Thủ tướng Úc với vẻ mặt sợ hải đang được bảo vệ bởi người an ninh và tấm khiên, theo sau là Thủ lãnh Đối lập.
![]() |
Hình ảnh này sẽ đi vào lịch sử chính trị và có thể cả… phim ảnh. Photo courtesy of AAP |
Ngày Quốc Khánh Úc đã trở thành một cuộc bạo động và làm trò cười cho thế giới khi đám biểu tình người Thổ dân quá khích đe dọa Thủ tướng Julia Gillard và Thủ lãnh Đối lập Tony Abbott khiến an ninh và cận vệ kéo bà thủ tướng chạy thoát, làm bà gần té và rớt mất chiếc giày. Hình ảnh cho thấy vẻ mặt sợ hãi của người đứng đầu nước.
Không những người Úc bình thường cảm thấy bất nhẫn và tức giận trước hành động của những người hành xử như côn đồ đối với hai nhân vật đứng đầu của đất nước mà ngay cả các nhà lãnh đạo của cộng đồng Thổ dân cũng lên án, nói đám người tấn công bà Gillard và ông Abbott không đại diện cho họ.
Theo tin tức từ Canberra thì khoảng 1,000 người tụ họp tại căn lều trước Quốc Hội cũ có tên “Lều Đại Sứ Thổ dân” để đánh dấu và kỷ niệm 40 năm ngày các nhà hoạt động Thổ dân đã dựng căn lều này để đòi quyền của người Thổ dân.
![]() |
Bà Gillard đánh rơi chiếc giày chân phải khi xuống các bậc cấp. Photo courtesy of AAP |
![]() |
Bà Gillard bị kéo lê trong khi cảnh sát mở đường. Photo courtesy of Alex Ellinghausen, source: The Age |
Cựu Thủ tướng John Howard lúc cầm quyền cũng có ý định dẹp cái lều này nhưng sợ phản ứng và hậu quả về chính trị mặc dầu phần lớn dân Úc cho đây là một hình ảnh xem ra ngứa mắt.
Nhân ngày Lễ Quốc Khánh, vào 11 giờ sáng khi được một đài phát thanh ở Sydney hỏi ông nghĩ sao về cái Lều Đại Sứ đó và có nên dẹp đi không, ông Abbott giải thích một hồi với lời lẽ bình thường, thận trọng, nhìn nhận di sản của Thổ dân, nhưng kết luận rằng “cũng đã đến lúc đi ra khỏi nơi này” (nguyên văn tiếng Anh: I think it probably is time to move on from that).
Đến 1.30pm, ông Michael Anderson, một trong những người đồng thành lập “Lều Đại Sứ” đọc diễn văn kỷ niệm. Sau đó, một người cho biết vừa rồi ông Abbott nói trên đài phát thanh ở Sydney rằng ông muốn dẹp cái Lều Đại Sứ mà người Thổ dân cho là linh thiêng.
Trong đám đông có người hỏi thế thì ông Abbott hiện ở đâu, và rồi có người chỉ về phía nhà hàng The Lobby ở gần Quốc Hội Mới. Thế là đám đông khoảng 200 người kéo nhau qua bên nhà hàng The Lobby, nơi đây bà Gillard đang làm lễ vinh danh những người cứu hỏa, có sự hiện diện của ông Abbott.
Đám người biểu tình la hét, đập tường kính của nhà hàng. Ở bên trong, bà Gillard thấy được cảnh biểu tình bạo động này. Sau nửa tiếng đồng hồ bị vây bên trong, các nhân viên an ninh và cận vệ bắt đầu cảm thấy không an toàn cho các nhà lãnh đạo. Họ sợ kiếng sẽ bị đập vỡ và gọi điện thoại cho cảnh sát tới giải vây.
Vài phút sau, trong khi cảnh sát ngăn chận đám biểu tình, các nhân viên an ninh hộ tống đưa bà Gillard và ông Abbott đi ra một cửa hông và chạy vội tới xe của bà Gillard đậu ngoài lề đường.
![]() |
Paul Coe đưa cao chiếc giày của Thủ tướng Gillard tại Lều Đại sứ Thổ dân ở Canberra chiều 26/1/2012. Photo courtesy of Alex Ellinghausen, source: the Age |
Vì phải xô lấn và đẩy kéo nên bà Gillard ngã chúi vào ông an ninh trong tư thế bị kéo lê, bỏ lại chiếc giày bị tuột, bày bàn chân phải trần. Cách bà Gillard khoảng một thước, ông Abbott vừa được bao bọc bảo vệ vừa bị đẩy về phía trước để mong thoát khỏi đám người bạo động đuổi theo.
Thế là lần đầu tiên hai đối thủ ngồi chung trong cùng một chiếc xe hơi của chính phủ.
Ngay sau biến cố này, trong khi ông Abbott không (hay chưa) có lời bình luận, bà Gillard cho hay bà “không sao cả” nhưng tức giận vì buổi lễ vinh danh những người chữa lửa (nhân viên Dịch vụ Cấp cứu) đã bị phá hoại bởi một số người.
Nghe nói cảnh sát Lãnh thổ Thủ đô sẽ không truy tố những người dính dáng trong vụ bạo động này.
Các lãnh tụ thổ dân liên quan vụ này khi thì nói sẽ trả chiếc giày lại cho bà Gillard như là một “hành động tỏ sự thiện chí và hợp tác”, khi thì nói chờ bà Gillard đến xin mới trả lại, khi thì cho rằng chừng nào bà ký hiệp ước với (chính phủ) Thổ dân thì mới trả.
Thậm chí có người nói sẽ đem chiếc giày cỡ số 36 màu xanh đậm bán đấu giá trên e-Bay để lấy tiền tranh đấu cho lý tưởng của họ.
Tin về biến cố Thủ tướng Gillard bị mất giày, kéo ngã trong vòng tay người an ninh đầu trọc đẹp trai đã trở thành câu chuyện cho các nhà phát thanh bình… loạn. Là tin hàng đầu trên thế giới.
Người Úc chấp nhận biểu tình, nhưng trong hòa bình. Họ tôn trọng tự do ngôn luận, phát biểu ý kiến, nhưng tấn công một vị thủ tướng và tấn công ngay trong ngày lễ Quốc Khánh Úc là điều không ai chấp nhận.
Những người biểu tình đó không thể đứng trên pháp luật.