Trèo cầu Sydney Harbour Bridge

07 Tháng Hai, 2008 | Úc châu

Có ai ngờ rằng một công trình xây cất có nhiều tranh cãi và bị chê nhiều hơn khen nay trở thành một biểu tượng của nước Úc?  Hy vọng quảng trường Federation Square bị chê nhìn nhức mắt của thành phố  Melbourne mai sau sẽ là cái mốc độc đáo nhất của thành phố văn hóa nghệ thuật và thể thao này.

 

Kỷ lục thế giới

 

Cạnh Opera House có một kiến trúc nổi tiếng, được coi là cái mốc của thành phố cảng trước khi có Nhà Hát Con Sò chính là cây cầu  Sydney Harbour Bridge. Cây cầu này được vẽ kiểu vào năm 1922 và được công ty Dorman Long Co. của Anh quốc khởi sự xây từ năm 1924.  Đến năm 1929 người ta mới bắt đầu xây cái vòm (arch).  Khác với cây cầu ở cố đô Huế nổi tiếng với câu hò “cầu Tràng Tiền 6 vài 12 nhịp”, cầu Sydney Harbour chỉ có 1 vòm (vài) và một nhịp.  Vì thế mà cây cầu này được dân địa phương gọi với tên quen thuộc là the coathanger (vì giống cái móc áo).

 

Cái vòm (arch) này dài 503 mét và chỗ cao nhất của vòm cao 134 mét so với mặt nước biển. Chỉ nội cái vòm này thôi đã nặng tới 39,000 tấn để chịu đựng được cái cầu có trọng lượng tổng cộng 52,800 tấn.

 

Tuy cầu bằng sắt này chỉ dài 1149 mét, nhưng được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guiness Book of Records là cây cầu dài có bề rộng lớn nhất thế giới (widest long-span bridge).

 

Tại sao?  bề rộng của cầu Sydney Harbour Bridge là 49 mét với 2 đường rầy dành riêng cho xe lửa chạy, 8 tuyến dành cho xe hơi, một đường dành cho xe đạp và một đường dành cho khách bộ hành.  Cầu cao khỏi mặt nước đến 49 mét nên tàu bè qua lại dễ dàng. Ngay cả chiếc tàu khách cao nghều nghệu  Spirit of Tasmania III chạy qua cầu  vẫn  thấy bong tàu còn cách  cầu quá xa. 

 

Gặp trường hợp chiếc tàu lớn nhất thế giới hiện nay là Queen Mary II (cao 71 mét tính từ lườn tàu đến ống khói) muốn chạy vào khu Darling Harbour  hay về phía Paramatta?  Cũng chẳng phải là chuyện không thể làm được nếu phần nổi trên mặt nước của chiếc Queen  Mary II cao quá 49 mét.  Chiếc cầu có thể được tách làm đôi ở đoạn giữa để tàu có thể chạy qua được (Thụy Văn tôi không biết nên gọi đây là cầu quay hay là cầu xếp).

 

Phải mất 8 năm mới xây xong cây cầu này. Người ta dùng đến 6 triệu cái  đinh tán để làm cầu và phải mất 30,000 lít sơn mới có thể sơn hết  cây cầu, nhưng khi sơn 3 lớp sơn đợt đầu tiên, người ta đã dùng đến 164,000 lít.

 

Ngày 16.3.1932 có trên 300,000 người kéo đến để xem lễ khánh thành cây cầu.

Thủ hiến Jack Lang đang chuẩn bị cầm kéo để cắt băng khánh thành cây cầu thì một kỵ sĩ  trong toán hộ vệ tên là Francis De Groot đã bất thần cỡi ngựa tới dùng gươm chém đứt dây băng làm vị thủ hiến cụt hứng và quan khách bàng hoàng.

 

Hiện tại,  vào lúc cao điểm, có  khoảng 15,000 chiếc xe chạy qua cầu trong một giờ.  Cùng với Nhà Hát Con Sò, cầu Sydney Harbour Bridge trở thành biểu tượng đôi của thành phố Sydney nói riêng và nước Úc nói chung.

 

Muốn trèo cầu, phải mất $165

 

Để nhớ đời:  một toán du khách khi đã lên tận đỉnh vòm cầu

 

Bạn đã nghe Thụy Văn tôi kể sơ qua về lai lịch của chiếc cầu. Nay hãy cùng Thụy Văn tôi  làm một chuyến trèo lên cây cầu có bề rộng dài nhất thế giới này xem sao.  Một chuyến trèo lên chiếc cầu này được công ty BridgeClimb quảng cáo bằng những câu như  “For the climb of your life” hay “I’ve had the climb of my life” trong các truyền đơn bươm bướm hay trên mạng lưới. Và một khi trèo xong, bạn sẽ được họ cấp cho một giấy chứng nhận (certificate)  là bạn đã trèo cầu Sydney Harbour Bridge!

 

Từ năm 1998, người ta đã bắt đầu biết tận dụng lợi thế của cây cầu nổi danh này để kinh doanh và thu hút khách du lịch.  Còn gì đẹp hơn, thú vị hơn và hoành tráng hơn bằng được trèo và đứng trên đỉnh cao của chiếc cầu bắc ngang Thành phố và vùng Bắc Sydney để ngắm  các cao ốc của trung tâm thành phố ở mạn nam, các vùng biển nổi tiếng ở phía đông  và nhất là Nhà Hát Con  Sò nằm trước mặt?

 

Mỗi ngày có những chuyến trèo khác nhau, với giá khác nhau.  Cứ cách khoảng 10 phút có một chuyến. Mỗi chuyến gồm một toán khoảng từ 10 đến 12 du khách. Giá một chuyến trèo ban ngày hay ban tối vào giữa tuần là $165 một người. Giá cuối tuần là $185.  Và giá cho một chuyến đi vào lúc trời chạng vạng tối gọi là Twilight Bridge Climb giá đến $245 một người, bởi lúc đó quang cảnh đẹp hơn thì phải trả tiền cao hơn. Riêng từ 25 tháng 12 đến 8 tháng Giêng  là thời cao điểm (peak period), giá $200 được áp dụng.

 

Một chuyến đi, kể từ khi  vào phòng thay đồ nhận áo quần cho đến khi trở về phòng trả lại áo quần kéo dài 3 tiếng rưỡi. Nhưng đứng trên cầu ngắm cảnh,  bước, trèo và nghe người hướng dẫn  kể chuyện chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi.

Thông thường thì người ta khuyên nên ghi danh trước, hoặc qua mạng lưới hay qua số điện thoại (02) 8274 7777.  Nhưng Thụy Văn tôi cùng gia đình chủ trương tới tận nơi mua vé, còn chỗ thì đi, không thì đi bộ trên cầu (chỗ dành cho khách bộ hành, có lưới chắn hơi vướng mắt) để ngắm cũng thú vị vậy.

 

Trụ sở BridgeClimb nằm ở số 5 đường Cumberland St, khu The Rocks (gần chân cầu).  Trong chuyến đi vào tháng Giêng vừa qua cũng có một số người đến tận nơi mua vé như  Thụy văn tôi.  Có vé cho chuyến đi sớm nhất trong 20 phút sau. Cũng là dịp để ngồi quan sát, xem video chỉ dẫn cách đi đứng, đồ được mang và không được mang theo.

 

Người bán vé cho biết khi đã mua vé rồi thì sẽ phải đi, dù  trời mưa gió bởi chẳng có gì phải sợ, phải lo vì công ty tổ chức đã trang bị đủ mọi thứ cho mọi thời tiết.

Nhóm của tôi gồm 11 người khách và ông hướng dẫn viên. Trong 12 người chỉ có 3 người là đàn ông.  Họ tổ chức đi chơi mà như  tân binh nhập ngũ. Từng toán qua từng phòng đợi, nghe hướng dẫn, nhận chỉ thị, nhận đồ nghề. Nào áo quần dính liền như  phi công hay phi hành gia; nào dày, vớ, khăn lau mặt, nón, nịt và dây buộc vào ròng rọc,  máy truyền tin  (để nghe hướng dẫn viên nói) v.v…

 

Nói chung, bạn không phải mang đồ gì theo. Họ sẽ cho bạn một chìa khóa và hộc để cất đồ, kể cả cất ví hay xách tay của bạn. Bạn cả không được mang theo máy ảnh vì họ cho rằng có thể gây tai nạn khi rớt xuống dưới đất. Cần chụp hình? Họ sẽ chụp cho. Một  tấm ảnh chụp chung cả toán sẽ là miễn phí. Muốn chụp riêng, người hướng dẫn sẽ chụp cho vài hình khi bạn trèo lên ở những điểm cao nhất của cầu. Những bức hình này sẽ trả tiền và sẽ có ngay sau khi bạn trở về, thay và trả lại quần áo và đồ nghề.

 

Từ khi nhận đồ nghề để trèo và khi ra tới chân cầu thang để bắt đầu đi kéo dài khoảng nửa giờ hay lâu hơn một chút.  Công ty BridgeClimb có nhiều nhân viên để giới thiệu và hướng dẫn bạn ở từng giai đoạn, rất chuyên nghiệp. Nhưng người hướng dẫn  đoàn vẫn là nhân vật  chính. Ông ta sẽ bảo những người trong nhóm giới thiệu tên, đến từ đâu và lý do tại sao muốn trèo.  Trong nhóm tôi có ba cô đến từ Anh quốc;  một cô hình như từ Brisbane và có hai mẹ con từ  Canberra. Hỏi lý do, cô gái từ Canberra nói cô ta mua vé trèo cầu để tặng người mẹ dịp sinh nhật.  Riêng chúng tôi thì nói từ Melbourne lên nghỉ mát và trèo cầu như là một cái  thú chứ chẳng có lý do hay ý nghĩa gì ráo trọi.

 

Và người hướng dẫn luôn đề nghị nên mix up với nhau trong chuyến đi. Tôi chạy đứng  gần mấy cô gái trẻ người Anh để chứng tỏ cũng muốn hòa hợp với mọi sắc tộc, nhưng chẳng hiểu qua vài giai đoạn hướng dẫn, cả gia đình lại đứng nối đuôi nhau khi móc ròng rọc vào  dây cáp chạy dọc  thành hành lang cầu. Đúng là không quen đứng gần người lạ. Một khi đã móc dây ròng rọc  vào dây cáp thì không còn có thể đổi vị trí nữa. Như vậy càng tốt, vì đứng với người lạ nói tiếng tây tiếng u trong suốt mấy tiếng đồng hồ thì chẳng thú vị bằng nói chuyện với vợ con, nhất là khi bình luận về một chuyện hay cảnh vật gì đó.  Bạn thắc mắc tại sao lại có cái dây ròng rọc?

 

Thưa, đó là sợi dây để  bạn đi đứng thứ tự lớp lang và không bị rớt khỏi cầu.  Bạn vừa đi vừa cầm dây xích có con ròng rọc cũng được. Mà không cầm cũng chẳng sao, vì mình đi thì sợi dây ròng rọc sẽ chạy theo mình.  Khi còn đứng dưới cầu, tôi thấy có những du khách là những cụ già.   Các cụ mà có thể trèo lên vòm cái cầu cao 134 mét thì tại sao mình lại không làm được?

 

Mới ở trong hành lang ra chân cầu, ban đầu hơi sợ.  Tôi cảm thấy ngộp vì nhìn xuống thành chân cầu thấy lớp đá vĩ đại ở một độ cao có thể gây chóng mặt cho những người bị bệnh sợ cao như  Thụy Văn tôi, nhưng rồi cũng quen. Khi đi ra giữa biển thì không còn cảm giác sợ cao nữa, có lẽ nghĩ rằng nếu có rớt xuống biển thì cũng không nát thây như  té trên đường đá?  Trái lại, lúc này Thụy Văn tôi thích càng được lên cao càng tốt.

 

Gọi là trèo (climbing) cũng đúng phần nào vì du khách phải đi trên cái vòm hình cung thì mới có thể lên đỉnh của cầu. Vì thế, có nhiều đoạn du khách phải bước lên những bậc thang sắt như  ta trèo  thang lên mái nhà vậy, chỉ khác là các bậc thang đủ rộng để đặt luôn cả bàn chân và ta bước nhưng hai tay ta có thể vịn ở thành cầu thang để trèo hay tụt xuống một cách thoải mái và an toàn.

 

Trong khi đi, bạn sẽ được người hướng dẫn kể chuyện cho bạn nghe về sự tích cây cầu  như  trong những dịp bạn đi du lịch theo lối đi tour khác. Nhưng ngoài bài học thuộc lòng về lịch sử cây cầu, ông hướng dẫn viên gốc Melbourne của tôi biết pha trò với lối diễu cợt cũng khá có duyên làm cho buổi đi kéo dài hàng giờ  trở nên vui. Anh ta nói rằng mỗi ngày anh ta hướng dẫn hai chuyến là phờ người và hết nước bọt. Phải yêu nghề lắm mới ăn nói có duyên như anh chàng hướng dẫn viên khá đẹp trai của nhóm chíng tôi hôm đó.

 

Đi như  thế, bạn sẽ thấy trước mặt bạn có những toán đang trèo lên cầu hay bắt đầu xuống cầu; sau lưng toán bạn cũng có những toán khác đang di chuyển.  Một kỹ nghệ du lịch rất công phu và có kỹ thuật.

 

Khi bạn lên đến đỉnh cầu ở ngay giữa cầu là bạn đã tới đích.  Bạn đã tới sát hai cột cờ với hai đại kỳ Úc bay phất phới mà bạn có thể nhìn từ xa bất cứ khi nào bạn thấy cái vòm màu đen biểu tượng của thành phố  Sydney.

 

Đứng một lát, chụp hình, ngắm cảnh toàn bộ thành phố với cái view được quảng cáo 360 độ. Thật vậy, nếu bạn đứng trên tháp Sydney Tower, muốn nhìn toàn bộ thành phố,  bạn phải đi vòng tròn trong hành lang mà nhìn ra.  Ở trên  đỉnh cầu Sydney Harbour Bridge, bạn chỉ việc ngoái đầu hay xoay cái đầu là thấy hết mọi cảnh vật. 

 

Vì bạn đang còn đứng bên tay phải cầu khi bạn trèo lên, từ vị trí này,  nhìn ra phía đông trước mặt bạn sẽ thấy eo biển giữa hai khu Taronga Zoo, Balmoral  và Watsons Bay là nơi tàu  Spirit Tasmania III  ra cửa biển để chạy ra đại dương. Đó cũng là tuyến đường để  phà chạy đi vùng Manly. 

 

Bên tay trái bạn, hướng sở thú là vùng Kirribili, nơi  Thủ tướng Howard và gia đình ông trú ngụ với tư cách là thủ tướng của nước Úc. Ông thủ tướng nhà ta thích biển Sydney hơn  cao nguyên Canberra. Cũng nhìn ra cửa biển ở hướng đông bạn sẽ thấy một dãy đất, tạm gọi đó là bán đảo và bên kia bán đảo chếch về phiá mặt là khu ngoại ô Bondi, nơi có bãi biển nổi tiếng hàng đầu của Úc.  Các vùng phía đông và bắc Sydney là nơi dân giàu có sinh sống.

 

Nhìn về hướng tây theo đường phà chạy về Paramatta là nơi có Sydney Olympic Park. Nhìn chếch về hướng tây nam có vùng Bankstown và xa hơn nữa là Cabramatta, hai địa danh nổi tiếng của người Việt. Nhưng dù đứng trên đỉnh cầu, bạn cũng chẳng thấy gì vì hai nơi này cách xa chỗ bạn đứng hàng chục cây số đường chim bay.

 

Sau ít phút đứng trên đỉnh vòm cầu ngắm cảnh, bạn sẽ quẹo trái 90 độ để qua phiá bên kia cầu mà trở về chỗ cũ. Bạn chỉ được trèo và đi nửa cầu mà thôi.

 

Bây giờ bạn nên ngắm cảnh xe hơi và xe lửa chạy dưới chân cầu, quang cảnh phía tây của cầu như  Walsh Bay, Darling Harbour, nhìn những chiếc du thuyền nhỏ, tàu bè đậu trong các vùng biển hướng tây của Sydney. Đừng tưởng rằng chỉ có các vùng biển phía đông mới có nhiều tàu bè của tư nhân. Từ vùng Luna Park đến vùng Parramatta có vô số du thuyền nhỏ (trị giá vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đô) neo rải rác trong các vịnh nhỏ của thành phố cảng lớn nhất và đẹp nhất nước.

 

Thụy Văn tôi đã thăm nhiều danh lam thắng cảnh;  bước, trèo (đi thang máy) lên nhiều kiến trúc nổi tiếng của nhiều thành phố, của nhiều nước,  nhưng vẫn cho rằng đi một vòng nửa vòm cầu Sydney Harbour Bridge là một  thú tiêu khiển nên thử cho biết trong đời. Hỏi có ai cảm thấy mệt sau chuyến  “trèo” cầu không, mọi người trong gia đình tôi đều nói chẳng có mệt gì, vui và khỏe thêm nữa là khác, chỉ có hơi… tốn tiền mà thôi!