Kể chuyện đường xa Tây Úc (6): ‘No pain No gain’, tường đá hoa cương dợn sóng Wave Rock

13 Tháng Ba, 2025 | Úc châu
Tác giả bút ký đường xa trước bức tường đá hoa cương lõm vào và dợn sóng. Một kỳ công của thiên nhiên tác tạo sau cả trăm triệu năm. Hình: TVTS  

(Nguyễn Hồng-Anh, kỳ 6) – Ngày thứ tư của chuyến du lịch Tây Úc, theo lịch trình đoàn du lịch sẽ khởi hành đi thăm thị trấn York ở Avon Valley lúc 8am, rồi tới đá hoa cương dợn sóng Wave Rock ở Hyden, sau đó ngắm hoa dại wildflowers và từ 3pm sẽ trở về nhà trọ lúc 7pm.

Trước khi lên đường, tôi lên google xem sơ ba địa điểm này là cái  chi chi. Bạn cũng dư biết rồi, lướt mạng chớp nhoáng sẽ cho mình một chút ý niệm về cảnh vật và khoảng cách. Và thông thường,  hình ảnh trên mạng dù là của  bá tánh hay cơ quan du lịch cung cấp, đôi khi nó không như thực tế khi ta nhìn bằng mắt trần.

Wave Rock: đẹp kỳ diệu

Trong chuyến du lịch theo tour trong 5 ngày ở Tây Úc, hai nơi tôi ưa thích nhất là Pinnacles Desert ở phía bắc Perth dọc bờ biển Indian Ocean và Wave Rock phía đông nam Perth, nằm sâu trong nội địa.

Hai nơi nóng nhất, nắng chói chan nhất, mồ hôi vã ra như tắm có thể xem là cảnh thiên nhiên đẹp nhất với tôi, nhưng lại được ngắm ít nhất. Vì tài xế sợ nóng hay lo  ngại các du khách cao niên không chịu nổi cái nóng, tôi không hỏi ông. Chỉ nghe ông nói, ra hiệu, rồi đoàn du lịch gọi nhau trở về xe để lên đường… hơi “bị”… sớm.

Chúng tôi rời Mountway Holiday Apartments  lúc 8am. Khoảng 10am dừng tại York, một thị trấn ở Avon Valley, được xem là vùng đất của những người tiên phong khai phá Tây Úc và là nơi những kiến trúc của thời Victoria còn tồn tại và bảo quản. Đây cũng là nơi sinh sống của một số Thổ dân. Quảng cáo trên mạng về York cho rằng đây là thị trấn lâu đời nhất ở nội địa tiểu bang Tây Úc nằm trên dòng Sông Avon, cách thành phố Perth ở phía đông 97 cây số.

Người Thổ dân bộ tộc Nyoongar có mặt ở đây hàng ngàn năm. Người Âu châu đầu tiên tới định cư ở York vào năm 1831, hai năm sau khi họ đã định cư ở Perth. Suốt thế kỷ 19, đây là nơi người ta sống bằng nghề chăn nuôi cừu, ngựa, ngũ cốc, gia súc dê lợn. Đây cũng là điểm dừng cuối cùng của đường sắt khi người đi tìm vàng xuống xe lửa để đi bộ tới các mỏ thời kỳ cơn sốt vàng.

Ngày nay, York là thị trấn thu hút du khách với vẻ đẹp thiên nhiên, lịch sử, kiến trúc xưa và các lễ hội.

Thị trấn York xa xôi, nơi có một tiệm Việt Nam  là Nguyen’s Bakery Cafe. Hình: TVTS

Dân số của thị trấn này chỉ khoảng 2,500 người. Giá nhà trung bình khoảng $380,000 nhưng ngạc nhiên thay, dọc dãy phố trên quốc lộ khi xe bus dừng để du khách nghỉ, thăm viếng và ăn uống, tôi thấy một cửa tiệm của người Việt có khá đông khách du lịch và người địa phương lui tới. Đó là tiệm Nguyen’s Bakery Cafe với những thức ăn uống truyền thống Việt Nam nhưng rất thịnh hành và giúp người Việt có cuộc sống khá vững vàng nhờ những món ăn như mì ổ, sandwiches, cơm chiên, chả giò, gỏi cuốn và… cà phê.

Các nhân viên phục vụ trong  tiệm cà phê bánh mì này nói giọng Bắc (không phải giọng Bắc kỳ di cư 54), chứng tỏ lớp di dân sau này chịu khó sống xa thành phố để có cơ hội làm ăn buôn bán, không bị cạnh tranh nhiều như ở các thành phố lớn.

Chúng tôi ngồi ở các bàn bên lề đường hay xem các tiệm bên cạnh. Không ai đi sâu vào bên trong thị trấn để xem những nét đẹp lịch sử của York. Có thể không thích hay sợ trễ giờ làm phiền người đồng hành? Có thể cả hai lý do. Với đoàn chúng tôi, York chỉ là nơi dừng chân giải quyết vệ sinh và giải khát.

Đoàn du khách tiếp tục lên đường. Cảnh vật đến Pinnacles khác Wave Rock. Một bên là quốc lộ (hay hương lộ) chạy dọc bờ biển Indian Ocean. Một bên xe chạy sâu trong nội địa nên thấy cảnh vật màu vàng của đất, cỏ và cây xanh thẫm, là cảnh chính hiệu của đại lục Úc Châu như tôi thấy trong các tranh vẽ triển lãm ở các phòng triển lãm (galleries)  khi mới đến Úc do các giáo viên Anh ngữ dẫn đi xem, tìm hiểu về đất nước mới.

Những đường quốc lộ nhỏ một lằn (lane) dài vô tận. Những cách đồng cỏ mênh mông không thấy chân trời. Những đàn bò, đàn cừu. Những hàng cây dọc đường lộ hay trên những cánh đồng.  Đúng là một đất nước phúc địa.  Cứ mỗi lần đi đến các vùng đồng quê của quê hương thứ hai, tôi không quên nhớ tới Việt Nam (đúng ra là miền Trung và Nam của VNCH vì tôi chỉ đi từ Cà Mâu đến Gio Linh (qua khỏi cầu Hiền Lương sông Bến Hải), sau khi cộng sản chiếm Miền Nam), một dải đất hẹp người đông, một thời người dân bị bắt vào hợp tác xã hay cấm tự tiện trồng trọt để đem bán kiếm sống khiến tôi đã viết ca khúc “Khi em về” (1977) … tôi kể chuyện em nghe, chuyện của tôi đào mương cày đất,  lúa ngô khoai bao là trông đợi, ruộng của tôi, lúa ngô khoai của người”,  vì mang khỏi rẫy liền bị “dân quân 30” tịch thu.

Đồng quê Úc tiêu biểu hai bên đường. Hình: TVTS

Sau nhiều tiếng ngồi trên xe bus mát mẻ, chúng tôi đã đến thị trấn Hyden nơi có tảng đá dợn sóng Wave Rock. Dân số thị trấn này có khoảng 450 người, đa số sống bằng nghề trồng lúa mì, trại chăn nuôi mà cừu là chính. Nhưng cũng là nơi đón tiếp du khách đến ngắm tảng đá đẹp nổi tiếng bị thời gian tác động khiến tảng đá cao 15 mét biến dạng (metamorphic rock) giống như sóng dợn (wave). Wave Rock được đăng bạ là di sản của Thổ dân. Gần tảng/tường đá dợn sóng này có những cái hồ rất đẹp mà du khách phải có nhiều giờ mới có thể đi bộ khám phá và ngắm.  Như Lake Magic có nước thay đổi màu từ xanh lá cây (green/lục) sang màu hồng (pink).

Wave Rock ở thị trấn Hyden là một dạng inselberg, một ngọn đồi đá hoa cương đơn độc trồi lên giữa đồng bằng trên 100 triệu năm, trải dài 2 cây số mà địa điểm chính để ngắm là Wave Rock cao 15 mét dài 100 mét. Mỏm đá hoa cương nhô ra, dợn sóng Wave Rock và Hyden Rock là một phần của Hyden Wildlife Park rộng 160 hếc-ta nơi mỗi năm có khoảng 100,000 du khách đến xem trong đó có 34 người trong đoàn đi tour của chúng tôi.

Xe bus ngừng, chúng tôi đến xem 2 bảng hướng dẫn “From settlement to sturdy community “The Wave, the rock oucrop and the lakes beyond” dưới ánh mặt trời gay gắt, nóng dến 40 độ C, liếc nhanh hình ảnh, không đọc chữ và đi nhanh tới bức tường dợn sóng đang nhô ra trước mắt để chụp hình, càng nhiều càng tốt cho khỏi bõ công, vì lúc này cũng đã khoảng 2pm rồi. Lại còn đi xem hoa dại nổi tiếng cũng đâu đó ở trong vùng Hyden này.

Hầu như mọi người đều ồ lên khi tiếp cận với bức tường đá hoa cương này. Ấn tượng đầu tiên luôn luôn là đẹp đến ngộp thở mà nếu đến xem lại lần thứ hai, sẽ chẳng còn thú vị bao nhiêu, là điều tự nhiên khi ta xem một thắng cảnh, kỳ công thiên nhiên hay do con người làm ra.

Thôi thì nào là chụp ảnh riêng từng người, từng cặp (hay từng đôi, couple, chứ không phải cặp đôi những tiếng Việt thời hậu 1975). Chụp với một hai người quen,  mới quen, hay chỉ biết mặt. Chụp nhóm, chụp toàn thể nhóm và chụp với bác tài xế dễ thương.

Đoạn đầu inselberg của Wave Rock dài 100 mét khi du khách tới gần. Du khách có thể đi hướng trái để lên trên đỉnh. Hình: TVTS

Vì dốc đá dù mặt bằng phẳng nhưng rất khó tiến sát tường đá Wave Rock, rất dễ té đối với người lớn tuổi, nên loay hoay đi lại từ đầu bức tường đến cuối tường để mong chụp được hình tổng thể là hết giờ. Bị gọi hãy trở về xe để tiếp tục lên đường.

Có lẽ tôi là người rời bức tường đá hoa cương này sau cùng, vì tiếc nuối không được đi vòng để lên trên mặt bằng tảng đá này xem có gì lạ không khi thấy có những du khách khác đi vòng để lên phía trên.

Nhà tôi phải hối thúc nhiều lần thì tôi mới rời Wave Rock để đi nhanh dưới trời nắng nóng cho kịp đoàn. Tôi là người tôn trọng thời gian, hẹn hò, nên dù có nán ở lại, thì cũng về đúng lúc như tài xế mong đợi.

Đây là lần đầu tiên đi chung đoàn, ai sao mình vậy. Giá cả du lịch rẻ khoảng $2,500 cho một cặp gồm máy bay, chỗ trọ và xe bus di chuyển có máy lạnh, nhạc hay kể cả nhạc Việt), không mất công nghiên cứu, tìm hiểu. Phải  cám ơn anh Hai.

Đoạn cuối của Wave Rock, từ đây cũng có thể đi lên đỉnh từ góc phải, nhưng dốc hơn. Hình: TVTS

“Wildflowers tùy theo mùa” là hoa chi chi?

Mục cuối cùng được ghi trong lịch trình là  “Wildflowers: Depending on the season”. Bạn đọc sẽ hỏi tôi có hiểu câu tiếng Anh ở trên không? Chắc chắn là hiểu từng chữ sau 44 năm ở nước Úc này và 35 năm du lịch tự túc và nghỉ mát trên 40 quốc gia, không nhờ ai hướng dẫn.

Tại sao tôi lại kể về chuyến đi thăm những cánh đồng hoa dại nhiều màu sắc này. Vì tôi đang lan man kể chuyện đường xa, đấy bạn. Thấy cái gì lạ hoặc tức cười thì kể. Bực tức nên tránh nói hay than phiền.

Trên dường về, có bà đồng hành nhỏ tuổi cứ hỏi tôi wildflowers là gì, chừng nào chúng ta sẽ được đưa đến đó, “anh trai”. Tự nhiên tôi có “em gái”! Mắt kém, hàng ngày tôi đọc nhiều, có lúc mờ cả mắt nên đôi khi cũng lười đọc những cái mình cho là không quan trọng, như cái itinery của chặng đường cuối cùng xem hoa dại trước khi về chỗ trọ.

Những du khách đồng hành có lẽ cũng như tôi, xem mạng thì biết York là thị trấn cổ nhưng cái đích mà mọi người nhắm tới là Wave Rock.

Còn wildflowers trước đây tôi đã nghe những người từng đi Perth nói họ thích những cánh đồng wildflowers ở Tây Úc. Tôi hỏi liệu có đẹp bằng Melbourne không thì có người quen nói đẹp hơn. Tôi cứ tưởng “Melbourne thành phố của tôi” là đẹp nhất như trong ca khúc tôi viết. Vậy thì sẽ có dịp ngắm để so sánh.

Đoàn du lịch chụp hình chung tại Wave Rock  trong ngày thứ tư của chuyến đi Tây Úc. Hình: TVTS

Có bạn đồng hành hỏi tôi wildflowers là hoa gì. Thú thật tôi không rành về cây cối và hoa, nên chỉ nói là hoa dại. Tự điển cũng chỉ nói vậy thôi nhưng hoa dại ở Úc có nhiều màu và thường nở vào cuối đông và đầu xuân, khoảng từ tháng 8 đến tháng 10. Tôi có thói quen đi bộ hằng ngày mỗi buổi sáng cả tiếng đồng hồ trên các đồi cỏ hay dọc bờ sông Yarra, đều quen với chuyện hoa cỏ đẹp như tấm thảm này.

Cũng vì sự “nôn nóng muốn so sánh” đó mà quên rằng tôi đang ở Tây Úc ngay giữa mùa hè (13/1/2025), khi cỏ cũng héo vàng  hay chết thì làm sao có wildflowers? Cho nên dù đã đọc thoáng hướng dẫn trong lịch trình có đoạn: “Wildflowers: Depending on the season, enjoy the breathtaking sight of vibrant wildflower blooms that transform the landscape into a colorful masterpiece”, tôi vẫn trả lời “em gái” hay những bà ngồi bên cạnh trên xe bus là mình sẽ xem hoa dại trên đường về. Cho đến khi xe chạy khoảng nửa đường về nhà, mà chẳng thấy dấu hiệu gì sẽ được xem hoa dại khi đã 5pm, thì tôi mới ngộ ra mình bé cái lầm.

Bản hành trình (itinery) ghi rõ sẽ thưởng thức hoa tùy theo mùa (depending on the season). Chúng tôi đang ở giữa mùa hè nắng cháy da thịt, nhiệt độ trung bình 37 độ C mà đòi xem hoa dại trên những cánh đồng cỏ là có vấn đề!

Nhưng vấn đề ở đây mọi người đều là hướng dẫn viên cho chính mình. Không có tour guide, tài xế chỉ nói sơ sơ tiếng Anh nên cũng khó mà giải thích nếu du khách gặp cái gì cũng hỏi.

30 phút ít quá: Bác tài xe bus hối thúc du khách về xe bus vì còn vài người nán lại. Hình: TVTS

Chẳng có ai than phiền tại sao không dẫn đi xem hoa, vì họ biết rằng trừ ngày tháng, chứ còn địa điểm là người ta đã ghi sẵn (đánh máy sẵn) trong gói chuyến du lịch. Mà thật tình sau khi xem tảng đá hoa cương Wave Rock xong, mọi người chẳng còn ai muốn đi đâu nữa, vì quá mệt  chỉ mong về nhà trên con đường dài khoảng 340 cây số, xe chạy mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Chính tôi cũng muốn về nhà sớm, ở đâu chẳng có hoa đẹp mà xem.

Trong đoàn di tour, có vài ông hay nói hay thích nói, để cùng cười. Có một ông hai ngày đầu cứ ám ảnh với chuyện là sau khi đi xem sa mạc Pinnacles Desert thì sẽ đến ăn ở nhà hàng tôm hùm (Lobsters Shack ở Cervantes) cứ sợ chậm trễ sẽ mất dịp ăn tôm hùm ở nơi xa 4 giờ bay! Nhưng khi một số người cứ hỏi hay nói về việc đi xem hoa dại (wildflowers) thì chẳng ai có ý kiến. Có lẽ các ông chỉ thích ngắm hoa thật?  Nên chuyến trở về, chỉ có mình tôi nhiều lần nói cho “em gái” và các bà ngồi cạnh là e rằng sẽ không được xem đồng cỏ hoa dại vì chỉ còn  khoảng 2 tiếng nữa sẽ đến chỗ trọ, thì còn giờ đâu mà xem hoa.

Đến đây thì tôi mới được ai đó ngồi hàng ghế phía trước nói xe đang trên đường về apartment

Wildflowers, hoa dại nhiều màu sắc? Không, chỉ là cỏ cháy màu vàng khè vì đang giữa mùa hè. Bé cái lầm! Hình: TVTS

Một ngày đi rất xa, xa nhất trong chuyến du lịch, được xem cái đáng xem nhất là Wave Rock, là đủ. Chỉ tiếc được xem khoảng 30 phút cho một chuyến đi dài 11 tiếng.

Các  bạn có biết tại sao? Vì rất nhiều thời gian dành cho việc vệ sinh, vì hầu hết các vị đều tuổi từ 65, 70, 75, 80 trở lên trừ vài bà tuổi từ 55, cái tuổi mà ở Việt Nam báo chí gọi là “cụ bà” khi đưa tin.

Xe phải dừng nhiều lần dọc đường, nơi có quán ăn, nơi có cây xăng, nơi có trang trại mênh mông  và đồng không hiu quạnh. Rồi phải xếp hàng dài nữa.  Thật là thú vị dù không thi vị!  May đây là chuyến du lịch của các vị cao niên.  Làm tôi nhớ lại 7 ngày đêm trên chiếc thuyền dài chỉ 12 mét chở 165 người đủ lứa tuổi và tính phái từ Bến Chương Dương Sài Gòn đến đảo KuKu ở Nam Dương đúng trưa 30.4.1980.

Nhờ vậy tôi có cơ hội trong đời để kể chuyện đường xa… Hẹn bạn đọc trong kỳ chót: Thăm khu người Việt làm ăn sinh sống và một vòng Thành phố Perth.

Nguyễn Hồng-Anh

28/2/2025

(Trích báo điện tử www.etvts.com.au số 2023 phát hành Thứ Tư 5/3/2025)