Đài Lê: người Việt đầu tiên tuyên thệ vào Quốc hội Liên bang Úc khóa 47

06 Tháng Tám, 2022 | Tin nước Úc
Hãnh diện với nguồn gốc: Đài Lê trong chiếc áo dài Việt Nam màu vàng và ba vạch màu đỏ tượng trưng cho Chim Lạc hay có thể là 3 sọc Nam, Trung, Bắc của cờ VNCH  bên cạnh người mẹ, bà Anh Tuyet Le trong ngày khai mạc quốc hội khóa 47. Photo courtesy: Fairfield City Champion

Nếu bà cựu Thượng nghị sĩ Kristina Keneally không được đảng Lao động thả dù xuống đơn vị Fowler để chiếm chỗ ngồi đã được cho là đã dành sẵn trước cho Luật sư Tú Lê, thì sẽ không có một dân biểu độc lập Đài Lê (Lê Thị Trang Đài) trong Quốc hội Liên bang Úc khóa 47. Bởi Tú Lê sẽ trở thành dân biểu mà không cần phải ra sức tranh đấu, vận động không ngừng nghỉ do Fowler là đơn vị thành đồng của Lao động. Nhưng tại sao là đơn cực kỳ an toàn (tỉ lệ thắng 14%) mà Lao động lại thua? Bởi vì có sự tranh giành, đấu đá, coi thường cư cử tri địa phương của cấp lãnh đạo Lao động trung ương.

Đài Lê đến đúng vào thời điểm và đã làm nên lịch sử. Một người Việt đi tị nạn khi 7 tuổi, đến Úc lúc 11 tuổi đã trải qua biết bao thử thách, khó khăn nhưng quyết chí vươn lên dù gặp nhiều trở ngại, ngay chính trong đảng của mình. Có khả năng và dĩ nhiên có tham vọng, cô đã bị đảng Tự do của cô cấm tham gia đảng 10 năm cho đến năm 2026 vì đã thành lập một liên danh độc lập tranh ghế thị trưởng Fairfield, tranh với ứng cử viên do đảng Tự do ủng hộ.

Đài Lê đã ứng cử nhiều lần dưới lá cờ Tự do trong các cuộc bầu cử năm 2008, 2011 và sau đó với tư cách độc lập năm 2019 nhưng đã thua đảng Lao động. Tuy nhiên mỗi lần như vậy cô mang thêm nhiều phiếu cho đảng Tự do, hay chiếm nhiều phiếu hơn cả đảng Tự do khi tranh cử độc lập.

Đến năm 2022, Đài Lê với tư cách ứng viên độc lập, đã đánh bại cả ứng viên Lao động nổi tiếng Keneally và ứng viên Tự do Courtney Nguyễn. Người ta có thể nói Đài Lê gặp thời nhưng không thể bác bỏ khả năng của cô. Thủ hiến NSW thời đó là ông Mike Baird đã thấy khả năng của người phụ nữ tị nạn Đài Lê và muốn một người như thế vào quốc hội nên đã chỉ định cho hai ông bộ trưởng của cánh hữu thực hiện, nhưng hai người này lại chọn một người đàn ông khác, đó là hậu quả của phe phái hay ưu tiên tính phái trong đảng Tự do NSW.

Nhưng cuối cùng Đài Lê đã vào Quốc hội Liên bang, được ngồi cùng với 151 đồng viện trong tư cách là dân biểu độc lập. Đài Lê viết trên twitter về kinh nghiệm của một người tị nạn và di dân:

“Chạy trốn khỏi quê hương ngày Sài Gòn mất vào tay quân đội Bắc Việt, mẹ tôi đến Úc với một túi áo quần và vài hình tấm hình trân quý. Bà phải tự nuôi ba đứa con gái nhỏ tại một đất khách xa lạ không có sự hỗ trợ của gia đình.

“Khi còn là đứa bé, tôi nhớ nhìn bà đôi khi thất thần và tuyệt vọng, cố gắng vượt qua những cảm xúc và tinh thần để mà sống còn.

“Tuần này, việc khai mạc quốc hội khóa 47 có ý nghĩa ở nhiều mức độ, không những chỉ đói với phụ nữ ở Úc và đối với cộng đồng Việt-Úc, mà còn đối với những người phụ nữ tị nạn như mẹ tôi, mà sự can đảm và thích nghi đã mở đường cho một thế hệ phụ nữ mới để họ lãnh dạo và tranh đấu cho những người kém may mắn”.

Chúc Đài Lê thành công trong sự nghiệp và trách nhiệm mà cử tri Fowler giao phó, để biết đâu cô sẽ giữ ghế Fowler trong nhiệm kỳ sau.

Nguyễn Hồng-Anh

Melbourne 1.8.2022