Kể chuyện đường xa Tây Úc (3): Bạn cũ gặp nhau

13 Tháng Hai, 2025 | Úc châu
Từ phải qua trái: Nguyễn Đức Khiêm, Nguyễn Tân Hải và Nguyễn Hồng-Anh. Hình: TVTS

(Nguyễn Hồng-Anh, kỳ 3) – Người ta nói rằng, càng lớn tuổi người ta cần có bạn, vì con cháu không còn là người sống gần gũi mình nhiều, không suy nghĩ như mình hay đồng cảm với mình. Và cũng vì thế mà ở Úc hay các nước tây phương giàu có, chính phủ thường trợ cấp (funding) cho các hội cao niên (seniors’ associations). Để chi? Để họ tụ họp chuyện trò, chia vui sẻ buồn, học hỏi, tập thể dục v.v… Người cao niên sống khỏe thì chính phủ đỡ tốn tiền y tế cho họ mà mục này thường rất tốn kém cho công quỹ, bởi vậy một số vị cao niên ở Úc phải công nhận đây là thiên đường, nếu mình là người hưởng trợ cấp người cao niên (age pension không phải là lương hưu như một số người nói sai), thì nếu mua thuốc thang, khám hay chữa bệnh, hay nằm bệnh viện, chỉ trả số tiền rất tượng trưng. Tôi đã nghe một vị thượng tọa cảm thán nói về lòng tốt của chính phủ Úc khi thầy phải chữa bệnh nguy hiểm tốn trên cả trăm ngàn đô la.
Tôi tránh dùng chữ người già, vì tôi bị một bà hàng xóm cùng chung hàng rào người Úc gốc Anh chỉ mới quá bậc thang 80 vài tuổi, sửa lưng khi tôi gọi bà là người già (old person), trả lời “I am not an old person”. Bài học làm tôi cẩn thận khi xưng hô với người Úc và cả với đồng hương.
Số là con tôi khi còn học tiểu học, được thầy cô bảo tới thăm hỏi người cao niên (seniors) như là một hoạt động trong trường như thể dục thể thao, âm nhạc, làm việc thiện nguyện v.v… Bà này ở một mình, tóc bạc phơ nhưng đi lại bình thường dù chân yếu nên có ghép sắt, nhưng bà vẫn lái xe cho đến gần 100 tuổi mới ngưng. Khi tôi xin phép bà cho con gái tôi tới thăm người già (old people) theo chương trình của trường, bà cười bảo tôi là bà không phải old people, old lady. Nhưng bà sẵn sàng đón con gái tôi vào nhà.

Từ trái, Bảo Khanh, Bích Thi và Vũ Hà. Hình: TVTS

Chúng tôi sống cạnh nhau gần 30 năm và luôn luôn chào hỏi nhau khi gặp ngoài đường. Thấy làm việc gì ảnh hưởng đến bà hàng xóm tôi thường nói trước, nên bà khen tôi là một người quá biết điều. Hàng xóm quen gọi tôi là Hồng. Ngày bà 100 tuổi, tôi mang một chai rượu vang quý cất trữ lâu năm tặng bà. Bà chỉ rời nhà vào viện dưỡng lão khoảng một hai năm trước khi qua đời vào tuổi 104 (nhạc mẫu của tôi ở chung với chúng tôi cho đến khi qua đời ở tuổi 102). Trước mặt cửa nhà tôi, một ông giáo sư trường dược 93 tuổi nay vẫn còn sinh hoạt có tính cách thiện nguyện, hàng ngày vẫn làm vườn, kéo thùng rắc vô ra, hễ gặp tôi đi bộ là chào hỏi và thích nói đùa với tôi dù cả hai chưa bao giờ vào nhà nhau. Vợ tôi nói ở khu vực nhà chúng tôi có nhiều người sống thọ. Tôi cũng mong vậy, nhưng phải như hai ông bà hàng xóm này, chứ hàng ngày nằm nhìn trần nhà thì khốn khổ.
Dông dài, để thấy rằng văn hóa của mình khác với Úc. Vẫn còn nhiều người khi quá 70 tuổi thì cho mình đã đạt đến tuổi “thất thập cổ lai hi”. Một số người lớn tuổi vẫn thích gọi nhau bằng cụ. Hay ở Việt Nam hiện nay, vẫn thường thấy báo chí viết một cụ bà 55 tuổi bị xe tông hay một cụ bà 57 tuổi bị cướp. Trên 60 tuổi mà được gọi cụ, nhiều người thích. Thời buổi hiện nay tôi thấy chia buồn một người chỉ vừa trên 60 tuổi qua đời mà gọi là hưởng thọ thì tội nghiệp cho người quá cố và thân nhân.
Nhân tiện, nói với những ai sẽ thuê phòng trọ ở Mountway Holiday Apartments trong tương lai. Rất dễ bị lộn tên đường (vì nghe nhầm hay nói nhầm) hẹn với ai tại nhà trọ này.

Thành phố Perth dọc Sông Swan. Hình: TVTS

Mountway Holiday Apartments ở số 36 Mount Street, West Perth 6005. Anh Hải cho message cho anh bạn Khiêm đúng địa chỉ nhà trọ nhưng có lẽ khi anh Hải nói hay anh Khiêm nghe qua điện thoại mà không chịu nhìn vào message, nên hẹn nhau 7 giờ tối đi ăn, mà phải đến gần 8 giờ mới tới nơi. Lý do, anh Hải nói Mount Street, mà anh Khiêm cứ nghĩ là Mounts Bay Road cũng cách đó chừng hai, ba trăm mét. Điều này chứng tỏ một ai đó trong hai người đã nghe không rõ. Tôi cũng là người thuộc thành phần này, bây giờ đã nghe khó khăn hơn, có lẽ đang thuộc lứa tuổi các “cụ” hoặc do con virus Vũ Hán gây nên? Thôi thì cứ trăm tội đổ cho hoàng đế đỏ Tập Cận Bình!
Vợ chồng anh Khiêm đãi một bữa anh thịnh soạn, nhiều món, dù chúng tôi ngăn can bởi không thể ăn thêm được, đến độ phải mang về nhà trọ… để dành. Tôi chỉ gặp anh Khiêm lần thứ hai nhưng chúng tôi nói chuyện với nhau như đã quen lâu.
Riêng các anh Hải và Khiêm bù khú kể chuyện thời xa xưa, thời còn độc thân, cùng đi Hải quân Nha Trang, cùng ở chung một phòng 2 năm trong quân trường và biết tường tận chuyện tình của anh Khiêm và chị Bảo Khanh nên ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, họ thoải mái chuyện trò mà không cần e dè, khiến buổi ăn tối thêm vui. Nhất là về chuyện đàn bà, vai trò các bà vợ qua những trận cười cho đến khi thấy nhân viên nhà hàng kiên nhẫn đứng đợi chúng tôi ra về.
Tôi nói với mọi người, Hải quân Nha Trang và Võ Bị Đà Lạt là những trường mà các khóa sinh sĩ quan được con gái mê nhất. Muốn vào Hải quân Nha Trang phải có bằng tú tài toàn phần Ban B, tức ban toán chứ ban A, C, D là chịu thua. Còn Võ Bị Đà Lạt, sau này phải học 4 năm tương dương với cử nhân, ra dạo phố mặc quân phục đẹp, cũng thuộc loại đào hoa được các cô gái thích, như các nữ sinh Bùi Thị Xuân hay các nữ sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt của chúng tôi.
Người ta nói người lớn tuổi cần bạn, nhất là bạn thân. Anh Khiêm và anh Hải là những người thành công trong nghề nghiệp. Anh Khiêm ở Perth, là người cùng khóa Đệ Tam Dương Cưu duy nhất với anh Hải. Họ gặp nhau một đêm đầu khi vừa tới Perth và dùng một ngày cuối đi với nhau từ sáng tới tối.

Vợ chồng bạn học cùng lớp, Khóa 6 CTKD Nguyễn Như Hổ (giữa) đưa chúng tôi đi thăm Thành phố Perth trong một ngày. Hình: TVTS

Tôi cũng có người bạn cùng lớp là anh Nguyễn Như Hổ, cùng khóa 6 Trường Chính trị Kinh doanh (1969-1973) Viện Đại học Đà Lạt. Tôi cũng đã tách khỏi đoàn, dùng một ngày cuối để đi chơi với anh Hổ và vợ là chị Nguyên. Họ đưa chúng tôi đến những thắng cảnh đẹp trong thành phố, tới khu người Tàu, nhất là người Việt để biết sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam ở Tây Úc như thế nào.
Đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, nếu có thời gian và cơ hội thuận tiện, tôi đều tìm cách đến thăm thú, quan sát cuộc sống của người Việt tị nạn, xem họ làm ăn ra sao. Với tôi, đi du lịch không chỉ là thăm đền đài, thắng cảnh mà còn để thấy người địa phương sinh sống như thế nào, văn hóa phong cách ra sao.
Hết một ngày đầu ở Perth, với lịch trình là để nghỉ ngơi nhưng hai vợ chồng chúng tôi đi lại không ngơi. Sáng hôm sau phải dậy sớm để đi thăm một thắng cảnh độc đáo của Tây Úc cách Perth hơn hai tiếng đồng hồ, đó là Pinnacles Desert, sa mạc cát vàng có những đỉnh đá vôi cao tới bốn mét.
Hẹn bạn đọc etvts vào số báo tới.
Nguyễn Hồng-Anh
(Trích báo điện tử etvts.com.au phát hành Thứ Tư 5/2/2025)