Đông và tây: Hai nơi du ngoạn gần thành phố Melbourne

08 Tháng Bảy, 2008 | Úc châu

 

Những luống hoa uất kim hương ở Tesselaar Tulip

 

Ở gần thành phố Melbourne có nhiều chỗ cho bạn đi du ngoạn, như bài viết “Vài nơi giải trí cuối tuần tuyệt vời ở tiểu bang Victoria” của Khải Minh vừa được đăng. Người viết xin giới thiệu hai nơi mà người viết đã đến tham quan cách đây vài năm, như là tư liệu về du lịch/du ngoạn dành cho bạn đọc TVTS ONLINE.

 

Trại hoa tulip

 

Trong những năm gần đây, tôi nghe nói nhiều đến nông trại tulip ở gần Dandenong là Tesselaar. Nông trại này mỗi năm thường đăng quảng cáo vài lần trên Tivi Tuần San dịp đầu xuân khi mùa hoa tulip bắt đầu, cụ thể như năm nay (2003) họ quảng cáo hội hoa bắt đầu từ 13.9 đến 12.10, mở cửa mỗi ngày từ 10am đến 5pm.

 

Nông trại nằm ở vùng Silvan (bản đồ Mel 123 B5), cách trung tâm thành phố chừng 35 cây số. Chủ Nhật tuần qua, tôi đưa cả gia đình xuống đó để ngắm trại hoa tulip vì nghe thiên hạ ca tụng khá nhiều. Vé vào cửa là 12 đô cho người lớn. Học sinh 10 đô. Đồi hoa dài có thể tới nửa cây số với những liếp hoa đủ màu. Tôi nghĩ có tới gần mười màu, kể cả những loại hoa có pha màu khác nhau. Nhìn vui mắt và chụp hình rất đẹp.

 

Đây là một nông trại rất lớn được khai thác bởi một gia đình di dân từ Hòa Lan từ thập niên 1940. Đến năm 1954, khi khách bắt đầu đến xem đông, gia đình Tesselaar quyết định chính thức mở cửa cho công chúng xem và Ngày Hội Hoa Tulip đầu tiên khởi sự từ đó đến nay.

 

Dịch vụ kinh doanh này được làm bởi mấy thế hệ khác nhau trong giòng họ Tesselaar, từ những người già, trung niên, thanh niên cho đến các cô cậu thiếu nhi sáu bảy tuổi. Tất cả phái nữ đều vận y phục cổ truyền Hòa Lan với yếm đan và giày gỗ to như chiếc thuyền.

 

Tiết mục văn nghệ khá vui do một bà xồn xồn vừa hát nhạc Hòa Lan vừa hát được nhạc Anh Mỹ với những bản nhạc của các những thập niên thuộc thế hệ tuổi của tôi như Knock Thre Times, Tennessee Waltz và dân ca Úc-Mỹ. Tuy gốc di dân, nhưng bà xồn xồn nói tiếng Anh giọng Úc khá chuẩn nên vừa làm ca sĩ vừa làm hoạt náo viên (MC) khá đạt.

 

Văn nghệ cây nhà lá vườn

 

Đến trại hoa tulip thì chớ quên vào trong một cái vườn ở đó bạn được phép cắt những bông hoa mình thích, từ hoa đã nở đến hoa còn búp. Mỗi hoa 1.2 đô la nhưng nếu cắt 5 cành hoa chỉ trả 5 đô. Nhưng rất tiếc vườn hoa tự hái đó hơi hạn chế về màu. Chúng tôi tìm mất cả mấy phút mà chỉ cắt được những cành hoa có màu đỏ, cam và vàng. Đến khi viết bài này thì những búp hoa mua bằng cách tự hái đó đã nở, khá đẹp: không bỏ công.

 

Nghe nói muốn có rừng hoa tới cả nửa triệu bông hoa cho thiên hạ xem, gia đình Tesselaar đã trồng khoảng 90,000 củ Tulip trước sáu, bảy tháng. Mất khoảng 1,300 giờ công để chôn các củ cây Tulip đó. Số lượng người đến xem khoảng 50,000 người mỗi năm.

 

Trên đường về, chúng tôi chạy xe lên núi Dandenong, qua những khu công viên quốc gia bằng những con đường đèo vắt ngang rặng núi. Đây là lần thứ hai tôi lái xe trong rừng Dandenong. Lần đầu cách đây 20 năm. Buổi chiều trong rừng cây cao thẳng tấp ở Dandenong làm chúng tôi liên tưởng tới những buổi chiều ở rừng Lộ Đức bên Pháp.

 

Werribee một ngày mưa

 

Đọc bài báo nói về những nơi giải trí cuối tuần của Khải Minh trong dịp con cái còn mấy ngày nghỉ học kỳ, tôi liền rủ cả nhà cùng đi thăm một nơi chẳng xa thành phố Melbourne bao nhiêu. Tôi đã đến Werribee một lần cách đây 22 năm.

 

Thời đó, đi Werribee để hái xà lách xon mọc hoang trên lạch. Nghe nói có tòa lâu đài lớn lắm trong khu vực nhưng tất cả bọn tị nạn chân ướt chân ráo chúng tôi chỉ khoái đi mót rau cỏ mà thôi.

 

Sau khi vơ đầy một bao vải lớn, chúng tôi chạy về bãi biển St Kilda, tới chân cầu nổi chạy ra quán ăn ngoài biển (hiện đã bị thần lửa thiêu rụi) mò ốc nghêu bám ở thành cầu, hóc đá đem về nhà luộc và xào với xà lách xon lượm ở Werribee, đánh một chầu bia cho đã đời kẻ tị nạn đói khát vừa mới ở đảo qua.

 

Sau đó mới biết rằng bãi biển St Kilda không được sạch nhưng đã chẳng có ai bị Tào Tháo rượt. Đó là kỷ niệm của Werribee ngày xưa.

 

Bây giờ tôi đến Werribee mang theo một cái “rờ mọc” 5 người, gồm vợ con và nhạc mẫu. Thứ Năm tuần qua là một ngày trời xấu nhất trong tuần, nhưng lại là ngày thuận lợi và rảnh rang đối với nghề làm báo của chúng tôi. Vả lại, đi chơi dưới cơn mưa cũng là một cái thú.

 

Đường từ tòa soạn ở Collingwood đến công viên và sở thú Werribee (Open Range Zoo) khoảng 40 cây. Lái xe rùa như tôi cũng chỉ mất khoảng 50 phút. Vé đi coi thú sống tự nhiên trong công viên (safari tour) bằng xe bus đặc biệt giá 18 đô cho người lớn. Vé cho một gia đình có hai con khoảng 45 đô (vì người ta giữ lại vé nên tôi không nhớ chính xác).

 

Tài xế lái xe kiêm luôn vai thuyết minh. Họ chạy qua từng khu vực nuôi những động vật khác nhau, ngăn cách bởi cánh cửa mà tài xế khi đi qua cổng, mở và đóng bằng remote control (vận chuyển bằng năng lượng mặt trời). Chuyến đi thăm thú bằng xe kéo dài một tiếng đồng hồ. Hôm đó tuy trời mưa, nhưng có nhiều học sinh tiểu học đi xem vì là mùa nghỉ học kỳ.

 

Hươu cao cổ và ngựa vằn ở Werribee

 

Sau đó du khách có thể đi bộ để xem thú vật trên hai con đường mòn, mỗi đường mòn mất chừng nửa tiếng. Theo tôi, đi bộ coi thú rừng thích thú hơn vì có lúc được tiếp cận với thú vật chỉ cách cái hàng rào bằng kính. Chẳng hạn như con báo đứng sát tấm kính dày cách du khách chừng một gang tay mà thôi.

 

Đi trên đường mòn dưới cơn mưa bụi, có dù và nón che dưới trời lạnh 15 độ C cũng là một cái thú. Nhạc mẫu của tôi đã ngoài 80 mà đi bộ xem thú hoang cũng lấy làm thích, không nghe than vãn mỏi chân.

 

Hồi du lịch Singapore cách đây 3 năm, chúng tôi cũng đã đi xem thú hoang trên quãng đường dài đi bộ chừng hai tiếng đồng hồ, nhưng đi về đêm. Lối đi bộ trên các đường mòn (walking trail) xem dã thú hiện đã phổ quát ở nhiều quốc gia. Cũng có mục chèo thuyền trong lạch xem thú có trả tiền (canoe safari) nhưng vì chưa đi nên tôi không biết giá cả.

 

Nghe Khải Minh quảng cáo vườn hoa hồng tiểu bang (State Garden Rose) được vào xem miễn phí, chúng tôi không quên đến nơi để chiêm ngắm, nhưng chỉ thấy một vườn hoa thật lớn với cành và lá, điểm vài búp hoa mở he hé. Chúng tôi đi chưa đúng lúc vì chưa đến mùa hoa hồng nở. Bèn qua biệt thự Mansion Hotel để xem, nhưng cửa đóng. Người gác cửa nói đã hết giờ nhận du khách vào xem vì lúc đó đã là 4 giờ chiều.

 

Giá vé vào xem khách sạn là 12 đô cho người lớn. Có nhiều loại vé khác nhau, gồm cả vé gộp đi xem mọi thứ với giá rẻ hơn, nhưng vấn đề là trong một chuyến đi như thế có xem hết không và xem được bao nhiêu khu vực.

 

Khải Minh nói cũng chẳng sai. Werribee là một trong những nơi giải trí tuyệt vời cuối tuần cho mọi người. Nếu chưa ra ngoại quốc để du lịch, đất nước Úc mênh mông và tiểu bang Victoria vẫn có những chỗ tuyệt vời cho chúng ta tham quan, nghỉ mát, và phần lớn là ít tốn kém – thì giờ cũng như tiền bạc.