Bài 3 – Sự thật mất lòng: Dự án của Công ty VMA (Báo cáo: Nhiều người Việt không bao giờ đi thăm một viện bảo tàng!)

Nha sĩ Đinh Hiếu thuyết trình trong phiên họp lần thứ hai của Tiểu ban Duyệt xét Dự án ngày 19.2.2023 tại vùng Springvale. Hình: TVTS

TVTS lưu ý bạn đọc về Feasibility Study 2017Nhiều người Việt không bao giờ đi thăm một viện bảo tàng– Bài của Nha sĩ Đinh Hiếu thuộc Tiểu ban Duyệt xét Dự án.

Trong Bài 2 người viết đã nhắc tới câu “Sự thật mất lòng”, bài này xin được phân tích thêm.  Xin thêm vào vài chữ để người đọc hiểu ý:

“Sự thật” có thể dẫn đến “mất lòng” người ủng hộ!

Muốn giải quyết phương trình trên, mà kết quả cần có là “sự ủng hộ của đồng hương”, và DỄ DÀNG đạt được hiệu quả, có nên áp dụng phương cách: “nói nửa sự thật”, “che bớt sự thật”, “không nói rõ sự thật”, để đừng “mất lòng người ủng hộ”?

Thay vì viết “rõ ràng mạch lạc”, có nên biến nó thành “phức tạp vu vơ”, kẻo mất lòng người ủng hộ Dự Án?

“Phức tạp vu vơ” khiến đồng hương khó hiểu, hình như bắt nguồn từ đây(?)

Nhưng “Phức tạp vu vơ” nghĩa là gì? Xin thưa: nó phơi bày cái “phức tạp không cần thiết, nhưng cần thiết phải mang tính vu vơ” để người đọc rối bời, bị dắt đi mà không biết mình đang bị dắt.

Vấn đề “Phức Tạp Vu Vơ” nằm ở những chỗ nào?

Trong Bài 2, người viết đã bàn về việc Ct VMA không công bố rõ ràng Ct VMA là pháp nhân mua đất ở Footscray, Bài 3 xin được nêu thêm những vấn đề khác.

1/ Chương VI (C6) của Nội Quy VCA Vic 2019 (NQ19)

Việc hình thành C6 được Ban Tu Chính (BTC) 2019 kể rằng: họ được giao cho một Bản Gốc Anh ngữ của C6, và yêu cầu BTC dịch sang Việt ngữ mà không được sửa đổi, thêm bớt. BTC không có cố vấn từ chuyên gia luật pháp, kế toán để hiểu rõ những từ chuyên môn.

BTC dịch, và trong phiên họp khoáng đại 29/6/2019, do BCH CĐ triệu tập qua thông báo trên Báo Nhân Quyền, và email, đã “thông qua” C6. Số người tham dự phiên họp biểu quyết chỉ có 12 người, không đủ túc số 50 để thông qua C6 một cách hợp lệ. Tháng 7/2019, Nội Quy Tu Chính 2019 có C6 được nộp cho Consumer Affairs Victoria (CAV), thay thế Nội Quy 2012. Nội Quy Tu Chính 2019 có C6, hiện đang có hiệu lực trong sinh hoạt của VCA Vic, và tại CAV.

Xin được phân tích những phần có vấn đề của C6. Nguyên văn phía dưới là trích từ hai văn bản Anh và Việt của Nội Quy 2019 của VCA Vic:

Chapter VI (amended in June 2019)

Vietnamese Museum Australia

Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu

Lời mở đầu

Sau nhiều thập niên làm việc, Giám đốc điều hành Hội đồng Thành phố Maribyrnong và Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tiểu bang Victoria đã cùng ký một tạm ước vào ngày 29/10/2018, để thành lập tại Footscray một Trung tâm văn hóa và Viện Bảo Tàng đầu tiên tại Úc.

Điều 19: Viện Bảo Tàng Việt Úc

19.1 Tên gọi: Viện bảo tàng có tên tiếng Anh là “Vietnamese Museum Australia” (Viện Bảo Tàng Việt Úc), tiếng Việt là “Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu”.

19.2 Cơ cấu pháp lý

19.2.1 Viện Bảo Tàng được rập theo cơ cấu pháp lý của một viện bảo tàng tại Úc.

19.5 Tương quan giữa VCA-VIC Inc. và Viện Bảo Tàng

19.5.1 Điều hành

19.5.1.1 Một thành viên của Ban Chấp Hành VCA-VIC Inc. sẽ là thành viên

trong Hội đồng Quản trị Viện Bảo Tàng.

19.5.1.2 VCA-VIC Inc. là một cổ đông có tư cách pháp nhân của Viện Bảo Tàng nên có quyền hạn trong việc bổ nhiệm các Giám đốc bao gồm cả Hội đồng Quản-trị tiên khởi của Viện Bảo Tàng.

……….

Sau “Lời mở đầu”, mục đích Trung Tâm Văn Hoá đã bị loại ra khỏi những Điều khoản tiếp theo của NQ19.

Xin đi ngược thời gian về 2017. Feasibility Study (FS) 2017 do VCA Vic chủ trương, với sự tài trợ của Chính Phủ Victoria, là để xem xét tính hợp lý của việc phát triển Trung Tâm Bảo Tồn Di Sàn & Văn Hoá Việt Nam (TT.BTDS-VH.VN), tại Sunshine North. FS nghiên cứu tiềm năng, ưu khuyết điểm của việc phát triển nếu không dời địa điểm, và tiềm năng nếu dời tới một địa điểm khác. FS cũng xem xét trung tâm mới cần có những phương tiện gì, cơ cấu ra sao, làm sao để gây quỹ xây dựng, quỹ vận hành, nhân sự cần phải có…

Trích từ Feasibility Study 2017 (tạm dịch) – Địa điểm hiện tại của Trung Tâm Sinh Hoạt ở Sunshine không tiện cho việc thuê mướn nhất là đối với những sinh hoạt của giới trẻ. Do đó Cộng Đồng cần phải dời đến một địa điểm tốt hơn, tốt nhất là ở các vùng gần trung tâm thành phố Melbourne với phượng tiện giao thông công cộng và có chỗ đậu xe

Dự Án là nhằm phát triển cơ sở Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản và Văn Hóa Việt Nam ở Sunshine North thành một cơ sở tốt hơn, phục vụ tốt hơn cho nhiều nhu cầu: sinh hoạt, bảo tàng, gần phương tiện giao thông… và để tài trợ cho Dự Án tương lai, trong FS có nhắc tới TT.BTDS-VH.VN không thể phát triển thêm, nhưng có thể được bán để có ngân quỹ tài trợ cho Dự Án mới.

Trích từ Feasibility Study 2017 (tạm dịch) – Cộng Đồng không nên bán khu đất của Trung Tâm Sinh Hoạt (Đền Thờ Quốc tổ) cho đến khi nào bảo đảm nắm chắc trong tay (làm chủ) một địa điểm mới

Phải chăng tư duy này vẫn còn phảng phất, nên trong Agenda – Nghị Trình phiên họp của Maribyrnong Council (MC) về việc bán đất ở Footsray ngày 4/8/2020 (MC Agenda 5.1 trang 7), theo nghị trình đó, cơ sở TT.BTDS-VH.VN sẽ được Ct VMA dùng làm security (bảo đảm) nếu phải mượn tiền mua đất cho Dự Án Footscray. Có thể thấy Ct VMA đã lạm quyền ở đây: tài sản của VCA Vic, nhưng Ct VMA tự động báo với MC rằng họ có thể dùng tài sản này làm security, mà chưa hỏi sự đồng ý của VCA Vic.

Có một sự mâu thuẫn cần được nêu ra. Dự Án có thể được coi như một SỰ THAY THẾ cho TT.BTDS-VH.VN, nhưng FS lại không đặt nhu cầu “một hội trường sinh hoạt cho Cộng Đồng” lên hàng ưu tiên, mà chỉ ngang hàng với những nhu cầu khác. Chỉ khi những thành viên được mời hội ý cho Dự Án, trong giai đoạn làm FS, yêu cầu Dự Án phải phục vụ nhu cầu trung tâm sinh hoạt cho đồng hương lui tới, và phải nhờ vào mục đích này mới xin được tài trợ của chính phủ, FS mới quan tâm nhiều hơn về mục đích có môi trường sinh hoạt cho Cộng Đồng.

TVTS dịch thêm đoạn đầu từ hàng thứ hai: Cần phải nhấn mạnh trọng tâm là một trung tâm cộng đồng, bởi vì NHIỀU NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG BAO GIỜ ĐI THĂM MỘT VIỆN BẢO TÀNG

Mâu thuẫn nêu trên là do BCH CĐ sơ sót, hay do nhóm thực hiện FS không hiểu nhu cầu của CĐ? Nhưng rõ ràng FS ngay lúc đó đã xem nhẹ nhu cầu “trung tâm sinh hoạt” của Dự Án, và trong NQ19 thì “quên hẳn”.

Trở lại vấn đề C6 (Chương 6).

Một khi đã “loại” được mục đích “trung tâm sinh hoạt văn hoá” của Dự Án, Dự Án chỉ còn là một viện bảo tàng, và từ đó “19.2.1 Viện Bảo Tàng được rập theo cơ cấu pháp lý của một viện bảo tàng tại Úc.”

“Viện bảo tàng Úc” là một khái niệm mơ hồ, vì có biết bao nhiêu loại bảo tàng lớn nhỏ, theo nhiều cơ cấu pháp lý khác nhau: tư nhân, công cộng, công ty có cổ phiếu, công ty trách nhiệm hữu hạn…

Đúng ra, là một nội quy/constitution, nội dung phải rõ ràng, đáng tiếc điều này đã không được tôn trọng.

Ngày 17/3/2019 VCA Vic đã tổ chức một phiên họp cộng đồng, nhằm cập nhật cho đồng hương thông tin về Dự Án. Biên bản của VCA Vic đã ghi:

“3. Cơ cấu tổ chức và luật pháp:

– PwC đưa ra 4 cơ cấu luật pháp có thể áp dụng cho VBT & TT Sinh Hoạt, những ưu cũng như bất lợi của mỗi cơ cấu.

– PwC đề nghị một cơ cấu công ty bảo đảm giới hạn phục vụ xã hội bất vụ lợi (Company Limited by Guarantee), vì một cơ cấu luật pháp khác với cơ cấu BCH CĐNVTD Vic mới hội đủ điều kiện có được phép giảm thuế (tax deductibility status)… (hết trích)”

Từ biên bản trên, cơ cấu pháp lý Company Limited by Guarantee (Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn có Bảo Chứng) đã được đề nghị, nhưng sao không ghi rõ trong bản thảo Anh ngữ, giúp Ban Tu Chính (BTC) ghi rõ trong NQ19?

Sự mơ hồ dẫn tới kết quả là BTC viết một câu mơ hồ. Đúng ra, nếu thông tin rõ ràng, BTC có lẽ sẽ viết như sau: “19.2.1 Công ty Viện Bảo Tàng sẽ được thành lập theo cơ cấu Công ty trách nhiệm hữu hạn có bảo chứng ”

Vấn đề “Tên gọi”:

19.1 Tên gọi: Viện bảo tàng có tên tiếng Anh là “Vietnamese Museum Australia” (Viện Bảo Tàng Việt Úc), tiếng Việt là “Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu”.

“Điều 19.1” nói về  “Danh xưng” vừa Anh vừa Việt cho MỘT THỰC THỂ.

Vì có sự mập mờ, vô tình hay cố ý, không ai để ý rằng trong một danh xưng Anh-Việt đó, CÓ HAI THỰC THỂ ẩn dưới cùng một “Danh xưng”: 1/ cơ sở Dự Án, và 2/ cơ cấu lo về quản trị Dự Án.

Sự không rõ ràng này là do người soạn Bản Thảo Anh ngữ (bản gốc). Tại sao lại có vấn đề đó, xin dành câu trả lời cho người đọc.

Sự thiếu rõ ràng đã dẫn đến một hệ luỵ khác. Hai cụm từ “Museum” và “Museum entity” đã không được phân biệt, nhưng cùng được dịch là “viện bảo tàng”.

“Museum” là viện bảo tàng.

“Museum entity” là cơ cấu pháp lý (lo về quản trị) viện bảo tàng, nói rõ hơn, nó chính là Công ty VMA.

So sánh hai phiên bản Anh và Việt ngữ:

Anh ngữ: “19.5 Relationship between the VCA-VIC Inc. and the Museum entity.” đã được dịch ra Việt ngữ là: “19.5 Tương quan giữa VCA-VIC Inc. và Viện Bảo Tàng .”

Nếu hai thực thể: cơ sở Dự Án và Ct VMA được phân biệt rõ ràng từ “Điều 19.1”, có lẽ người ta đã dịch rõ ràng như sau:

19.5 Tương quan giữa VCA-VIC Inc. và CÔNG TY Viện Bảo Tàng

Và từ đó, biết đâu người ta sớm nhận ra rằng: “Tương quan giữa VCA-Vic Inc. và CƠ SỞ Viện Bảo Tàng” đã không được nhắc tới.

Chữ quan trọng nhất là chữ “CƠ SỞ” đã không được nhắc đến, hay theo cách nói đau xót, “VCA Vic LÀM CHỦ CƠ SỞ viện bảo tàng là KHÔNG HỀ CÓ”!

Điều này trái ngược với Chương V của NQ19, ghi rõ “18.4. Tài sản của TT.BTDS-VH.VN là tài sản của Cộng Đồng Người Việt Tự Do – Victoria và theo đúng tinh thần điều 11. – 18.4 Properties of the Centre are owned by the VCA-VIC as stated in Article 11”.

Một C6 “phức tạp” nêu ra nhiều Điều, nhưng “vu vơ” dắt lối, khiến người đọc không biết mình vừa mất gì?

Một “cơ sở Dự Án” trị giá trên $10 triệu, biến mất trên văn bản của Nội Quy VCA-Vic mà rất ít người hay biết!

***

Sự ngộ nhận về tư cách làm chủ của VCA Vic do “Phức Tạp Vu Vơ” còn nằm ở Điều sau:

19.5.1.2 VCA-VIC Inc. is a member of the Museum legal entity, mà đã được dịch là:

19.5.1.2 VCA-VIC Inc. là một Hội viên của Viện Bảo Tàng có tư cách pháp nhân (câu dịch này là theo Phiên Bản Cuối Cùng, được đính kèm với Thư Tự Bãi Nhiệm của Ban Tu Chính 2019, được gửi qua email cho đồng hương ngày 10/7/2019, ).

Và được ghi trong NQ19 là:

19.5.1.2 VCA-VIC Inc. là một cổ đông có tư cách pháp nhân của Viện Bảo Tàng.

 

Vì sao người soạn Bản Thảo Anh ngữ không thay thế cụm từ “Museum legal entity” bằng cụm từ “VMA Ltd” (Company Limited by Guarantee) vì đã đặt tên phía trên ở “Điều 19.1”, nhưng lại dùng chiêu “Phức Tạp Vu Vơ” để làm người ta ngộ nhận thêm một lần nữa.

Phải chăng nếu viết rõ ràng: “19.5.1.2 VCA-VIC Inc. is a member of VMA Ltd”, mà dịch đúng là  “19.5.1.2 VCA-VIC Inc. là một Hội viên của Công ty VMA” người đọc mau chóng nhận ra rằng VCA Vic không hề có chủ quyền gì đối với Ct VMA, và như đã viết ở trên, việc “VCA Vic làm chủ trên cơ sở Dự Án” là không hề tồn tại.

Xin được nhắc lại một lần nữa cho những ai chưa đọc Bài 1 & Bài 2. Loại Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn không có ai làm chủ, ngoại trừ chính pháp nhân Công Ty, mà ở đây là chính Ct VMA. Chữ “Hội viên” ám chỉ không có chủ quyền, không có cổ phần. Chữ “Cổ đông/cổ phần viên” ám chỉ có cổ phần (phần hùn), có quyền sở hữu trên tài sản của công ty – làm chủ nhiều hay ít là do số lượng cổ phần trên tổng tài sản của công ty. Hai chữ “Hội viên” và “Cổ đông/cổ phần viên” có ý nghĩa trái ngược nhau trong khái niệm thương mại.

Đoạn sau của Điều “19.5.1.2 … the VCA-VIC Inc. has  responsibility for the appointment of Directors, including the initial appointment  of the Museum Board. “ Cũng cần được phân tích trong Bài này: “VCA Vic Inc có trách nhiệm bổ nhiệm các Giám đốc, bao gồm việc bổ nhiệm nhân sự tiên khởi trong Ban Quản Trị (BQT)”.

Cho đến nay, Tiểu Ban Duyệt Xét vẫn chưa thấy có một bằng chứng biên bản, một cuộc họp nào được tổ chức cho việc bổ nhiệm những nhân sự đầu tiên của BQT Ct VMA.

Xin được nhắc thêm ở đây, trong Nội Quy VCA-VIC Inc. theo đúng văn bản Anh ngữ, VCA-Vic Inc bao gồm:

Article3:

3.2 VCA-VIC consists of four entities: The Executive Committee, the Advisory and Prudential Council, Sub-Committees and Members.

“VCA Vic Inc” bao gồm 4 cơ cấu pháp nhân: Ban Chấp Hành, Hội Đồng Cố Vấn và Giám Sát, Các Tiểu Ban, và Các Thành viên

Trong giai đoạn thành lập công ty VMA, chưa hề có một phiên họp nào của VCA Vic bao gồm 4 cơ cấu pháp nhân nêu trên để đề cử và bổ nhiệm nhân sự cho Ban Quản Trị của công ty VMA.

2/ Thông báo đầu tiên về Ct VMA ngày 4/12/2019 của Cựu Chủ Tịch VCA Vic.

Thông báo của Nguyễn Văn Bon

Chỉ hơn hai tuần, sau khi ông Nguyễn Văn Bon chính thức ra mắt đồng hương trong cương vị Chủ Tịch VCA Vic nhiệm kỳ 2019 – 2022, vào ngày 16/11/2019, ông Bon ra thông báo: Hội Đồng Quản Trị Viện Bảo Tàng Người Việt Tự Do Úc Châu, ngày 4/12/2019, trong đó có đoạn:

“Sắp tới đây CĐNVTD-VIC và VBT sẽ ký bản cam kết trách nhiệm do công ty luật PwC biên soạn và ban chấp hành CĐNVTD-VIC sẽ chuyển các ngân khoản, các hợp đồng bao gồm hợp đồng với chính phủ liên bang, tiểu bang và HDTP cùng trương mục của VBT đến Ban Quản Trị điều hành VBT. “

Có vài điều cần phân tích:

a/ Công ty Cố vấn PwC là cố vấn luật pháp cho pháp nhân nào: VCA Vic hay Ct VMA?

Thông thường, theo đúng nguyên tắc hành chính của các công ty và cá nhân cố vấn luật pháp, người cố vấn phải công bố rõ ràng là khi họ cố vấn cho quyền lợi của pháp nhân A, họ có liên hệ gì với phía đối phương B hay không, vì nếu có, nó sẽ là xung đột quyền lợi.

Từ giữa 2018, PwC đã bắt đầu cố vấn cho VCA Vic về những vấn đề liên can tới cơ cấu pháp lý của Dự Án. Cuối 2018 PwC giúp VCA Vic có những thảo luận về cơ cấu pháp lý với một số người (do BCH CĐ lúc ấy mời tham gia).

17/3/2019 PwC đưa ra đề nghị Company Limited by Guarantee trước buổi họp cộng đồng của VCA Vic tổ chức.

Giữa 2019 PwC giúp VCA Vic thảo ra Constitution của VM Holding Ltd, Deed of Trust cho Quỹ VM PAF, sau đó là giúp thảo Constitution cho Ct VMA (Ltd).

Cuối năm 2019 PwC giúp biên soạn Bản Cam Kết Trách Nhiệm giữa VCA Vic và Ct VMA (theo thông báo của ông Bon).

Khoảng giữa 2020 thấy tên một Giám Đốc của PwC Australia trong BQT của Ct VMA trên trang online của ACNC và của trang online của Ct VMA.

Đầu năm 2021, vị Giám đốc của PwC, nêu trên, đóng vai trò Nhân Chứng – Witness cho pháp nhân Ct VMA trong việc ký kết Deed of Novation. Cuối 2021, PwC giúp cố vấn cho phần Hỏi & Đáp online của Ct VMA.

Người viết xin không viết gì thêm, ngoài việc nêu những diễn biến đã xảy ra. Việc thẩm định “conflict of interest – Xung đột lợi ích” xin dành cho những nhà chuyên môn, và cơ quan luật pháp nhận xét.

Nhưng TB xin đưa ra nhận xét sau:

PwC khởi đầu cố vấn cho VCA Vic, sau khi Ct VMA được thành lập, Pwc đổi qua Ct VMA. Câu hỏi là: ai là thân chủ của PwC? PwC cố vấn vì quyền lợi của pháp nhân nào: VCA Vic, hay Ct VMA? PwC thay đổi chủ nhân giữa dòng từ VCA Vic, qua Ct VMA?

Nói theo bình diện cơ cấu tổ chức, người ta thấy PwC có sự thay đổi từ tổ chức VCA Vic qua tổ chức Ct VMA. Nhưng nói theo bình diện cá nhân, PwC từ khởi đầu 2018 cho đến hôm nay chưa thay đổi đối tác chủ nhân, lúc nào cũng phục vụ cho cùng một nhóm người. Việc thay đổi đối tác không nằm ở PwC, vì PwC vẫn phục vụ cho cùng nhóm người, chỉ  là vì nhóm người này thay đổi tổ chức mà thôi.

Vậy thì PwC phục vụ cho một nhóm cá nhân, hay cho tổ chức?

Cũng cần xét thêm: Công ty Cố vấn PwC, tầm vóc quốc tế, phải chịu trách nhiệm với pháp nhân nào trước mặt pháp luật, khi có sự chuyển giao không đúng nguyên tắc từ VCA Vic sang Ct VMA dưới sự cố vấn của PwC? Và phải chăng, chính PwC đã cố vấn việc làm sai nguyên tắc, hay cái tên “PwC” bị kéo vào vô tội vạ, trong những văn bản, mà chính Công ty Cố vấn PwC không hề hay biết?

Hiện BCH VCA Vic vừa được Công ty Cố vấn PwC chuyển giao một số hồ sơ. TB sẽ xem xét những hồ sơ, từ việc thảo Nội Quy của Ct VM Holding Ltd, Trust Deed của VM PAF, việc bổ nhiệm các giám đốc của BQT của Ct VMA (mà Bản Tin – Newsletter Ấn Bản số 1 của Ct VMA ra ngày 22/9/2022 công bố), đến những xung đột quyền lợi. Trách nhiệm trước pháp luật sẽ nằm ở nhân sự nào, và ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại nếu có: nhân sự của Ct VMA, nhân sự của PwC, hay chính PwC?

TB sẽ trình bày những vấn đề liên hệ đến Công ty Cố vấn PwC tại Buổi Thuyết Trình 19/3/2023.

Trở lại với lá thư của ông Bon.

b/ Nghi vấn cho rằng việc “Ký kết Deed of Novation (Hợp Đồng Thay Đổi Đối Tác)” đã không theo Nội Quy VCA Vic, cho tới nay đã có câu trả lời rõ ràng. Theo Điều 11 của Nội Quy VCA Vic:

ĐIỀU 11. Tài sản

11.1. Tài sản của Cộng đồng sẽ bao gồm: động sản và bất động sản, khoản nợ và tài khoản trong các trương mục ngân hàng của Cộng Đồng.

11.2. Tất cả mọi hình thức thể chấp, sang nhượng hay bán bất động sản của Cộng Đồng chỉ được sự đồng thuận của đa số 3/4 thành viên hiện diện tại Đại Hội Thường Niên hoặc Đại Hội Bất Thường.

Muốn có một đại hội, BCH phải tuân thủ Điều 23 của Nội Quy VCA Vic:

ĐIỀU 23. Thủ tục triệu tập Đại hội

Để triệu tập Đại hội Thường niên hay Bất thường, trước ngày đại hội ít nhất 4 tuần BCH. CĐ phải gửi thư mời đến các hội đoàn và thông báo rộng rãi bằng các phương tiện truyền thông tại địa phương, nội dung có ghi rõ thời gian, địa điểm, mục đích và nghị trình.

Muốn Điều 23 xảy ra theo đúng Nội Quy VCA Vic, BCH CĐ cần 4 tuần ra thông báo mời họp. Với những mốc thời gian đã nêu, chỉ mới hơn 2 tuần đã có quyết định “CĐNVTD-VIC sẽ chuyển các ngân khoản, các hợp đồng bao gồm hợp đồng với chính phủ liên bang, tiểu bang”.

Người ta đặt ra những giả thuyết:

a/ ông Bon không tuân thủ Điều 11 của NQ19, hay

b/ ông Bon tiếp tục thực hiện những gì Ban Chấp Hành tiền nhiệm đã làm, ông Bon không “xét lại” tiến trình thực hiện Dự Án xảy ra trước nhiệm kỳ của ông. Và có lẽ vì Chương VI đã được thông qua, nên ông Bon làm theo, hay

c/ ông Bon bị một yếu tố áp lực nào đó, khiến ông nghĩ rằng ông phải chuyển Dự Án qua cho Ct VMA.

Nếu ông Bon chuyển quyền làm chủ Dự Án là vì a/ thì không cần bàn thêm.

Nếu là c/ thì cần thêm bằng chứng khách quan và bằng chứng của chính ông Bon để xem những áp lực kia là gì.

Nếu là b/ thì xin được viết thêm:

Giả như ông Bon làm vì b/ thì việc chuyển nhượng đó có hợp pháp, theo đúng nguyên tắc Nội Quy của VCA Vic hay không?

Có lẽ nó chỉ hợp lý và hợp pháp nếu Dự Án (VBT) có cùng đặc tính như TT.BTDS-VH.VN và tuân thủ theo đúng Chương V của Nội Quy VCA Vic.

Nói rõ hơn: Dự Án (VBT) phải thuộc quyền sở hữu của VCA Vic, Ban Điều Hành của Dự Án (VBT) do đồng hương bầu chọn mỗi ba năm, và như Điều 18.8- Ban Quản Trị Dự Án (VBT) không được đứng tên đăng bộ thành một tổ chức riêng hay đăng bộ riêng với cơ quan chính phủ. Tài khoản của Ban Quản Trị TT.BTDS-VH.VN được mở theo quy định ở điều 10.10.

Với những Điều Khoản trong C6 mang tính “Phức tạp vu vơ”, rất khó để hiểu thấu những điều khoản đó nếu không có sự trợ giúp của các nhà chuyên môn về luật pháp và kế toán. Khi không hiểu sự khác biệt của C6 so với C5; khi không hiểu cơ cấu, cơ chế của Dự Án (VBT) – như đã viết trong C6 – và TT.BTDS-VH.VN, việc hiểu lầm và làm sai là điều không thể tránh khỏi.

Từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2021 (giai đoạn ký xong Deed of Novation), TB không thấy một bằng chứng nào là đã có một phiên họp hợp lệ như trong Nội Quy của VCA Vic, nhằm mục đích cho đồng hương biểu quyết về quyết định sang nhượng quyền làm chủ Dự Án của ông Chủ tịch trong giai đoạn đó.

TB khẳng định một cách mạnh mẽ rằng “Việc Ký Hợp Đồng Thay Đổi Đối Tác – Deed of Novation & Variation” đã không được làm theo đúng Nội Quy của VCA Vic.

Sự việc này sẽ được trình lên các chính quyền các cấp từ Maribyrnong Council (MC), liên quan đến Expression of Interest – Đơn Xin Mua Đất, đến Chính Phủ Tiểu Bang Victoria, Chính Phủ Liên Bang và các đảng phái chính trị như Liên Đảng Tự Do, Đảng Lao Động.

Xin nói rõ thêm ở đây, khi nộp Đơn Xin Mua Đất với MC, Ct VMA đã phải chứng minh Ct VMA có ngân quỹ xây dựng Dự Án. Ct VMA nộp đơn mua đất là tháng 7/2020, lúc đó Hợp Đồng Thay Đổi Đối Tác – Deed of Novation chưa được ký kết (Hợp Đồng này ký và hoàn tất ngày 22/2/2021) nhưng đã được Ct VMA dùng như bằng chứng cho khả năng tài chánh xây dựng Dự Án.

Cần nói thêm rằng sau khi nhận được Caveat từ VCA Vic, MC đã chấp nhận tính hợp pháp của Caveat, và không tiếp tục tiến hành kết thúc việc mua đất của Ct VMA.

3/ Thông báo đầu tiên của BQT Ct VMA ngày 5/12/2019.

Trong thông báo có đoạn:

“Mặc dù dự án cần mang cơ chế luật pháp công ty trách nhiệm hữu hạn, VBT là một tài sản chung của toàn thể người Việt yêu chuộng tự do, hoà bình, chân lý và quan tâm đến tình hình đất nước. “

Đây là thông báo đầu tiên của Ct VMA, về việc Ra Mắt của Ct VMA ngày 7/12/2019 và phát động chiến dịch gây quỹ “Một Gia Đình Một Viên Gạch”.

Hôm 7/12/2019 đồng hương tề tựu rất đông, trong buổi lễ long trọng với nhiều nghi thức trang nghiêm, hầu như tất cả đồng hương đều vui vì những cố gắng vận động của họ đang trở thành hiện thực. Hôm đó, người viết cũng đã đóng góp 6 Viên Gạch (chưa kể những đóng góp sau đó).

Kể chi tiết vừa nêu để người đọc thấy rằng trong giai đoạn đó đã có ít người nghi ngờ gì về “quyền làm chủ” trên Dự Án.

Khi đọc lại đoạn văn phía trên, khi duyệt xét lại, người viết mới nhận ra “vấn đề” đã hiện diện ngay từ những ngày đầu.

Câu viết: “Mặc dù dự án cần mang cơ chế luật pháp công ty trách nhiệm hữu hạn,” chứng tỏ người ra thông báo đã biết không ai có tư cách làm chủ công ty trách nhiệm hữu hạn, ngoại trừ chính nó. Nhưng để tránh bị đặt dấu hỏi về quyền làm chủ, thông báo kèm thêm câu sau:

“VBT là một tài sản chung của toàn thể người Việt yêu chuộng tự do, hoà bình, chân lý và quan tâm đến tình hình đất nước.”

Trong Bài 2, người viết đã phân tích câu chữ “CỦA toàn thể người Việt” là một khái niệm không như mọi người đã “tưởng”, xin mời quý vị đọc Bài 2. Trong bài này, người viết nhắc ra đây, để tiếc cho sự thể “Phức Tạp Vu Vơ” đã xảy ra từ thông báo đầu tiên của Ct VMA.

***

Xin được viết về một email trả lời của một cựu thành viên của Hội Đồng Cố Vấn và Giám Sát, nhiệm kỳ 2016-2019. Xin trích nguyên văn một đoạn email của họ:

Tôi không có nghĩa vụ phải trả lời những câu hỏi của cái gọi là “Tiểu Ban Duyệt Xét” vì tính chất của Tiểu Ban này không mang tính hợp pháp của CÔNG TỐ VIỆN trong hệ thống LUẬT PHÁP CỦA ÚC.

Có người đã viết, việc yêu cầu hợp tác với TB được xem như một “phép thử – test” tinh thần hợp tác và trách nhiệm của những cựu thành viên.

Việc hợp tác trả lời là tự nguyện. Nhưng bằng cách xem xét “tư cách” hợp tác, TB vẫn rút được câu trả lời. Tiểu Ban Duyệt Xét không có tư cách của CÔNG TỐ VIỆN, nhưng chúng tôi có bổn phận viết bản tường trình, đi kèm với bằng chứng, nộp cho các cơ quan hữu trách, tới các cấp chính quyền tiểu bang và liên bang, tới các Hội Đồng Thành Phố: Maribyrnong, Yarra, Brimbank, Dandenong… những thành phố có đông cử tri người Việt.

Giả như Ct VMA không trả lại chủ quyền Dự Án, để rồi VCA Vic phải dùng đến luật pháp, xin luật pháp can thiệp để lấy lại chủ quyền Dự Án, thì các cơ quan luật pháp, các cấp chính quyền sẽ dùng những bằng chứng chúng tôi cung cấp. Việc phân tích bản tường trình và sử dụng bằng chứng để đi đến kết luận là việc của các cơ quan luật pháp.

Một điều mà Ct VMA nên quan tâm là cho tới hôm nay, những bằng chứng có được, phần lớn mang nhiều điểm bất lợi cho Ct VMA.

Còn thêm nhiều lời bình khác trên Facebook, hoặc emails của những người không vui, phản đối việc duyệt xét của TB, phản đối thành viên trong TB, Tiểu Ban sẽ cố gắng trả lời trong Buổi Thuyết Trình vào ngày 19/3/2023. Hoặc nếu sợ trong phiên họp TB sẽ không nhớ để trả lời, xin mời quý vị có câu hỏi đến tham dự phiên họp, trực tiếp nêu vấn đề. Như thế sẽ giúp TB trả lời cặn kẽ, trong tinh thần xây dựng.

Tạm kết:

Mục đích khởi đầu của Dự Án từ những năm 2014 là phát triển Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản và Văn Hóa Việt Nam Sunshine North thành một cơ sở lớn hơn, đẹp hơn và trong đó có cả bảo tàng, đã dần dần thay đổi.

Lồng trong tên gọi của Trung Tâm Bảo Tồn Di Sản và Văn Hóa Việt Nam là cụm từ “Bảo Tồn Di Sản”. Xét về ý nghĩa, xét về ngữ nghĩa, cụm từ này đồng nghĩa với cụm từ “Bảo Tàng”. Vậy chúng ta có cần hai cơ sở: 1/ “Bảo Tồn Di Sản” và 2/ “Bảo Tàng”? hoặc cả hai có cùng mục đích, nên chỉ cần MỘT TRUNG TÂM mà thôi!

Chúng ta đã có sẵn Chương V trong Nội Quy VCA Vic làm nền tảng pháp lý cho Trung Tâm Sunshine North.

Chương V của Cộng Đồng

Chương V có những Điều Khoản hợp lý phục vụ cho nhu cầu của Cộng Đồng, và quan trọng nhất là toàn bộ cơ sở thuộc chủ quyền của VCA Vic.

Ban Chấp Hành VCA Vic là do đồng hương mỗi ba năm bầu chọn. Bên cạnh việc BCH VCA Vic, Ban Điều Hành của Trung Tâm cũng do đồng hương bầu chọn mỗi ba năm. Đặc biệt Điều 18.2 ghi rõ: Chủ tịch BCH. CĐ và Chủ tịch Hội Đồng Cố vấn và Giám Sát không được kiêm nhiệm các chức vụ nào trong Ban Quản Trị TT.BTDS-VH.VN.

Điều này khác với BQT của Ct VMA hiện tại không do đồng hương bầu chọn và bổ nhiệm. Riêng chỉ xét về quyền được bầu chọn người đại diện cho đồng hương, để quản lý cơ sở trung tâm sinh hoạt, cơ cấu nào, VCA Vic hay Ct VMA sẽ quản lý một trung tâm sinh hoạt tốt hơn, phù hợp nhu cầu của đồng hương?

Theo như FS, và ý tưởng khởi đầu, Dự Án Footscray là để THAY THẾ cơ sở Trung Tâm Sunshine North. Sự thay thế là thay thế cơ sở thành một cơ sở tốt hơn. Trong khi đã có Chương V làm nền tảng cho việc quản trị, tại sao không dựa trên cùng nền tảng này, nhưng lại tạo ra một Chương VI phức tạp, nhưng vu vơ tối nghĩa.

Chỉ vì mục đích muốn đưa Trung Tâm đến gần đồng hương, đến gần tới mọi người, nên thay đổi địa điểm ra khỏi Sunshine North tới Footscray, mà đã tạo ra nhiều vấn đề.  Hay chính FS, và những “ý tưởng ban đầu” chỉ là những cái cớ cho những toan tính hoàn toàn khác đã được sắp sẵn?

Hai vấn đề đang gây nhiều hoang mang là: 1/ mục đích có một trung tâm sinh hoạt cho Cộng Đồng, như TT.BTDS-VH.VN đã và đang có, “gần như bị quên lãng”, 2/ quyền sở hữu của Cộng Đồng trên cơ sở Dự Án từ từ biến mất, nếu VCA Vic không lấy lại chủ quyền Dự Án.

Đây là bài cuối trước Buổi Thuyết Trình Cuối Cùng của TB Duyệt Xét. Mặc dầu đã có nhiều vấn đề được nêu ra trong bài này, và trong Bài 1, 2, TB vẫn còn nhiều điều chưa trình bày. Đồng thời chúng tôi vẫn còn nhận được thông tin của đồng hương, của các cơ quan hữu trách, tổ hợp luật PwC gửi về. Do đó, TB mong đồng hương đến tham dự tại Trung Tâm Sinh Hoạt (ĐTQT) Sunshine vào ngày 19/3/2023 từ 2pm – 5pm để chúng ta cùng chia sẻ.

Bầu nhiệt huyết nôn nóng muốn có một viện bảo tàng có thể đã hối thúc nhiều người đưa ra những quyết định sai lạc. Đây chính là cơ hội để chúng ta sửa lại khuyết điểm, dù là cố ý hay vô tình. Dẫu có sai lỗi, nhưng kịp thời ngưng lại, cùng tìm hiểu để cải thiện sẽ tốt hơn nhiều so với khư khư cố chấp. Thiện chí, thiện tâm của mọi người chắc chắn sẽ được đồng hương đón nhận trong quý mến, bao dung.

Tương lai của Cộng Đồng không thể xây dựng bằng những lời phê bình bóng gió, nói xấu sau lưng, trên emails hay trên Facebook nhưng giấu mặt giấu tên. Hãy là những thành viên tích cực, với những ý kiến xây dựng tích cực. Hãy tôn trọng nhau, tôn trọng người khác để chính cá nhân quý vị cũng được tôn trọng. Nếu muốn phản biện điểm gì, xin trưng cho chúng tôi bằng chứng hỗ trợ lập luận của quý vị. Hãy cư xử có văn hoá, trước khi chúng ta có thể xây dựng một “Trung Tâm Văn Hoá”.

Hẹn gặp quý vị trong Buổi Thuyết Trình 19/3/2023.

Trân trọng,

Đinh Hiếu

(Trích báo giấy TVTS số 1927 phát hành ngày 13.3.2023. Tựa của tác giả Đinh Hiếu: “Bài 3: Sự thật mất lòng”. TVTS thêm một số chữ  vào tựa để làm rõ “mất lòng” ở chỗ nào và Viện Bảo Tàng có thật sự quá cần thiết không so với dự án ban đầu là Trung Tâm Văn Hóa Việt-Úc và Bảo Tảng?

Mời bạn đọc xem thêm đề tài liên hệ về dự án VBT và dự án Trung tâm VH Việt-Úc và BT trong video sau ở phút 23’15