Ngày Toàn quốc Úc xin lỗi Thổ Dân

28 Tháng Năm, 2018 | Tin nước Úc
Một Thổ dân Úc biểu diễn đàn nghệ thuật tại một sự kiện ở Sydney hôm 28.5.2018. Photo courtesy: Reuters

Người dân Úc trên cả nước đã cử hành ngày Toàn Quốc Xin Lỗi vào ngày thứ bảy 26.5 tuần qua. Đây là một ngày kỷ niệm trong việc bày tỏ sự hối tiếc về sự ngược đãi người Thổ dân trong lịch sử.

Đó cũng là bắt đầu Tuần Lễ Hoà Giải Quốc Gia và các lãnh đạo Thổ Dân muốn chuyển đến mọi người về những đau thương trong quá khứ cùng việc kết hợp người Thổ Dân vào tương lai nước Úc.

Đã 20 năm kể từ khi Ngày Toàn quốc Xin Lỗi đầu tiên diễn ra tại Úc, thế nhưng chỉ mới có một thập niên khi chính phủ thực sự nói lên lời nầy. Trong những năm đó và qua các cuộc hội họp về sau, đối với một số người thì mọi việc chẳng thay đổi chút nào.

Trưởng lão Thổ dân là bà Rita Wrights, đã bị tách khỏi gia đình lúc mới lên 2 tuổi và bị buộc phải làm việc tại một nông trại, cũng như sống trong một hợp tác xã nuôi gà.

Bà nói rằng quả là một con đường rất dài, trước khi dẫn đến chuyện xin lỗi.

“Chúng tôi vẫn không biết gọi ai là mẹ ruột của mình, vì chúng tôi gọi những người trong nhà là cha và mẹ rồi”.

Thế nhưng bà tự xem mình là may mắn, khi tìm được mẹ ruột nhiều năm sau đó.

“Bà ta dẫn tôi xuống phố và đưa tôi đi khắp nơi và nói rằng ‘con gái nay đã về nhà, con gái tôi nay đã về nhà rồi’. Đó là một cảm xúc tốt đẹp vì cuối cùng, tôi biết được mình có người mẹ ruột”.

Hiệp Hội Những Bà Cụ Thổ Dân nhóm họp với chính phủ trong tuần qua, để đề cập đến mức độ quá cao các trẻ em Thổ Dân, trong chế độ chăm sóc cộng đồng và bị giam giữ trong tù.

Trên khắp vùng Parramatta ở phía tây Sydney, các lá cờ được treo rũ nửa cột. Hội đồng địa phương cho biết, việc đó để tỏ lòng thương tiếc đối với những chuyện sai trái đã làm cho Thế Hệ Bị Đánh Mất, cũng như biểu hiện cho lòng tôn kính.

Thế nhưng với nhiều người trong cộng đồng ở đây, bao gồm vị trưởng lão Greg Simms, thì sự tôn kính còn đi xa hơn là một lời xin lỗi. Được biết Ngày Toàn Quốc Xin Lỗi đánh dấu, Tuần Lễ Toàn Quốc Hoà Giải bắt đầu.

Chiến dịch năm nay, là nhằm việc học hỏi về lịch sử và phát triển cùng nhau trên nước Úc nầy.

Chiến dịch nầy là một phần trong việc đẩy mạnh, nhằm nhắc nhở mọi người nên tự hỏi, họ đã biết gì hay chẳng biết chi cả, về lịch sử nói chung của nước Úc.

Và một năm sau khi các lãnh tụ Thổ dân tụ họp nhau tại Uluru, ông Pat Dodson của đảng Lao Động tiếp tục thúc đẩy, để người Thổ Dân có tiếng nói đến quốc hội và việc nầy nên được qui định trong luật pháp.

Thượng nghị sĩ Dodson chủ tọa một ủy ban xem xét, liệu tiếng nói của Thổ dân tại quốc hội có nên ghi vào Hiến Pháp hay không, như đã được đề nghị trong Tuyên Ngôn Uluru và sẽ được tường trình vào tháng 7 sắp tới.

Ông Dodson cho đài ABC biết rằng, đây là một bước tiến quan trọng.

“Nếu quí vị trở nên giận dữ với chính phủ, họ sẽ tìm cách loại bỏ quí vị và đó là những gì đã xảy ra trong quá khứ”.

“Vì vậy các nhà lãnh đạo đi đến quan điểm là chúng ta cần có những điều trong Hiến Pháp và ít nhất cũng yêu cầu quốc hội xem xét việc có một nơi để chúng ta có tiếng nói ở quốc hội”, Pat Dodson.

Đảng Lao Động đã cho biết, nếu đắc cử trong kỳ tổng tuyển cử sắp tới, họ sẽ thảo ra dự luật gởi đến quốc hội, để hợp pháp hóa tiếng nói của người Thổ Dân tại quốc hội và được xem là bước đầu tiên hướng đến việc ghi chuyện nầy vào Hiến Pháp.

Điều nầy sẽ cho người Thổ dân có tiếng nói về chính sách, liên quan đến tình trạng bất công xã hội mà nổi bật là chương trình “Thu Hẹp Khoảng Cách”, giữa người Thổ dân và không phải là Thổ Dân.

Bà Wrights tỏ ra hy vọng: “Tôi chỉ hy vọng về một điều kỳ diệu thật to lớn và tôi biết chuyện đó đòi hỏi rất nhiều, thế nhưng chúng ta tất cả cùng đến với nhau là một mà”.

Theo SBS Tiếng Việt