(Nguyễn Hồng-Anh, kỳ 7, hết) – Ngày cuối ở Thành phố Perth, chúng tôi dậy trễ hơn mọi khi. Đi theo đoàn phải dậy sớm để kịp những chuyến đi lúc 8 hay 9 giờ sáng là trễ nhất. Chúng tôi hẹn với vợ chồng người bạn học cũ khoảng 9.30am sẽ đến apartment để đón chúng tôi. Vợ chồng anh Luật sư Nguyễn Tân Hải cũng vậy, đang chờ vợ chồng anh Nguyễn Đức Khiêm, cựu sĩ quan Hải quân khóa 25, đưa đi thăm Thành phố Perth.
Trong đoàn 34 người, chỉ có vợ chồng tôi và anh Hải là tách ra để đi riêng trong ngày cuối, vì chúng tôi có bạn cùng lớp và lần đầu tiên chúng tôi gặp bạn cũ ở Thành phố Perth. Ngoài gặp bạn cũ, họ là những người có thể đưa chúng tôi đi những nơi chúng tôi muốn trong thành phố Perth này nơi họ đã sống hơn 40 năm.
Bạn học cũ của tôi là anh Nguyễn Như Hổ cùng Khóa 6 Trường Chính trị Kinh Doanh Viện Đại học Đà Lạt. Đây có lẽ là khóa sinh viên ghi danh năm đầu nhiều nhất (năm thứ nhất gọi là lớp Nhập Môn, cách gọi các lớp của trường CTKD) khoảng 1,000 người, gồm những người từ Quảng Trị đến Bạc Liêu lên Đài Lạt để học ngành học mới nhất ở Miền Nam. Số sinh viên khóa 6 tốt nghiệp năm 1973 sau 4 năm học khoảng 330 người, đa số có việc làm tốt, đúng với môn học của mình. Tôi làm cho công ty kiểm toán SGV-Thuan của ngoại quốc còn Nguyễn Như Hổ làm cho công ty Viễn Thông ở Sài Gòn. Chúng tôi gặp lại nhau ở hải ngoại tại Đại hội Thụ Nhân Thế giới ở Melbourne năm 2010.
Hổ và vợ là chị Nguyên hỏi chúng tôi muốn đi đâu, tôi nói đi đâu cũng được, nhưng nơi tôi muốn đến thăm và xem là khu người Việt sinh sống và làm ăn. Anh nói người Việt ở đây rất ít, khoảng mười mấy ngàn người và sống rải rác không tập trung như ở Melbourne.
Thủ hiến Mark McGowan và Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng (người thứ 2 và thứ 5 từ bên trái) trên khu đất được tặng để xây Trung tâm Văn hóa Việt. Hình: Cộng đồng Người Việt Tự do Tây Úc cung cấp, via SBS Tiếng Việt
Tôi chỉ cần xem vài con đường, quán xá người Việt, ăn tô phở hay bún bò, ghé thăm văn phòng Cộng đồng Người Việt Tự do Tây Úc do Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng làm chủ tịch mà tôi đã có một lần gặp ông tại Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng NVTD-Vic ở Sunshine North cách đây chừng hai năm.
Và một nơi khác nữa là một nhà thờ nơi có nhiều giáo dân Việt nhất, luôn tiện ghe thăm linh mục Phạm Quang Hồng nổi tiếng giảng đạo trên YouTube với lối nói chuyện khôi hài và duyên dáng của ông.
Vợ chồng anh Hổ không phải là người Công giáo nên không biết nhiều về các cha, các nhà thờ. Tôi nói anh đưa chúng tôi đến nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (Redemptorist Monastery Church, số 190 Vincent Street, North Perth) để xem sinh hoạt của người Công giáo VN tại đây ra sao vì nghe nói cha Hồng làm lễ ở đây (như tôi thấy trên mạng). Nhưng lúc này nhà thờ chẳng có mấy ai. Vài người đứng ngoài và một số ít ở trong nhà thờ. Không thấy có người Việt Nam để hỏi thăm.
Tôi biết đi thăm hay gặp ai mà không báo trước là điều kỵ, nhưng luôn tiện đi Perth, gặp, nói chuyện giữa người làm truyền thông thì cũng sẽ không bị câu nệ.
Biết rằng các cha ở nhà xứ tại số 58 Lodesworth St, Westminster do một người bạn ở Melbourne gởi SMS cho, tôi gọi điện thoại, nhưng cô thư ký nhà xứ nói cha Hồng đi ra ngoài, trưa mới về. Tôi dự trù sẽ gặp cha sau đó, nhưng rồi không có dịp vì còn những chỗ khác cần thăm viếng và xem ra bất tiện khi trở lại chỗ cũ mà không chắc cha ở nhà không. Không hẹn trước là vậy.
Văn phòng Cộng đồng NVTD Tây Úc đóng cửa trong ngày Thứ Ba. Hình: TVTS
Rồi thêm một người không hẹn mà muốn gặp. Tôi nhờ Hổ gọi điện thoại gặp Bác sĩ Dũng, một người bà con với vợ của Hổ nhưng Bác sĩ Dũng đang ở ngoại quốc. Bác sĩ Dũng nói tôi gọi điện thoại cho ông. Tôi nói với Hổ gặp để nói chuyện và chụp hình thì mới hứng thú để viết, chứ muốn hỏi chuyện cộng đồng ở Perth, ngồi tại Melbourne cũng làm được.
Thế nên tôi nói anh bạn chở tôi đến văn phòng Cộng đồng NVTD Tây Úc, dù không gặp ông chủ tịch Cộng đồng thì cũng thăm hỏi vài câu với nhân viên và chụp hình xem văn phòng Cộng đồng ở đây như thế nào vì tôi nghe Bác sĩ Dũng nói Chính phủ Tây Úc đã cho Cộng đồng miếng đất rất lớn để xây dựng trung tâm Cộng đồng.
Theo báo chí cho biết chính phủ của cựu Thủ tướng Mark McGowan đã cấp cho Cộng đồng miếng đất rộng 13,000 mét vuông để xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam. Miếng đất trị giá khoảng $4 triệu đô nhưng chỉ trả $1 đô tượng trưng nhờ sự vận động của Bác sĩ Dũng.
Ngoài ra, để xây dựng trung tâm, chính phủ tiểu bang cấp $1.8 triệu; liên bang cho $1.50 triệu; Bộ Nội vụ cho $100,000 đô để làm cổng tam quan; chính phủ của cựu Thủ tướng Scott Morrison cho $750,000 để sửa chữa văn phòng Cộng đồng v.v…
Nhân tiện nói về Trung tâm Văn hóa VN ở Tây Úc, xin mở ngoặc: Cộng đồng NVTD-Victoria đang vận động để xin funding xây một trung tâm như Cộng đồng NVTD Tây Úc đang làm.
Thật là vô lý khi một cộng đồng có khoảng 120,000 người mà cái trung tâm sinh hoạt (gồm cả Đền thờ Quốc Tổ) nằm ở trong khu kỹ nghệ, công xưởng, xuống cấp trong khi số tiền khoảng $17 triệu đô la mà Cộng đồng xin để xây “Trung tâm Sinh hoạt Văn hóa và Bảo tàng” lại bị chuyển qua cho Công ty Viện Bảo tàng Việt Nam có tên tiếng Anh là “Vietnamese Museum Australia”, có nghĩa VIỆN BẢO TÀNG VIỆT NAM TẠI ÚC, một cái tên rất mơ hồ, vì Việt Nam ở đây là Việt Nam nào?
Tại sao không là Vietnamese Refugees’ Museum (in Australia) hay Vietnamese Boat People Museum để đánh dấu 50 năm chạy thoát khỏi cộng sản của người Việt tị nạn? “Danh chính ngôn thuận“, thời gian sẽ trả lời!
Sự việc này đang gây ra sự chia rẽ và xung đột hiện nay trong Cộng đồng, giữa những lãnh đạo Ban Chấp hành cũ và Ban Chấp hành hiện nay, cũng như giữa những lãnh đạo cũ trong Ban Chấp hành hiện nay đã tách ra vì không đồng ý cách thức tiến hành kiện Công ty Viện Bảo tàng đề đòi lại số tiền bị chuyển cho Công ty Viện Bảo tàng (BCH đã ngưng việc tiến hành kiện).
Người ta nói rằng, chính giấc mơ viện bảo tàng đã tạo một Cộng đồng từng gắn kết với nhau trở thành 3 phe chống nhau, không biết bao giờ mới ngưng (cứ lên mạng thì biết).
Một cuộc thăm dò của Cộng đồng khi bắt đầu dự án cách đây nhiều năm cho biết ít người Việt Nam đi thăm các viện bảo tàng. Đó là một thực tế.
Chúng ta cần một trung tâm văn hóa và sinh hoạt hơn là một “Viện Bảo tàng tầm vóc quốc tế” mà không biết bao giờ mới xong. Cựu Thủ hiến Daniel Andrews đã từ chức nên không còn phải ngóng cổ chờ đến ngày khai trương (show case) Viện Bảo tàng vào năm 2025 như ông nói trên chương trình truyền hình trực tuyến của TiVi Tuần-san năm 2022! Nếu cựu thủ hiến có đến dự, thì may ra thấy được viên đá “khai trương” mà thôi!
Anh Bảy trên đường William St có nhiều cửa tiệm người Hoa là đường sát trung tâm phố, chỉ về phía căn nhà của anh nói mua chỉ $400,000 thôi. Hình: TVTS
Như anh bạn Hổ cho biết, miếng đất chính phủ Tây Úc cho Cộng đồng NVTD Tây Úc nằm khá xa trung tâm thành phố và chưa xây cất nên tôi đã không nhờ anh chở đi xem.
Chúng tôi đến văn phòng Cộng đồng ở số 151 Brisbane Street, Perth. Đã không được gặp ông chủ tịch vì ông đang ở ngoại quốc, đến văn phòng Cộng đồng vào ngày Thứ Ba, đúng ngày văn phòng không làm việc, đóng cửa. Thế là không có chuyện Cộng đồng để kể cho bạn đọc trong chuyến đi này.
Thế là hai người tôi muốn gặp để kể chuyện dài đường xa đã không gặp được. Tôi đề nghị anh bạn Hổ đưa đi xem vài tiệm buôn, nhà hàng. Anh bạn nói ở đây tiệm lưa thưa lắm, nhưng tôi thấy cũng có vài tiệm Việt hay Tàu Việt trong khu này.
Dòng Sông Swan ở Point Walter Reserve có cồn cát (sandbar), nơi du khách có thể đi bộ ra giữa sông khi nước triều xuống. Hình: TVTS
Cùng đường với văn phòng Cộng đồng có hủ tiếu Trà Vinh và Siêu thị Lucky Import & Export Co của vợ chồng người Việt gốc Hoa mở cửa 7 ngày. Chúng tôi đứng nói chuyện dăm mười phút với bà chủ siêu thị nhỏ này. Bà làm chủ tiệm này hơn 40 năm và nay tuy đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn tiếp tục buôn bán vì đã quen làm, không muốn nghỉ. Bà nói chuyện vui vẻ và thân mật dù chúng tôi chỉ là khách phương xa, ghé xem đồng hương buôn bán chứ không mua hàng.
Chúng tôi ra khu buôn bán sầm uất hơn trên đường William Street cách đó chừng 100 mét. Tôi thấy có tiệm Phở Thành Đạt, Okay Restaurant khá lớn của người Hoa. Nhìn xa hơn, tôi thấy những cao ốc của thành phố Perth hiện trước mắt thì mới nhận ra rằng, tài xế xe bus đã có lần chở chúng tôi đến đây nghỉ ngơi và mua sắm. Con đường này là một con đường nhà cửa cũ nhưng sát nách thành phố do đó tương đối khá đông người qua lại và chủ nhân các tiệm buôn là người Việt, Việt gốc Hoa hay là người Hoa.
Gặp một ông người Việt đi qua nhìn hai vợ chồng chúng tôi, nhà tôi nói chúng tôi từ Melbourne đến và hỏi ông này có ở gần đây không. Khi ông ta chỉ về hướng gần đó và nói nhà ông ở đây này, vợ tôi nói vậy thì anh giàu lắm. Ông cười và nói không phải vậy đâu.
“Vậy nhà anh mua bao nhiêu?”, vợ tôi hỏi. Ông trả lời $400,000. Hỏi tên, ông nói tên Bảy. Ở trên đường William mà chỉ chừng đó tiền, nên nhà tôi hỏi mua năm nào, anh Bảy “thành thật khai báo” mua khoảng năm 2000.
À ra thế! Nhà tôi xin chụp ông một bức hình, anh Bảy vui vẻ trả lời “cứ tự nhiên.
Vậy là tôi đã nắm rõ vị trí của văn phòng Cộng đồng NVTD Tây Úc, sát nách thành phố, nằm ở phía bắc Perth, gần CBD vì cả Brisbane Street và William Street đều có postcode WA 6000.
Lướt ván bằng diều trên Sông Swan cách trung tâm Perth chừng mười cây số. Hình: TVTS
Rời khu người Việt, anh Hổ đưa chúng tôi lên khu phố Tàu ăn Dim Sim. Nhưng trước đó, anh đưa chúng tôi xem một nhà thờ cạnh bệnh viện Royal Perth Hospital, một nhà thờ mà anh chị không biết tên. Nhìn tòa nhà từ xa, tôi nói rằng đó phải là Nhà thờ Chính tòa, nhưng không rõ là của Công giáo hay Anh giáo. Đến gần, thấy bảng ghi St Mary’s Cathedral và biết đây là Nhà thờ Chính tòa Công giáo mà tên chính thức là Nhà thờ Chính tòa Đức Trinh nữ Maria, nằm ở Victoria Square hiện do Tổng Giám mục Timothy Costelloe cai quản.
Chúng tôi đến gần, đứng ngoài và vào trong nhà thờ chính tòa xem lướt qua một tác phẩm kiến trúc độc đáo xây cách đây 162 năm.
Tôi biết anh chị Hổ đạo Phật và sùng đạo, nên hỏi anh có thể chỉ cho tôi xem một chùa nào gần đây không. Chùa Chánh Giác nằm trên đường Money St, Perth WA 6000, cách văn phòng Cộng đồng hai, ba trăm mét. Chùa nguyên là một căn nhà do một Phật tử mua rồi sau này tu sửa thành ngôi chùa, nên cũng nhỏ thôi, được tiện lợi là sát trung tâm thành phố. Chùa có nhiều người lui tới dâng cúng, khói hương tràn ngập. Thế là tôi đã biết khu người Việt cạnh phố. Anh bạn nói còn vài khu người Việt ở xa trung tâm Perth và những nơi đó, rất ít quán xá.
Chúng tôi dùng bữa ăn trưa dim sim tại nhà hàng Fortune Five Chinese Restaurant trên đường James Street, Northbridge gần đó. Nhà tôi khen ngon thì cũng đúng thôi bởi hoàn toàn do người Hoa làm chủ và nằm ở trung tâm thành phố, nhiều khách khứa đến thưởng thức.
Rồi Hổ chở chúng tôi đến nhà của anh chị, uống cà phê, ngồi kể chuyện xưa thời đi học, đi làm và việc anh chị qua đây xin việc một cách nhanh chóng và may mắn như thế nào khi ông xếp lớn của công ty siêu thị Coles đến Perth thanh tra, thấy anh chàng mặt mày sạch sẽ làm việc chùi dọn, nên gọi đến nói chuyện và cho đi học lại ngay để trở về làm ngành nghề mà anh đã học và làm trước đây tại Việt Nam.
Cây Gija Jumulu (giant Boab) 750 tuổi tại Kings Park ở Perth. Hình: TVTS
Nhà của anh bạn LS Hải mà chúng tôi đến thăm đêm đầu tiên nằm ở phía bắc Perth, khu này hình như cũng có cây cối vừa phải vì ban đêm không thấy rõ. Nhà anh bạn tôi ở phía nam Perth có vẻ là khu mới, có nhiều cây cối so với một số đường chúng tôi đi ngang qua. Tôi không hỏi bạn, nhưng xem ra đây là vùng cư dân trung bình trở lên, vì giá nhà từ $1 triệu trở lên (nhà ở Perth rẻ hơn ngoại ô Melbourne). Nhà anh chị một tầng lầu, nhiều phòng, khang trang rộng rãi và cũng như chúng tôi, chỉ có hai vợ chồng, nhưng khác với chúng tôi họ sống trong nhà nhiều hơn vì đã về hưu, còn chúng tôi sáu ngày luôn ở tòa soạn suốt mấy chục năm qua, vì chúng tôi vẫn còn yêu nghề làm báo.
Vùng này gần hải cảng Fremantle mà chúng tôi đã đi thăm trong ngày thứ hai, được ngồi trên tàu khách (river cruise) một tiếng chạy trên Sông Swan, từ Perth tới Fremantle, nhưng hôm nay chúng tôi được vợ chồng bạn chở xe chạy dọc Sông Swan để ngắm cảnh, coi nhà cửa mặt tiền nhiều triệu hai bên Swan River, ngắm cảnh, xem thuyền buồm, lướt ván bằng dù. Lại được anh chị dẫn ra những cồn cát (sandbar) trắng/vàng giữa sông mà chúng tôi thấy khi ngồi trên tàu. Bạn cũng nên biết Sông Swan ở nơi rộng nhất dài đến 4 cây số chứ không hẹp như Sông Yarra của Melbourne.
Cây cầu trên đường đi bộ Lotterywest Federation Walkway ở Kings Park là một look-out (nơi vọng cảnh) nhìn một góc thành phố Perth. Hình: TVTS
Tới một đoạn ở Point Walter Reserve, vợ chồng anh bạn đưa chúng tôi xuống bờ sông, nơi một bãi cát lớn, rộng và dài ra tận giữa sông nổi lên do thủy triều xuống. Trời Perth nóng nhưng đi trên cát giữa sông gió lộng giống như trên bãi biển vậy.
Tôi tưởng tượng giống như cảnh thời tiểu học tôi lội ra giữa cồn cát (Bãi Dương liễu) ở làng Tân Mỹ giữa dòng Sông Hương (gần bãi biển Thuận An) cuối nguồn trước khi chảy ra biển ở cửa Tư Hiền.
Cồn cát này (sandbar) nằm ở vùng Bicton, được coi là một trong những khu giàu nhất nằm cách trung tâm thành phố Perth khoảng 10 cây số.
Thật thơ mộng. Nhà tôi thích thú cởi giày và ra tận những chỗ khi nước chưa lên. Một đôi tình nhân trẻ đưa nhau ra chỗ cát ngập nước nhiều hơn để tận hưởng tình yêu xa tầm nhìn của người chung quanh. Thú vị và tế nhị.
Đây là nơi người địa phương thường đưa gia đình đi pic-nic ở công viên sát sông, câu cá, tắm và cũng là nơi sinh sống của loài chim fairy tern (chim tiên, chim cốc?) được bảo vệ bởi Tây Úc vì chỉ còn khoảng 5 ngàn con.
Thế là không hẹn mà chúng tôi được ngắm một đoạn sông mà chúng tôi cho là đẹp nhất trong chuyến đi này.
Rồi chúng tôi được chở chạy vòng dưới đồi Kings Park Botanic Gardens, một trong những công viên nội thành (inner-city park) lớn nhất thế giới, rộng đến 400 hếc-ta. Sau đó chạy lên phía đồi công viên nơi có thể nhìn thành phố và Sông Swan ở tầm mắt rộng lớn nhất của chân trời.
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong State War Memorial ở Kings Park. Hình: TVTS
Đến đây thì chúng tôi mới biết rằng tôi đã đến mép công viên này hai lần. Một lần trong ngày đầu, sáng thức dậy sớm, đi bộ từ apartment lên dốc đường Mountway ra mép đồi nhìn xuống vực thẳm của Sông Swan và ngắm thành phố khi mặt trời lên. Đoạn đường đi dài chừng một cây số.
Lần thứ hai cũng đi qua mép (lối vào công viên) khi tất cả 34 người kể cả người chống gậy lội bộ tới chỗ xe bus đậu vì đường bị đóng cửa dành cho cuộc đua xe đạp kéo dài từ sáng đến chiều tối.
Tôi nói với vợ chồng bạn tôi biết và nghe về nơi này vì ở Melbourne chúng tôi cũng có Kings Domain nổi tiếng rộng 36 hếc-ta cạnh Government House, Sydney Myer Music Bowl, đài tưởng niệm Shine of Remembrance, một khu phức hợp mà ai đến Melbourne cũng nên đến xem chưa kể bên cạnh còn Royal Botanic Gardens Victoria nữa.
Con đường dưới mỗi gốc cây có gắn bảng ghi tên tuổi và cấp bậc của tử sĩ. Hình: TVTS
Nhưng anh bạn nói công viên này ngoài lớn, còn có những cái khác ở Melbourne. Vậy thì tốt quá, có ông thổ địa dẫn đi là bớt mỏi chân đi bộ và tìm đúng chỗ để xem, chứ nhắm mắt mà đi thì không phải mất 1 tiếng rưỡi để đi một vòng đường dành cho người đi bộ mà có khi cả nửa ngày vẫn chưa đi hết.
Chúng tôi ngồi xe chạy qua con đường dài mà dưới mỗi gốc cây có gắn một hay nhiều tấm bảng ghi tên tuổi và ngày tử trận của binh sĩ Úc trong Đệ II Thế chiến ở Pháp, Đức, Hòa Lan v.v… Cứ mỗi lần trước cảnh như vậy, lòng tôi chùng xuống, thương tiếc cho những người (thường là trẻ tuổi) đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đất nước họ hay cho lý tưởng tự do của thế giới.
Cuộc đi dạo không có lịch trình ghi sẵn tiếp tục, tới một cái cây rất lạ nhưng tôi đã được xem ở cạnh nhà tôi ở Melbourne. Một cái nhà lớn một tầng đã xây mấy năm chưa xong nhưng chủ nhân muốn đưa một cây cao chừng vài mét thân tròn như cột gỗ trong nhà thờ, trên chóp cây có vài cành lưa thưa với vài ngọn lá, vào sân sau của căn nhà. Thế là họ phải thuê một xe cần cẩu lớn, nâng cây vượt qua mái sân thượng, thả vào sân sau như các nhà thầu xây cất đưa một tảng xi-măng lớn (concrete slab) để xây nhà nhiều tầng. Mất nửa ngày làm việc, chận xe cộ và người đi bộ qua lại trên một đoạn đường cả trăm mét. Chúng tôi tự hỏi một cây như vậy có gì đẹp và hay ho để tốn giờ, công và tiền bạc như thế?
Anh bạn bảo chúng tôi lại xem cây này, giống hệt cây hàng xóm nhà tôi, có tên là boab, tuổi đã 750 năm, rất quý và hiếm có thể sống thêm 1250 năm nữa, được chở từ miền bắc Tây Úc xuống trồng năm 2008.
Ngồi trên thảm cỏ Kings Park, Perth chờ chúng tôi ngắm cảnh sông và thành phố: Vợ chồng anh chị Hổ & Nguyên trông rất còn phong độ dù đã nghỉ hưu.
Vì việc xây một cây cầu mới trên xa lộ Great Northern Highway cần phải bứng cây boab khổng lồ này nên Thổ dân Jumulu đã tặng cho nhân dân Tây Úc cây mà họ gọi là Gija Jumulu. Phải mất 6 ngày để chở một cây lớn trên con đường dài 3,200 cây số là một kỷ lục trong lịch sử Úc.
Đi bộ qua một khu vườn nhiều tàng cây, chúng tôi bắt gặp một cầu treo lượn khúc, thành bằng kính, từ đây có thể nhìn một phần trung tâm thành phố bên kia sông, cũng là một vọng cảnh (look out) trong nhiều chỗ vọng cảnh khác của Kings Park. Đây là con đường đi bộ dài khoảng 40 phút (Lotterywest Federation Walkway) đi qua những vườn cây, thảm hoa dại (wildflowers), có những cây nằm dưới chân mình khi đi trên cầu.
Chúng tôi đi một vòng rồi trở lại khu trung tâm nơi có tượng đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong State War Memorial. Đây là một kiến trúc đẹp nằm trên đồi với tầm mắt trải rộng ra sông và có thể nhìn thành phố bên kia sông.
Du khách sẽ gặp một kiến trúc khối hình tròn, ở giữa có ngọn lửa bất diệt và quanh viền khối đá có dòng chữ Let silent contemplation be your offering (Hãy để sự chiêm nghiệm trong thinh lặng là sự dâng hiến của bạn), đối diện bên kia vòng cung là dòng chữ We will remember them (chúng tôi sẽ nhớ họ). Quanh kiến trúc là hàng lan hoa màu tím nhạt hợp với màu nước Sông Swan.
Vũ Hà và chủ tiệm Sài Gòn ở Perth. Hình: TVTS
Đi một đoạn nữa theo trục thẳng có khối đá hình kim tự tháp có hình thánh giá giống như lưỡi kiếm khắc dòng chữ “Được dựng lên bởi những công dân biết ơn để tưởng nhớ những người đàn ông của tiểu bang này nghe theo tiếng gọi trách nhiệm đã hy sinh tính mạng của họ cho tự do và tình nhân loại trong Trận Chiến Vĩ Đại 1914-1918”. Đài tưởng niệm có hàng rào song sắt, cửa khóa lại để du khách không thể tự tiện vào bên trong khu vực nghiêm trang này.
Chung quanh đài tưởng niệm là những bãi cỏ xanh du khách ngồi nghỉ hay nằm trên thảm như là một công viên bình thường.
Chúng tôi đứng ngắm cảnh một lát đến 5 giờ rưỡi, bởi chị Nguyên có hẹn với con tại nhà vào khoảng 4 giờ. Tôi chỉ đề nghị anh chị đưa chúng tôi đi tới Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và Văn phòng Cộng đồng, ăn phở ở Perth để xem như thế nào thôi, sau đó đến trưa chúng tôi sẽ tự túc đi bằng uber để lang thang đâu đó như chúng tôi vẫn có thói quen trong những chuyến du lịch ở ngoại quốc.
Nhưng nhờ vợ chồng bạn mà tôi đã có một bài viết cuối cùng trong chuyến đi để những ai chưa đến Perth, Tây Úc sẽ có vài tài liệu trước khi lên đường. Chúng tôi được đưa về apartment, dự trù sẽ rủ vợ chồng anh chị Hải – Bích Thi đi ăn tối ngoài phố. Nhưng họ đi chơi với vợ chồng anh chị Khiêm-Khanh chưa trở về nên chúng tôi lại đi bộ ra phố kiếm gì ăn.
Không như Melbourne, như người ta nói, tại trung tâm Perth (CBD) phần lớn các tiệm bán hàng và tiệm ăn thường đóng cửa sớm. Chúng tôi đi bộ một vòng đường Murray, William và Hay mà chúng tôi khá quen thuộc để tìm nhà hàng mình thích: yên lặng, ít người, phải có những món mà chúng tôi quen và thích là steak và salmon. Chúng tôi không thích tiệm ăn ồn ào, hay vào bar rượu nên cuối cùng chọn vào ăn ở quán của người Việt là tiệm Saigon – Vietnamese & Asian Food trên đường Hay Street, mở cửa đến 9 giờ tối.
Sáng sớm lên xe bus rời Mountway Holiday Apartments (tòa nhà phía trái) trở về “Melbourne thành phố của tôi” (ca khúc tác giả NHA viết năm 2016 hiện có trên youtbe). Hình: TVTS
Tiệm không bán rượu bia, nhưng bà chủ nói cứ qua tiệm rượu đối diện mua. Thế là ta về ta tắm ao ta, tôi gọi cơm tấm bì sườn và nhà tôi chọn một món khác để chia nhau. Giá cả rất phải chăng. Chủ nhân tên Tài là một phụ nữ đẹp và dễ thương đối với khách. Chị cũng đã từng đi thăm Melbourne. Từ một con đường sát trung tâm Perth nhưng đông đúc, chị mới thuê tiệm trên đường Hay St ngay giữa trung tâm, nhờ thời dịch Covid nên giá thuê phải chăng. Chị nói buôn bán ở khu CBD cũng được vì đa số khách là người làm việc ngay trung tâm.
Bữa cơm tối chấm dứt chuyến du lịch Tây Úc vì sáng sớm mai, rất sớm chúng tôi phải lên đường để trở về “Melbourne thành phố của tôi”, của người viết bút ký du lịch. Đi đâu, ở đâu cũng không bằng quê nhà. Mọi người trở về vui vẻ sau năm ngày mệt mỏi, nhưng vài người hẹn sẽ gặp nhau trong chuyến đi sắp tới do anh Hai từ hội cao niên AVA Boroondara tổ chức.
Tôi đã có chuyến đi riêng của tôi, đã lên lịch trước và sẽ hầu chuyện với bạn đọc.
Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 08/03/2025
(Trích báo tuần-san điện-tử www.etvts.com.au số 2024 phát hành ngày 12/03/2025)