Phóng sự một ngày ở Adelaide: Gặp chủ nhân Nhà Bảo Tàng VNCH

Từ trái: Ông Nguyễn Bá Nghiệp, Bà Marie Triệu, LS Nguyễn Tân Hải ngày 27/1/2025 tại Adelaide. Hình cung cấp

(Ls Nguyễn Tân Hải) – Tôi định cư ở Úc được gần 44 năm, đi thăm nhiều nơi, nhiều chỗ nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến thành phố Adelaide thuộc tiểu bang Nam Úc (SA). Tôi đã nghe nói nhiều về Adelaide, nào là đây là thành phố có nhiều thánh đường nhất nước Úc, nào là đây là thành phố yên tĩnh nhất nước Úc, nhưng tôi lại chưa có dịp đi thăm để xem có đúng như vậy hay không. Thế mới biết cái duyên là quan trọng. Duyên đến thì hợp mà hết “duyên” thì… Duyên đã đến, cho tôi cơ hội đi Adelaide dù chỉ là ở đó có một ngày.
Được sự yêu cầu của Ban chấp hành CĐNVTD, tôi và chị Marie Triệu, Curator của Exhibition Working Group (Ban Triển Lãm) đã lên đường đi Adelaide trong lúc thành Phố Melbourne còn đang ngái ngủ. Máy bay cất cánh lúc 7.10am và đáp xuống phi trường Adelaide 8 giờ hơn. Giờ Adelaide khác với giờ Melbourne. Melbourne đi sớm hơn Adelaide 30 phút.

Một góc Nhà Bảo Tàng. Hình cung cấp

Mục đính chính của chuyến thăm Adelaide trong một ngày là đến gặp anh Nguyễn Bá Nghiệp, cựu quân nhân Hải quân quân lực VNCH và cũng là người đã bỏ ra 50 năm để sưu tầm những hiện vật được tạo ra ở Việt Nam trong chế độ quốc gia từ thập niên 30 đến ngày 30/4/1975. Chúng tôi gặp anh Nghiệp thảo luận về đề nghị mượn anh những hiện vật quý giá để trưng bày trong cuộc Triển Lãm tại Hội Chợ Tết Ất Tỵ tại Footscray Park vào hai ngày 15 & 16 tháng 2 năm 2025 do CĐNVTD-Vic tổ chức.
Chúng tôi đi Uber đến nhà anh Nghiệp ở một khu có phong cảnh rất giống khu Thornbury ở Melbourne với những lô đất lớn và đầy nhà nửa gỗ nửa gạch. Tôi chưa từng gặp anh Nghiệp nên rất ngạc nhiên khi thấy anh còn rất khỏe, mặc dù đã vào tuổi ngoài 80 và tóc bạc trắng. Anh là mẫu người hoạt động, đầy nhiệt tâm mặc dù đã cao tuổi. Cả hai anh chị đều là Cựu quân nhân Quân chủng Hải Quân VNCH.
Sau những lời tự giới thiệu, anh Nghiệp đã dẫn chị Marie và tôi vào thiên đường của anh. Nhà Bảo Tàng VNCH của anh chính là 2 phòng nối liền với nhau với loại khóa số chống trộm đặc biệt. Nếu sự ngạc nhiên có thể làm cho người ta im lặng không nói lên lời thì sự ngạc nhiên của chúng tôi khi được anh dẫn vào phòng số 1 là một cảm giác rất lạ kỳ, khó tả.

Quân trang của Trung Tá Hùng, Trung Đoàn Trưởng hy sinh vào đầu năm 1975. Hình cung cấp

Chúng tôi đã đi vào một thế giới VNCH, một thế giới mà chỉ có những người Việt quốc gia mới cảm nhận được mối dây thân thiết. Hàng trăm, hàng ngàn hiện vật gồm đủ mọi chủng loại từ huy chương, mũ, áo, dây thắt lưng của quân nhân các quân binh chủng cho đến những vật chứng của lịch sử như Hiến Pháp VNCH 1/4/1967, sắc phong, sớ của thời Vua quan triều Nguyễn. Từ những đầu sách quý xuất bản trước năm 1975 tại VNCH cho đến các loại vũ khí dùng trong chiến tranh Việt Nam như AR15, M16, Carbine M2 và Đại Liên M60. Tất nhiên anh Nghiệp đã có những giấy phép để sưu tầm những loại vũ khí này.
Chúng tôi đã được nhìn những tác phẩm của học giả Petrus Ký và ảnh chụp (hay là vẽ) của ông với đủ loại huy chương ông đã được ban thưởng kể cả huy chương cao quý Legion of Honour của Chính phủ Pháp. Cộng sản VN đã nhiều lần thóa mạ ông là tay sai của Pháp mà không hề công nhận những công trình học thuật của ông đóng góp với văn hóa nước nhà. Thế chẳng trách gì 50 năm đã trôi qua mà Việt Nam ta càng ngày càng tệ hại, xuống dốc từ đạo đức đến văn hóa.


Huy chương thời Chính phủ Quốc Gia. Hình cung cấp

Anh Nghiệp đã cho chúng tôi xem thủ bút của nhiều nhân vật lịch sử đã đến thăm “Nhà Bảo Tàng VNCH” của anh. Tôi đã nhìn thấy và cầm trong tay hình chụp và thủ bút của cựu ngoại trưởng Trần Văn Lắm và Phó Đô Đốc Lâm Nguon Tánh và nhiều vị khác nữa lúc đến thăm Nhà Bảo Tàng VNCH của anh Nghiệp. Những hiện vật thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà nhiều vô số kể, nhưng đều được anh Nghiệp ghi chép và phân loại cẩn thận. Anh đã từng được Viện Bảo Tàng Quân Sự Úc ở Canberra huấn luyện trong nhiều ngày công việc của người curator cơ sở bảo tàng.
Trước khi ăn trưa anh Nghiệp đã dẫn chúng tôi đến thăm các tượng đài lịch sử với sự đóng góp của Cộng Đồng NVTD Nam Úc. Phải thành thật mà nói tượng đài Vietnam Memorial nói lên tinh thần hợp tác giữa QLVNCH và Quân Lực Úc trong công cuộc đấu tranh chung chống lại cộng sản trông rất đẹp và có hồn.

Ngày chiến thắng quân CS tại Đông Hà, Quảng Trị. Hình cung cấp

Tượng Đài Người Việt tỵ nạn với hình chiếc thuyền hoa sen, người phụ nữ và em bé Việt Nam đã làm mềm lòng người thưởng lãm.
Trước khi chúng tôi ra phi trường để trở về Melbourne, anh Nghiệp đã cho chúng tôi đi vào những khu vườn, building cổ kính và yên tĩnh. Đây là đặc thù của Adelaide. Khi được hỏi về dân số người gốc Việt Nam sống ở Adelaide, chúng tôi được biết có khoảng 17 ngàn người VN sống ở tiểu bang Nam Úc. Dân số Adelaide bằng với dân số Perth là 1.1 triệu người.
Anh Nghiệp đã ưu ái chở chúng tôi đến Phi trường Adelaide để trở về Melbourne. Một ngày viếng thăm Nhà Bảo Tàng của anh Nguyễn Bá Nghiệp trôi qua thật nhanh. Rời khỏi Adelaide với những cảm xúc lẫn lộn. Tôi hỏi anh: anh cao tuổi rồi thế trong tương lai ai sẽ là người tiếp tục coi sóc những di sản đáng quý của VNCH này, câu trả lời của anh làm tôi yên lòng: “Con trai của tôi sẽ nối nghiệp tôi để giữ gìn những di sản này”.

Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân tại Adelaide. Hình cung cấp

Trong cuộc đời gần 50 năm ở Úc, anh Nghiệp đã đóng góp rất nhiều vào việc phát triển Cộng Đồng Người Việt Tự do tại Nam Úc. Vì những đóng góp đó anh đã được Chính Phủ Úc ân thưởng Medal of the Order of Australia, Huân chương Úc Đại Lợi. Đây là một vinh dự cho người Việt Quốc Gia sống tại tiểu bang Nam Úc và nước Úc.
Ước mong anh chị Nghiệp sẽ mang một phần những hiện vật quý báu nầy góp vào chương trình Triển Lãm 50 năm Định Cư- 50 Năm Tự do của Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria để những thế hệ trẻ ở Melbourne, Victoria có dịp thưởng lãm những gì ông cha đã gìn giữ và đấu tranh trong suốt gần 100 năm qua.
Richmond, Trọng Đông Giáp Thìn, 28/02/2025
Ls Nguyễn Tân Hải