Sydney một ngày mùa đông

30 Tháng Một, 2008 | Úc châu

 

* * *

Đúng hai mươi năm về trước, tôi có lên Cabramatta viếng thánh địa của người Việt  mà có người ở Melbourne Việt hóa là Việt-mã-tà  xem nó ra sao, có khác khu Little Saigon (tức Richmond) không. Khoảng mười năm sau, trở lại Cabramatta, thấy có sự khác biệt rõ rệt. Đúng là một khu thị tứ của người Việt, biệt lập với thế giới người bản xứ. Nên chi, có người Úc đã ví von cần gì phải mất cái vé máy bay đi Việt Nam cho tốn kém, vì tới Cabramatta là đã tới Việt Nam rồi.

 

Chiếc tàu khách khổng lồ Spirit of Tasmania qua cầu Sydney Harbour trên đường ra biển cả

 

Có người ước gì Melbourne có một khu người Việt như thế, nhưng có kẻ lại cho rằng sống biệt lập, kiểu ghetto chắc gì đã hay.  Thôi thì chuyện đó để cho các  nhà xã hội học bình luận, Thụy Văn tôi chỉ muốn làm một  du khách, du hí.

 

Hai lần đi Sydney đó chỉ quanh quẩn ở khu người Việt, được đi ngắm nhà hát Con Sò và leo lên Sydney Tower một lần mà thôi.  Vì thế, nói đến Sydney, Thụy Văn tôi chỉ biết khu sinh hoạt của người Việt, như ở Melbourne mà chỉ biết  khu Richmond, Footscray và Springvale.

Gần  đây Thụy văn tôi có lên Sydney chừng mươi ngày, sống ngay trung tâm CBD của thành phố, nhưng do đòi hỏi của công việc, chỉ đi dạo phố hay xuống khu Circular Quay gần nhà hát con sò để ăn tối, nên chẳng biết gì nhiều về thành phố nổi tiếng bậc nhất của nước Úc.

Chỉ mới vào dịp mùa đông vừa qua, Thụy Văn tôi đã trốn cái lạnh của Melbourne bằng một vài ngày lên Sydney với tính cách là một du khách, nghỉ xả hơi, vui chơi và tìm hiểu về thành phố cảng để có dịp viết hầu bạn đọc. Tôi cũng sợ rằng không đi chơi lúc này, mai mốt  về già mà phải lê từng bước thì sẽ chẳng còn mấy hứng thú.

 

Nên có thẻ hội viên khách sạn

 

Nhưng  động lực thúc đẩy tôi đi vào cuối tháng 6 năm ngoái là vì tôi có cái thẻ hội viên Accor, không đi hết hạn uổng tiền đóng niên liễm. Nếu bạn là người đi đó đây nhiều –làm ăn hay đi chơi—nên làm một hội viên nào đó để được hưởng giảm giá khách sạn và ăn uống ở nhà hàng.

 

Chẳng hạn, làm hội viên Accor Advantage Plus, mỗi năm đóng lệ phí $245, bạn được 1 đêm khách sạn miễn phí và 5 đêm chỉ trả nửa giá so với giá chính thức tại các khách sạn thuộc hệ thống có làm ăn với Accor, từ Úc đến Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nhưng còn phải tùy khách sạn đó có available không và có chấp nhận miễn phí 1 đêm  hay chỉ cho hưởng nửa giá hoặc 10% so với giá khuyến mại. Ngoài ra, còn được hưởng giảm giá đến 50% khi ăn tối tại các nhà hàng có tham gia vào chương trình, gọi là participating hotels and restaurants.

 

Xin lưu ý, giá cả Thụy Văn tôi nói ở đây có thể thay đổi, và có điều kiện, do đó hãy hỏi trực tiếp cơ sở liên hệ hay vào xem mạng lưới www.accor.com.au để biết thêm chi tiết như  được hưởng giảm giá thuê xe Europcar, đi tàu Blue Lines Cruises v.v…

 

Tại khu trung tâm CBD của Sydney, có các khách sạn sau đây tham gia vào hệ thống Accor, gồm Sofitel Wentworth Sydney, The Menzies Sydney, Mercure Sydney, Hotel Ibis World Square và Hotel Formule 1  Kings Cross.

 

Tôi chọn  Sofitel Wentworth Sydney  là một trong những loại khách sạn nổi tiếng thế giới để xem ngủ ở khách sạn 5 sao nó như thế nào.  Sofitel Wentworth nằm ở số 61-101 Phillip Street, Sydney 2000 là một khách sạn sang trọng có đến 436 phòng (là nơi Thủ tướng John Howard thường dùng để xuất hiện trước đám đông đảng viên Tự Do trong các đêm công bố kết quả bầu cử liên bang).

 

Chọn phòng càng cao, có view tốt thì thường phải trả thêm tiền.  Xe vào  tới cửa là có người mặc đồng phục tới chào, rước, rồi có người mang đồ lên lầu cho mình.  Ra khỏi khách sạn cũng được tiễn đưa ân cần theo kiểu… 5 sao.

 

Thụy Văn tôi cố nhớ lại giá cả:  Giá full rate là $459.  Giá quảng cáo khuyến mại khoảng $250 (giá các ngày trong tuần khác nhau). Muốn hưởng 1 đêm free phải ở lại ít nhất 3 đêm.  Đêm thứ nhất không trả tiền, đêm thứ hai trở đi mỗi đêm chỉ trả $130. Tôi ngủ 3 đêm trong phòng giường kingsize mà khi ra về chỉ trả cái bill tổng cộng khoảng $260, tính ra chưa tới $90 một đêm.  Rẻ đến độ sau này còn thèm lên Sydney để ở khách sạn lắm sao cho đã đời.

 

Nhưng đi Sydney du hí cho đã đời đâu chỉ có tốn tiền khách sạn. Còn máy bay nữa chứ. Vậy thì nên vào mạng lưới để xem và mua vé. Chọn Virgin hay Qantas? Tiền nào của đó. Đi Qantas thì khỏi phải mua nước uống hay thức ăn, đi đúng giờ đúng giấc. Máy bay Qantas lại nổi tiếng an toàn. Giá vé hơn nhau chừng khoảng $20 cho một chuyến đi.

 

Trong một năm qua, tôi đi  Sydney 4 lần trong đó có 3 lần  mua vé máy bay của Virgin. Trong 6  lần lên về, chỉ có một lần máy bay đúng giờ theo lịch trình trong vé, những lần khác đều trễ vài giờ và có lần trễ đến 4 tiếng, gần khuya, lại còn đổi  số cổng lia chia, khiến Thụy Văn tôi ngồi uống bia li bì giết thì giờ trong một góc của cái bar mà không biết rằng chỉ còn người chủ bán, máy gọi tên không nghe, chỉ đến khi nhân viên Virgin chạy đến tận nơi kêu mới biết cả máy bay đang đợi có một mình Thụy Văn tôi mà thôi!  Chuyến lên Sydney trong tháng vừa qua, Qantas chạy đúng giờ.

 

Lại nói về vé máy bay. Nếu không bận rộn, có chuẩn bị trước bạn có thể mua những cái vé đi vào giờ mình thích và nhất là mua được những cái vé giá rẻ không thể tưởng tượng.  Hãy vào mạng để xem giá cả và các chuyến đi. Virgin chỉ có đồng một hạng chứ không có business và economic class như  Qantas. Giá vé một chiều  từ khoảng $100 đến $250, tùy theo điều kiện.  Các loại vé khoảng $100 thường hết sớm, nhất là những vé quá đặc biệt bán chừng $70 thường hết nhanh (Có những dịp các hãng còn bán vé đi đâu đó from $33, rẻ hơn cả đi xe đò).  Nếu bạn chịu đi Virgin (vì ngồi hơn một tiếng đồng hồ cũng chẳng lâu bao nhiêu) thì trung bình bạn chỉ tốn từ $200 đến $220 cho một vé khứ hồi.  Nếu bạn không book qua internet mà bằng điện thoại và trả bằng credit card hay lên tận phi trường mua vé, bạn phải trả thêm khoảng $20 dịch vụ cho một cái vé đấy. Qantas lấy thêm khoảng $27.

 

Ở khách sạn Sofitel Wenworth Sydney là ở ngay trung tâm thành phố cảng. Từ đây ra  Circular Quay nằm ở hướng bắc  nơi có bến tàu, chỉ khoảng 500 mét; tới nhà hát Con Sò khoảng 1 cây số;  tới chân cầu  Sydney Harbour Bridge khoảng 1.5 cây số.  Gần xịt!  Thụy văn tôi mỗi ngày cuốc bộ không biết bao nhiêu lần ra bờ biển khu Circular Quay đó mà chẳng thấy mỏi chân.

 

Đoạn đường từ  Sofitel  lên khu Chinatown ở phía nam dài khoảng 1.5 cây số. Đi trên đường phố  để ngắm ngựa xe như nước áo quần như nêm  sẽ chẳng thấy 1,500 mét là cái gì cả.  Đoạn đường dài cỡ này Ian Thorpe bơi dễ như  bỡn.

 

Và từ Sofitel qua khu bến cảng Darling Harbour nằm ở hướng tây, dù gần nhưng phải quẹo phải 90 độ ở đường  Market Street (gần tháp Sydney Tower), nên cũng dài khoảng 1.5 cây số.  Còn những cơ sở khác như  Thư  viện Tiểu bang, Quốc hội Tiểu Bang,  Trạm xe lửa Martin Place (nơi biểu tình, trình diễn thời trang), Tòa Thượng thẩm, Bệnh viện Sydney,  Nhà thờ Chánh tòa St Mary nằm trên tuyến đường dài từ 200 mét đến 800 mét. Nói khách sạn Sofitel nằm ngay trung tâm thành phố là rứa.

 

Những ngày mưa gió

 

Khu Circular Quay vắng người vì trời mưa gió và lạnh

Lần đầu tiên ở Sydney tôi được đi tàu (phà, ferry) ngắm cảnh như  từng  đi trên sông Yarra ở dưới gầm cầu cạnh Federation Square.

Tại Circular Quay có 6 cầu tàu để khách có thể dùng tàu khách đến các vùng khác, sử dụng chúng như  là một phương tiện chuyên chở công cộng, như ta đi xe bus hay xe lửa. Riêng cầu tàu số 6  là nơi dành bán vé cho khách du lịch ngắm cảnh bằng những chiếc thuyền lớn, nhiều tầng, trang trí đẹp để khách thưởng ngoạn, ăn uống và nhảy nhót, nếu cần.

 

Công ty Captain Cook Cruises với 6  chiếc đậu ở bến Circular Quay và bến Darling Harbour sẽ phục vụ khách  từng mỗi giờ trong ngày, từ khoảng 9.30 sáng đến khoảng 5.30 chiều với những chuyến đi dài khoảng 1 tiếng đến 2 tiếng với những đoạn  đường  khác nhau, giá khác nhau, từ  $20 đến $40 cho người lớn. Nếu đi ngắm cảnh mà còn kết  hợp với các chuyến tham quan sở thú, hồ cá aquarium và tháp Sydney Tower, giá từ $44 đến $64, có nghĩa vẫn rẻ hơn từng chuyến đi riêng rẻ. Nếu đi tàu mà còn ăn trưa hay ăn tối, và tùy món ăn bạn phải trả từ $57  đến  $199 cho mỗi người (sẽ nói trong dịp khác).

 

Thụy Văn tôi chỉ chọn chuyến đi ngắm cảnh vào khoảng 3 giờ  chiều kéo dài trong 2 tiếng, chạy từ Circular Quay đến Opera House, tới Clark Island rồi vòng về qua cầu  Sydney Harbour Bridge, đến Darling Harbour. Tại đây Captain Cook Cruises đổ khách xuống (và rước thêm khách nếu còn giờ) rồi trở về, lòn dưới cầu Sydney Harbour Bridge một lần nữa trước khi cập bến Circular Quay.

 

Qua chuyến đi tàu này, lần đầu tiên tôi được thấy trọn phía sau nhà hát Con Sò từ biển. Không phải chỉ mình tôi, mà nhiều du khách trong đó có những du khách từ  Mỹ ùa ra phía sau bong tàu để chụp biểu tượng nổi tiếng nhất của Úc (khi đó Opera House chưa được công bố nằm trong danh sách rút ngắn 21 tên còn lại được chọn dự  tranh 7 kỳ quan thế giới). 

 

6 vỏ âm của con sò từ từ hiện ra, lớn dần gây cho người xem một cảm giác mình đang chứng kiến một công trình vĩ đại và độc đáo của con người nằm ở trên biển.  Làm sao con người có thể dựng chừng đó sắt, xi măng và gạch trồi ra ngoài nước biển?   Và rồi những mái nhà hình giống vỏ sò nhỏ dần khi tàu tiến gần  pháo đài Fort Denison nằm giữa vịnh, nhưng từ đây du khách một lúc được chiêm ngưỡng hai kỳ công của thành phố cảng với  Sydney Harbour Bridge, một cái cầu hình như có thời được ghi vào sách kỷ lục Guiness Book là cây cầu có bề rộng lớn nhất thế giới.

 

Nhà Hát Con Sò và Cầu  Sydney Harbour chụp từ đồi cỏ Royal Botanic Garden

 

Nhà hát Opera House đi đôi với cây cầu Sydney Harbour Bridge không những là biểu tượng của Sydney mà còn là biểu tượng của nước Úc.  Du khách cứ thế đua nhau chụp hình. Nhưng lúc này mây mù kéo đến với gió mạnh và vài trận mưa nhỏ  đổ xuống. Chiếc tàu  cao ba bốn tầng bị lắc lư  mạnh, gây cảm giác thích thú cho một người thích sông nước và sóng biển như Thụy Văn tôi.  Bầu trời như thế này không lý tưởng cho việc chụp hình, nhưng tôi cũng chụp được vài tấm để ghi lại cảnh mưa gió trên  thành phố biển. Bởi trời mưa hay trời nắng đều có vẻ đẹp riêng.

 

Tự cho rằng, thấy Opera House và Sydney Harbour Bridge là đã thấy Sydney, nên tôi không đi thăm thú các nơi khác,  mà chỉ đi dạo phố, làm vài vòng trên xe lửa một đường rầy  monorail (tốn đâu khoảng $4)  và sau đó làm một chuyến về thủ phủ Cabramatta của người Việt cho biết sự tình và để xem phở ở đây có ngon như bạn bè ở Melbourne nói không.

 

Trong chuyến đi, tôi gọi taxi và tình cờ tài xế là một người Hoa. Anh ta lái lớ ngớ cách sao mà đến Fairfield thì không biết tìm ngay đường vào  khu Cabramatta, để phải kéo dài thêm cả năm mười phút mò đường. Tôi không nghĩ  anh này chơi trò kéo dài đường hay câu giờ. Đến địa điểm mất hơn một giờ, giá tiền trên đồng hồ ghi hơn bảy chục nhưng anh ta đề nghị lấy chẵn  $70.  Có đắt không, thưa độc giả ở Sydney?

 

Chuyến về, tôi ra trạm xe lửa, mua vé chỉ mất  $8  cho một chiều và cũng mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới khách sạn.  Cabramatta nằm ở miền tây Sydney, sâu về hướng nội địa. Tôi đoán cách trung tâm Sydney khoảng 50 cây số đường chim bay và dĩ nhiên, đường bộ sẽ dài hơn. Tôi nghĩ  gần gấp đôi đường đi từ trung tâm Melbourne đến  Springvale.

 

Đã lâu lắm mới trở lại Cabramatta, tôi đi một vòng chu vi và trên vài con đường giữa khu chợ Cabramatta. Đúng là khu Việt Nam bởi vì chỉ thấy toàn là người Việt hoặc người Hoa. Tôi hỏi vài người xem tiệm Phở An ở đâu thì họ nói nằm ở Bankstown. Hỏi thế thì họ biết tôi không phải là người địa phương. Tôi muốn ăn phở và muốn so sánh phở ở Sydney với Melbourne, dĩ nhiên là rất chủ quan bởi khẩu vị của mình có thể khác người. Họ chỉ cho tôi Phở Việt.  Tô phở $9  đáng đồng tiền bát gạo (ở Melbourne tôi thường ăn tô phở trung bình $7). Tôi nghĩ  Phở Việt ngon (nhưng lần trở lại trong tháng vừa qua không được vừa ý như lần trước. Có thể không đều tay?).

 

Ngày hôm sau, cũng là ngày mưa. Tôi đã bắt đầu quen dùng xe lửa. Đón xe đi Bankstown để tham quan thị trấn lớn thứ hai của người Việt ở Sydney. Bankstown gần  trung tâm Sydney hơn, nhưng cũng mất hơn nửa tiếng. Khác với Cabramatta biệt lập, khu Bankstown của người Việt nằm dọc trên một con đường lớn và vài con đường nhỏ cắt ngang, như  khu Springavale hay Footscray. Chợ búa ở đây thoáng chứ không chật chội như  Cabramatta.  Đi một vòng xem sinh hoạt của đồng hương, tôi lại tìm đến một tiệm phở để ăn trưa và dĩ  nhiên phải tìm tiệm phở ngon nhất hay nổi tiếng nhất để có thể so sánh. 

 

Phở An là cái tên mà tôi đã biết và đã có lần ăn cách đây 20 năm.  Không tìm ra nên phải ghé qua tiệm sách nhạc Thúy Nga để nhờ chỉ dùm. Nó nằm ngay trước mắt  mà không thấy, bởi vì khác ngày xưa. Lớn cỡ tiệm Tho Tho ở Richmond với một dàn  tiếp viên đồng phục.

Khung cảnh thoáng sạch, nhưng tô phở bự giá $11 quả không đáng đồng tiền và tiếng tăm đồn thổi. Mùi vị sao giống mùi vị của Ý hay giống các gia vị trong ruột thịt gà quay ở các shop tây.  Thế thì chẳng còn là phở, nhưng tôi thấy người Úc, di dân vào ăn khá nhiều, bởi vậy mới nổi tiếng là tiệm làm ăn thành công, giàu có như  Phở Dzũng ngày nào ở Melbourne. 

 

Giá tô phở  $11 cũng xứng đáng phần nào do tiệm ăn sạch. Tôi chưa bao giờ thấy cầu tiêu tiệm ăn Việt Nam nào sạch như  Phở An, hình như  cầu tiêu lót bằng đá cẩm thạch.  Chọn món ăn ngon hay chọn chỗ ăn  vệ sinh? Cái đó tùy bạn. Riêng tôi chỉ thích ăn phở có mùi vị phở nên tháng qua, đã không trở lại tiệm phở sạch sẽ này.

 

Ăn trưa thì nên ăn các tiệm Việt Nam, nhưng ăn tối, theo Thụy Văn tôi, nên ăn ở các tiệm Úc.

Ba đêm ở  Sydney đều gặp mưa. Tôi đi bộ từ Sofitel Wentworth Sydney ra khu Circular Quay và Opera House. Mưa thì không ngán nhưng ngán luồng gió mạnh chạy giữa các cao ốc, như  ở các đường hẻm (lane) trong khu cao ốc QV góc  đường Swanston, Lonsdale và Russell streets ở Melbourne. Tôi thấy nhiều cây dù bị vất la liệt dọc đường vì gió làm gãy. Cây dù của tôi cũng chịu chung số phận bởi gió mạnh trên các con đường gần Circular Quay. Ở đây có vài nhà hàng  Tàu và nhiều nhà hàng Úc, mở từ trưa đến khuya.

 

Tôi có cái thói hễ đã ăn thứ gì –mà nếu ngon, hợp khẩu– thì cứ ăn lại thứ đó, không thay đổi, cho đến khi chán.  Không biết đó có phải là một đức tính trung thành hay không?  Năm trước, mỗi tối tôi đều ra tiệm Tàu (nằm giữa Circular Quay và Opera House)  kêu một đĩa đồ ăn và chén cơm. Giá trung bình gần $30.  Ăn quen đến độ mỗi tối ra là không cần gọi, họ biết tôi muốn gì.

 

Lần này, cả ba tối tôi đều ăn ở dãy hành lang ngầm dẫn tới Opera House (dùng cầu thang đi xuống). Đây là khu rất nhộn nhịp, cả ban ngày lẫn ban đêm. Ngồi ở khu này ngắm được cầu Syndey Harbour Bridge và cảnh tàu bè nhộn nhịp chạy trên biển giữa hai bờ Circular Quay và Luna Park ở phía bắc thành phố Sydney. Có nhiều tiệm Tàu và Tây với đồ lạnh và nóng.  Giá cả dễ chịu, không khí bình dân. Khách hàng đa số là thanh niên, những người làm việc văn phòng ở khu kế cận hay các du khách. Người uống nhiều hơn người ăn.  Bạn đặt thức ăn rồi tự mang ra hay người ta sẽ mang tới cho bạn ở các dãy bàn kê dọc hành lang bên ngoài. Một đĩa  bi-tét hay đĩa thịt cừu khoảng $27. Một ly bia hơi $3.

 

Ba đêm mùa đông  Thụy Văn tôi ở Sydney đều bị mưa. Ngồi ăn những đĩa thịt nóng dưới những lò sưởi gas  hình dáng cây dù tỏa sức nóng từ trên xuống tạo sự ấm áp đặc biệt đối với du khách và dân đi chơi khuya. Thụy Văn tôi thường uống rượu đỏ mỗi khi ăn bi-tét hay thịt cừu, nhưng không hiểu sao giữa cái lạnh ở cảng Sydney, với những cơn gió mạnh tạt từ bờ biển, Thụy Văn tôi lại chọn bia, để cái lạnh phát từ trong bụng, toát lên lồng ngực xuyên qua từng thớ thịt, tràn ra làn da đang được cái dù sưởi che, như có ai đó đang ôm phủ kín mình.  Lạnh mà ấm. Thụy Văn tôi nhớ lại Đà Lạt của một thời xa xưa ngồi uống cà phê đá ở quán cà phê Tùng (nếu tôi còn nhớ đúng tên) vào những ngày lễ Giáng Sinh.

 

Thụy Văn,  Melbounre, tháng 7/ 2005.