“Ngày lịch sử”: Đối lập đồng ý trên nguyên tắc ủng hộ Chính phủ Lao động xin lỗi Thổ dân trong buổi khai mạc Quốc hội

06 Tháng 2, 2008 | Tin nước Úc

Ngày hôm qua có thể gọi là “ngày lịch sử”, bởi Liên đảng nói chung và cá nhân Bác sĩ Nelson trong tư cách Thủ lãnh nói riêng, lâu nay không chấp nhận hay rất miễn cưỡng trong việc xin lỗi về cái gọi là “Các thế hệ bị đánh cắp”—Stolen generations.


 


Từ khi lên cầm quyền, Thủ tướng Kevin Rudd đã cho biết rằng, khác với cựu Thủ tướng John Howard cứ chần chừ trong việc xin lỗi Thổ dân và đã kéo dài trong 11 năm cầm quyền, ông sẽ nhân danh Chính phủ và Quốc hội để xin lỗi công khai khi Quốc hội họp vào tuần lễ thứ hai của Tháng Hai.


 


Ông Nelson khi mới lên làm thủ lãnh Đối Lập đã cho rằng nên thận trọng trong việc xin lỗi vì, trước hết là thế hệ này không phải chịu trách nhiệm những gì các thế hệ trước đã làm; sau đó là việc xin lỗi có thể đưa đến những vụ kiện tụng đòi bồi thường với những số tiền lớn lao mà người thọ thuế phải nai lưng ra gánh chịu.


 


Tuy nhiên, ngày hôm qua ông Nelson đã thuyết phục được các dân biểu nghị sĩ Liên đảng ủng hộ Chính phủ trong việc xin lỗi vì nếu không làm, Liên đảng sẽ là đảng đứng bên lề cuộc chơi chính trị và  hòa giải với Thổ dân.


 


Nhưng ủng hộ chẳng có nghĩa là đưa tấm chi phiếu trống đã ký sẵn. Thủ lãnh Nelson yêu cầu Chính phủ phải cho ông xem chi tiết và bản thảo cuối cùng mà Thủ tướng Rudd sẽ đọc trong ngày khai mạc khóa họp của Quốc hội, bằng không thì lời xin lỗi đó chỉ là của Chính phủ, của đảng Lao động chứ không phải của toàn thể Quốc hội. Theo ông, dân chúng Úc cần biết những gì sẽ được nói trước Quốc hội khi nhân danh họ.


 


Tin cho hay có một số dân biểu nghị sĩ Liên đảng vẫn còn mạnh mẽ chống việc xin lỗi Thổ dân. Vì thế, họ sẽ được phép trong ngày khai mạc quốc hội được bày tỏ mối quan tâm của họ về việc xin lỗi và ảnh hưởng sau này, nhưng sẽ không ghi vào biên bản sự phản đối, và họ sẽ bỏ phiếu trắng nếu họ không hài lòng.


 


Thủ lãnh Nelson nói Chính phủ phải cho công bố những chi tiết về cố vấn pháp lý để bảo đảm việc xin lỗi “sẽ không mở đường cho cả một phong trào đua nhau kiện đòi bồi thường”. Ông Nelson đề nghị thay vì dùng từ “đánh cắp – stolen”, nên dùng cụm từ “những thế hệ bị cưỡng bách dời đi – forcibly removed generations”.


 


Văn phòng Thủ tướng Rudd cho hay “việc xin lỗi đối với các Thế hệ bị Đánh cắp sẽ nhìn nhận những sự ngược đãi trong quá khứ  đối  với Thổ dân và dân đảo Torres  Strait Island” nhưng sẽ không bao gồm bất cứ cam kết bồi thường nào cả.


 


Nhưng nói là một chuyện. Ra vẻ đã có một rừng các luật sư sẵn sàng vào cuộc để một khi Chính phủ hay Quốc hội xin lỗi, họ sẽ bày cho hàng chục ngàn Thổ dân thưa kiện với hàng tỉ bạc đòi bồi thường. Ai sẽ được lợi trong việc “xin lỗi” và cuộc sống của người Thổ dân sau vụ “xin lỗi” có tốt đẹp hơn không vẫn là một dấu hỏi to tướng, to đến độ ông Howard trước đây cứ ngần ngừ trong vấn đề này.


 


Phát ngôn viên đối lập về Dịch vụ Cộng đồng Tony Abbott mấy ngày trước tỏ vẻ bi quan về chuyện xin lỗi, hôm qua cũng đã ủng hộ trên nguyên tắc, đồng thời ông Abbott vẫn bảo vệ việc cựu Thủ tướng Howard đã không chịu xin lỗi Thổ dân vì quyền lợi của quốc gia. Thật vậy, hệ lụy của việc xin lỗi trong tuần lễ tới đây sẽ kéo dài trong nhiều năm tới. Mức độ tùy nội dung xin lỗi của Thủ tướng Kevin. Chúng ta hãy chờ xem.