nam, và chóp núi Phú Sĩ ở phía tây.

Ngày chúng tôi lên tháp Tokyo, trời nắng nhưng đầy mây mù nên chỉ thấy những cao ốc và kiến trúc gần, đặc biệt là Aqua City trên đảo Odaiba và cây cầu Rainbow Bridge mà tôi đã có dịp hầu chuyện với  bạn đọc trước đây.

Sau đó, chúng tôi lên lầu gọi là Special Observatory cao 250 mét. Ở tầng này, thấy cảnh vật dưới đất sâu hơn nhưng cũng chẳng nhìn xa hơn vì trời mây mù. Không gian trên đây chật hẹp, không được như  tầng 3 ở tháp Eiffel nơi chúng tôi đứng chơi và ngắm mà không chán.  Đi vòng quanh chừng 10 phút thì chúng tôi sắp hàng để xuống. Và xuống tầng 1 lại sắp hàng để xuống đất,  mất tất cả chừng  nửa tiếng.

Dưới 4  chân tháp Tokyo với những vòm sắt trông mảnh mai, người ta “nhét” vào một cái building khoảng 5 năm tầng lầu gồm các tiệm buôn, nhà hàng, takeway như McDonald, cửa hàng bách hóa.  Trong khi  dưới chân tháp Eiffel là khoảng sân trống, chỉ nội với những cái vòm cong dưới đế tháp cũng đã chứng tỏ khiếu thẩm mỹ và tài kiến trúc của kỹ sư Gustave Eiffel, người đã xây cái tháp tiêu biểu cho nước Pháp, đáng được chọn vào hàng 7 Kỳ Quan Mới của Thế Giới.

Trên chóp tháp Tokyo là cần ăngten phát sóng cho 24 đài truyền hình. Tháp được sơn màu cam và màu trắng chiếu theo luật lệ hàng không. Có 176 ngọn đèn pha thắp sáng từ chân đến đỉnh tháp, ban đêm tỏa màu cam vào mùa đông và màu trắng vào mùa hè, làm cho du khách và người qua đường thích thú chiêm ngưỡng.

Nhật: xứ đền và chùa

Từ tháp Tokyo, chúng tôi tìm đường ra bất cứ một ga xe lửa hay xe metro gần đó để về nhà. Nhưng trên đường đi, chúng tôi gặp ngôi chùa nằm sát tháp mà đứng trên tháp chúng tôi đã thấy rất rõ với nhiều kiến trúc khoảng gần chục mái nhà và những ngôi mộ.

Thì ra đây là Chùa Zojoji do dòng họ Tướng Quân Đức Xuyên Tokugawa Ieyasu xây vào năm 1598 khi ông ta lập nên mạc phủ ở Edo (tức Tokyo ngày nay). Phía sau chùa là lăng tẩm của dòng họ Đức Xuyên. Chùa này thuộc phái Jodo shu  (Tịnh Độ  Tông) là nơi hàng ngàn tu sĩ và tu sinh học tập và sống dưới thời mạc phủ.

Khi chế độ Tướng Quân Đức Xuyên chấm dứt và do ảnh hưởng Thần Đạo của triều đại Minh Trị Thiên Hoàng, ngôi chùa cũng mất đi ảnh hưởng và sau đó bị hư hại do các cuộc dội bom trong Đệ Nhị Thế Chiến.

Những  đền đài hiện hành mới được xây và tu bổ lại. Ngôi chùa Zojoji đã lấy lại phong độ của ngày xưa, hiện là nơi tu học của phật tử  tứ phương, nhờ vị trí ngay giữa trung tâm thủ đô của chùa, cạnh Tháp Tokyo và các công viên bên cạnh.

Cổng chùa Zojoji là một kiến trúc độc đáo đập vào mắt người đi đường với mái cao 21 mét, rộng 28 mét được xây từ thời mạc phủ Đức Xuyên và sau này được xây lại, giữ nguyên kiến trúc cũ.

Ở ngôi chùa này có rất nhiều tượng của Bồ Tát Địa Tạng nho nhỏ và một tượng Quan Thế Âm rất lớn và rất đẹp.  Tôi thấy có một cây cedar (bách hương) to lớn với bảng đồng ghi là do Tướng Grant, tổng thống thứ 18 của Hiệp Chủng Quốc trồng vào năm 1879 hki ông đến thăm Tokyo, và một cây cedar khác còn nhỏ, cao khoảng 2 mét, có ghi rằng được trồng bởi George H W Bush vào năm 1982 khi ông qua Nhật với tư cách phó tổng thống Mỹ.

Tham quan Chùa Zojoji bên cạnh tháp Tokyo chỉ là một sự tình cờ, nhưng đều này cho thấy xứ Phù Tang tuy là con cháu của Thái Dương Thần Nữ và Thần Đạo trong nhiều thế kỷ là quốc giáo, nhưng Phật Giáo đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong văn hóa và mỹ thuật và kiến trúc của quốc gia này. Bởi vậy, thống kê nói 95% dân số Nhật theo Thần Đạo và 85% theo Phật Giáo,  cũng đúng thôi!

Mời bạn đọc theo dõi kỳ chót của loạt bài Kể Chuyện Đường Xa, nói về đời sống cũng như con người của đất nước này qua kinh nghiệm 10 ngày đêm ở Xứ Mặt Trời Mọc của tác giả.