Thăm Bảo Tàng viện Quốc gia Cựu Chiến binh Việt Nam NVVM  ở Phillip Island

Mặt tiền Viện bảo tàng NVVM tại Phillip Island. Hình: TVTS

Như Ban Chấp Hành Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria đã nói vài lần trước đây rằng trong chương trình Hội Chợ Tết Ất Tỵ năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 50 định cư và sống tự do trên đất nước Úc này, Ban Chấp hành (BCH) sẽ liên lạc với Ban Giám đốc National Vietnam Veterans Museum để mời họ hợp tác hay mượn một số hiện vật và kỷ vật của viện bảo tàng để triển lãm trong hai ngày 15 và 16 tháng 2 năm 2025 tại Footscray Park, thành phố Maribyrnong.

Vào ngày Thứ Sáu 5/7/2024 vừa qua, BCH Cộng đồng đã tổ chức một chuyến đi thăm viện bảo tàng quốc gia National Vietnam Veterans Museum nằm ở đường Veterans Drive, Phillip Island, một đảo du lịch cách xa thành phố Melbourne khoảng 140 cây số. Đây là viện bảo tàng cựu chiến binh Việt Mam có tầm vóc quốc gia duy nhất ở Úc.

Hồi tưởng: Nguyễn Hồng-Anh chỉ vào những khẩu súng cá nhân của Úc và VNCH sử dụng trong chiến tranh trong đó có cả B40 của Việt Cộng  trong khi LS Hải và ông Braxton Laine đứng nhìn. Hình: TVTS

Phái đoàn Cộng đồng Việt Nam gồm 36 người đi trên ba chiếc xe, mất khoảng gần 2 tiếng đồng hồ để tới viện bảo tàng. Luật sư Nguyễn Tân Hải và Huỳnh Bích Cẩm của Hội Phụ nữ Úc Việt, những người đã tiếp xúc với viện bảo tàng trước đây qua điện thoại hay đã từng đến thăm, đã tới trước phái đoàn khoảng hơn một tiếng để tiếp xúc với những người trong viện bảo tàng.

Đón Luật sư Hải và bà Bích Cẩm có ông Braxton Laine, Tổng Giám đốc viện bảo tàng, bà Wendy Anderson và những thiện nguyện viên như ông Lene. Thông thường viện bảo tàng ngoài tiếp đón du khách đến thăm viếng còn phục vụ du khách giải khát và ăn nhẹ trong quán có tên là “Cà phê Núi Đất”. Riêng phái đoàn Việt Nam được viện bảo tàng phục vụ ăn trưa một lúc cho 36 người với giá ăn như mọi du khách khác là $19 một phần ăn gồm cà phê. Viện bảo tàng mở cửa hàng ngày từ 10am và nhận khách thăm viếng cuối cùng lúc 4pm.

Thiết giáp M113 của quân đội Úc cũng là loại xe mà anh em TT Ngô Đình Diệm bị giết bên trong vào ngày 2/11/1963 bởi phe đảo chánh.Hình: TVTS

Người viết cùng đi xe chung với  LS Hải và bà Bích Cẩm  nên có nhiều thì giờ rảnh để đi xem viện bảo tàng, nơi được xem là trưng bày nhiều hiện vật, di vật và kỷ vật về chiến tranh Việt Nam mà quân đội Úc tham gia từ năm 1962 đến 1973 với khoảng 60,000 binh sĩ luân phiên phục vụ ở Miền Nam trong đó có 521 binh sĩ tử trận.

Cuộc chiến hào hùng của quân đội Úc

Quân đội Úc tham gia chiến tranh Việt Nam để bảo vệ sự tự do cho người dân Miền Nam nhưng vì phong trào phản chiến quá mạnh cho nên khi những người lính Úc trở về họ đã không được đón tiếp như người hùng, trái lại  tỏ vẻ lạnh nhạt nếu không muốn nói là hất hủi họ trong thời gian đầu.

Ông Lene, cựu pháo binh Úc với trái đạn của đại bác 105 ly mà ông sử dụng hồi Tết Mậu Thân 1968. Hậu trường phía trên lầu là hành lang triển lãm các di vật của Quân lực VNCH. Hình: TVTS

Phải đợi một thời gian lâu thì những đóng góp của họ mới được nhìn nhận, công trạng của họ được phục hồi, được vinh danh và những buổi lễ lớn dành riêng cho cựu chiến binh Úc tại Việt Nam mới được tổ chức rộng rãi khắp cả nước như trận Long Tan (Battle of Long Tan) ngày 18/6/1966 gần đồn cao su Long Tân ở tỉnh Phước Tuy trong đó một đại đội Úc chỉ gồm 108 người đã chiến đấu anh dũng đánh bật một lực lượng Việt Cộng khoảng 2,500 người. Đây là một trong những trận chiến đi vào lịch sử quân đội Úc và đã được dựng thành phim.

Chúng tôi không ngờ viện bảo tàng này lớn đến như thế mà khởi đầu là do công lao của một cựu chiến binh Úc và những đồng đội của ông, một câu chuyện hình thành từ năm 1998 đến 2012.

Một nửa hangar phía trước của viện bảo tàng. Hình: TVTS

Theo tài liệu của National Vietnam Veterans Museum (NVVM), viện bảo tàng NVVM ban đầu được thành lập để giúp đỡ và hỗ trợ những cựu chiến binh đối phó tốt hơn trong cuộc sống sau những kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Nam và trở về Úc. NVVM dành để vinh danh các cựu chiến binh của một trận chiến dài nhất trong lịch sử nước Úc: Vietnam War from 1962 to 1975.

Năm 1996, cựu chiến binh Viêt Nam John Methven và Krishna vợ ông đã gia nhập với nhóm Vets Connect (Nối kết Cựu Chiến binh) lái chiếc xe  Land Rover kéo theo chiếc trailer chở những kỷ vật cá nhân như một bảo tàng viện lưu động đi vòng quanh nước Úc trong sáu tuần lễ. Xăng do Bộ Cựu Chiến binh cung cấp.

Phái đoàn 36 người dùng bữa trưa tại quán “Núi Đất Café”. Hình: TVTS

Họ tìm cách để kết nối với những cựu chiến binh đã đi “ở ẩn” nơi xa xôi (gone bush) và cho  biết rằng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam của Úc (VVAA) đã được thành lập, vận động hành lang để công lao của các cựu chiến binh được công nhận và  giúp những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh được lưu tâm và cải thiện về mặt an sinh xã hội.

Các kỷ vật chiến tranh Việt Nam được đóng góp nhiều hơn sau chuyến du hành khắp nước Úc. Khi hai ông bà Mathvens về hưu sống ở San Remo gần Phillip Island, một cái garage xe được dành để làm cái “viện bảo tàng”  Viet Veterans Museum đầu tiên, mở cửa cho công chúng.  Tiền tặng (donations) tràn vào nên đến năm 1999, vì di vật trở nên nhiều hơn,  do đó phải chuyển sang một địa điểm mới gồm năm căn shop cũ.

Ông Nguyễn Quang Duy (góc trái) trình bày vấn đề mượn di vật của NVVM để triển lãm tại Hội chợ Tết 2025 trong khi ông Laine lắng nghe và bà Anderson ghi biên bản. Hình: TVTS

Bảo tàng viện được điều hành bởi những người thiện nguyện dưới sự coi sóc của Patriotic Trust Fund, một quỹ được thành lập sau Đệ II Thế chiến bởi Chính phủ Tiểu bang Victoria.

Do hiện vật cũng như những kỷ vật  chiến tranh Việt Nam càng ngày càng nhiều hơn và lớn hơn, một lần nữa vào năm 2003 viện bảo tàng dời qua địa điểm hiện nay.  Một khu đất được mua rộng  khoảng một mẫu rưỡi gần phi trường Phillip Island. Một Bellman hangar (kho chứa máy bay) được chở tới khu đất này và sau đó thêm một hangar khác để chứa  dần dần những hiện vật từ súng lục, súng trường, liên thanh, phóng lựu, súng chống xe tăng đến đại bác các loại, xe tăng, trực thăng, máy bay vận tải vv…

Phái đoàn Cộng đồng chụp hình lưu niệm bên trong NVVM. Hình: TVTS

Số tiền mặt tặng đầu tiên là $30,000 từ Bộ Cựu Chiến binh. Và sau đó là số tiền mặt được Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria tặng qua việc quyên góp từ các thành viên trong Cộng đồng. Sự liên lạc giữa viện bảo tàng và Cộng đồng đã bắt đầu từ đó, tiếc rằng vì viện bảo tàng nằm ở nơi xa xôi nên nhiều người không biết sự hiện diện của một bảo tàng viện mang tính cách lịch sử giữa người dân Miền Nam và quân đội Úc, một quân đội đã hy sinh 521 người để bảo vệ Miền Nam trong hơn một thập niên.

Một góc hành lang triển lãm di vật của VNCH ở tầng trên. Hình: TVTS

Sự hình thành viện bảo tàng NVVM

 

Ngày 15/11/ 2006 viện bảo tàng ở San Remo đóng cửa dời qua khu vực mới.    Ngày 9/3/2007 bảo tàng viện mới có tên National Vietnam Veterans Museum (Viện Bảo tàng Quốc gia Cựu Chiến binh Việt Nam) được chính thức khánh thành bởi Thủ hiến Steve Bracks của Tiểu bang Victoria trước mặt các quan khách và khoảng 2,000 cựu chiến binh và gia đình của họ.

Cộng đồng Người Việt Tự do, Hội Phụ nữ Việt Úc và nhất là Hội Cựu Quân nhân Quân lực VNCH được mời  đã đóng góp bằng những hình ảnh và di vật, hiện vật treo trên tường của hành lang tầng lầu với khoảng không gian khá dài, có thể tới 40-50  mét. Đó là một vinh dự đối với người Việt Nam vì trong đó có Cờ Việt Nam Cộng Hòa, hình ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam như các Tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lãnh, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết. Một phần của nền văn hóa nhân bản  Miền Nam và sự anh dũng của quân dân Miền Nam trên chiến trường, chống lại cộng quân xâm lược cộng sản Miền Bắc đã được thể hiện và lưu giữ trong viện bảo tàng tầm vóc quốc gia này.

Ông Laine (góc trái) kiên nhẫn tìm chìa khóa để mở cửa chiếc xe NamBus cho khách lên xem. Hình: TVTS

Người viết được một thiện nguyện viên vui tính tên Ben nguyên là một cựu pháo binh từng phục vụ tại Việt Nam trong 11 tháng giới thiệu những khẩu đại bác như Hotwizer hay đại pháo 105 ly mà ông sử dụng trong thời gian năm 1968. Ông nói trong trận Mậu Thân, có ngày pháo binh Úc bắn tới 1,000 trái pháo với số lượng đạn nặng đến khoảng 10 tấn và ông chỉ vào lỗ tai bây giờ phải mang máy trợ thính.

Phái đoàn trong hai chiếc xe bus tới lúc 12 giờ rưỡi trưa và được các nhân viên thiện nguyện của viện bảo tàng phục vụ bữa ăn trưa ngon miệng.

Cuối cùng, cửa xe mở và đây là bên trong xe NamBus triển lãm lưu động. Hình: TVTS

Sau đó một số người như ông Chủ tịch Cộng đồng Nguyễn Quang Duy, Chủ tịch Hội cựu Quân nhân QLVNCH Đặng Văn Đạt, ông Thái Văn A (Hải quân), LS Hải, bà Bích Cẩm và một hai người khác được mời vào phòng họp gặp ban giám đốc viện bảo tàng trong khi những người còn lại bắt đầu đi xem những thứ được trưng bày trong bảo tàng viện gồm nhiều loại máy bay, súng ống lớn nhỏ, quân phục, hình ảnh, tài liệu và nghe video v.v…

Du khách trên chiếc xe bus  đang xem kỷ vật chiến tranh ở Việt Nam. Hình: TVTS

Mượn “viện bảo tàng lưu động” NamBus

 

 

Phía viện bảo tàng gồm có ông Braxton Laine với bà Wendy Anderson làm thư ký ghi biên bản buổi họp.  Sau phần giới thiệu của hai bên, ông Tổng giám đốc Laine  cho biết mục đích của viện bảo tàng từ khởi đầu là nhằm giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ để họ hiểu biết tại sao có chiến tranh dù không ai muốn giải quyết bất cứ vấn đề gì bằng chiến tranh. Bởi vậy, ngoài viện bảo tàng quốc gia này, còn có những buổi triển lãm lưu động bằng chiếc xe lưu động (mobile museum) có tên “NAM BUS” tới các trường học để tuổi trẻ biết chuyện gì đã xảy ra trước đây.

Một góc khác trên xe bảo tàng lưu động. Hình: TVTS

Các ông Duy, LS Hải, ông Đạt, bà Cẩm, ông A thay nhau trình bày những ý kiến hay kể lại những gì mà họ đã đóng góp trong viện bảo tàng này.

Ông Laine hỏi Cộng đồng muốn viện bảo tàng giúp hay đóng góp những gì trong cuộc triển lãm tại Hội Chợ Tết 2025 để xem họ có thể cho mượn được những thứ gì bởi có những thứ không thể  đưa ra khỏi viện bảo tàng.

Ngoài những lời đề nghị bằng miệng được ghi xuống trong buổi họp, ông Laine nói Cộng đồng khi trở về nên ghi ra trên giấy những thứ mà Cộng đồng muốn gởi cho họ. Ngoài hình ảnh, quân phục, video mà viện bảo tàng có thể cho mượn, ông cho biết viện bảo tàng có thể cho mượn nguyên cả chiếc xe bus được dùng trong nhiều năm qua làm viện bảo tàng lưu động triển lãm khắp tiểu bang Victoria và cũng từng lái lên tận Sydney.

Một số du khách chụp hình lưu niệm với Ban Giám đốc NVVM trước khi về Melbourne. Hình: TVTS

Nghe được chuyện này, mọi người rất vui mừng vì mới gặp lần đầu mà đã được hứa cho mượn cả chiếc  xe “mobile museum”. Mọi người náo nức đi xem, nhưng vì lâu ngày không mở cửa xe và khách muốn xem bất ngờ nên ông Laine đã phải đi vô đi ra tìm đúng chìa khóa cả hơn mươi phút mà vẫn không mở được.

Mọi người vào bên trong viện bảo tàng tiếp tục xem cho đến khi bà Anderson vào báo cho biết đã mở được “viện bảo tàng lưu động”. Ông Laine kiên nhẫn và rất vui vẻ với khách khiến không khí thăm viếng càng trở nên thân mật hơn. Mọi người đồng ý chuyến đi thăm quá thành công, bởi chỉ một cái thư viện lưu động với rất nhiều tài liệu, phim ảnh, có đèn và máy lạnh thì sẽ được khách du xuân đến xem trong Hội chợ Tết Ất Tỵ.

Tổng Giám đốc NVVM Braxton Laine (giữa)  bên cạnh LS Hải và bà Bích Cẩm trước khi phái đoàn rời bảo tàng viện. Hình: TVTS

Ông Laine rất thích thú khi nghe Hội Chợ Tết năm 2024 có khoảng 20,000 lượt người xem và cho rằng đấy là dịp để người Úc biết thêm về viện bảo tàng quốc gia của cựu chiến binh Việt Nam.

Trước khi trở về Melbourne, hai bên hẹn  gặp lại nhau một lần nữa trước khi Hội Chợ Tết 2025 bắt đầu, để bảo đảm mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ, nhất là khi đưa chiếc xe “viện bảo tàng” lần đầu cho công chúng Việt Nam và khách Úc xem tại Footscray Park vào tháng 2 năm 2025.

Nguyễn Hồng-Anh,

Melbourne 7/7/2024

(Trích báo điện tử www.etvts.com.au số 1991 phát hành ngày 10/7/2024)

YouTube THỜI SỰ TRONG TUẦN. Thăm viện bảo tàng National Vietnam Veterans Museum ở Phillip Island  ở phút 17’16”: