Quyền Thủ tướng Tân Tây Lan mới đây đã thêm dầu vào lửa khi cho rằng Úc đã sao chép quốc kỳ của họ và yêu cầu nước láng giềng đổi mẫu thiết kế khác.
Theo Reuters ngày 26.7 đưa tin, Quyền Thủ tướng Winston Peters đã cáo buộc Úc “sao chép” quốc kỳ của Wellington và yêu cầu Canberra đổi lại thiết kế quốc kỳ. Phát ngôn viên của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chưa đưa ra bình luận về phát ngôn của ông Peters.
Cụ thể khi phát biểu trên kênh truyền hình TVNZ hôm 25.7, ông Winston Peters cho hay: “Quốc kỳ của chúng tôi đã tồn tại từ rất lâu và bị Úc sao chép. Họ thực sự nên đổi quốc kỳ và tôn trọng thực tế rằng chúng tôi đã lấy mẫu thiết kế này trước”. Ông Winston Peters hiện đang tiếp quản công việc của Thủ tướng Jacinda Ardern, người đang nghỉ thai sản.
Bình luận của Peters xuất hiện vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai nước, sau vụ Úc giam một thiếu niên 17 tuổi người Tân Tây Lan trong nhà tù cho người trưởng thành tại Melbourne hồi đầu tháng.
Ngoài ra, Úc cũng đã thực hiện chính sách sát hạch “nhân cách” và cho biết họ có quyền trục xuất những công dân Tân Tây Lan có tiền án tiền sự, hoặc những người có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia nước này. Wellington đã lên tiếng chỉ trích chính sách trục xuất của Canberra.
Thực ra, Quốc kỳ của Úc và Tây Tây Lan cũng có nhiều điểm tương đồng như đều có cờ hiệu của khối Liên hiệp Anh phía trên góc trái, nền xanh đậm và chòm sao Nam Thập Tự. Dấu hiệu để phân biệt là cờ Úc có sao màu trắng, còn các ngôi sao trên cờ Tân Tây Lan màu đỏ. Cờ Úc còn có thêm ngôi sao lớn 7 cánh màu trắng đại diện cho các bang và vùng lãnh thổ.
Trên thực tế, Tân Tây Lan chính thức chọn dùng cờ hiện tại có chòm sao phương nam vào năm 1902, trong khi Úc chỉ chính thức làm chuyện này vào năm 1954. Tuy nhiên, thiết kế quốc kỳ Úc trước đó đã thắng một cuộc thi vào năm 1901 và lá cờ đã tung bay vào tháng 9 cùng năm trong ngày Flag Day đầu tiên. Nó đã từng được sửa đổi chút ít trong 10 năm sau đó.
Vì thế vào năm 2016, Tân Tây Lan từng có kế hoạch thay đổi quốc kỳ khi nước này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên bỏ cờ hiệu của khối liên hiệp Anh và thay bằng hình lá dương xỉ bạc hay không. Tuy nhiên kết quả trưng cầu cho thấy gần 57% người Tân Tây Lan đã lựa chọn giữ lại phiên bản cũ.
Tổng hợp